Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt

Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật


Nhìn hoàng hôn, chợt nhớ câu thơ rất hay của Thế Lữ thời đi học trong bài "Nhớ rừng". Bây giờ trẻ con có thấy bài này hay nữa không?



Nhưng hồi đi học, bài này không gây cảm giác là một bài "hay" kiểu diễm lệ Xuân Diệu hay thánh thót Nguyễn Bính. Thấy nó hơi kể lể bằng một giọng hơi kịch, hơi diễn cảm kiểu thơ đứng trên bục, thi sĩ mặc trang phục lịch duyệt, động tác cường điệu. Không gian có sắc thái bảo tàng thực vật học. Người ta từng nói Xuân Diệu mới nhất, tây nhất nhưng thực ra đọc rất quen vì nhiều hình ảnh cổ điển và cấu trúc sóng đôi rõ ràng trong ý/câu. Chính Thế Lữ ở bài này lại tây rõ, mặc dù ông là người Việt, viết cả truyện đường rừng sau này (nghĩa là rất hiểu rừng bản địa) nhưng khu rừng trong thơ là rừng nhìn kiểu tây: "lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng" hoặc "những chiều lênh láng máu sau rừng" thì như tả lại bức tranh thám hiểm.

Nhưng giờ thấy bài thơ hấp dẫn vì gợi nhớ những bức tranh trường phái Tiên tri (Nabis), những mảng miếng màu nguyên được công-tua bằng các màu tương phản, những hình thù tuy rõ ràng nhưng bí hiểm. Và nhớ các không gian tái hiện thiên nhiên ở các bảo tàng thiên nhiên ở Áo hay Pháp. Đến đấy, sửng sốt vì gặp Nhớ rừng.

Như thế không gian văn hóa châu Âu được dịch chuyển vào thơ Mới không chỉ ngôn từ, mà còn nằm sâu ở các lớp cảnh có tính chất bảo tàng kia, nhất là cách nhìn kiểu hội họa hậu Ấn tượng. Thậm chí bài thơ của Thế Lữ có thể dùng làm chú thích cho những bức tranh của Bonnard, cho dù chủ đề rừng thì hợp với Rousseau hơn, mà tranh Bonnard thì có chủ đề thần bí kiểu như mấy bài Tiếng sáo Thiên Thai, Hồ xuân và thiếu nữ của Thế Lữ... Nhưng chủ đề và phong cách thì lại khác nhau...

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm