Gặp Hà Nội bên bờ biển Pháp

Cách đây hai năm, khi đọc cuốn tiểu thuyết “Yersin: dịch hạch và thổ tả” của Patrick Deville, tôi đã ấn tượng dòng mô tả về Hà Nội năm 1902 và sau đó 112 năm, những ngôi nhà sau những rặng cây xanh um, bên trong những hàng rào sơn trắng, “gợi nỗi nhớ nhung đâu đây về Cabourg và Deauville”. Cuốn sách tái hiện cuộc đời của bác sĩ Yersin, người đã sống hơn nửa cuộc đời với đất nước Việt Nam, một nhà bác học bắc cây cầu nối hai nền văn hóa. Cuối thập niên 1920, một nhà văn Pháp đã viết về Hà Nội: “bầu trời trong xanh và cao tít, tiếng chim kêu làm tôi tưởng mình đang ở Paris vào một sớm mùa xuân đầy nắng”.

Thế là chuyến đi châu Âu gần nhất, tôi đã không có nhiều đắn đo khi mua vé tàu từ Paris ngược lên bờ biển Normandie, để vừa ngỡ ngàng vừa vui mừng khi gặp những hình ảnh quá quen thuộc của những góc phố Hà Nội, Đà Lạt… Chỉ khác là ở những thành phố nhỏ Deauville hay Cabourg, tôi không có phương tiện nào khác ngoài thả bộ dọc theo những con phố yên tĩnh, vườn cây nối tiếp vườn cây. Những ngôi biệt thự có lẽ đã là nguyên mẫu cho những công trình dân sinh ở Hà Nội cùng thời, hoặc những nhà quy hoạch thời ấy đã chịu ảnh hưởng của lý thuyết thành phố vườn. 



Deauville

Dĩ nhiên khi trở về thành phố mình sống, tôi dễ thất vọng khi những phiên bản đã bị biến dạng. Tôi biết Hà Nội đã vượt ra khỏi khuôn khổ một thành phố nho nhỏ như quy hoạch ban sơ, với quá nhiều chức năng phức hợp hơn cái thời đầu thế kỷ trước. Bởi vì những cánh đồng xung quanh thành phố đã trở thành bãi chờ của các khu đô thị mới, của việc thổ cư hóa thành phường, quận nội thành. Trong khi ấy, chuyến tàu chở tôi rời Paris xuyên qua những cánh rừng, đồng lúa và đồng cỏ, nơi những con bò nhẩn nha gặm trong nắng thu. Thành phố và nông thôn nối tiếp nhau không mấy xung đột về bề ngoài. Những tòa nhà thấp dần rồi cứ thế toàn những mái ngói, mái lợp đá xinh xắn, gần như không một tòa nhà mái bằng nào xuất hiện trong đường chân trời. Trong khi đó, bên cánh đồng những làng của huyện Từ Liêm cũ, nay là hai quận Bắc và Nam Từ Liêm, chen chúc những tòa tháp cao hàng chục tầng. Ngôi làng cũ của những thôn xã phên giậu kinh thành xưa bỗng dưng lọt thỏm giữa các khu đô thị mới, với đường làng xưa thành ngõ phố mới, chật chội và lộn xộn hệt như các phường sinh ra từ mấy chục năm qua của quận Đống Đa hay Thanh Xuân.

Dĩ nhiên nhiều khu đô thị cũng được đầu tư về cảnh quan và chất lượng dịch vụ, như thể những thành phố trong lòng thành phố, nhấn mạnh yếu tố sân vườn và môi trường như một giá trị gia tăng. Những đường nét tân cổ điển cũng nhắc nhở nỗi nhớ về một ký ức xưa. Nhưng tại sao lại cắt đứt mối dây liên hệ giữa phố cũ và làng xưa, mà thay thế bằng những mô hình mới và lại tái hiện mối liên hệ một cách máy móc vậy?

*

Ở phố cũ Hà Nội, có một trục đường đáng được xếp vào kỷ lục về mật độ cây xanh và vườn hoa. Chỉ dài chừng 2km đã có tới 9-10 vườn hoa, dọc theo một trục có bề rộng 100m. Đây cũng là trục có nhiều ngã sáu kiểu quảng trường ngôi sao, ảnh hưởng từ quy hoạch tân cổ điển duy lý. Nó bắt đầu từ trung tâm của Hà Nội thời thuộc địa: quảng trường trước tòa nhà Ngân hàng Nhà nước, với vườn hoa Lý Thái Tổ (tức vườn hoa Chí Linh cũ), tiếp đó là vườn hoa Diên Hồng theo trục Lý Thái Tổ dẫn về quảng trường Nhà hát Lớn, với hai bên là vườn hoa Cổ Tân và vườn hoa Cách mạng tháng Tám. Chúng ta đi theo phố Lê Thánh Tông để gặp vườn hoa Tao Đàn ở ngã ba với phố Lý Thường Kiệt, trước cửa Đại học Đông Dương cũ (chính là nơi lập trường Y đầu tiên do Yersin làm hiệu trưởng, nay là trụ sở một nhánh của Đại học Quốc gia), một công trình kiến trúc của KTS Ernest Hebrard, nhà quy hoạch của Hà Nội thời kỳ 1930. 



Trục vườn hoa Hàng Vôi-Yersin (Hà Nội)

Đi xuôi tiếp hơn hai trăm mét, đến ngã sáu Trần Hưng Đạo, ta gặp vườn hoa Bình Than, một vườn hoa được tạo nên bởi phố Tăng Bạt Hổ và một nhánh để tạo ra một phố thứ sáu, và chuỗi vườn hoa này được nối tiếp ngay bằng vườn hoa nhỏ nhất trong số các vườn hoa Hà Nội mà nhiều người không biết tên hoặc đã lãng quên – vườn hoa Vụ Quang, đặt tên theo căn cứ khởi nghĩa Cần vương của Phan Đình Phùng. Song song với Tăng Bạt Hổ là phố Trần Thánh Tông, giữa hai phố này là khu vực từng là trường đua ngựa cũ, rồi sau là khu tổ hợp bể bơi, nhà thi đấu, để kết thúc bằng vườn hoa Pasteur với tòa nhà của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, một công trình cùng phong cách với tòa nhà Đại học Đông Dương cũ. Qua một ngã tư bên cạnh tòa nhà là vườn hoa Yersin, cái tên tưởng nhớ vị Hiệu trưởng đầu tiên của trường Y Đông Dương và giám đốc sáng lập Viện Vệ sinh dịch tễ cũng như hệ thống của nó ở Việt Nam. 



Vườn hoa Yersin, Hà Nội

Bên cạnh trục phố này là những khu biệt thự nhiều kiểu dáng, từ phong cách tân cổ điển duy lý và uy nghi xen kẽ kiểu miền Normandie với mái dốc cao lợp đá ở khu vực quanh quảng trường Ngân hàng và Nhà hát Lớn đến kiểu Art Deco và chiết trung những năm 30-40 ở tuyến Tăng Bạt Hổ và ăn ra Phan Huy Chú, Phạm Đình Hổ… Chúng duyên dáng hơn nhiều lần nhờ những hàng cây lâu năm dọc các phố, nhờ những vỉa hè rộng thoáng và nhờ những hàng rào tạo vẻ khiêm cung, lịch lãm.



Biệt thự trên phố Tăng Bạt Hổ, Hà Nội

Chúng ta sẽ không bàn quá sâu về chi tiết kiến trúc và địa danh ở đây, nhưng có cái gì hằn trong cảm xúc cộng đồng đô thị hơn những tên đường phố và công trình mang dấu ấn di sản một thời? Trái ngược với những cái tên nói trên, chẳng hạn như Cầu Giấy, Giáp Bát hay Thanh Xuân Bắc, những địa danh đủ gợi ra hình dung về các vấn đề đô thị: xây dựng thiếu quy hoạch, tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí, thiếu cây xanh…

Những khu đô thị mới được lựa chọn và hút hàng dù giá đắt đỏ, có phần nào hấp dẫn cư dân nhờ câu chuyện tái hiện môi trường sống lý tưởng của một thời đặt trong cái vỏ tiện nghi hiện đại. Huyền thoại thành phố vườn vẫn tiếp tục khi mà các bản thiết kế vẽ rất nhiều cây xanh trồng trên mái nhà cao tầng.

*


Poster kỷ niệm Marcel Proust ở hiên Grand Hotel, Cabourg

Ở Cabourg, hệ thống đường phố được quy hoạch duy lý giống hệt một mạng nhện với vài cung tròn đồng tâm và những con phố hội tụ về công trình lớn nhất nằm bên bờ biển: Khách sạn Grand Hotel. Đây là nơi nhà văn Marcel Proust đã từng ở và viết những trang quan trọng của bộ tiểu thuyết Đi tìm thời gian đã mất – tác phẩm được xem như quan trọng bậc nhất của văn học hiện đại. Dải bờ biển và các thị trấn nhỏ nhắn dọc các triền đồi dốc ra biển là niềm cảm hứng của các họa sĩ trường phái Ấn tượng. Ở hàng hiên khách sạn nhìn ra bãi biển, những dấu tích kỷ niệm của một thời nghệ thuật lấy thiên nhiên làm đối tượng thẩm mỹ được bảo tồn nguyên vẹn. Sau những thế kỷ chìm đắm trong kiểu cách kinh viện tù túng, các họa sĩ đã tìm kiếm vẻ đẹp tự nhiên và niềm vui trần thế. Quy hoạch duy lý ở những thành phố này vẫn lãng mạn bởi những công trình thấp tầng và sự đa dạng của chi tiết kiến trúc ẩn mình sau cây xanh, với những hàng hiên và bancông mở thoáng. Đến những thành phố cỡ trung bình này, tầm mắt và bước chân con người không còn mệt mỏi với hệ thống những đường trên cao và những giao thông ngầm hay nổi. Sống kỹ hơn và thiên nhiên hơn, đã có một thời Hà Nội được quy hoạch theo hướng như thế.



Cabourg - Hà Nội

Trục phố Lý Thái Tổ-Tăng Bạt Hổ đã nhắc đến ở trên, là một nỗi nhớ nhung xa xôi, giờ vẫn còn đường nét của một khu phố vườn, tuy đã nhiều biến đổi. Đi về mạn những khu đô thị mới của Hà Nội như Mỹ Đình, Định Công… cũng gặp một chút không khí ấy ở các khu nhà thấp tầng, nhưng chúng vẫn như những ốc đảo giữa những chung cư cao tầng san sát như chuồng thỏ.
Ở căn phòng số 414 khách sạn Grand Hotel, Proust đã dựng nên một không gian văn học của mình, cũng như những căn phòng của khách sạn Metropole ở Hà Nội, nơi Graham Greene hay nhiều nhân vật từng ở, họ đã nhắc đến thành phố này như một chốn “êm đềm, êm đềm lắm” theo lời danh hài Charlie Chaplin trả lời phóng viên-nhà văn Thạch Lam của báo Phong Hóa năm 1936 khi ông tới đây. Chắc cũng đã có những người theo dấu Greene hay hề Charlot mà đến Hà Nội, cũng như tôi đã đến nơi Proust “đi tìm thời gian đã mất”. 

Nguyễn Trương Quý
(bài đăng trên trang diendan.org số Xuân Bính Thân)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm