Bữa sáng ở Tiffany's (Xmas most wanted book)

Hàng đã về... Sài Gòn :-) Cuốn sách nên đọc cho mùa Giáng sinh. Sách in tuyệt đẹp, gái thì nên mua cho mình mà trai thì nên mua tặng người yêu. Bản dịch rất đạt của Phạm Hải Anh, truyện hay hơn phim nhiều.

Dưới đây là lời giới thiệu:

CÁI LÕI SẮC CẠNH TRONG VỎ NGỌT NGÀO

Nếu phải chỉ ra mẫu nhân vật nữ nào gây ảnh hưởng về thời trang và lối sống nhất của thế kỷ 20 thì cần nói đến Holly Nhẹ Dạ trong truyện vừa Bữa sáng ở Tiffany’s, một trong những sáng tạo nổi tiếng nhất của Truman Capote và của văn học hiện đại Mỹ.

Trong tuyệt tác đầy cám dỗ và nuối tiếc này, Truman Capote đã sáng tạo nên một cô gái mà tên cô đã đi vào thành ngữ Mỹ và phong cách cô là một phần của diện mạo văn học. Holly Nhẹ Dạ 19 tuổi, từ miền quê lên New York để chen chân vào giới phù hoa. Cô lượn lờ tìm kiếm trong số những người đàn ông giàu có để kiếm nguồn vui tạm bợ. Giữa sự chộn rộn của thói phù phiếm thành thị với vẻ ngây thơ chết người, thật khó đoán đâu là con người thật của Holly. Holly Nhẹ Dạ biết rằng vĩnh viễn không điều gì xấu có thể xảy ra với mình ở tiệm Tiffany’s; sự cay đắng, hài hước, ngây thơ của cô vẫn cứ mê hoặc lòng người. Câu chuyện hài hước và sâu cay đã được dựng thành phim năm 1961 với ngôi sao Audrey Hepburn. Phim và truyện cho đến nay đã trở thành một cặp biểu tượng thời trang và văn hóa kinh điển.


Tuyển tập này có thêm 3 trong số những truyện ngắn nổi tiếng nhất của Capote, Nhà hoa,” “Cây đàn guitar kim cương,”Ký ức Giáng sinh – một trong những truyện ngắn cảm động nhất bằng tiếng Anh.” Đấy là câu chuyện về hai kẻ ngây thơ – một cậu bé và một bà già, bạn thân thiết nhất của cậu, hai kẻ mộng mơ giữa thế giới trần trụi.


Lối văn của cuốn sách đã khiến nhà văn Norman Mailer gọi Capote là “nhà văn hoàn hảo nhất của thế hệ tôi. Ông viết nên những câu văn hay nhất, đẹp đến từng con chữ, từng nhịp điệu.” Có thể nói, truyện của Capote giấu trong sự ngọt ngào cái lõi sắc cạnh và nghiệt ngã của hiện thực.

Truman Capote nói gì về Bữa sáng ở Tiffany's

Bữa sáng ở Tiffany’s là một bước ngoặt trong đời văn của Capote, như ông đã nói với Roy Newquist (Counterpoint, 1964):

Tôi nghĩ mình có hai sự nghiệp. Một là sự nghiệp nảy nở sớm, một kẻ trẻ người non dạ đã xuất bản một loạt sách khá là đáng chú ý. Tôi thậm chí vẫn có thể đọc lại ngay lúc này và đánh giá chúng đầy ưu ái, dẫu đó là việc của một người lạ… Sự nghiệp thứ hai của tôi, tôi nghĩ nó thực sự bắt đầu với Bữa sáng ở Tiffany’s. Nó hàm chứa một quan điểm khác, một lối viết khác ở một đẳng cấp khác. Thực tế thì, lối viết là một sự phát triển từ cách này sang cách khác – một sự cắt tỉa và thanh lược để thành một kiểu văn êm ả hơn, rõ ràng hơn. Tôi không thấy nó gợi liên tưởng, trong nhiều góc độ, bằng tác phẩm khác, hay thậm chí so với hồi đầu, mà giờ đây khó khăn hơn nhiều để làm được. Nhưng tôi chưa đạt tới được điều tôi muốn làm hay gần nơi tôi muốn tới. Có lẽ cuốn sách mới này gần đạt được với điều tôi muốn, ít nhất là về mặt định hướng.

Tiffany’s ở đây cụ thể là cửa hiệu của hãng kim hoàn và trang sức cao cấp hạng nhất nước Mỹ, nằm ở khu thượng lưu Manhattan, thành phố New York. Thực tế cửa hiệu sang trọng này không bán đồ ăn, nhưng qua cách nói của nhân vật Holly trong truyện của Truman Capote, ăn sáng ở Tiffany’s mang hàm nghĩa về một cuộc sống phù hoa, đẳng cấp. Mặt khác, khái niệm không có thực ấy cũng gói ý nghĩa về một ảo vọng hão huyền.

Sách phát hành: tháng 12/2011.
Dịch giả: Phạm Hải Anh.
Giá bìa: 66.000 VND.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm