Lớp sóng phế hưng


Sóng lớp phế hưng coi đã rộn
Chuông hồi kim cổ lắng càng mau
(Chùa Trấn Bắc – Bà Huyện Thanh Quan)

Trong quá trình thực hiện nội dung cho chương trình phát thanh Bài Ca Hà Nội, tôi lật giở lại cuốn Thế hệ Kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên của Hội KTSVN và Tạ Mỹ Duật - Dấu ấn thời gian. Đã có nhiều sách vở và phim ảnh về di sản kiến trúc của Hà Nội trong mấy năm qua, nhất là dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, nhưng không thấy có chân dung kiến trúc sư nào được gợi lên. Cùng viết và sáng tác về Hà Nội hoặc cho Hà Nội, nhưng các kiến trúc sư thời đầu kém may mắn hơn nhiều so với các nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn, trong khi những công trình kiến trúc đã chi phối đời sống vật chất có thể tận mắt thấy.


Trong cuốn sách thứ hai nói trên, KTS Tạ Mỹ Dương đã viết về người cha của mình, KTS Tạ Mỹ Duật bằng những lời có thể nói cho cả một thế hệ và một di sản kiến trúc HN cũ:

“Về Tạ Mỹ Duật, xét những gì cụ thể còn lại, ông có gì? Có mà như không có, một chút tiếng tăm ở cái thời xa lắc, những công trình đã bị mai một, những tư tưởng và các quan niệm chỉ còn trên trang báo cũ… Trong thời đại hôm nay, liệu những tư tưởng kia có còn gì cập nhật?

Nhưng nghĩ cho cùng, muốn xây dựng bất cứ một cái gì vững chắc cũng phải dựa trên một nền tảng, cái nền tảng ấy về cơ bản là những giá trị văn minh vật chất, những giá trị văn hóa tinh thần được kết tinh từ nhiều thế hệ, thấm dần vào từng con người… họ tạo thành một tầng lớp, với niềm đam mê mãnh liệt và sự nỗ lực cùng mình với một ý thức XH cao, vì sự kiến thiết và phát triển. Vào những năm đầu của thế kỷ XX, dân tộc ta đã có một lớp người như thế.”

Nhưng kiến trúc thì liên quan gì đến chương trình Bài Ca Hà Nội, một chương trình phát thanh vốn kể chuyện lịch sử và cuộc sống Hà Nội có thể hiện bằng các bài hát? Có. Sự thật là khi đặt bút viết kịch bản và lời dẫn, tôi luôn nghĩ đến những không gian phố xá, nhà cửa, sông hồ của Hà Nội, nơi những bài hát cất lên ca ngợi vẻ đẹp của chúng, hoặc đơn giản là mượn cảnh để thổ lộ nỗi lòng. Người ta có thể diễn giải kiến trúc và âm nhạc có chung mối quan tâm đến nhịp điệu và cấu trúc tầng lớp. Tôi nghĩ, kiến trúc đúng nghĩa thì chở phần nào tâm hồn người thiết kế trong đó. Tất nhiên, muốn chở được thì việc xây cất đòi hỏi nhiều điều kiện, mà không phải ai trong số 50 KTS học ra từ trường Mỹ thuật Đông Dương trong 20 năm (1925-1945) cũng thành công. 


Nếu coi cuốn Thi nhân Việt Nam là cuộc điểm danh tương đối công bằng các gương mặt thi nhân Thơ Mới với 40 người, và số người thực sự là tác gia lớn cũng chỉ chục người, thì số 50 KTS kia cũng chỉ có độ dăm bảy người để lại dấu ấn. Kiến trúc là lĩnh vực khắc nghiệt, công trình to lớn đến mấy khi xã hội không cần nữa cũng bị phá bỏ. Nhìn ở phương diện ấy, các KTS tiền bối này là những người có kết quả bi kịch nhất.

Chúng ta từng biết KTS Nguyễn Cao Luyện được xem như người anh cả của Hội KTS VN, ông đã nổi tiếng trước năm 1945 với văn phòng thiết kế Luyện-Tiếp-Đức (chung với KTS Hoàng Như Tiếp và Nguyễn Gia Đức), đã thiết kế một loạt các biệt thự mang phong cách hiện đại và Đông Dương (kết hợp hình thức kiến trúc Pháp-Việt) ở Hà Nội cũng như tham gia phong trào nhà Ánh Sáng cho người nghèo đô thị do nhóm Tự Lực Văn Đoàn đề xướng. Sau này ông là đồng tác giả thiết kế Hội trường Ba Đình. Và như ta biết, công trình này sắp được thay thế bằng Nhà Quốc hội mới. 

KTS Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp, Nguyễn Gia Đức và họa sĩ Tô Ngọc Vân (người đứng giữa cửa) tại 42 Tràng Thi, HN năm 1936
Khu vực quanh đó cũng liên quan đến các công trình của một KTS cấp cao khác: Nguyễn Văn Ninh. Ông là người đã thiết kế Lễ đài Ba Đình 2 lần – năm 1955 với phong cách khai thác kiến trúc cổ có mái cong và 1960 với phong cách chiết trung, sử dụng kiểu kiến trúc tân cổ điển châu Âu. Trên khu đất xây nhà Quốc hội mới từng tọa lạc tòa nhà câu lạc bộ Ba Đình, là sản phẩm kết hợp của KTS Jacques Lagisquet với KTS Nguyễn Văn Ninh. Nếu ai viết lịch sử kiến trúc, cần nhắc tới công trình này như một đại diện của phong cách hiện đại với các mảng đặc rỗng và dùng nhiều mảng kính lớn – điều khá mới mẻ vào năm 1933. Tiếc rằng nay người ta chỉ còn thấy trên ảnh. Phong cách này đã được chính Nguyễn Văn Ninh tiếp tục sử dụng khi tham gia thiết kế khu biệt điện Bảo Đại ở Đà Lạt vào những năm 1938-1943. 

CLB Ba Đình, phố Hoàng Văn Thụ - KTS Lagisquet và Nguyễn Văn Ninh, 1933
Mặc dù đều là KTS “cung đình” của chế độ mới như Nguyễn Văn Ninh, KTS Nguyễn Cao Luyện cũng có một loạt công trình đã bị phá đi như các biệt thự 215 Đội Cấn, 7 Thiền Quang, 104 Yết Kiêu, 1 Phan Đình Phùng, 38 Bà Triệu, 514 Thụy Khuê, trụ sở cũ Quốc hội 35 Ngô Quyền… có thể nói ông là một trong những KTS có nhiều công trình bị phá bỏ nhất VN. 

Biệt thự 215 Đội Cấn

Dĩ nhiên vẫn còn lại một số công trình như biệt thự bác sĩ Nguyễn Văn Luyện, nay là ĐSQ Cuba 65 Lý Thường Kiệt, biệt thự 77 Nguyễn Thái Học của nha sĩ Nghiêm Mỹ, này là trụ sở Liên minh HTX, biệt thự 8A Ngọc Hà, trường Thăng Long phố Ngõ Trạm, bệnh viện 167 Phùng Hưng… còn khá nguyên vẹn, cùng các biệt thự 14 Phạm Đình Hồ, 74 Ngô Thì Nhậm, 16-24 Phan Huy Chú nay đã bị biến dạng. Về lý thuyết, người ta cũng chỉ biết ông với 2 cuốn sách mỏng Từ những mái tranh cổ truyền (1977) và Chùa Tây Phương, một công trình kiến trúc độc đáo (1987), những cuốn sách kiến trúc nghiêng về cảm thụ, bình giá hơn là đề ra một công nghệ, kỹ thuật. Đến giờ, đấy vẫn là hai trong số ít những cuốn sách kiến trúc Việt Nam ra được với công chúng rộng rãi.

Biệt thự 65 Lý Thường Kiệt

Trong khu phố cổ Hà Nội, ngôi nhà duy nhất còn vườn ở số 115 Hàng Bạc, do 1 KTS thời đầu - Phạm Khắc Hệ (tức Phạm Hoàng) – thiết kế vào năm 1944. Ngôi nhà may mắn còn đó, tuy có bị suy xuyển ở lối vào và các không gian cơi nới bên cạnh, song vẫn còn giữ được hình hài chung với bộ mái dốc lớn khai thác hình thức kiến trúc truyền thống. Ngôi nhà ăn nhập với khung cảnh phố cổ trước đây, có thể coi đấy là một lời giải cho việc bảo tồn và tái sinh những không gian sống có chất lượng trong lòng một khu phố đã rệu rã. 

Biệt thự 115 Hàng Bạc - KTS Phạm Hoàng, 1944
Quay lại với KTS Tạ Mỹ Duật. Ông từng được xem như một KTS đắt hàng thiết kế các loại biệt thự và thành công trong các cuộc thi thiết kế kiến trúc trước năm 1945. Những kiến trúc nay vẫn còn như loạt nhà theo kiểu châu Âu như 67 Nguyễn Du (1938), biệt thự bà Đốc Oanh 28 Hàng Chuối (1940), 25 Hùng Vương (1938, cùng KTS Cerutti) và bưu điện quốc tế Bờ Hồ (cùng Cerutti). Nhưng các công trình của ông không nằm ngoài sự thăng trầm của quá trình biến đổi Hà Nội mấy chục năm qua. Biệt thự mang phong cách Đông Dương ở 27 Nguyễn Đình Chiểu ông thiết kế năm 1942 đã trở thành một khu tập thể với đủ thứ cơi nới, trong khi đó biệt thự cùng phong cách của KTS Ngô Huy Quỳnh ở 84 Nguyễn Du đã bị chia đôi để thành 2 quán cà phê mà nay đi qua khó còn nhận ra cấu trúc nguyên bản. 

Biệt thự 27 Nguyễn Đình Chiểu

Biệt thự 28 Hàng Chuối, tác phẩm đầu tay của KTS Tạ Mỹ Duật, 1939
Anh Tạ Mỹ Dương đã cho tôi xem tập hồ sơ kiến nghị về Hồ Gươm của Tạ Mỹ Duật, Nguyễn Khắc Viện và Nguyễn Quang năm 1987 (đã được in trong cuốn sách), với những dòng chữ kẻ tay của một KTS, trình bày, mi trang có phần thủ công với những bức ảnh đen trắng cũ và nền giấy đã ngả vàng. Câu chuyện gìn giữ Hà Nội của các cụ có lẽ không chỉ ở những công trình có thể xây hoặc phá, mà ở một thái độ ứng xử với cảnh quan, và điều không nói ra, là ứng xử với tác phẩm của một thời.

Cuốn sách của anh Dương thực hiện cũng không quên nhắc đến cuộc sống tình cảm của người cha. Ông Duật có hai người vợ, bà cả đã vào Nam từ trước năm 1954, bà thứ hai là cô gái nhà giàu Hà Nội đã ở lại cùng ông, và lại còn một vài mối tình khác, như với một cô gái Nga ở Leningrad những năm 1957-1960. Anh Dương mỉm cười: “Thì em biết KTS bọn mình rồi đấy.”

Bây giờ nhìn lại những gì các KTS như Tạ Mỹ Duật để lại, thực sự không đồ sộ, thậm chí còn không đứng vững trước thử thách của thời gian, nhưng có lẽ có một thứ trụ lại - huyền thoại về sự tài hoa của họ. Tại sao tôi nói huyền thoại, là vì người ta đã xóa dần mất các hiện vật, các công trình bị hủy hoại, các không gian bị xuống cấp. Từ trường kiến trúc cho đến xã hội, không mấy ai biết đến bài học của những kiến trúc này trong khi ai cũng tỏ ý muốn thấy lại một Hà Nội xa xưa./.

N.T.Q
Sách:
+ Tạ Mỹ Duật - Dấu ấn thời gian, NXB Khoa học và Kỹ thuật, 2010
+ Thế hệ KTS VN đầu tiên, NXB Văn hóa - Thông tin, 2008

Nhận xét

Titi đã nói…
Cách đây ít time thôi, chị phải đi chọn cảnh quay cho những ca khúc tiền chiến, nhìn những biệt thử cổ đẹp như ở Nguyễn Đình Chiểu, Hàng Bạc, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Biểu, Quan Thánh... bị xuống cấp , không thể quay được, tiếc ơi là tiếc...xót ơi là xót.
Chị mà là đại gia chị sẽ mua lại, tân trang lại và ở sung sướng trong những ngôi nhà ấy :-)
Nguyễn Trương Quý đã nói…
Em nghĩ chị phải mua cả phố luôn ý, thế mới sướng, như bây giờ người ta mua cả sàn BĐS :-)
sonata đã nói…
Thì là cái nghề mình nó bạc (hi hi, nói nghe sang phết)
Nguyễn Trương Quý đã nói…
chị So nói lén lút niềm kiêu hãnh nhé :-)

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm