Tiếng hát người cá (sách mới)


9h ngày mai sẽ có buổi giao lưu với nhà văn Masatsugu Ono và ra mắt cuốn Tiếng hát người cá tại Hội quán Sáng tạo Trung Nguyên, 36 Điện Biên Phủ, HN. Sau đây là bài viết trên facebook của nhà báo Lê Hồng Lâm, diễn giả buổi giao lưu với tác giả Masatsugu Ono tại ĐH Hoa Sen, 93 Cao Thắng, Q.3, TPHCM ngày 23.2.2012:

Masatsugu Ono - Người kể chuyện "Vũng"

"Tại bạo lực, tại hận thù. Bạo lực làm cho người ta to ra đó", ông Iwaya nói. "Cha mẹ đánh con cái bao nhiêu thì từ mỗi cú đánh, hận thù nó hằn vào người làm người phình to ra. Nhưng cái hận thù đó không phải sinh ra từ trong con cái qua mỗi cú đánh của cha mẹ đâu. Con nít làm gì có thứ đó. Cái hận thù này vốn ở trong cha mẹ. Rồi mỗi lần đánh, nó nhiễm vào đứa con. Tức là con cái lãnh trọn cái hận thù của cha mẹ. Lãnh hết. Nhưng mà bản thân cái hận thù mà cha mẹ nhiễm sang con cái cũng không tự có trong cha mẹ. Nó bị di truyền từ cha ông. Bởi bạo lực, bởi từng đón đánh."
- "Như vậy thằng nào to con tức là bị cha mẹ đánh nhiều nên mới lớn vậy à?" Ông Someya ngạc nhiên hỏi. Ông Iwaya ngắm cái răng giả trong tay mình, dường như theo nhịp đánh mà răng giả bị tuột ra.
- "Đúng như thế. Takeo đánh bao nhiêu Toshikazu cành to bấy nhiêu. Còn thằng Takeo bị bố nó Shei Anh đánh, bị đòn nhiều nên nó mới to ra như thế."
- "Vậy thằng nào to lớn đều bị cha mẹ đánh à?" Ông Someya hỏi lại một cách nghiêm túc.
- "Đúng như thế, mày thử nghĩ đi Someya. Bố mày có đánh mày lần nào không?" Ông Iwaya hỏi.
- "Ờ để tao nghĩ", ông Someya khoanh tay tư lự.
- "Ai cũng bảo bố mày là 'ông phật Yoshio'. Bố mày thật là lành," ông Hashimoto chen vào một câu nghe xa vắng.
- "Ờ, hầu như tao không bao giờ bị đánh cả... À, nhưng có một lần tao lột trần đứa em gái trói vào cây dã hương trong vườn, tính nhòm vào giữa háng nó thì bị ổng bắt gặp, bị nện cho một cú. Rồi thì... sau đó có thêm một lần nữa. Lúc đó tao đi chơi, từ túp lều củi của Hashimoto trong núi về, tính mang than ba mày cho để vào nhà kho, mở cửa ra thì thấy ba tao với đứa em gái trần truồng. Tao bất ngờ quá. Lúc đó ba tao như con quỷ đỏ mặt gay gắt lên, nện tao một phát. Chỉ nhiêu đó, chỉ hai lần đó thôi. Đúng là ông bố lành như Phật", ông Someya nói một cách tự hào.

Đoạn trích trên lấy từ truyện "Trôi trên vịnh" của Masatsugo Ono, nhà văn người Nhật Bản, tiến sĩ nghệ thuật và khoa học ĐH Tokyo, tiến sĩ văn học ĐH Paris VIII - người có buổi giao lưu với độc giả ngày mai tại HN và ngày thứ 5 tại ĐH Hoa Sen - TP HCM nhân tập truyện "Tiếng hát người cá" của anh xuất bản tại VN.

Tập truyện gồm 2 truyện vừa (Trôi trên vịnh và Tiếng hát người cá) và 1 truyện ngắn (Từ Vũng đến vườn Mộc Lan) - có thể gọi là tiểu luận sáng tác của Ono. Khác hẳn với văn chương đương đại Nhật Bản mà chúng ta đã đọc qua hai ông Murakami, Banana, Ogawa..., và cũng là đề tài nghiên cứu, thuyết trình của Ono tại VN năm ngoái. Văn chương của anh hoàn toàn khác biệt. Chọn vùng đất quê hương, một làng quê hẻo lánh ven biển, Ono như người kể chuyện làng, nhẩn nha từ chuyện này sang chuyện khác. Tất cả hiện lên sống động, bởi lối kể chuyện tỉnh rụi, ít để lộ quan điểm, (như đoạn trích ở trên). Nhân vật chính trong các tác phẩm của Ono không phải là một con người cụ thể nào đó, mà là "Vũng" - được anh định nghĩa "Bờ biển ngoằn nghèo làm nên nhiều vịnh nhỏ, những nơi biển ăn sâu hình thành những làng đông đúc nhà như con hà bám trên vách đá, gọi là ura - Vũng". Và những câu chuyện từ “Vũng” là những thân phận bị lãng quên, bị nhốt chặt trong cái làng chài ven biển biệt lập với thế giới sôi động bên ngoài, bị đọa đày trong cái cõi ngục trần gian. Những câu chuyện nửa hư nửa thật, được kể lại, được thêu dệt qua những người làng lớn tuổi. “Ai quên quá khứ sẽ dẫm phải quá khứ. Phải nhớ điều đó. Phải đền cho quá khứ. Và đây là cơ hội.”

Đọc văn chương của Ono gợi nhớ đến Ngô Phan Lưu của Việt Nam. Cũng chọn một vùng đất để viết, cũng có giọng văn hài hước tỉnh rụi và những chi tiết sắc như dao, cũng viết rất giỏi về những đời người bị lãng quên và sự tha hóa, cái ác hồn nhiên của con người. Trong “Làng quê thì mênh mông”, Ngô Phan Lưu kể về sự u tối, mông muội (thằng con cầu tự, cháu đích tôn của một dòng họ, chỉ vì hai trăm ngàn tiền nhậu mà lên ủy ban xã thắt ống dẫn tinh theo chiến dịch Sinh đẻ có kế hoạch. Đám trẻ con bắt những con chuột đỏ hỏn mới sinh, thổi cho da căng như trống rồi nổ đánh bụp). Trong “Tiếng hát người cá”, thằng con vì làm ăn thất bát, rượu chè, bị vợ con bỏ. Cuối cùng xin vào làm ở một mỏ than, nhưng lười lao động nên mỗi ngày hút 6 bao thuốc, để phổi ám đen, đi bác sĩ xin chứng nhận để ăn bảo hiểm lao động... và đặc biệt là đoạn trích dẫn trên trong truyện “Trôi trên vịnh”)...

Đọc Murakami, Babana Yoshimoto, Ogawa... Nhật Bản hiện lên vừa dị biệt vừa toàn cầu hóa, cái dị biệt hấp dẫn cả thế giới, như điện ảnh của Hayao Miyazaki. Đọc Matsasugu Ono để biết đến một Nhật Bản dị biệt khác, một Nhật Bản của những ngôi làng biệt lập với thế giới bên ngoài, dường như bị lãng quên. Chỉ có những đám người làng ngồi lê đôi mách kể chuyện làng và tự nhủ với nhau “Không được quên quá khứ. Ai quên quá khứ sẽ dẫm phải quá khứ”. Nó như điện ảnh của Ozu trong “Tokyo Story”, “Xuân Muộn”, “Hè Sớm”, “Xuân Sớm”, “Thu Muộn”, hay người hậu bối Hirokazu Koreeda với “Still Walking”, “After Life”...

Lê Hồng Lâm

Thông tin về cuốn sách:


Chọn chủ đề một vùng vịnh nước Nhật xa cách với đô thị trong Tiếng hát người cá, Masatsugu Ono đã tạo ra một cộng đồng riêng vừa thô ráp vừa ngọt ngào, vừa nhiều biến đổi nhưng vẫn giữ những nét truyền thống. Dường như vẫn còn đó một nước Nhật Bản đồng quê không mấy ảnh hưởng bởi kỹ nghệ. Độc giả sẽ được tiếp cận với một giọng nói khác của văn học đương đại xứ Phù Tang.

Tiếng hát người cáTrôi trên Vịnh là một câu chuyện kép về một làng chài Nhật Bản, nơi không gian hầu như bị ngăn cắt với phần còn lại của thế giới, chỉ có rất ít cư dân, và cuộc sống diễn ra một cách trì đọng, buồn tẻ. Những đời người trôi qua lờ đờ, như ẩn như hiện trong mắt người khác và có khi trong chính bản thân người đó, không đầu không cuối…

Tác giả đã sử dụng thủ pháp hài hước, trong mô tả cũng như trong dẫn dắt, nhận định, với một văn phong rất nhiều hình ảnh, gợi mở, khiến người ta nhận ra một “chất Nhật Bản truyền thống” khiến ta ngỡ ngàng trước sự bền vững của nó sau tất cả những quá trình hiện đại hóa đến cực điểm.

Ngoài 2 truyện vừa, tập sách có thêm tiểu luận Từ Vũng đến Vườn Mộc Lan như một cầu nối giữa nước Nhật xa xôi của tác giả với nước Pháp nơi anh làm luận văn tiến sĩ văn học. Hòa trộn giữa hiện thực và trí tưởng tượng, những câu chuyện đem đến cho người đọc nỗi hoài nhớ tuổi thơ, thời mà dường như không có ranh giới giữa con người và thiên nhiên.

Tác giả Masatsugu Ono đã nói với độc giả Việt Nam khi sang thăm Việt Nam năm 2010: “Murakami viết về toàn cầu hóa nên ai cũng cảm nhận được, nhất là giới trẻ. Nhưng Nhật Bản vẫn sót lại những địa phương tiền-hiện-đại-hóa. Từ 1996, dân số Nhật Bản đã bị lão hóa. Ở các đô thị còn thấy nhiều người trẻ nhưng về các địa phương chỉ gặp toàn người già. Đối với riêng tôi, những ông bà già, những câu chuyện dông dài nhà quê lại hợp với tôi hơn, là thế mạnh của tôi. Và cách của tôi là mang tiếng cười vào tác phẩm của mình...”.

Tác giả: Masatsugu Ono
Người dịch: Lâm Thương
Khổ sách: 13x20cm
Số trang: 290
Năm xuất bản: 02/2012
Giá bán: 83.000 VNĐ

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm