Như sóng trào biển Đông

Đọc Yersin: dịch hạch & thổ tả

Một vài huyền thoại tồn tại nhờ những thứ khá bình dị. Này cô em Bắc Kỳ nho nhỏ… một bài thơ, bài hát tiếng Việt những năm 70 về một mối tình Việt đã có một nguồn cảm hứng từ một bài hát tiếng Pháp năm 1908 cùng tên – La Petite Tonkinoise (Cô Bắc Kỳ nho nhỏ). Lời gốc tiếng Pháp không mấy liên quan đến đời sống xứ Bắc Kỳ, ngoại trừ địa danh đầy chất hương xa, vang lên đầy nhục cảm và lả lơi qua tiếng hát danh ca bốc lửa Josephine Baker những năm 30.

Không phải tự nhiên mà có ngay hình ảnh truyền kỳ suốt nhiều thập niên ấy. Từ hai thập niên cuối thế kỷ 19, chậm hơn so với Sài Gòn, người Pháp đã quyết định xây dựng Hà Nội thành một thành phố hiện đại kiểu Tây, và hơn thế nữa, biến nó thành thủ phủ Đông Dương vào năm 1902. Cũng năm này, năm Tổng thống Pháp ra quyết định số phận của Hà Nội thì cũng là năm Yersin nhận lời mời của toàn quyền Paul Doumer ra Hà Nội làm hiệu trưởng trường Y, giám đốc bệnh viện và Viện Vệ sinh dịch tễ Đông Dương.

Tiểu thuyết Yersin: dịch hạch & thổ tả của Patrick Deville đã phác đôi nét khung cảnh “thành phố xanh um và mờ sương… một thành phố như Proust tả, cùng nỗi nhớ nhung Cabourg và Dauville vẫn hiện diện đâu đây”. Hà Nội trước đó như trong Hà Nội giai đoạn 1873-1888 mà André Masson đã dẫn lời một nhân chứng: “Hồ Gươm làm người ta buồn nôn vì đây là nơi nhận đủ thứ rác rưởi, nhà dân bản xứ vươn ra hồ trên những chiếc cọc”.

Vậy mà “trong vòng hai mươi năm, cứ như thể đã nhiều thế kỷ trôi qua, với sự tự tin, quyết liệt và mù quáng của người La Mã lạc lối ở xứ Gaule, họ đã xây dựng khách sạn Métropole và tòa nhà Puginier, để tự trấn an mình, mở trường đua ngựa và các khu chợ, nạo vét và cải tạo hai cái hồ. Thành phố đã có đến bảy mươi nghìn dân”.

Cuốn sách đã chinh phục tôi trước hết từ những câu chuyện đó. Những câu chuyện mà Yersin đã can dự, nhiều khi là không chủ động, đã góp phần tạo nên bộ mặt một nước Việt Nam hiện đại. Thành phố tôi đang sống có bóng dáng của người đàn ông kỳ lạ này, kẻ hay rẽ ngang, từ bỏ địa vị đầy hứa hẹn ở Viện Pasteur Paris để phiêu lưu Viễn Đông, và chỉ dừng lại ở Nha Trang, biến nơi đây thành một địa điểm hải ngoại quan trọng của hệ thống y tế văn minh – “một tiền đồn của sự tiến bộ”.




Yersin là người của nhiều thứ đầu tiên ở Việt Nam: người đầu tiên trồng và khai thác mủ cao su, cây canhkina chữa sốt rét, người ham mê các tiện nghi hiện đại nên cũng là người đem chiếc ôtô đầu tiên vào Hà Nội. Ông cũng là người khởi xướng việc mở đường xuyên Tây Nguyên sang Campuchia và Lào. Và như chúng ta đều biết, năm nay đánh dấu mốc 120 năm hình thành Đà Lạt, đô thị châu Âu nhất Việt Nam do Yersin có công tạo lập.

Nếu như Nha Trang giờ là một thành phố hoàn toàn mới kiểu những đô thị nghỉ mát bên bờ những biển nóng nhìn ra Thái Bình Dương, chỉ còn đôi chút dấu tích của Yersin, thì Hà Nội dường như vẫn đủ cũ để giữ lại dấu vết của thời ông đến nơi này. Trong hai trang sách, Patrick Deville như ông tự gọi mình là “bóng ma của tương lai” theo chân Yersin vừa đủng đỉnh vừa lướt qua một Hà Nội với “những khu phố đẹp này là những khu phố đầu tiên ở châu Á có điện, nước sạch và đèn công cộng. Lác đác dọc những phố tĩnh lặng, các biệt thự có hàng cột và gồ tường, sơn trắng hay vàng nâu, ở sâu trong những khu vườn xén tỉa kỹ càng dọc những lối đi sạch sẽ tinh tươm. Cả các dinh thự có cốt gỗ, đằng sau dãy hàng rào sắt là những đầu hồi nhọn hoắt chĩa lên trời, bên dưới là cây cối sum suê u tối”. Nó đầy tính cách ngoại lai, tương phản với “những chiếc xích lô dạt sang một bên nhường đường... Những người đánh xe siết lại những mảnh vải che mắt ngựa. Những cô bán hàng đội nón, đòn gánh trên vai, ngó cái máy quá lớn so với mạng lưới chằng chịt những ngõ phố nhỏ của khu buôn bán”.

Nhưng cuốn sách không theo đuổi việc tả chân những quang cảnh cũ, ngay cả việc Yersin đã làm những gì, cũng rất chấm phá: Với ngôi trường Y xây mất một triệu rưỡi franc, bằng tiền xây nhà hát Sài Gòn, “Yersin chịu trách nhiệm điều hành khu vệ sinh, tuyển nhân viên và nhận thí sinh theo học bác sĩ và y tá. Anh lên chương trình học theo mẫu bên Pháp, sáng khám bệnh nhân ở bệnh viện, chiều thì lý thuyết. Anh đích thân đứng lớp các giờ vật lý, hóa học và giải phẫu.” Ngược lại, Patrick Deville đã dày công khảo cứu những gì Yersin đã nghĩ: “Học sinh ngành Y của bọn con rất chăm học, có những người xuất sắc ngang với những sinh viên giỏi nhất bên Pháp. Điều thú vị là ngay những người thông minh cũng học rất chăm. Gần như có thể nói rằng không có ai lười biếng”.

Đến đây, người ta dễ nghĩ đến một tương lai của người lãnh đạo dành cho Yersin ở xứ Đông Dương, nhưng “cuộc sống ở Hà Nội của anh chỉ là một dấu ngoặc đơn, trong khi người khác thì lại tưởng đây là khởi đầu một sự nghiệp về bệnh viện, một tương lai ông thầy lớn trong áo blu trắng”. Yersin chỉ dành ba trong số năm mươi năm sống ở Việt Nam để có mặt ở Hà Nội. Ông đã không chọn Paris hay Berlin, thì ông cũng không chọn một đô thị nào khác như Manila, Sài Gòn hay Hà Nội, những nơi ông dễ bề có địa vị cao với hạ tầng cơ sở sẵn sàng. Ông cũng không chọn Đà Lạt, nơi ông đã gợi ý việc xây dựng một thị trấn nghỉ dưỡng. Ông chọn một làng chài ven bờ biển, những địa danh chân quê như Xóm Cồn, Hòn Bà, Suối Dầu… và sống gần gũi những người dân bản địa, những người gọi ông là bác sĩ Năm, một cái tên xuất phát từ một chức danh mang tính quân sự trên tàu biển khi đi theo các công ty vận tải.

Vì đâu một nhà khoa học đa năng lại chọn dừng chân ở một nơi chỉ có thể đi bằng tàu biển từ Sài Gòn ra Hải Phòng, dù rằng đấy là con vịnh tuyệt đẹp và thiên nhiên sống động đặc trưng cho xứ nhiệt đới. Một nơi vô danh, cũng như trực khuẩn dịch hạch, làm sao để phát hiện ra, nếu như không nhờ trực giác thiên tài? Cả Nha Trang năm 1890 lẫn trực khuẩn dịch hạch năm 1894 ở Hồng Kông là phát hiện của Yersin. Niềm đam mê phiêu lưu lẫn sự say mê khoa học của Yersin đã làm nên câu chuyện cuộc đời ông. Patrick Deville đã chọn lấy những đặc điểm lớn nhất của cuộc đời con người bí ẩn này để viết nên một cuốn tiểu thuyết bằng giọng văn đặc biệt cô đọng và kỳ bí.




Thật dễ dàng để viết cho đã, để làm một cuốn tiểu thuyết nhân vật mang tính tiểu sử đồ sộ như trong trường hợp Alexandre Yersin. Quá nhiều dữ liệu để khai thác, trải khắp nơi từ Âu sang Á, lại song chiếu những số phận của các danh nhân khác cùng thời, những cuộc Thế chiến và vô vàn xung đột y học toàn cầu, nhưng cuốn sách của Patrick Deville chỉ gói trong 220 trang tiếng Pháp (bản dịch tiếng Việt là 260 trang phần tiểu thuyết). Ở đây chiều sâu của nền tảng triết lý và dụng công ngôn từ đã giúp cho mỗi chương đến mỗi đoạn của Yersin: dịch hạch & thổ tả là một vấn đề được tung ra, một cuộc song thoại giữa bản thể Yersin và những bản thể khác. Song thoại trong thực tế lẫn song thoại trong tâm tưởng Deville. Yersin và Pasteur – người thầy, vị giáo chủ tinh thần. Yersin và Rimbaud – hai kẻ phiêu lưu. Yersin và Roux – người đồng nghiệp kế tục Pasteur. Yersin và Livingstone – hình mẫu của Yersin. Hoặc cuộc đối đầu giữa hệ thống y học của Pasteur và Koch – hai nhà bác học lừng danh ở hai phía chiến tuyến.

Chọn lấy những chủ đề, những phát hiện y học, những điểm đến, loại cây, con vật, tất thảy liên quan đến sự nghiệp của Yersin, Patrick Deville đã bổ dọc cuộc đời gần 80 năm này của ông, thoải mái tạt qua lại từ thời gian này về quá khứ hoặc đồng hiện các giai đoạn cuộc đời Yersin, để làm nổi bật lên đối tượng văn chương Yersin – mang dấu ấn chủ quan của nhà viết tiểu thuyết chứ không làm công việc giảng bài về một niên biểu. Người đọc được tắm mình trong miên man những trường thơ hậu Thi Sơn, thời khởi sự những gì hiện đại của văn chương, của khoa học, những gì đã quyến rũ những con người tài năng của nhân loại. Và hơn thế, được nhập vai người chứng kiến những quan hệ, những xung đột giữa các nhân tài ấy. Ngót một thế kỷ đầy ắp các phát minh, các cuộc cách mạng và chiến tranh, Yersin đã ngẫu nhiên sống với tư cách người ở “đường biên”. Qua những trang văn mà Deville đã bỏ công khai thác từ thư của Yersin gửi cho mẹ, chị và những đồng sự ở viện Pasteur Paris, người đọc cảm được tinh thần “phải tuyệt đối hiện đại” của nhà khoa học này, và thái độ “đời mà không đi thì còn gì là đời” của con người khắc kỷ Yersin.

Vì sao chúng ta vẫn ưa dùng cụm từ “huyền thoại” để dành cho nhiều nhân vật có thực? Như đôi câu thơ đề từ cuốn tiểu thuyết này, “À vâng, trở thành huyền thoại/ Ở ngưỡng những thế kỷ bịp bợm”, huyền thoại có vẻ như một món trang sức. Chúng ta – những người đọc, vẫn có sự hướng thiện về những giá trị phi phàm, những con người có sức mạnh dẫn đường, những nguồn cảm hứng. Lý lẽ giản dị của chúng ta khi gọi Yersin chẳng hạn là một huyền thoại, là ước vọng khai sáng của ông đã truyền đến con người Việt Nam những năm tháng này, năm tháng đầy hoài nghi và thất vọng.

Yersin có thể đã không may mắn khi không được giải Nobel ngó ngàng tới, khi người Pháp và giới truyền thông toàn cầu chẳng mấy nói đến, nhưng nguồn cảm hứng nhân văn và tinh thần phụng sự khoa học vì con người của Yersin, bất chấp màu da, bất chấp địa lý, bất chấp địa vị, vẫn còn có cơ hội và đầy tính thời sự ở mảnh đất ông nằm lại này. Cuốn tiểu thuyết khép lại ở giây phút Yersin ngồi bên thềm nhà lắng nghe tiếng sóng biển Đông cuộn trào ngoài khơi và nhắm mắt yên nghỉ. Nó không hề là một phút lâm chung huyền bí nào cả. Nó như một tích tắc cầu chì đứt. Nhưng nó mở ra một câu hỏi cho người đọc. Chúng ta tưởng như đã biết nhiều về Yersin, tưởng như Việt Nam đã tôn vinh đủ ông, nhưng quả tình, cuốn tiểu thuyết hơn hai trăm trang vẫn ngầm trao gửi một câu hỏi: chúng ta đã biết gì về huyền thoại ấy?

Nguyễn Trương Quý

YERSIN: DỊCH HẠCH & THỔ TẢ
Người dịch: Đặng Thế Linh
Hiệu đính: Đoàn Cầm Thi - Hồ Thanh Vân
Lời tựa của ĐS Pháp tại VN Jean – Noël Poirier & Lời bạt của TS, dịch giả Đoàn Cầm Thi

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm