Đỗ Phấn: Viết về một đứt gãy
Đỗ Phấn là một họa sĩ nhưng có
gia tài văn học đáng nể dù mới chính thức viết chưa đầy 10 năm. Hai tập sách
mới nhất của anh đều viết về Hà Nội. Một Hà Nội của thuở nhỏ, những năm tháng
trước và trong chiến tranh dưới bom đạn Mỹ, đầy ắp những xúc cảm trong veo
trong truyện dài Dằng dặc triền sông mưa.
Một Hà Nội bộn bề trăm thứ ngổn ngang của thời nay trong tập tản văn Hà Nội thì không có tuyết. Anh đã có
cuộc trao đổi dành cho Tuổi Trẻ Cuối Tuần về niềm đam mê viết về Hà Nội của mình.
Đến giờ, anh đã ra 13
tập sách trong vòng 8 năm. Một con số đáng kinh ngạc. Nhưng vì sao không phải
là trước đó mà là những năm này, khi chuyện văn chương sách vở đang khá yếu thế
so với các phương tiện nghe nhìn?
Đỗ Phấn: Khi 50
tuổi tôi mới in cuốn sách đầu tiên và hay nói đùa với bạn bè rằng mình đã nhịn
viết trong vòng năm chục năm. Thực ra niềm khao khát chữ nghĩa luôn thường trực
trong tôi suốt những tháng năm tuổi trẻ. Giờ mới có điều kiện thực hiện ước mơ
ấy. Đó là một may mắn rất lớn khi mà bề dày trải nghiệm của tôi đã kha khá. Hơn
nữa, văn học bây giờ đã bớt đi được khá nhiều húy kị ấu trĩ và đã cởi mở hơn. Thử
tưởng tượng nếu như chính tôi viết ra ngần ấy cuốn sách vào khoảng 20 năm
trước, chắc có nhiều cuốn sẽ bị biên tập cắt bỏ… cả quyển.
Cả hai cuốn sách,
truyện dài Dằng dặc triền sông mưa và
tản văn Hà Nội thì không có tuyết đều
nặng nỗi “tương tư” những cảnh trí Hà Nội nhiều chất đồng quê, khá đối ngược
với không gian sống của một gã trai “đẻ ra đã rửa chân nước Hồ Gươm”. Anh có
nhắc đến nhà cổ, phố cổ nhưng không đậm đặc bằng. Trong khi bây giờ, hầu như ai
cũng hoài vọng về những phố cổ mái ngói thâm nâu như trong tranh Bùi Xuân Phái.
Có phải vì chúng ta mất hẳn những thứ đó rồi thì mới thấy là quý?
Đỗ Phấn: Đúng
thế. Là người cầm bút vẽ trong vòng 40 năm, tôi được chứng kiến những thay đổi
thần tốc của Hà Nội về mặt hình ảnh không chỉ riêng kiến trúc. Một Hà Nội cũ
của Bùi Xuân Phái vì sao lại làm ta rung động đến thế? Hà Nội ngói nâu tường cũ
trong một tổng thể cây cối êm đềm, nề nếp sinh hoạt chậm rãi khác xa với vun
vút người đi và thô lỗ sắc màu như bây giờ. Ngay thời ông Phái còn sống thì
những thứ ông vẽ ra phần lớn cũng gắn với kí ức của mình là chính. Ông Phái đã vẽ
ra nỗi mất mát của vẻ đẹp Hà Nội trong chính ông. Nếu ông còn sống chắc cũng không
biết cất bớt những khẩu hiệu và biển quảng cáo vào đâu khi vẽ phố bây giờ.
Cái ngột ngạt sinh hoạt khu phố cổ
bắt đầu biến dạng thời tôi còn nhỏ chính là ấn tượng phản cảm: Đường xá nhếch
nhác phơi phóng, toilet không có nên đi qua những con phố ấy luôn phải tuyệt
đối đề phòng dẫm lên những thứ không tiện nêu tên. Tôi thường thích ngắm phố cổ
khi đi trên cầu Long Biên hoặc từ trên những nóc cao, và may mắn được ngồi uống
rượu xem tranh nhiều lần với ông Phái. Những ngói nâu tường rêu vĩnh viễn không
mất đi đâu cả. Ít nhất là trong tranh ông Phái. Cuối cùng thì nghệ thuật của
ông đã “cứu chuộc” một Hà Nội xưa.
Trong Dằng dặc triền sông mưa, tôi chú ý đến
tình bạn vong niên của cậu bé An với bác lái tàu điện. Cậu bé say mê tàu điện
như say mê một hình ảnh của sự tiến bộ, và say mê hình ảnh người lái tàu như
một người thuyền trưởng đang dẫn cậu đi đến những bến bờ xa lạ, dù đây chỉ là
mấy phố phường nhỏ bé. Ở đây có một nỗi ám ảnh về cái tài hoa truyền kỳ qua các
thế hệ Hà Nội. Sự tài hoa hấp dẫn bọn trẻ là vì họ biết chia sẻ và quảng đại.
Điều này hình như vắng bóng thời nay, nó tạo nên sự đứt gãy về căn cốt Hà Nội. Anh
có nghĩ như vậy không?
Đỗ Phấn: Nỗi tiếc
nuối của tôi về một hình ảnh Hà Nội đẹp đẽ êm đềm sang trọng chưa bao giờ lớn
hơn niềm tiếc nuối về một văn hóa ứng xử của người Hà Nội. Một đứt gãy vĩnh
viễn không thể hàn gắn lại được nữa khi mà dân số tăng vọt với cuộc nhập cư ào
ạt như bây giờ. Ngày trước những người nhập cư ít hơn thì Hà Nội còn có đủ
người để giữ gìn cái căn cốt thị dân của mình và phần nào ngăn chặn được những
biểu hiện du nhập lệch lạc. Điều đó bây giờ là không thể.
Thời của cậu bé An trong truyện Dằng dặc triền sông mưa sẽ không quay
lại nữa. Sẽ chẳng bao giờ có những bác lái tàu điện vui tính dù trẻ con bây giờ
vẫn có niềm ham mê như thế. Và quan trọng nhất là tìm đâu ra một ông bố bà mẹ nào
đủ can đảm để cho đứa trẻ lên sáu tuổi bây giờ đi xa nhà quá 200 mét? Người Hà
Nội ngày ấy dù rằng có làm những công việc nặng nhọc chân tay thì cũng đầy lòng
tự trọng và hãnh diện với công việc của mình. Họ là tấm gương tốt cho lũ trẻ, nhiều
khi còn có thể thay mặt gia đình mà dạy dỗ bọn trẻ ở ngoài đường.
Người Hà Nội bây giờ lãnh đạm hơn
nhiều. Tưởng rằng hoạt náo tươi vui nhưng kì thực ra đầy ngờ vực và phòng thủ.
Có một nỗi sợ hãi mơ hồ nào đó trong giao tiếp khiến cho họ khó lòng có thể trò
chuyện được với người lạ kể cả trẻ con. Đi trên phố rất đông người mà cảm giác
như chẳng có ai là thế.
Trong Hà Nội thì không có tuyết, anh có vẻ là
một con người nhẫn nại với phố phường, có vẻ không biết chán cái đô thị đã “lạ
phố, lạc phố” này. Nhiều khi tôi cũng ngán ngẩm nghĩ, giá được sống nơi khác.
Anh cũng viết trong tập sách về một vài chuyến đi nước ngoài, những đô thành
lộng lẫy Paris hay Barcelona . Anh có nghĩ Hà Nội “không đáng
xách dép” cho những nơi đó như cách nói suồng sã của thị dân Hà Nội không?
Đỗ Phấn: Đi vài
chục thành phố trên thế giới, điều mà tôi thích nhất là cái quy củ có phần cứng
nhắc của họ. Và ao ước Hà Nội của mình cũng được như thế. Hà Nội của chúng ta
đang thiếu một thứ hết sức quan trọng của đô thị hiện đại. Đó là những quy định
nghiêm khắc có thưởng phạt hẳn hoi. Nhiều bạn bè của tôi đến Hà Nội có cảm giác
như đến một ngôi nhà vô chủ. Một quán trọ nhôm nhoam bừa bãi.
Vì sinh ra và lớn lên ở đây, nên
quả tình là tôi không có quê hương thứ hai nào để yêu quý nữa. Tôi hình như cũng
cảm thấy không có quyền yêu Hà Tây nếu như nó chưa nhập về Hà Nội. Nói ra điều
này chắc bạn buồn cười, tôi yêu Hà Nội vì những gì nhôm nhoam vô lối của nó.
Không có những nhôm nhoam ấy e rằng tôi cũng mất luôn hai cảm giác phẫn nộ và xót
xa.
Có khá nhiều thứ ngộ nghĩnh ra đời
trên phố vài năm nay khiến cho những thị dân xế chiều như tôi phải bật cười. Và
như thế thì không thể nói rằng Hà Nội không vui. Vài tấm bảng tròn to như cái
nong treo trên cột đèn dọc đường Lê Hồng Phong lắp đèn màu thành hình Khuê Văn
Các hay trống đồng gì đó chẳng hạn. Hay là cái bể nuôi rùa xanh lét thả trên Hồ
Hoàn Kiếm vài năm nay. Không còn một triền đê đầy gió và cỏ…
Hình như anh lúc nào
cũng có sẵn bản thảo để in sách. Vậy anh có dự kiến gì cho từng cuốn sách để
tạo ra sự khác nhau, khi cuốn nào cũng có bối cảnh Hà Nội? Cảm hứng thường được
anh nuôi thế nào để viết những cuốn tiểu thuyết hay truyện dài vài trăm trang?
Đỗ Phấn: Dự kiến
thì nhiều nhưng sức của mình chỉ làm được đến thế. Có thể gọi tôi là người chỉ
viết một cuốn sách về Hà Nội thôi cũng được. Những vùng đất Hà Nội cũ, cả nội
ngoại thành cũng đủ rộng cho bối cảnh những câu chuyện khác nhau của tôi. Bạn
bè cùng thời truyền cho tôi rất nhiều cảm hứng và những gợi ý hay ho hàng ngày.
Kí ức đậm đặc của hơn 50 năm không viết chắc sẽ còn giúp tôi viết được vài cuốn
nữa. Tôi tự rèn thói quen làm việc độc lập đã một phần tư thế kỉ nên hình như
cảm hứng không đóng vai trò quan trọng lắm trong công việc hàng ngày của mình.
Cảm ơn anh và chờ đợi
những cuốn sách tiếp theo của anh!
N.T.Quý thực hiện
(TTCT số 44, 17-11-2013)
Nhận xét