Người hùng lạc nhịp
(Bài viết cho Elle VN 6-2013)
Mỗi nhà văn đều có một vùng đề tài lựa chọn để viết. Có khi vùng đề tài đó họ không phải chọn mà nó cứ tự nhiên đến, như thể cuộc đời ưu ái họ. Trong trường hợp Nguyễn Trí, không thể nói là cuộc đời ưu ái ông, thậm chí ngược lại với rất nhiều trầm luân, nhưng nhờ đó mà truyện của ông đầy ắp những chất liệu hiếm ai có.
Bãi vàng, đá quý, trầm hương có thể ví như một chuỗi những bộ phim phong cách tân hiện thực, mang cái nhìn trực diện khi chọn lấy những tình huống có độ tương phản cao như những thước phim đen trắng sắc nét. Nguyễn Trí có cách dựng truyện táo bạo như những bộ phim miền Tây của Mỹ: tình huống giang hồ có tính lý tưởng, nhân vật hành động cực đoan tới cùng, nhưng le lói những cảm xúc trữ tình, thậm chí không từ chối một chút ủy mị để tăng độ hấp dẫn. Đặt trong bối cảnh quá đỗi khắc nghiệt của những người đi đào vàng, lấy trầm, đốn gỗ, những kẻ gửi cả tuổi trẻ ở chốn rừng sâu để khi có một phần nghìn cơ may như một viên đá quý bé bằng hạt ngô có thể xảy ra lừa lọc, chém giết nhau, những chút nhỏ nhỏ cảm xúc nọ như một thứ bù đắp cho số kiếp những kẻ đeo đuổi nghiệp đi “ăn rừng”. Bao giờ Nguyễn Trí cũng là một người viết vị cảm xúc.
Mặc dù những truyện ngắn lạ lùng trong tập truyện này dường như chính là chuyện đời tác giả, nhưng người đọc hôm nay có cảm giác nôn nao khi hồi tưởng lại những năm tháng hậu chiến, khi cuộc sống con người loay hoay đi tìm cái ăn bằng cách bấu vào Mẹ Thiên nhiên cho đến một ngày rừng cạn kiệt, đất bạc màu. Những số phận ấy chẳng xa xôi gì, họ lại trở về thành thị kiếm sống quanh những khu công nghiệp, rồi những kiếp đời cứ vòng quanh nhau, măng non nối tiếp tre già, lại lầm than, khốn khó.
Nhưng viết truyện với Nguyễn Trí cũng là một cách đáp trả lại cuộc đời này. Nhân vật của ông sẵn lòng cởi mở với nhau, như tính cách của người Nam Trung Bộ, của giới giang hồ chịu chơi, của những tâm hồn trẻ lại đến bất ngờ. Nguyễn Trí có vẻ ưa thích mẫu hình nhân vật trải đời, khôi ngô, tài hoa, những anh chàng người hùng lạc nhịp đột ngột xuất hiện đầy bí ẩn. Lâu rồi văn chương và điện ảnh Việt Nam thiếu vắng họ, trong khi ta đành bằng lòng với những mẫu hình Hollywood. Giữa Leonardo di Caprio của những phim cao bồi kiểu Bắn nhanh hay là chết và người hùng “bãi vàng nào cũng có một tình nương” của Nguyễn Trí, những kẻ này có vẻ gặp nhau ở tâm thế khao khát đòi lại công bằng cho những số phận bé mọn.
Nguyễn Trương Quý
Mỗi nhà văn đều có một vùng đề tài lựa chọn để viết. Có khi vùng đề tài đó họ không phải chọn mà nó cứ tự nhiên đến, như thể cuộc đời ưu ái họ. Trong trường hợp Nguyễn Trí, không thể nói là cuộc đời ưu ái ông, thậm chí ngược lại với rất nhiều trầm luân, nhưng nhờ đó mà truyện của ông đầy ắp những chất liệu hiếm ai có.
Bãi vàng, đá quý, trầm hương có thể ví như một chuỗi những bộ phim phong cách tân hiện thực, mang cái nhìn trực diện khi chọn lấy những tình huống có độ tương phản cao như những thước phim đen trắng sắc nét. Nguyễn Trí có cách dựng truyện táo bạo như những bộ phim miền Tây của Mỹ: tình huống giang hồ có tính lý tưởng, nhân vật hành động cực đoan tới cùng, nhưng le lói những cảm xúc trữ tình, thậm chí không từ chối một chút ủy mị để tăng độ hấp dẫn. Đặt trong bối cảnh quá đỗi khắc nghiệt của những người đi đào vàng, lấy trầm, đốn gỗ, những kẻ gửi cả tuổi trẻ ở chốn rừng sâu để khi có một phần nghìn cơ may như một viên đá quý bé bằng hạt ngô có thể xảy ra lừa lọc, chém giết nhau, những chút nhỏ nhỏ cảm xúc nọ như một thứ bù đắp cho số kiếp những kẻ đeo đuổi nghiệp đi “ăn rừng”. Bao giờ Nguyễn Trí cũng là một người viết vị cảm xúc.
Mặc dù những truyện ngắn lạ lùng trong tập truyện này dường như chính là chuyện đời tác giả, nhưng người đọc hôm nay có cảm giác nôn nao khi hồi tưởng lại những năm tháng hậu chiến, khi cuộc sống con người loay hoay đi tìm cái ăn bằng cách bấu vào Mẹ Thiên nhiên cho đến một ngày rừng cạn kiệt, đất bạc màu. Những số phận ấy chẳng xa xôi gì, họ lại trở về thành thị kiếm sống quanh những khu công nghiệp, rồi những kiếp đời cứ vòng quanh nhau, măng non nối tiếp tre già, lại lầm than, khốn khó.
Nhưng viết truyện với Nguyễn Trí cũng là một cách đáp trả lại cuộc đời này. Nhân vật của ông sẵn lòng cởi mở với nhau, như tính cách của người Nam Trung Bộ, của giới giang hồ chịu chơi, của những tâm hồn trẻ lại đến bất ngờ. Nguyễn Trí có vẻ ưa thích mẫu hình nhân vật trải đời, khôi ngô, tài hoa, những anh chàng người hùng lạc nhịp đột ngột xuất hiện đầy bí ẩn. Lâu rồi văn chương và điện ảnh Việt Nam thiếu vắng họ, trong khi ta đành bằng lòng với những mẫu hình Hollywood. Giữa Leonardo di Caprio của những phim cao bồi kiểu Bắn nhanh hay là chết và người hùng “bãi vàng nào cũng có một tình nương” của Nguyễn Trí, những kẻ này có vẻ gặp nhau ở tâm thế khao khát đòi lại công bằng cho những số phận bé mọn.
Nguyễn Trương Quý
Nhận xét