Bóng mây của niềm bâng khuâng




Lời nói đầu cho cuốn "Buổi chiều ngồi hát" - tập truyện ngắn của Nguyễn Việt Hà, Nxb Trẻ, 2016.

Truyện ngắn liệu có thể là bài tập cho tiểu thuyết? Nhìn câu chữ bề ngoài và theo chính tác giả nói, nhiều tứ trong các truyện ngắn trong tập này là khởi thủy cho những trang tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà. Nhưng về cấu trúc nội tại, những truyện ngắn này có đời sống độc lập. Chúng có độ gọn gàng chặt chẽ cần có, và chúng cũng có những độ mở, những “đầu chờ” khiến người đọc có được sự bâng khuâng. Truyện ngắn tạo được cảm giác bâng khuâng ngơ ngẩn khiến người ta nghĩ tiếp. Dư âm của nó tựa như lúc nhân vật của Nguyễn Việt Hà bỏ đi, trời Hà Nội “lãng đãng nhiều sương mù và sau đám dày sương sớm ưng ửng vài vệt nắng nhẹ”.

Vẫn là lối kể ấy, không thể khác biệt hơn, truyện ngắn Nguyễn Việt Hà là sự pha trộn những mảng miếng nhẩn nha của tạp văn và sự ăm ắp cồn cào của tiểu thuyết. Trong hơn 20 năm, mỗi năm chỉ chừng một vài truyện, có lẽ là quá kiệm chữ so với sức viết tạp văn (vốn đã có đến hàng trăm bài và nửa tá cuốn ăn khách), cho thấy sự kỹ tính và còn là cầu kỳ của tác giả. Vẫn viết về Hà Nội, một Hà Nội rất đặc trưng, rối bời lộn xộn trong cả sự bình lặng, đến nỗi bâng khuâng cũng không đủ dài hơi, như đám mây trắng đương “kỳ vĩ hắt vài vệt hoàng hôn xuống mặt nước xanh” đã thoắt “bớt trắng hình thù nham nhở đứng im”. Nhân vật nữ - một cô gái Hà Nội sành sỏi và hão huyền, hệt như thành phố của cô ta - từ chối nhìn màu mây, cũng là từ chối nhìn thấy hiện thực bẽ bàng phô bày khi cái vẻ đẹp tráng men kia tan biến.

Chớp bắt được những khoảnh khắc ấy, những khoảnh khắc chỉ bật lên ở thể loại truyện ngắn, Nguyễn Việt Hà ý thức rất rõ đang bếp núc ở một lĩnh vực đòi hỏi công phu không kém tiểu thuyết. Những khoảng bâng khuâng “lửng lơ ốm” ấy sẽ chìm nghỉm trong dày đặc chữ lý sự của tiểu thuyết, hoặc rất bơ vơ lạc lõng trong cà kê chua cay của tạp văn. Ở đây, truyện ngắn là cái áo vừa vặn của những nỗi bâng khuâng. Tâm lý của con người đô thị trong các truyện ngắn đầy nỗi nhớ nhung một kỷ niệm đã vơi cạn, thăm thẳm buồn trong sự tha hóa không cưỡng được: những gã đàn ông vùi mình trong men cay, toan tính bỏ đi mong tìm chân lý, tìm sự thoát ngộ, hoặc mãi không thoát khỏi bóng mối tình đầu, đều “mãi không tới núi” hoặc cái có được “vẫn chỉ là mây trắng” như những tên truyện nhiều ám dụ.

Nói về cách viết, trước đây đã có nhiều cuộc tranh luận về “truyện có truyện” và “truyện không có truyện”. Đến giờ, có thể nhờ vào những phân tích của lý thuyết văn bản học hoặc diễn ngôn, người ta đi đến một nhận thức rằng cho dù tác giả không chủ đích kể một câu chuyện “cổ điển ba hồi” thì nó vẫn gợi ra một câu chuyện nội tại. Ngay cả cách đọc, giờ đây cũng khác. Nếu tóm tắt hay kể lại cốt truyện của Nguyễn Việt Hà thì chẳng thể làm được, mặc dù giọng điệu có vẻ như đang giãi bày chuyện một anh công chức cố nhoi lên chức phó phòng tép riu hay một cái quán karaoke đèn mờ đủ thứ vật vã. Giữ chân người đọc, hẳn là cái gì đó xa hơn cốt truyện.

Như tên một truyện ngắn trong tập, giữa“Trùng trùng điệp điệp” những điều muộn phiền vây bủa quanh đời, làm thế nào để thoát khỏi chúng, Nguyễn Việt Hà hình như vẫn không giấu một chút gì khắc khoải, mơ mộng. Nó cũng như đời sống ở một thành phố bụi bặm đến nhem nhuốc cả tình yêu, từ trời rơi xuống đôi mặt hồ in bóng mây của niềm bâng khuâng.


Nguyễn Trương Quý

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm