Lại những mùa hoa đỏ

Hôm rồi đi xem Phạm Duy nói chuyện về Thơ phổ nhạc ở 16 Lê Thái Tổ, ra về thấy phượng đỏ "ồn ào" suốt đường phố Hà Nội, đỏ cạnh tranh với tím nhòe nhoẹt của bằng lăng. Năm nay thế nào mà mùa phượng và bằng lăng kéo dài đến vậy.

Nghĩ đến bài Thời hoa đỏ. Cũng là một bài hát phổ thơ. Bài thơ mình đã đọc trong tập Tình bạn, Tình yêu, Thơ của NXB Giáo dục, một tập thơ mà mình đọc đi đọc lại nhiều nhất, và thích thú nhất như hồi mới đọc Thi nhân VN. Quyển thơ nhỏ bỏ túi, trong đấy có nhiều bài thơ mang hơi thở một thời giản dị, chữ nghĩa ôn tồn, không có bài nào gân cốt. Minh họa của Nguyễn Thụ cũng rất tinh tế và trang nhã. Bài thơ viết năm 1972 ở Quảng Trị nhưng bối cảnh là nhớ về Hải Phòng ("thành phố hoa phượng đỏ"), được Thanh Tùng viết sau khi chia tay người vợ đầu. Viết hồi ấy - hồi những bài thơ riêng tư chủ yếu cất trong ngăn kéo, thi thoảng mới được ló dạng, nhưng thi tứ có cái bay bổng của sự thô ráp, cái nghệ nhoi nhói nổi lên trên nền bình lặng tiết chế, những diễn tả về tan vỡ trực diện, không mượn mõ chữ nghĩa, không điệu đà hoa mỹ như thơ tự do Nguyễn Đình Thi hay Chính Hữu vốn hay được dẫn dụ (tất nhiên không có nghĩa là thơ các bác kia không hay bằng). Giọng thơ Thanh Tùng cũng gần gũi với những nhà thơ đồng lứa như Hoàng Hưng, Thi Hoàng.

Thanh Tùng cũng được Phú Quang phổ một bài thơ khác là HN ngày trở về, nhưng đúng là Thời hoa đỏ có sức nặng hơn, thành biểu tượng, có lẽ vì sớm chiếm được chỗ trong hệ thống các bài thơ tình đầy trải nghiệm về mối tình đứt đoạn. Sau đấy có nhiều bài thơ như thế, Có một ngày của Nguyễn Khoa Điềm là một ví dụ. Đúng là trời cho những câu thơ: "Có một ngày em không yêu anh. Em đi thật xa, và mặc chiếc áo anh chưa từng thấy bao giờ". Những câu thơ thật buồn và đau đớn. Mà rất đàn ông. Có một ngày sau cũng được Phú Quang phổ nhạc.

Nhưng Thời hoa đỏ khi thành bài hát của Nguyễn Đình Bảng thì hơn đứt hai bài Phú Quang kia. Phú Quang phổ thơ thành những bài hát hay, nhưng là những cái hay dễ đoán, ít bất ngờ. Có lẽ Em ơi Hà Nội phố vẫn là đỉnh cao không vượt qua được của nhạc sĩ. Bài hát phổ từ một bài thơ rất dài của Phan Vũ, một phần tư thế kỷ trôi qua nhưng nghe vẫn thấy không cũ. Có lẽ ca khúc và thơ VN chung nhau một giá trị, và giá trị này làm cho mấy thứ đó hay - là những trải nghiệm về mất còn. Những bài tình ca vui của VN hiếm hoi bài hay, có thể vì người VN không tài trong cái vụ hài hước dí dỏm. Vui vẻ duyên dáng có sắc thái trữ tình (Bức họa đồng quê, Ô mê ly), hoặc vui khải hoàn (những bài hát nhạc đỏ) thì hơi bị khó đem ra tán nhau được.

Nguyễn Đình Bảng theo mình là một nhạc sĩ đặc biệt. Đúng như hình dung của mình về một thế hệ các chú, các anh làm văn nghệ: quần áo hơi nhàu nhàu, tóc tai lộn xộn, thuốc lào thuốc lá, chỗ làm việc hay chỗ ở lúc nào cũng bề bộn, lúc nào cũng có khách qua chơi. Nhưng cái đặc biệt của NĐB là ông vốn là nhạc công chèo, quê vùng chiêm trũng Hà Nam, rồi cũng không phải là người được đào tạo quy mô ở nước ngoài như kiểu Trọng Đài, sau ông học sáng tác ở Nhạc viên khóa 73-78, mà mấy bài hát của NĐB viết từ lâu lắm rồi, hai chục năm nghe lại vẫn thấy hiện đại.

NĐB cũng chỉ có 4 bài hay được hát: Thời hoa đỏ, Cơn mưa em bất chợt, Hai nửa vầng trăng (thơ Hoàng Hữu, cũng có trong tập Tình bạn, Tình yêu, Thơ), Khỏa trần Trường Sơn. Những bài này rất khác biệt và gây ngạc nhiên. Thời hoa đỏ chắc phải được hàng chục ca sĩ hát. Cơn mưa em bất chợt một thời nổi với Nhã Phương, sau này Trần Thu Hà hát lại theo phong cách mới cũng hay. Hai nửa vầng trăng mới thấy Ngọc Tân hát. Khỏa trần Trường Sơn thì kì dị, một bài hát khó hát, "điên dại" nhưng gây ấn tượng mạnh mà sau này Ngọc Đại đi theo hướng ấy (đọc thêm phần phân tích của Jason Gibbs về bài này - Những biểu tượng của cuộc chiến tranh chống Mỹ trong ca khúc Việt Nam sau 1975, in trong Rock Hà Nội và Rumba Cửu Long).

Đọc trên mạng thì thấy NĐB viết Thời hoa đỏ khi được cho đi trại sáng tác ở Liên Xô năm 1989. Nhưng sang đấy ông bị viêm phổi vì lạnh, sau chuyển thành lao (http://nld.com.vn/157633P0C1020/nhac-si-nguyen-dinh-bang-va-ca-khuc-thoi-hoa-do.htm). Phần lời bài hát không dài lắm, nhưng phân làm đến 3 đoạn nhạc. Có khi đoạn phiên khúc được dùng làm intro, kiểu như một bài hát lồng trong bài hát (ứng với nội dung ca từ: Em thầm hát một câu thơ cũ... câu thơ hát về một thời yêu đương). Tùy vào bản phối mà phần này được sử dụng dạo đầu hoặc ở đoạn nhạc giữa hai lần hát. Phần này có vẻ hợp cho đàn dây kiểu violin. Nghe bài hát hình dung ra khung cảnh ở những lớp học của trường nghệ thuật HN ở số 8 Hai Bà Trưng hay trường Việt Đức ở phố Lý Thường Kiệt những trưa hè, phòng học cũ thênh thang, ngoài cửa nắng chói chang làm rực lên những chùm phượng, những tiếng đàn rít mảnh ngập ngừng rồi hối hả. Nó có không khí của những ngày bình yên, sang trọng và tử tế. Của những đường phố trưa hè vắng lặng, không khí phập phồng trong cái nóng như hun.

Tôi thích những bài hát như thế này, những bài hát giấu được kỹ thuật, để người hát lên không quá khổ sở, không phải chuyển giọng hoặc căng cứng. Cơn mưa em bất chợt chẳng hạn, bài hát rất ngắn, đến giờ ít thấy bài nào trẻ trung được như bài ấy, với những câu thật đắt: Cơn khát, anh uống đầy giọt mưa em... Những bài hát không có những diễn đạt ngớ ngẩn, làm ra vẻ đời sống, thô ráp này nọ nhưng lộ dụng ý như kiểu nhiều bài làm ẩu bây giờ. Tiếc là một phong cách nhạc như của NĐB không có vẻ được tiếp nối dài hơi đến giờ. Bản thân NĐB cũng chỉ viết có ngần ấy! Dù sao, tôi vẫn xếp Thời hoa đỏ là tình ca hay nhất VN.


THỜI HOA ĐỎ - thơ Thanh Tùng


Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao

Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng

Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh

Chẳng cho lòng ta yên


Anh mải mê về một màu mây xa

Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ

Về cái vẻ thần kỳ của ngày xưa

Em hát một câu thơ cũ

Cái say mê của một thời thiếu nữ


Mỗi mùa hoa đỏ về

Hoa như mưa rơi rơi

Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi

Như máu ứa của một thời trai trẻ

Hoa như mưa rơi rơi

Như tháng ngày xưa ta dại khờ

Ta nhìn vào tận sâu mắt nhau

Mà thấy lòng đau xót

Trong câu thơ của em anh không có mặt

Câu thơ hát về một thời yêu thương tha thiết

Anh đâu buồn mà chỉ tiếc

Em không đi hết những ngày đắm say


Hoa cứ rơi ồn ào như tuổi trẻ

Không cho ai có thể lạnh lùng

Hoa đặt vào lòng chúng ta một vệt đỏ

Như vết xước của trái tim.


Sau bài hát rồi em lặng im

Cái lặng im rực màu hoa đỏ

Anh biết mình vô nghĩa đi bên em

Sau bài hát rồi em như thể

Em của thời hoa đỏ ngày xưa

Sau bài hát rồi anh cũng thế

Anh của thời hoa đỏ ngày xưa.

Nhận xét

Titi đã nói…
Bài THĐ mình từng phân tích khá kỹ, ròi được đăng ở báo ÂM nhạc. Nhuận bút chia đôi, mình nửa, NĐB một nửa :-)
Unknown đã nói…
Thế chị đăng lên mạng lại đi, rồi trả nhuận đọc cho em :-)
Titi đã nói…
Vì là phân tích chuyên ngành nên khá khô khan :-D Mí lại có chắc tìm lại được cuốn Âm nhạc ấy không í ? :-)
sonata đã nói…
Nghe lại Thời hoa đỏ nhớ giọng hát Lệ Thu, ca sĩ này người Sài gòn chính cống song hát những bài "Hà nội" hay chẳng kém gì ca sĩ "Hà nội", có khi còn hay hơn, những bài như Thời Hoa đỏ, Em ơi Hà nội phố, Nhớ về Hà nội... chưa thấy ai hát hay bằng Lệ Thu. Xuất thân là một họa sĩ (trường Mỹ thuật Gia định) Lệ Thu có lối hát như vẽ, đầy màu sắc và ánh sáng, nghe Em ơi Hà nội phố Lệ Thu hát như xem tranh ấy, rất ấn tượng.
Unknown đã nói…
Em đọc đâu đó thấy nói Lệ Thu dân Đà Lạt? Chị ấy có chất giọng lạ thật.
Goldmund đã nói…
THĐ ai hát hay nhất nhỉ? Mình thì khoái bản của 3A.
Unknown đã nói…
Có nhiều người hát hay bài này, đây cũng là điều mình thích, vì không khiến mình bó buộc ấn tượng là chỉ có ca sĩ X mới hát hay (kiểu TCS thì KL chẳng hạn). Thấy trước có mấy ca sĩ nam như Hữu Nội, Ngọc Tân hát cũng hay (anh Phan Muôn hát nắn nót quá), nữ thì có Lệ Thu như chị So nhắc, Thái Bảo, Mỹ Linh... 3A thì có lẽ nhờ giọng Ngọc Anh làm cho có chiều sâu.
đã nói…
Hè hè, cứ mỗi lần đến mùa hè là em lại được an ủi âm thầm một tẹo, bởi vì cái tên mình vẫn thường không thích thôi thì ít ra cũng được cái mang tên một loài hoa-mà-mình-thích. Nhưng mà cảm giác về những ngày hè rợp trời hoa phượng i như cảm giác khi nghe bài hát của NĐB, có nỗi nôn nao của những ngày hè buồn mà sôi nổi, hơn hết là cái cảm giác xao xác của nắng và màu hoa đỏ ấy cứ làm người ta cảm thấy mỗi nỗi chia ly nào đó, ở trong chính lòng mình, hay ở trong trời đất..
Chu Chu đã nói…
Bạn Quý viết bài này hay quá...
Mình cũng nhất trí xếp Thời Hoa Đỏ vào hạng nhất, và bổ sung thêm là ca sỹ Lệ Thu học MT Gia Định chuyên nghành lý luận, hình như bà đã định cư ở Pháp (và hát tiếng Pháp vào hàng đỉnh của đỉnh ở VN)

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm