Trả bài trên những chuyến tàu
1. Thật hiếm có vùng lục địa nào mà chúng ta dường
như biết rõ như châu Âu. Tất nhiên là chúng ta biết trên sách vở, qua nhà thờ Đức
Bà của Victor Hugo, qua sông Danube của Johann Strauss, qua thành Florence của
người khổng lồ Michelangelo. Có lẽ không mấy người đến được xứ Mantra nhưng đều
biết chàng hiệp sĩ cuối mùa Don Quixote của Cervantes, biết một thứ tinh thần
nghĩa hiệp và một âm hưởng Baroc đầy phóng túng của một lục địa mà biên giới
cày đi xới lại hàng trăm năm. Tinh thần Khai Sáng của các vĩ nhân lục địa này đã
bằng cách này hay cách khác, bén rễ ở Việt Nam, những cái tên phiên âm một thuở
đã gợi lại cho chúng ta không khí ấy, cái buổi giao lưu Đông-Tây mới mẻ (dẫu là
hệ quả của sự cai trị thuộc địa): Mạnh Đức Tư Cưu, Lư Thoa, Thạch Sĩ Ba…
Vì thế mà cuộc du hành châu Âu với tôi phần nào là một
cuộc trả bài. Mỗi địa danh đều âm vang trong đầu như một nơi gọi về những bài học
thuở nhỏ. Khi chiếc máy bay quá cảnh ở sân bay Warszawa, nhìn thấy tên của sân
bay là Chopin, vốn đã biết có sân bay Charles de Gaule ở Paris và Leonardo da
Vinci ở Roma, tôi chờ đợi sân bay ở Viên có tên Mozart chẳng hạn. Tất nhiên
không phải những con đường xuyên châu Âu lúc nào cũng có tiếng đàn tiếng hát
hay hoa nở ngập tràn, nhưng hề gì, trong đầu ta đã tự chơi lấy giai điệu của
mình. Thì đất nước Áo mà tôi sẽ đến chẳng hạn, đã được mệnh danh là đất nước của
âm nhạc và những đô thành duyên dáng soi bóng bên những dòng sông xanh đó thôi?
Hóa ra sân bay quốc tế Viên chẳng có tên gọi riêng
gì cả. Nó ngăn nắp và hiện đại, đường nét đơn giản chứ không rầm rộ khung giàn
như những sân bay các nước “con hổ mới” châu Á. Nhưng tôi đã thấy hình ảnh
Mozart khắp nơi, từ những poster đến vỏ hộp kẹo hình cây đàn violon. Khuôn mặt
xinh xắn của nhà soạn nhạc đã trở thành thương hiệu hấp dẫn ngang với những bản
concerto của ông. Thật hạnh phúc cho một dân tộc đã có một đại diện không ai
dám bàn cãi. Vậy mà dân tộc này cũng đẻ ra Hitler đó thôi? Dân tộc này cũng một
thời hăng máu làm mưa làm gió châu Âu, với đế quốc Áo-Hung có vùng lãnh thổ lớn
nhất lục địa mấy chục năm cuối thế kỷ 19, và cũng là một mắt xích gây ra cuộc Thế
chiến thứ nhất và biết bao cuộc chinh phạt khác.
Hộp kẹo sôcôla hình cây đàn violon có hình Mozart |
Sự mâu thuẫn ấy có ở khắp nơi. Trong cung điện
Hofburg, người ta trưng bày một bức tranh sơn dầu cực lớn vẽ cảnh một buổi hòa
nhạc ở nhà hát cung đình, với rất nhiều nhân vật có thực trên tranh. Vì bức
tranh được vẽ rất lâu, đến khi hoàn thành rồi thì Mozart lúc này bắt đầu nổi tiếng,
thế là họa sĩ đã phải vẽ thêm chú bé Mozart vào như một khán giả nhí. Chân dung
những nhà nghệ sĩ chen lẫn với các nhà quân phiệt, những bức tranh thôn quê
bình yên lẫn với những bức vẽ cảnh binh đao hoành tráng, những tác phẩm lãng mạn
của Klimt đứng không hề hấn gì bên cạnh những bức tranh tân cổ điển nhàm chán
khoe sự no đủ mà tôi không tài nào nhớ xuể.
Tượng đài Beethoven |
Ngoài đường còn mâu thuẫn nữa. Không xa những bức tượng
của các nhà cách mạng của cuộc cách mạng dân chủ năm 1918 là tượng của những
nhân vật cầm quyền Viên có tư tưởng bài Do Thái. Rồi tượng của Franz Joseph I,
chồng bà hoàng Sissi cũng trầm tư nhìn về hướng Beethoven hay Brahms, và dăm
trăm mét trước lối vào cung điện Belvedere mĩ lệ là tượng đài các chiến sĩ Hồng
quân giải phóng Viên năm 1945. Viên cũng từng rơi vào hoàn cảnh giống Berlin,
thành phố chia làm các khu tiếp quản của Liên Xô và quân Đồng Minh cho tới năm
1955. Nhưng ở đây may mắn không có bức tường nào. Ngày nay, có hẳn một khu ngoại
vi là thành phố Liên hợp quốc, nơi đặt một số trụ sở của tổ chức này, có lẽ vì
vị trí trung tâm châu Âu và là “tiền đồn” của Tây Âu giáp với khối phía đông.
Tượng đài Hồng quân Liên Xô ở Viên |
Hình Stalin trong một triển lãm hiện đại ở Bảo tàng LS Nghệ thuật Viên |
2. Nếu ở một thành phố khác, chắc tôi không đủ sức
đi thăm được chừng ấy nơi. Nhưng tất cả các địa danh và nơi chốn của thành Viên
tôi kể ra đây đều nằm gần các tuyến đường tàu điện. Nhờ vào hệ thống tàu điện
vô cùng tiện lợi và giá vé rẻ của Viên mà tôi đã có một cuộc du ngoạn thành phố
trên mặt đất đáng yêu nhất trong cuộc đời mình. Những tuyến tàu điện không mang
tên Dục vọng như ở New Orleans, đã trở thành những cái tên đầy biểu tượng trong
kịch Tennessee Williams, nhưng chẳng làm ai phát điên như Blanche DuBois đã
phát điên trong kịch hay trên phim. Tàu điện Viên khá giống tàu điện Hà Nội
ngày trước, tất nhiên sạch sẽ và còn khá tốt, không còn thủ công chỉnh sào tiếp
điện bằng tay như tôi còn nhớ khi đi tuyến Vọng-Cửa Nam hồi bé.
Ga Schonbrunn |
Tôi dễ dàng xác định được phạm vi khu trung tâm
thành Viên. Chịu ảnh hưởng của đường lối quy hoạch Paris của nam tước
Haussmann, Viên và nhiều kinh đô châu Âu cũng chạy theo lối quy hoạch chuỗi
hình sao, những đường vòng tròn đồng tâm bao lấy các đại lộ nối nhau ở các quảng
trường. Trung tâm của Viên chính là nhà thờ Stefansdom, ngôi nhà thờ cao đến
137m, có từ thế kỷ XII, một trong những nhà thờ cao nhất thế giới ngày nay.
Nhưng sát cạnh đó, ở bên dưới lòng đất là ga tàu điện ngầm đông đúc nhất của
Viên, và khi đào lên, hóa ra còn một nhà nguyện khác đã bị vùi lấp nhiều thế kỷ
ngay cạnh đó. Từ trung tâm Gothic này, thành Viên tỏa ra như vầng mặt trời với
các tia là các con đường dẫn tới các cung điện mang phong cách tiếp nối, từ
Baroc đến Roccoco và Tân Cổ điển. Cuộc điểm danh môn lịch sử nghệ thuật quả là
sẽ làm mệt người chúng ta, những kẻ ngưỡng mộ tinh thần duy mỹ của hàng triệu
con người những thế kỷ trước, thời mà những nghệ sĩ cặm cụi vẽ tranh, đẽo tượng,
viết nhạc trong những điều kiện hạn chế hơn bây giờ nhiều.
Nhà thờ Stefansdom |
Sảnh tầng Bảo tàng Lịch sử Nghệ thuật Viên |
Tàu điện có ở Hà Nội vào năm 1901, cũng cùng thời với
những chuyến tàu điện của Stefan Zweig viết những câu chuyện mẫn cảm nơi thành
Viên, những Bức thư của người đàn bà
không quen, Ngõ hẻm dưới ánh trăng... nhưng số phận không may mắn bằng.
Trong trí nhớ của tôi, tàu điện Hà Nội là dư ảnh cuối mùa của một thời kim khí
lãng mạn, của cái đẹp Art Deco níu kéo những trang trí chiết trung như trên các
tòa nhà phố Tràng Tiền hay Bách hóa tổng hợp cũ. Nó tàn tạ, nó rệu rã, và nó
khó nhọc kéo lê cuộc sống thời bao cấp trên cơ thể thuộc địa của mình. Còn
thành Viên, nơi cũng có hàng tá cuộc chiến tranh, một hai cuộc cách mạng, nhưng
dường như nơi đây nhiều di sản quá, nên không ai phá đi nổi, hoặc tinh thần lưu
trữ và bảo vệ của dân Áo quá mạnh, nên thành phố to lớn mà không có vẻ bệ rạc,
mục ruỗng hoặc bốc lên những mùi nặng nề như những thành phố đầu não khác. Giữa
những bức tranh phong cảnh tả thực trong các bảo tàng hay lâu đài với thành phố
bên ngoài dường như không khác nhau là bao. Ở đây không có gì khiến du khách động lòng vì cái sự “dâu
bể”. Sự biến mất của giới quý tộc hay vương triều Habsburg chỉ còn gợi lại phảng
phất như một minh tinh thời phim đen trắng đã rời màn bạc, nhường chỗ cho những
cô đào mới. Nhường một cách êm xuôi, không than van “cảnh đấy người đây luống
đoạn trường.”
Lâu đài Belvedere |
Belvedere |
Quảng cáo của Bảo tàng nhân chủng học |
3. Phải rồi, cái dễ chịu của chuyến đi chơi những chốn
vàng son này là chúng không làm ta tê tái vì cảnh trí không phơi bày một số phận
bi thương của một nữ hoàng bị chém đầu kiểu Marie Antoinette (bà này cũng người
Áo, lấy vua Pháp Louis XVI) hay số phận thăng trầm của một dân tộc đã từng tìm
cách thâu tóm thiên hạ. Tuyến tàu điện nửa ngầm nửa nổi từ Viên đi Schonbrunn,
cung điện mùa xuân của hoàng tộc, hay chuyến tàu xuyên châu Âu từ Viên đi
Budapest, đi Venice, đi Munich… là những chuyến hành trình về quá khứ của chính
tôi hơn là của lục địa già này. Tôi gặp lại mình thời ngậm ngùi theo mối tình
cao cả của Jan Vanjean, bực bội với sự nông nổi của nàng Esmeralda, sốt ruột với
sự lụy tình đến vong thân của người đàn bà không quen của Zweig, hoang mang về
sự phi nghĩa của chiến tranh với Remarque, phớt lạnh với Hemingway lang
thang Paris “những năm hai mươi điên rồ”…
Hemingway đã nhắc đến nước Áo trong thiên truyện Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro, khi mà trong cuộc đại chiến thế giới lần
thứ nhất, những kẻ bên này đã xả súng xuống binh sĩ Áo đang cầu nguyện, và sau
khi chiến tranh kết thúc, họ lại uống rượu, trượt tuyết cùng nhau… Đó là thiên
truyện tôi thích nhất của nhà văn này, một người cũng khá điệu đà khi tuyên bố
muốn viết “những trang văn xuôi giản dị và trung thực về con người.” Hemingway
có lẽ là một hotboy văn học đầu tiên theo kiểu ta vẫn thấy ngày nay trên các
phương tiện truyền thông.
Tượng Stefan Zweig trong vườn Luxemburg ở Paris |
Quay lại với nước Áo, tôi đã lưỡng lự khi đứng ở ga
Viên, mua vé đi về phía Đông để đến Budapest hay về phía Tây để tới Salzburg,
quê hương Mozart, và xa hơn nữa là Innbruck, thành phố trượt tuyết của Áo, nơi
có một khung cảnh tôi vẫn chỉ thấy trên phim có bối cảnh phù hoa. Chặng nào
cũng chỉ mất độ 3 tiếng, vắng vẻ và thản nhiên như một chuyến tàu xuyên thành
phố, khác xa với cái vẻ căng thẳng, ai nấy chạy tới chạy lui ở những chuyến tàu
Việt Nam. Đi ở những ngã tư đường của Viên, dễ thấy những biển chỉ đường:
Praha, Bratislava, Budapest, Zurich, Venice… Đâu cũng là nơi “đáng đến trước
khi chết” vì tưởng như để khám phá cái mới lạ mà rồi toàn gặp lại chính lòng
mình. Những mạng lưới đường chằng chịt ấy gây nên trong tôi niềm xúc cảm về một
thời đọc những câu chuyện cổ tích của Andersen hay Grimm, bắt đầu bằng câu “ở một
làng nọ, có một chú lừa mơ được tới thành Brehme làm nhạc sĩ…”
Nguyễn
Trương Quý
(TTVH Đàn Ông 2.2012)
Nhận xét
Wish you a good day and full of joy...