A soft wind of change

(trích từ nghiên cứu, có một số từ tiếng Anh không dịch để giữ được hàm nghĩa)



Go forward in hip-hop, my compatriots

Khi các nhà sản xuất tiến hành thực hiện phiên bản “Giai điệu tự hào”, họ muốn khai thác di sản ca khúc cách mạng để đánh thức sự tự hào của khán giả về đất nước và dân tộc mình. Tuy nhiên, như các nhà sản xuất đã đề cập ở trước, ngay cả những nhà quản lý cũng không tin vào thành công của đề xuất dự án của họ. Trong những số đầu, nhà sản xuất đã mời một số chính khách cao cấp nghỉ hưu nhằm có một sự đảm bảo về mặt chính trị. Những người này không cảm thấy thoải mái chút nào khi tham gia tranh luận và họ thậm chí “gây rất nhiều áp lực… Các khách mời tên tuổi sẽ chịu đựng thế nào việc có những khách mời vô danh ngồi đó chỉ vào mặt họ. Ở những số đầu khi người ta chưa quen thì điều đó rất khủng khiếp.” (Phan Huyền Thư). “Ở những số đầu sự tranh cãi còn rất khủng khiếp, tranh cãi đến nỗi có người bỏ về” (Phạm Kiều Nga).

Những thay đổi trở nên khá tích cực khi chương trình nhận được một số lời khen ngợi từ truyền thông nhà nước, thậm chí “Chủ tịch nước cũng gọi điện khen ngợi” (Phạm Kiều Nga). Đáng chú ý là nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng được mời tham dự hội đồng bình luận lớn tuổi (Số “Xuân chiến khu”, tháng 12/2015). Đây là một sự kiện khá khác thường khi một trong số những chính khách cao cấp nhất của Việt Nam tham dự một chương trình truyền hình thực tế bình dân.

Không chỉ quan điểm chính trị về chương trình cũng thay đổi trong số các nhà quản lý văn hóa, các nhà sản xuất cũng đề ra mục đích cho mình trong việc làm mới di sản ca khúc cách mạng. Nhạc sĩ Thanh Phương, giám đốc âm nhạc của chương trình, nhấn mạnh đến đòi hỏi của chương trình:

“Họ chỉ có một tiêu chí chung là làm mới các bài hát cũ trong thời đại mới này bằng tất cả các thể loại âm nhạc, từ giao hưởng, dân tộc sang hip hop đủ cả. Khi người ta mời đến mình thì mình đã ngầm hiểu là họ muốn làm mới hoàn toàn, vì tôi không làm lại cái cũ bao giờ. Các bài hát đều làm mới về phần phối khí, và khó nhất là giữ được tính chất của bài hát.” (Phỏng vấn 23/3/2017)

Cùng với nhạc sĩ Quốc Trung, một giám đốc âm nhạc khác, Thanh Phương đóng góp một số thay đổi ấn tượng cho những bài hát cũ. Ngay trong số đầu tiên, bài hát Tiến lên chiến sĩ đồng bào của Huy Thục sáng tác năm 1969 phổ thơ của Hồ Chí Minh., Quốc Trung đã bố trí một ban nhạc hát theo phong cách hip-hop. Thanh Phương gợi ý tạo ra một phần mashup (trộn kiểu liên khúc) bằng cách cho một ca sĩ cầm một cái loa đọc một đoạn thơ nổi tiếng trong bài Bài ca xuân 61 của nhà thơ chính trị Tố Hữu theo lối nhạc rap.

Anh giải thích, “Ngày xưa có lối tuyên truyền hơi thô là nói thẳng từ miệng mình đến tai người khác một cách rất trực tiếp. Ngày nay mình tái hiện bằng cách cho cầm cái loa nói trực diện.” Những nỗ lực thay đổi các sản phẩm âm nhạc này đã có một số kết quả, như Thanh Phương nhận thấy, “Sau 3 năm mọi người cũng chấp nhận, kể cả người già. Lớp trẻ thấy hóa ra những bài đấy cũng khá là thời đại chứ không dành riêng cho những người già. Đó là thành công của chương trình.” Những thay đổi này hiển nhiên đã tạo ra một ấn tượng mạnh trong khán giả. Khi thơ Hồ Chí Minh được thể hiện bằng một phong cách hoàn toàn mới, điều này đã gây sốc cho khán giả: “Mọi người tại trường quay đều rất sững sờ và bài hát nhận được bình chọn rất cao. Và sau đó có một phong trào làm mới các bài hát cũ của Việt Nam, kể cả những bài nhạc đỏ cứng cựa.” (Nam, kiến trúc sư, 45). Nhạc sĩ Thế Hiển cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc rock hóa ca khúc Hò kéo pháo của Hoàng Vân, bài hát sáng tác trong chiến dịch Điện Biên Phủ, “bài hát có sẵn tính cách rock nên thể hiện bằng kiểu nhạc rock là rất trúng” (phỏng vấn 23/3/2017).

Sự tiếp nhận của các thành viên hội đồng bình luận, nhất là những người lớn tuổi, có lẽ cần có thời gian. Sự thay đổi này cũng tương tự với phản ứng của các nhà quản lý. Phạm Kiều Nga, người chịu trách nhiệm việc mời khách tham gia, kể về những khó khăn:

“Lúc đầu thì khá khó khăn khi mời hội đồng bình luận lớn tuổi, vì mọi người rất sợ khi động đến vấn đề chính trị, hay là phải ngồi với bọn trẻ con. Có hai luồng suy nghĩ, một là tranh luận vô bổ chẳng đi đến đâu, thứ hai là chương trình chính trị của nhà đài thì ai cũng nói giống nhau. Tôi là người đi mời và phải thuyết phục cực kỳ nhiều. nhưng về sau thì chẳng phải vất vả nữa, mọi người đã dễ dàng nhận lời.” 

Những mối bận tâm của thành viên HĐBL lớn tuổi tập trung vào tình trạng không thoải mái khi họ có thể phải chịu đựng những chỉ trích về các vấn đề đất nước trong quá khứ từ hội đồng trẻ, ví dụ tranh cãi về cách thế hệ trẻ ứng xử với các cuộc chiến tranh cách mạng. Sau khi hai thành viên lớn tuổi Nguyễn Thị Minh Thái và Đoàn Hương thể hiện sự lo lắng của họ về cái nhìn của thế hệ trẻ đối với bản chất của những bài ca cách mạng, thành viên trẻ tuổi Nguyễn Hoàng Điệp khẳng định lại ý kiến của mình và trấn an họ rằng, “Nếu ngày xưa biểu diễn trong rừng cạnh chỗ bom rơi, thì nay chúng tôi thưởng thức trên sân khấu. Bài hát cần được cảm nhận bằng âm nhạc, bằng sự yêu thích trước khi cần phải tìm hiểu, cần phải nghĩ quá nhiều. Tôi nghĩ đó là cái quyền của những người trẻ. Rồi chúng tôi hứa sẽ đọc, sẽ tìm hiểu. Nói vậy chứ cô Hương và cô Thái hoàn toàn yên tâm rằng người trẻ không xa lạ, không đọc hay lạnh lẽo với những cảm xúc của cha anh đến thế.” (Tập “Cung đàn mùa xuân”, 1/2015) 


“Rất mới trong xã hội mình”

Những khán giả tham gia trả lời phỏng vấn nhóm thể hiện những ý kiến đa dạng về các cuộc tranh luận trong chương trình. Một số trả lời rằng họ không thích phần này vì “không hấp dẫn. Ít người có khả năng nói năng tốt, phần lớn rơi vào tình trạng hoặc là quá cứng nhắc bảo thủ hoặc lại thả rông cảm xúc. Ít người có kiến thức sâu về âm nhạc. Ít chương trình có bình luận sâu sắc.” (Nam, giảng viên ĐH, 36). “Các tranh luận nghe như các vị kia ngồi chém gió nên tôi thường không nghe. Nó mang tính sáo rỗng. Chỉ tua để nghe nhạc.” (Nữ, giáo viên, 27). Một ý kiến trung hòa hơn cho rằng “Các ý kiến này đều rất đáng quý, nó làm phong phú thêm sự hiểu biết của khán thính giả truyền hình về ca khúc, về nhạc sĩ, về một giai đoạn, bồi đắp kinh nghiệm thưởng thức cá nhân bằng kinh nghiệm của những cá nhân khác, có thể trao cho người nghe những cảm nhận khác, trái chiều, điều này có thể gợi nhiều suy tư sâu sắc. Tuy nhiên sự cực đoan và tuyệt đối hóa cái cá nhân trong một số đánh giá cũng làm lệch hướng, giảm giá trị của cuộc tranh luận.” (Nữ, giáo viên, 26 tuổi). Sự cực đoan trong ý kiến của người bình luận cũng trở thành vấn đề khi khán giả cho rằng, “Cá nhân tôi không thích chị Minh Thái và Đoàn Hương, vì họ quá khích. Khi không có hai bà ấy, đánh giá của hội đồng fair hơn” (Nữ, nhân viên NGO, 61). Nhà sản xuất Phạm Kiều Nga rất ngạc nhiên khi thấy ở một số cửa hàng bán băng đĩa, người ta bán những đĩa thu lại chương trình nhưng cắt hết các phần tranh luận đi.

Mặc dù một số thành viên hội đồng bình luận lớn tuổi và khán giả không lấy làm hứng thú với phần tranh luận, những nhà sản xuất chương trình vẫn coi đó là yếu tố then chốt của Giai điệu tự hào. “Tham vọng của tôi là muốn tạo ra được một diễn đàn dân chủ không chỉ trên phương diện cảm thụ nghệ thuật mà còn ở chỗ nói lên chính kiến của mình một cách trung thực. Thông qua một bài hát người ta có thể nói được rất nhiều quan điểm để nhìn lại những giá trị lịch sử, thậm chí nhìn lại chính giá trị của bài hát, có những người bình luận thẳng là bài hát này cực kỳ dở, chỉ là thứ tuyên truyền cổ động và không nên dùng. Dân chủ ở đây là người ta dám nói những ý kiến trái chiều mà sau đó không bị trù úm, kỷ luật hay chịu hậu quả.” (Phan Huyền Thư). “Nhưng đối thoại được giữ lại phải gây nên được bức xúc xã hội để tạo ra thành công của chương trình như tôi đã nói. Bởi vì những điều hai bên khen nhau, ru ngủ nhau, hoặc các phân tích sâu sắc về học thuật, khán giả họ không xem. Những cách cãi nhau 'mày ngu thế' tranh chấp nhau từng chữ, đó chính là một thủ thuật của truyền thông. Đơn giản là hai bọn cãi nhau và dân tình vui. Bởi vì bản chất nó là giải trí. Và truyền thông chúng ta hiện nay rất khó tạo ra được điều đấy ở trong công chúng. Đúng sai họ không quan tâm, chúng ta nói nhiều rồi, nhưng người ta phải thấy bức xúc và người ta muốn xem nữa. Họ cáu nhưng họ không tắt tivi, họ muốn thấy nhân vật này đập cho nhân vật kia một phát, đó là cái key của chương trình, nó thể hiện sự bức xúc chung, mong mỏi chung.” (Đinh Công Đạt). Người xem TV có thể không thích những phần bình luận này, nhưng dù sao họ cũng ghi nhận rằng “Cách đối thoại như thế là rất mới trong xã hội mình.” (Nữ, nhân viên NGO, 61). Có người cũng nhìn thấy ở đây một phạm vi có tính vấn đề của câu chuyện về ý thức hệ tại Việt Nam:

“Rất nhiều ý kiến trái chiều mổ xẻ, và nó trở thành cuộc chơi đầu tiên được tiến hành về chủ đề chính trị. Nó đưa ra những câu hỏi về những giá trị bị áp đặt trong nhiều năm. Những người có trí tuệ không chấp nhận phải nghe theo một giáo điều nào đấy cả. Người ta đủ trình độ để nhận thấy đâu là giá trị lịch sử của bài hát và những gì còn tiếp tục. Và tôi thấy đó là lần đầu tiên trên truyền thông nhà nước đã diễn ra điều đó, ít nhất tại trường quay là hàng trăm người rồi còn lọt ra ngoài nữa. Nó là ngọn cờ đầu tiên báo rằng à đến lúc chúng ta được dân chủ hơn một chút sau những gì chúng ta phải trải qua mấy chục năm.” (Nguyễn Hoàng Phương)

Để tiểu kết, tôi đi đến một nhận định rằng, ở chừng mực nào đó, chương trình GĐTH đã làm một sự đổi mới đáng chú ý trong ý tưởng thể hiện các khái niệm tuyên truyền về đất nước và lịch sử. Hiển nhiên là nó tạo ra một số tác động đến khán giả, những người sống trong một đất nước mà các thành tố chính trị nằm lẫn trong các hành vi bình dân thường nhật.

(c) 2017 | Nguyễn Trương Quý

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm