Tất cả đều là con tôi hay là kịch "phe tả"

Thế nào mà đợt này đọc và xem nhiều thứ liên quan đến các kịch tác gia Mỹ hậu Thế chiến II: Bài giới thiệu sách của Tennessee Williams của Arthur Miller, cuốn Bữa sáng ở Tiffany's của Truman Capote sắp ra. Mấy truyện của Capote cũng chuyển thể thành kịch và phim nhiều nên cũng coi như có chung một mạch.


Arthur Miller và Marilyn Monroe

Hôm qua vừa đi xem vở Tất cả đều là con tôi (All My Sons, 1947) của Arthur Miller ở Nhà hát Tuổi Trẻ, đạo diễn Neil S. Fleckman, diễn viên chính: Sĩ Tiến, Lê Khanh, Thu Quỳnh, Quang Ánh. Trong lời phát biểu của ông tham tán văn hóa ĐSQ Mỹ cũng không quên gài chi tiết Miller là chồng Marilyn Monroe. À mà tuần này phim A Week with Marilyn cũng ra mắt, phim nói về thời cô đào này vừa lấy Miller, và dường như là ngang nhiên vui vẻ với trai lạ xứ Ăng Lê, dù đang đi tuần trăng mật với chồng :-)

Cảnh phim A Week with Marilyn, với Dougray Scott đóng Miller đứng đằng sau Michelle Williams, có vẻ là một vai rất mờ nhạt

All My Sons không phải là mới với khán giả VN, có diễn một đợt vào năm 1972, thời đang đánh nhau với Mỹ và việc quảng bá lúc ấy có lẽ mang dụng ý chính trị nữa. Phần vì tác giả là người thiên tả, thân Cộng, và quan điểm chống chủ nghĩa tư bản cũng như Giấc mơ Mỹ khá rõ ràng nên xem ra thích hợp hơn bao giờ hết khi diễn ở Hà Nội để cho thấy sự thối tha của XH Mỹ. Năm ấy hình như Jane Fonda khi sang VN cũng xem vở diễn này của đạo diễn Vũ Đình Phòng, có NS Lê Mai đóng vai Kate. Vậy là 39 năm sau, con của Lê Mai là Lê Khanh cũng đóng chính vai đó.


Cảnh trong vở Tất cả đều là con tôi của Nhà hát Tuổi Trẻ. Ảnh: nhahattuoitre.vn

Cảnh trong vở diễn trên sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ. Ảnh: nhahattuoitre.vn

Nhưng chừng ấy lần xuất hiện cũng chả ăn thua gì, thêm nữa là đã quá lâu, rồi vở diễn lại trong hoàn cảnh kịch nói HN đang tậm tịt, nhân dân thờ ơ, nhà nước hoang mang, giá cả đang án binh. Sao lại giá cả ở đây? À, vấn đề kinh tế có liên quan, nhất là vở kịch này như mọi sản phẩm phim ảnh kịch nghệ Mỹ, dù thân Cộng hay thân hữu, đều tỉnh táo khi nói về tiền bạc. Arthur Miller dù trong sự hăng hái nhất của lý tưởng, thì vẫn là một người Mỹ. Ông không phải dạng tác gia cánh tả chỉ chém gió, mà rành rẽ cơ chế xã hội, và diễn giải cơ chế ấy thông tuệ. Cái hay của Miller trong vở này là không buông tha cái ý niệm ấy, ém kỹ cho đến cao trào mới bung ra. Dù không thiếu cảm xúc, nhưng sự tỉnh và lạnh quyết định sự thành công của All My Sons.

[spoiled] Nội dung vở kịch thì đơn giản thôi: Ông bà Keller là chủ nhà máy sản xuất thiết bị cho máy bay quân sự trong Thế chiến II. Họ có cậu con thứ 2, Larry, hi sinh ở Viễn Đông. Chiến tranh kết thúc, bà Keller vẫn tin là Larry chưa chết, trong khi Chris, con cả, đem lòng yêu Ann, người yêu cũ của Larry. Ann là con gái đốc công cũ của Keller, ông này đã bị đi tù vì sản xuất thiết bị lỗi để cho 21 phi công thiệt mạng. Rồi hóa ra là kẻ có tội mới là ông Keller, kẻ đã đổ vấy cho bố của Ann. Hóa ra Larry tự tử vì biết nhà máy bố mình hại nước hại dân. Kết cục thì kẻ tự sát, người chia tay nhau, công lý (có vẻ) được lập lại...

Trong lời giới thiệu cho bản in Chuyến tàu mang tên Dục vọng (A Streetcar named Desire) của Tennessee Williams năm 2004, nghĩa là chỉ 1 năm trước khi mất, Arthur Miller đã nói một chút về đạo diễn Elia Kazan, người đã dựng vở All My Sons đầu tiên. Đó là thời của những sự bắt đầu khá hăm hở của những tác giả mới ngoài 30:
"Ký ức sau gần sáu mươi năm không còn đáng tin cậy nhưng vẫn còn đó vài sự kiện, những khuôn mặt, những hội ngộ và những chia ly đã neo chặt trong óc không suy xuyển. Một trong những điều như vậy là cái lần đầu tiên tôi xem Chuyến tàu mang tên Dục vọng. Nó không được khai diễn ở New York. Đạo diễn vở kịch, Elia Kazan, đã gọi điện mời tôi đến nhà hát Shubert ở New Haven xem nó. Kazan đã đạo diễn vở Tất cả đều là con tôi một năm trước và chúng tôi đã trở thành bạn bè thân thiết. Như thường lệ, khi ông có một vở kịch mới, ông tham khảo hầu khắp phản hồi của tất cả mọi người trước khi giới phê bình lao vào mổ xẻ trong niềm tin rằng một ý tưởng quan trọng có thể đôi khi bật ra từ một nguồn không ngờ nhất.

Cảnh trong vở diễn năm 1947 do Kazan đạo diễn, đã được giải Tony cho vở kịch hay nhất và đạo diễn xuất sắc nhất.

Tôi biết Tennessee chỉ rất tình cờ. Khoảng một thập niên trước đấy tôi đã giành được giải thưởng của tổ chức Nghiệp đoàn Sân khấu dành cho những vở kịch mới trị giá 1250 đôla, một gia tài nhỏ vào cái năm Đại Suy thoái đó. Giải thưởng này, vốn dành cho các sinh viên đại học trên cả nước, theo tôi biết thì là nỗ lực đơn lẻ của Nghiệp đoàn, một nhà sản xuất Broadway, nhằm khích lệ những nhà biên kịch bên ngoài địa phận Manhattan. Nhưng Nghiệp đoàn đã có một sự khởi đầu bất thường vài năm trước, khi những nhà lãnh đạo đã tham gia vào Nhà hát kịch Provincetown, nhà sản xuất các vở kịch đầu tiên của O’Neill, và một vài nhà lãnh đạo khác vẫn nuôi dưỡng niềm khao khát bất biến về một sự trở lại với nghệ thuật sân khấu hơn là tiếp tục chôn vùi mình trong tính thương mại. Cuối cùng, những thành viên của Nghiệp đoàn gồm Lee Strasberg, Harold Clurman và Cheryl Crawford đã tách ra để thành lập Group Theatre [Đoàn sân khấu], chính nơi này vào năm 1939 đã trao cho Williams số tiền thưởng 100 đôla cho ba vở kịch một hồi. Chủ tịch ủy ban giải thưởng này chính là vợ của Kazan, Molly Day Thacher. 

Tất cả những điều trên đã nhắc lại tôi nhớ rằng tôi đã biết đến sự vật lộn lâu dài của Williams, song song với của chính tôi, để chen vào được sân khấu Broadway, sân khấu duy nhất vào thuở đó, khi nhà hát ngoại-Broadway vẫn còn chưa ra đời."
Williams, Kazan và Miller năm 1967

Một sự gặp nhau của các tác giả và đạo diễn này là họ đều theo phe tả, và cả Miller và Kazan đều có liên quan đến thời kỳ ảnh hưởng của CNCS ở Mỹ, hay đúng hơn là những vấn đề về đấu tranh bình đẳng xã hội mà khá đông nghệ sĩ sân khấu điện ảnh tham gia. Sau này Kazan có tham gia tiết lộ thông tin về các văn nghệ sĩ thân Cộng trước HUAC - Uỷ ban điều tra các hoạt động chống Mỹ (do TNS McCarthy đề xuất), còn Arthur Miller đã từ chối tiết lộ khi ra điều trần. Tình bạn 2 người gián đoạn trong 10 năm sau đó. Đáng nói là Kazan đã khai ra một số nhân vật văn nghệ sĩ trong Group Theater. Còn trong giới điện ảnh, nhiều người thất bát về sự nghiệp, phải dùng tên giả (như Danton Trumbo viết kịch bản Kỳ nghỉ hè ở Roma, The Brave One) và một số di cư sang châu Âu (như Howard Koch, viết kịch bản CasablancaBức thư của người đàn bà không quen).
Tuy nhiên sau này Miller vẫn lên tiếng ủng hộ các tác phẩm của Kazan, và còn nói "don’t worry about what I’ll think. Whatever you do is okay with me, because I know that your heart is in the right place." Không phải ngẫu nhiên mà Miller đã dẫn khá dài về vai trò của Group Theater như bà đỡ đầu cho các vở kịch của ông và Williams cũng như trao vào tay đạo diễn của Kazan. Một sự nhắc nhở khá thâm thúy.

Nói về vở Chuyến tàu của Williams, Miller cũng gián tiếp nói đến phương pháp diễn xuất mà Group Theater đã mở ra cho sân khấu Mỹ những năm sau Thế chiến II:

"Tâm hồn một nhà văn, một tiếng nói đơn lẻ gần như bao trùm lấy sân khấu một cách kỳ diệu. Nhưng điều đáng kể là, thoại của mỗi nhân vật dường như cùng một lúc rất đỗi lạ kỳ, là của chính ông, chúng dường như tự do tuyên bố sự xung đột giữa chúng thay vì bị trói chặt vào những đòi hỏi của việc kể lại truyện kịch. Nhưng cùng lúc đó, câu chuyện cứ diễn tiến không ngừng, được thành hình như nó đã hiện lên dưới bàn tay của Kazan và một dàn diễn viên không có gì khác hơn là sự siêu hạng. Thực tế, vở diễn này là một thành quả viên mãn nhất của sự tìm tòi thấu đáo kéo dài cả thập niên về Phương pháp Stanislavski của đoàn Group Theatre nay đã biến mất; nó là một hình thức của chủ nghĩa hiện thực đã được cảm nhận sâu sắc đến độ được biết đến như một sự thể cách hóa. Thoại của Williams, nhiều màu sắc và hàm chứa biểu tượng, không bao giờ để cho câu chuyện mờ khỏi tầm nhìn mà tiếp tục đẩy nó đi tới."
Phương pháp Stanislavski, gọi tắt là The Method, vốn được Kazan khai thác mạnh ở Marlon Brando và James Dean, đã đưa những vở như All My Sons, Death of a Salesman và Chuyến tàu trở thành những vở diễn đầu tiên khởi sự cho The Method. Sau đó Kazan cũng là người làm phim, và đã đem lại một cách diễn mới đời sống hơn, thực hơn, so với cách diễn khá cường điệu và ước lệ của trước đó.
"Nói ngắn gọn, vở kịch này đã khiến cho nó dường như có thể diễn tả trên sân khấu bất cứ điều gì hay mọi điều và diễn tả một cách đẹp đẽ. Lần dàn dựng đầu tiên của Chuyến tàu đã làm được điều là cắm một ngọn cờ của cái đẹp trên dải đất của sân khấu thương mại. Tôi tin là khán giả bằng cách nào đó đã hiểu điều này và rung cảm trước bằng chứng thuyết phục dưới tác động của tính trí tuệ và tinh thần đầy nhiệt huyết của nó. Vở kịch này, hơn bất cứ một tác phẩm nào khác của Williams trước và sau đấy, đạt tới mẫu mực bi kịch và cái kết đen tối của nó đã giải quyết tất cả.

Cùng với Williams, sự phát hiện tuyệt vời khác của vở diễn dĩ nhiên chính là Brando, một con hổ sổng chuồng, một kẻ khủng bố tình dục. Chưa ai từng thấy một thứ gì giống như anh ta trước đó bởi vì cái cách tự do như thế trên sân khấu không hề tồn tại từ trước đến giờ. Anh ta gầm lên xúc cảm hoan ca của William về tình dục, sự chân thực khủng khiếp của nó và những phán xét không thể cưỡng lại của nó, và cũng thế với một quyền năng cuốn sạch mọi thứ phía trước nó. Brando là một kẻ man rợ nhưng anh ta chấp nhận sự thực."
Kazan và Marlon Brando trên trường quay phim On the Waterfront (1954) - một bộ phim được xem như câu trả lời của Kazan đối với việc ông liên quan tới Uỷ ban điều tra các hoạt động chống Mỹ (và đáp lại các thông điệp ngầm của Miller): Tôi ghét những kẻ cộng sản và đã ghét nhiều năm rồi, và tôi không cảm thấy đúng khi đi từ bỏ sự nghiệp của mình để bảo vệ họ. Tôi sẽ từ bỏ sự nghiệp điện ảnh nếu như nó cần thiết để bảo vệ những điều tôi tin tưởng, còn chuyện này thì không. On the Waterfront là câu chuyện về một chàng trai đầu gấu ở khu bến cảng đã từ chối bảo vệ cho đám tội phạm vốn là bạn bè, rồi hợp tác với cảnh sát để khai ra những kẻ liên quan.
Sở dĩ phương pháp diễn xuất ấy có được đất tung hoành là nhờ kịch bản được viết bằng những chất liệu đời sống nhiều khi dưới giọng văn khắc nghiệt, những câu thoại có vẻ chừng mực nhưng như tát vào mặt nhau, và sự tương phản giữa những cái đẹp mỏng manh, sự chơi vơi của lý tưởng sống với cái thực tế thô ráp. Điều đó có trong kịch của Miller và Williams, mức độ có khác nhau khi Williams đeo đuổi những ẩn dụ màu mè hơn, trong khi Miller có vẻ như là "đỏ rực". Hãy đọc đoạn sau thì không lấy làm ngạc nhiên khi một thời các vở kịch của Miller được xem như tố cáo chế độ TBCN! Nhưng đó là một cách giải mã sai lệch. Người ta dễ nghĩ Miller thích "làm trò" để gây nổi thay vì ông nhất quán với thiên chức đòi hỏi sự công bằng và trung thực trong xã hội - điều thực ra là thông điệp ở gần như 100% các bộ phim Mỹ.

"Chuyến tàu vào giờ khắc được sinh ra đã ngân lên định mệnh của kẻ ngoài lề trong xã hội Mỹ và dấy lên câu hỏi về sự bình đẳng. Nhưng nó đã làm được điều đó từ nội tại. Thực tế thì Williams đã viết sớm hơn nhiều những gì đã được dán nhãn mang tính xã hội những vở kịch đầy ý thức với một màu sắc Cánh Tả, mang chủ đề cá nhân bị tổn thương chống lại sự bất công của một xã hội tàn bạo. (Vở kịch về chủ đề nhà tù không được dàn dựng trước đó của ông, Not About Nightingales [Không phải về chim sơn ca], đã được Colin Redgrave dựng ở Broadway năm 1999 thành một vở diễn đầy mạnh mẽ.) Với Chuyến tàu và ở các nhân vật khác, nhiều âm điệu bí hiểm hơn như những nhân vật trong Bầy thú thủy tinh, cá nhân và đời sống nội tâm anh ta bày ra giữa trung tâm và các tình trạng xã hội được biểu tượng hóa, như ở Stanley Kowalski và người cha mất tích trong Bầy thú.
Williams nhà thơ không trung lập chính trị như nhiều người quả quyết, và một vài phần trong làn sóng mênh mông của sự ngưỡng mộ Chuyến tàu là sự xác nhận tính chân thực xã hội cũng như chất thơ riêng tư của nó. Và điều may mắn tốt đẹp của vở kịch và tác giả của nó là đã được dẫn dắt bởi Kazan, người hiểu rõ công chúng New York và giữ nguyên vẹn sự kết nối của vở kịch với truyền thống hiện thực chủ nghĩa quen thuộc trong khi cho phép ngôn ngữ của nó được diễn ra tự nhiên. Kazan vốn ít kiên nhẫn với chủ nghĩa biểu tượng và tính trừu tượng, thừa nhận sự không thoải mái của mình với ý tưởng đạo diễn kịch Shakespeare hay các tác phẩm cổ điển khác, và thực vậy đã thất bại một thập niên sau đó với một bản dựng xoàng xĩnh của vở The Changeling, cái xương sống của nó gãy vụn, có thể nói vậy, do nỗ lực cài cắm chủ nghĩa trữ tình vào trong giọng điệu chủ đạo của chủ nghĩa hiện thực đường phố. Tuy vậy, với Chuyến tàu, cái thực và cái trữ tình luôn đan cài uyển chuyển và hòa thành một giọng thống nhất."
Vợ chồng Miller cùng vợ chồng Sir Lawrence Olivier - Vivien Leigh, cặp đôi kịch nghệ và điện ảnh Anh
The Misfits (1961) - Bộ phim với kịch bản của Miller và là vai diễn cuối cùng của MM cũng như Clark Gable trước khi cả 2 qua đời.

Quay lại với vở kịch diễn ra trên sân khấu NH Tuổi Trẻ năm 2011, vì chẳng có vở nào khác để so sánh nên đành chấp nhận đó là một thành công. Phần đầu vở hơi bị dài đối với người xem hiện đại, chắc hẳn là do thiếu sự nhấn nhá trong thoại, cảm giác như bị rải đều ra đến nửa tiếng. Như có thể đoán được, vai Kate do Lê Khanh đóng là điểm nhấn cho vở kịch, dù xuất hiện chỉ phân nửa thời gian. Nếu quen xem phong cách đời sống, nửa đùa nửa thật đầy rẫy trên TV hay tiểu phẩm, thì có vẻ Lê Khanh đóng khá cứng và thêm nữa, cái giọng khô khô, đanh đanh không dễ nghe. Nhưng đó là một diễn xuất làm chủ được vai diễn, đáng được gọi là điểm sáng của vở. Sĩ Tiến đóng cũng rất thú vị, tuy anh chưa lột tả hết uy lực về cái xấu để gây nghẹt thở cho người xem, nên người xem chưa đủ sợ; có lẽ vì vai này rất khó. Kể ra anh hóa trang trông ra dáng ông chủ tư bản của một nhà máy sản xuất xilanh động cơ máy bay thì sẽ thuyết phục hơn. Nam diễn viên chính khá béo về hình thể, mặt mũi giống các bác xe ôm hơn là một giai phố Main Street của Mỹ (Phiên bản phim 1948 của Mỹ vai này do tài tử Burt Lancaster đóng). Nữ diễn viên Thu Quỳnh trong vai Ann có vóc dáng rất hoàn hảo, nhan sắc tựa như Thang Duy trong Sắc, Giới, đóng chưa hay lắm nhưng vẻ đẹp quả rất ăn đèn sân khấu.

Áp phích phim All My Sons 1948 với Burt Lancaster
Vở diễn ở Broadway với John Lithgow, Dianne Wiest, Patrick Wilson và Katie Holmes
Dù sao cũng rất vui khi được đi xem một vở kinh điển không mất tiền! Tôi cũng gặp lại được một Miller mà mình đã tưởng tượng. Tò mò rằng không biết đạo diễn Mỹ này có thay đổi gì so với format của các vở diễn tại Mỹ không, và từ thời Kazan đến giờ, đã thay đổi ra sao? Những vấn đề có vẻ cũng khá cũ, nếu xem ở vào vài chục năm trước thì câu chuyện về sự gian dối trên xương máu chiến sĩ, các ác của giới chủ tư bản... hẳn gây ấn tượng mạnh. Với tôi, hiện giờ thông điệp về sự trung thực và minh bạch trong vở kịch hiện lên đậm hơn.

Nhận xét

Titi đã nói…
Nghe em ta, chi thay may la minh khong di xem vo nay o Nha hat tuoi tre :-P
PS: MM that quyen ru, minh la nu ma cung thich ngam nang :-)
Unknown đã nói…
Ấy chết, đi xem đi chị, vì cũng là một cơ hội xem vở này trong đời. Em không chê, mà chỉ phân tích một cách khách quan thôi :-) Công sức người ta bỏ ra thế cơ mà.
Unknown đã nói…
MM đẹp nhưng kiểu tai họa lắm :-)
Penpen đã nói…
bác Vũ Đình Phòng này có phải là VĐP hay dịch tiểu thuyết ko anh ?
Unknown đã nói…
Đúng rồi đấy, ông ấy dịch nhiều kịch bản sân khấu nữa.

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm