"Linh hoạt trong môi trường linh hoạt"

"MOBILIS IN MOBILE"

Ngẫu nhiên mà trưa nay cầm cuốn "Hai vạn dặm dưới đáy biển" in lại theo bản của Kim Đồng ngày xưa, tối thì thấy phim Hugo bối cảnh những năm 30. Phim cũng nói đến bộ phim năm 1902 làm theo truyện của Jules Verne. Không khí của thời đại Art Nouveau và Art Deco khai thác tối đa vẻ đẹp và sức mạnh của thép của những bối cảnh Paris. Thời các nhà văn và tạo hình ôm mộng tạo nên sự khôi vĩ khuyến mại thanh lịch. Chỉ vài đến chục năm sau là đã chán nản với "Thân phận con người" của Malraux và những truyện của Hemingway. Nhưng hình như họ vẫn chắc chắn về sứ mệnh của người viết ("viết những trang văn trung thực thẳng thắn về con người" - The hardest thing in the world to do is to write straight honest prose on human beings - Hemingway, từ bài "Old newsman writes a letter from Cuba", tạp chí Esquire, 1934).

Đọc lại cuốn sách tái bản dùng lời giới thiệu của bản in năm 1976, do dịch giả Lê Anh viết, rất là hay, nhưng có đoạn vui vui gợi lại kiểu tư duy ngày xưa - con tàu Nautilus của Nemo là sự phản đối lại xã hội tư bản đương thời... rồi cuốn sách gợi mở bao điều hấp dẫn thanh niên tiến vào khoa học... :-)

***

Những phim về nhân vật có thật của Hollywood đúng là vô địch. Hôm qua xem Cinderella Man, phim về 1 tay vô địch quyền Anh cựu trào, trở lại sàn đấu sau Đại Suy thoái 1929-1933 và vô địch thế giới lần nữa. Phim về con người tìm mọi cách vươn lên chinh phục số phận, đấy là nhân văn chứ đâu. Nhớ ngày xưa đọc cuốn "Vua không vương quốc" của 1 tác giả Liên Xô về các võ sĩ Mỹ, thấy viết nhiều về các nhàvô địch thời Đại Suy thoái phải đi làm bốc vác và ăn xin, đại để đều có kết cục bi thảm và lỗi tại xã hội tư bản. Người hiếm hoi trong sách có kết cục ngon lành là Muhammad Ali, tuy nhiên phần vĩ thanh chú thích của người dịch phê phán Ali đã tẩy chay Olympic Moskva 1980, "quay lưng lại với phong trào thể thao tiến bộ".

***

Thích xem loạt phim VEEP về nữ phó tổng thống Mỹ. Lúc nào ê kíp của bà này cũng cãi nhau như mổ bò và tự đẩy mình vào thế điên rồ. Nhưng không rõ chủ ý là nhân vật bà VP này có vấn đề về đầu óc hay đám tùy tùng của bà ấy đầu đất? Khá sốc khi xem 1 tập dựng cảnh VP Mỹ đến thăm Phần Lan, bà này bị chồng của nữ Thủ tướng PL sờ ngực và tán tỉnh.

***

Nếu chọn một đĩa nhạc buồn nhưng không buồn quá, trữ tình tự sự nhưng không lê thê quá, để bật trên xe khi đi đường thì tôi chọn Bên ni bên nớ. Một đĩa gồm những bài của Phạm Duy do Khánh Ly hát. Dĩ nhiên Khánh Ly là một ca sĩ tôi yêu thích và PD thì là một nhạc sĩ có nhiều bài hát hay, nhưng nếu so với Thái Thanh là một ca sĩ ruột của PD thì KL hát có vẻ đơn giản hơn nhiều, thậm chí chính PD còn nói với tôi là cô KL hát ẩu.

Tuy nhiên, nghe KL hát những bài như Nghìn trùng xa cách, Hẹn hò, Đừng xa nhau, Nha Trang ngày về… thì tôi thấy có đời sống trong đó. Nó là than thở day dứt của tình yêu, có lúc cay cú, khác với tư tưởng yếm thế, “hai tay quy hàng” của TCS. Nghe Thái Thanh hát thấy uyên áo quá, hoa mỹ quá, không phải là đời sống bình nhật. Tất nhiên TT hát những bài như Tóc mai sợi vắn sợi dài, Ngày xưa Hoàng Thị thì quá hay rồi, nhưng cảm giác vẫn như đang nghe một niềm bi kịch có phần cương hơi nhiều. Cho dù KL hát Tìm nhau, Bến xuân khá là cứng và nặng nề, song về tổng thể, đĩa nhạc PD này là một sản phẩm thú vị.

Sở dĩ tôi mò lại đĩa này vì hôm rồi, nhân lúc lấy một số đĩa của đứa bạn để về nghe thì lấy được đĩa PD vol.6 của Phương Nam phim – Nghìn năm vẫn không quên, có chữ ký tặng của nhạc sĩ. Cái đĩa này thực ra là ký nhầm, vì lẽ ra lấy cho đứa bạn thì PD lại ký tặng tên tôi. Tuy nhiên, các đĩa của PNP không hay mấy, so với Bên ni bên nớ thì thua, chúng rời rạc thế nào ấy.

Một đĩa khác mới đầu nghe cũng không thích lắm – Mưa hồng, gồm những bài hát của của nhiều nhạc sĩ SG trước 75. Nếu nghe TCS rồi thì nghe sang những bài của Lam Phương (Trăm nhớ ngàn thương), Thanh Bình (Tình lỡ)… thì thấy không nên thơ bằng. Rồi lại có một số bài đã là hit của ca sĩ khác như Xin còn gọi tên nhau (Trường Sa) vốn được Lệ Thu hát, KL hát không ấn tượng bằng. Tuy nhiên đĩa này lại có cảm giác đa dạng, có chút bolero, có chút nhạc nhẹ, khá là thoải mái, khác với các đĩa TCS chăm chút màu sắc nghiêng về acoustic. Đĩa này nghe trên xe cũng được. Bài cuối của đĩa – Người đi qua đời tôi (Phạm Đình Chương, thơ Trần Dạ Từ) thật là một bài tuyệt vời dưới giọng hát của KL, dù chính bài này KL cũng có địch thủ là Thái Thanh – em gái của nhạc sĩ.

Một bài khác vốn là hit của Lệ Thu là Mười năm tình cũ (Trần Quảng Nam), hôm rồi nghe KL hát lại thấy thích hơn. Cảm giác là trễ nải, đầy đặn, ân cần hơn so với bản kia. Tiếc là bài này trong một cái đĩa không được hấp dẫn lắm của KL – Ai trở về xứ Việt, nhiều bài than thở, oán hận, hô hào.

Đại khái vậy, tôi vẫn thích nghe nhạc theo album hơn là các đĩa tổng hợp bây giờ, cứ ABC tên bài hoặc nhét chung một rọ chẳng theo chủ đề gì. Đang muốn buồn lưng chừng nhiều tập, bỗng dưng có quả vui hơn hớn hay gào rú, chán thôi rồi.

Nhận xét

Titi đã nói…
bây giờ làm đĩa người ta có thèm mời biên tập viên âm nhạc chuyên nghiệp đâu. NGười ta tự biên tập nên toàn ra sản phẩm máng lợn là đúng roài :P
Unknown đã nói…
Bây giờ người ta thích "Đa thanh", "tắc kè hoa" vân vân. Biên tập viên âm nhạc chuyên nghiệp biểu tình!
Titi đã nói…
Biên tập viên còn bận soi gương xem các vòng đã chuẩn chưa, lấy đâu time để biểu tình chứ :P =))

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm