Ba ngôi của người: Không gian và thời gian của vô cùng Hà Nội

Lời giới thiệu cho tiểu thuyết Ba ngôi của người của Nguyễn Việt Hà, NXB Trẻ, 7-2014.

Nguyễn Trương Quý

1-Không gian nhị nguyên, thời gian đa chiều

Khi tìm hiểu về một nhà văn, tôi thường chú ý đến nguồn cội hay nơi cư trú của họ. Dù viết thể loại giả tưởng đi chăng nữa, cách họ quan sát và tái hiện không gian sống xung quanh vào tác phẩm vẫn bộc lộ xuất xứ của họ. Trong nhiều trường hợp, đây lại là mảng sinh động nhất, bộc lộ cách nhìn thế giới xung quanh của người viết. Vì thế, tôi không ngạc nhiên khi Nguyễn Việt Hà trở đi trở lại con phố Nhà Chung nơi anh ở trong các tác phẩm của mình, hoặc rộng hơn một chút là những phố cổ chật hẹp gắn với Hồ Gươm, từ các tiểu thuyết Cơ hội của Chúa, Khải huyền muộn hay các tập tản văn rất ăn khách gần đây – Con giai phố cổ, Đàn bà uống rượu, và cuốn tiểu thuyết mới nhất này – Ba ngôi của người. Phố xá, nhà cửa, cây cối và những không gian công cộng của Hà Nội quanh mấy khu vực này dường như là sân bóng của Nguyễn Việt Hà, để anh như một tiền đạo cắm sẽ ghi bàn vào những phút quan trọng. Hình dung được quang cảnh không gian tác giả hít thở sẽ hiểu cách anh ta cho nhân vật sinh tồn ra sao.

Phố Nhà Chung đi qua nền ngôi chùa Báo Thiên xa xưa có từ thời Lý, lại cũng là nơi Nhà thờ Lớn được dựng lên, và trong quy hoạch thời Pháp, nó là một con đường nối khu 36 phố phường của người Việt với khu phố Tây. Nó lại ngay gần Hồ Gươm, trung tâm của đô thị Hà Nội hơn trăm năm qua. Nó chứng kiến những va chạm giữa thần quyền và thế quyền, “phảng phất như là có đức tin” và “chẳng cần có cái đếch gì” (lời nhân vật trong Ba ngôi của người). Mang một vai trò nhị nguyên ở nhiều khía cạnh như thế, vùng phố xá Nguyễn Việt Hà rất thông thạo này đã ảnh hưởng lên không gian trang viết của anh. Một cuốn tiểu thuyết có không gian, có chiều sâu thời gian, luôn hứa hẹn là cuốn sách tầm cỡ. Ba ngôi của người, cuốn tiểu thuyết thứ ba của Nguyễn Việt Hà, trước hết là cuốn sách của không gian và thời gian vô cùng Hà Nội.


Ba ngôi của người, tiếp nối mạch chủ đề của Cơ hội của Chúa và Khải huyền muộn, một lần nữa bóc ra những lớp đan cài phức tạp của một Hà Nội dồn dập những “sóng lớp phế hưng” trong thời gian tồn tại. Không chỉ dừng ở một Hà Nội những năm gần đây, cuốn tiểu thuyết còn tham vọng trải thời gian trên cùng mảnh đất, ngược lên 600 năm trước, thông qua 10 kiếp “luân sinh” của nhân vật chính. Những kiếp đời này tựa như những mũi khoan thăm dò thời đại đã qua, bằng những chấm phá của lớp trầm tích khảo lên mà tác giả phác thảo một đôi nét đặc thù của thời ấy – cố nhiên là thủ pháp giả lịch sử, hư cấu quyện với những trích dẫn nằm trong mạch viết, chẳng hạn những ghi chép của Hoàng Lê nhất thống chí, tạo nên một không gian xa mà gần, rất đắc dụng để một nhân vật có lí lịch đi xuyên thời gian tung hoành. “Luân sinh” là chữ Nguyễn Việt Hà tạo ra trong tiểu thuyết này, nó cố gắng tránh chữ luân hồi trong Phật giáo và tránh áp một hàm nghĩa đạo đức nào. Các nhân vật của Nguyễn Việt Hà cũng vậy, không bám vào các thang giá trị đạo đức cứng nhắc, họ linh hoạt trong ứng xử, nhiều khi có tính bản năng và tỏ ra cực mạnh về trực giác. Bảo rằng họ tốt cũng không hẳn, mà cũng khó thể nói họ là người xấu. Ở mỗi kẻ có một lương tri riêng, tự nhiên và gắng gỏi tránh sự suy đồi dưới sức ép mặt trái xã hội.

Ba ngôi của người diễn tiến ở thì hiện tại theo quá trình đứa con có tên hay biệt danh là Kun sinh năm 1982 tìm lại cha mình – kẻ yếm thế trốn đời tên Tôi – chính là nhân vật đi xuyên thời gian đã nói. Người đàn ông sinh năm 1956 này có khả năng nhớ ngẫu nhiên những gì ở các kiếp luân sinh trước, đấy là một phép lạ nhưng cũng là một gánh nặng. Gần 30 năm trước, người vợ hai mươi tuổi vì một cơn ghen đã dứt khoát chia tay bằng việc nói dối rằng mình đã phá bỏ cái thai. Tất nhiên như kiểu Nguyễn Việt Hà nói, ba người trong cuộc đều là người tử tế nên cuộc đoàn viên sẽ diễn ra. Nhưng cũng tất nhiên như lối viết Nguyễn Việt Hà, cuộc đoàn viên ấy không có màn hân hoan dung tục trào nước mắt, nó tiếp theo bằng sự biến mất của người cha, kẻ chấm dứt kiếp luân sinh thứ 10 của hắn với niềm an ủi rằng đứa con trai mình là một kẻ tử tế và sẽ còn phải trải nhiều duyên nợ với đời.

2-Sự can dự thần bí của kẻ khác

Bên cạnh mối quan hệ tam giác đó là ngôi còn lại của “người” – tay tài phiệt trẻ Quang Anh, là em mẹ của Kun, sinh ra vào giữa cuộc chiến tranh khốc liệt năm 1972. Anh ta có phải là “Các Thánh Thần” bên cạnh “Cha-Con” không, điều này là một khả năng bỏ ngỏ, nhưng Quang Anh là kẻ sống với hiện tại. Khác với Tôi hay Kun, nếu có nhớ chuyện đã rồi, anh ta không dành thời gian để dằn vặt nhiều, cho dù là vô tình phát hiện ra mình ngủ với bạn gái của cháu hay sơ sẩy trong làm ăn để thành tay trắng. Điều này ít nhiều có liên quan đến xuất thân học vấn. “Tôi” hoàn toàn là một trí thức lỡ dở, tuổi xuân nằm gần trọn trong giai đoạn chiến tranh và bao cấp, không rõ làm nghề gì, mà như nhận xét của cậu con trai họa sĩ khi gặp cha lần đầu: “Đấy là một trung niên phong độ bình thường, mặt mũi cũng bình thường, nhưng nếu nhìn thật kỹ thì có nhiều nét lạ”, thì quả thực anh ta khó nắm bắt. Kun là một họa sĩ nhiều năng lực sáng tạo vẫn đang đi tìm một cái đích, mọi suy nghĩ đều xuất phát từ trực quan thiên phú. Còn Quang Anh sinh ra trong gia đình bố hàm Thứ trưởng, có những điều kiện lý tưởng nhất, du học Mỹ, làm việc toàn hợp đồng có vốn tài chính lớn, con đường dù có lúc gập ghềnh bất trắc nhưng anh ta luôn tự tin trí tuệ của mình đang cầm lái đúng hướng.

Quang Anh có thể xem như một mẫu hình đàn ông thời thượng, một người hùng kinh tế của xã hội hiện tại. Nhưng khác với Tâm của Cơ hội của Chúa bỏ vốn để lập công xưởng sản xuất, Quang Anh là một nhà đầu cơ tài chính, gần với hình ảnh giới văn phòng cổ trắng, có vẻ sạch sẽ và đẳng cấp. Anh ta kiếm tiền từ sự chênh lệch giá trị, từ sự bần cùng hóa của những người khác. Trong mắt người đời, anh ta có cái gì đó thần bí: “Giám đốc điều hành phần phim phọt của công ty tôi đã hơn ba mươi tuổi xấu gái chưa chồng nên đương nhiên sẽ tốt nghiệp Harvard về. Nó quá ngạc nhiên, lập tức cử hai thằng cao mét chín đồng phục loang lổ lính dù, một trước một sau mở đường cho tôi vào. Nó thô bạo bảo tay diễn viên đẹp giai vào vai giám khảo là Sạcly Trần hay Nguyễn gì đó, ngồi dịch ra để lấy chỗ cho tôi. Thằng đạo diễn tóc đuôi gà rất tự hào với nickname ‘khùng’ hớn hở mời tôi ngồi vào chính giữa ban giám khảo. Tôi ừ, với điều kiện không được giới thiệu tôi là ai”. Khó mà nói anh ta có làm gì lừa ai, cũng không thể nói là anh ta thật sự tử tế. Cho dù nhân vật này có bị sa lưới pháp luật, nhưng tác giả không tiết lộ cảm xúc của anh ta khi bị bắt. Nét thần bí ở nhân vật được bảo toàn đến phút chót.

3-Một Hà Nội là nó trong sự đổi thay

Quay trở lại với khung cảnh Hà Nội thập niên thứ hai của thế kỷ này. Bi kịch của các nhân vật chính là họ nhận ra quá trình cạn kiệt niềm đam mê trong mình, như tiềm thức họ vẫn biết Hồ Gươm nông chừng một mét nước, và họ hoang mang không biết mình có đủ can đảm để nhìn một cái hồ trơ đáy, như tâm hồn bị bóc trần thô bạo. Trong quá trình sáng tác, Nguyễn Việt Hà đã soi ra những gót chân Achilles của những người sống ở Hà Nội và nặng lòng với nơi này. Nó vừa là cái nhu cầu đưa ra một tấm căn cước nhận diện cư dân “người Hà Nội”, vừa tràn ngập tâm thế lạc loài, tha hương nơi phố lớn, thể hiện rõ nét qua khả năng nhớ về những kiếp luân sinh trước của nhân vật Tôi, từ đó toát lên tâm trạng hư vô. Dù Tôi là ông hàng thịt chó tình cờ chứng kiến lễ rửa tội đầu tiên trên đất Thăng Long đời Hậu Lê hay nhà tu hành lâm cảnh không nơi nương náu lúc quân Tây Sơn của Vũ Văn Nhậm tràn vào cướp phá Bắc Thành, nhân vật này cơ bản là yếm thế, nổi trôi theo dòng đời.

Ở đây, Nguyễn Việt Hà lại có đất để thể hiện khả năng dựng lại những đoạn lịch sử theo cách của anh.

Theo đuổi đề tài lịch sử là một sự ham thích của Nguyễn Việt Hà, điều này khá nhất quán trong các tác phẩm của anh, dù là tiểu thuyết hay tạp văn. Cách Nguyễn Việt Hà tạo “hồ sơ” cho nhân vật của mình trải qua 10 kiếp luân sinh là cái cớ để anh thi triển những hiểu biết của mình về lịch sử, cái thú của kẻ trước đèn xem truyện Tây Minh, những lối phiếm dụ mang nét “chưởng”, có khi hàm súc như “chí”, có lúc lại chấm phá những nét chân dung như “liệt truyện” hay “ngẫu lục”. Anh trở về thời mạt Trần với câu chuyện nhập thế-xuất thế của đồ đệ Thuận Thành chân nhân, qua thời Lê Trung Hưng với câu chuyện Thiên chúa giáo nhập vào dân gian ra sao, thời Pháp với Ký Con, với các đồng chí của Nguyễn Thái Học… Đấy là một tham vọng phải giải quyết bằng kho dữ liệu sách đồ sộ mà anh đã đọc. Nguyễn Việt Hà có vẻ ám ảnh mạnh về những giai đoạn giao thời, những hồi mạt của các triều đại. Những thời điểm này có chung một cảm thức với không khí của ngày phán xử cuối cùng, của Tận thế, của sách Khải huyền. Trong tăm tối hỗn mang, thường có những mầm sáng trỗi dậy hi vọng.

Tất cả những việc này khiến cho hậu cảnh của các tuyến truyện được chuẩn bị kỹ càng, tạo cảm giác bề bộn của thực tại đời sống. Các nhân vật của anh rồi sẽ phải đương đầu, chống chọi hoặc yên thuận trong sự bề bộn ấy. Sự bề bộn của một mảnh đất cày đi xới lại hàng bao nhiêu tầng vật chất và tầng nhân sinh quan. Sự bề bộn của một xã hội hiện đại đang chơi vòng xoáy ốc lặp lại những vòng hoa giáp cũ. Mối tương tác giữa con người đô thị Hà Nội với xã hội họ đang sống ở đây bàng bạc màu sắc hư vô. Nhưng họ không đổ lỗi cho sự phi lý, họ có đi tìm lời giải. Bởi vậy mà các nhân vật vẫn có những mục đích sống nào đó, vẫn nhen trong lòng một ngọn lửa, một sự khao khát mà nhiều khi họ không gọi tên được.

Đó chính là sức mạnh nội tại mà mạch văn Ba ngôi của người giữ chân người đọc đi suốt cuốn tiểu thuyết, làm cho câu chuyện kể đan xen ở ba giọng, ba điểm nhìn có sự mạch lạc và nhất quán. Cho dù ba giọng kể đều có chung nét đặc trưng của giọng Nguyễn Việt Hà ở tạp văn hay các tác phẩm trước đó, nỗi dằn vặt về sự tương tác của bản thân với đám đông nhầu nhĩ mới là sự chia sẻ lớn nhất của họ. Và dĩ nhiên điều này ở mỗi người một khác. Với trung niên Tôi, “trong nhiều lần mơ ở cái hồi vẫn chưa nhìn được quá khứ, trung niên luôn thấy có một thằng bé gào gọi tên mình. Lần nào cũng là đi trong một biển người câm lặng. Rồi trung niên bị xô đẩy, chìm nghỉm vào đám đông”. Dường như đồng mộng với người cha, Kun mơ thấy mình “bé tí ti, cùng với bố lẫm chẫm đi trong một biển người không thấy mặt. Rồi tôi thấy tôi bị tuột tay. Tôi nháo nhác ngoái tìm, bố tôi đang bị đám đông xô dạt, càng lúc càng chìm sâu vào một mớ hỗn độn có màu xanh lục. Tự nhiên tôi thấy rất sợ, vì cái biển người câm lặng kia toát ra một không khí lạnh tanh hung hãn”. Tráng niên Quang Anh, kẻ chịu ảnh hưởng Nietzsche đã thẳng thừng nói với đứa cháu: “Phong khí của thời đại nó khủng khiếp lắm, không kể đám tầm thường thì ngay cả những người xuất sắc bình thường cũng bị nó đè. Cả một đám đông rùng rùng chuyển theo một hướng. Ngày xưa là vì tổ quốc vì nhân loại vì lý tưởng, còn ngày nay là vì gái vì tiền vì cá nhân hưởng thụ. Bầy đàn thôi, độc đáo cái nỗi gì… Có ban tự do cho đám đông cũng chỉ dẫn đến hỗn loạn”.

Họ là những kẻ đóng nhiều vai: là thị dân của Hà Nội năm sáu chục năm trở lại, thời đô thị này xóa đi khuôn dạng cũ để rồi lại loay hoay đi tìm lại, nên họ có độ hoang mang, bơ vơ của những kẻ lạc loài, tha hương ngay trên chính nơi chôn rau cắt rốn. Họ là trí thức, là những kẻ đọc nhiều sách, thậm chí còn viết và vẽ, những thao tác đụng chạm đến đời sống tinh thần của đô thị. Họ còn là những người nam giới trong một xã hội vẫn đậm nét đực tính – nó vừa cho họ cái lá bùa kẻ mạnh lại vừa đòi hỏi ở họ một cái vỏ cứng rắn, quyết liệt. Nhưng kẻ duy nhất sử dụng toàn diện ưu thế này là Quang Anh rồi sẽ phải trả giá trong tình trường lẫn kinh doanh. Còn Tôi – kẻ bỏ cuộc, thoái vị người gia trưởng lẫn Kun – cậu trai thời mới đầy mẫn cảm nghệ sĩ, đều không tìm thấy hạnh phúc ở khung cảnh đó.

4-“Rồi tình ngoài hư hao”

Ở cuốn tiểu thuyết mới nhất này, tình yêu vẫn là sợi dây kết nối quan trọng, nhưng mang một cảm thức có khác so với những mối tình ở Cơ hội của Chúa được in cách đây 15 năm. Tình yêu lần này dường như tự do hơn, nhưng không còn cái nôn nao của những người trẻ tuổi Hoàng-Thủy của thời trong trắng đến tội nghiệp hay cái vẻ đặc trưng của những ông bố yếm thế “xúc động, cả bữa cơm đánh đổ chén rượu mấy lần” khi mừng con đi Tây về hay bà mẹ gốc gác sơn nữ“xởi lởi… đã mắng cả ngành di truyền học bằng cách đẻ cô con gái tuyệt sắc”. Tình yêu trong Ba ngôi của người là một tình yêu bị xen vào rất nhiều những hình ảnh tiện nghi và tiền bạc. Khi thì những nhãn rượu được nhắc đến nhiều lần như một kiểu quảng cáo trá hình đầy hài hước, khi thì các tình nhân nữ đều xuất hiện bên cạnh các chỉ dấu vật chất: túi xách hàng hiệu Louis Vuitton, xe hơi, thịt chó, đồ ăn… Dường như sự hư hao của tình yêu ở đây diễn ra nhanh hơn, không phải đợi đến suốt chiều dài cuốn tiểu thuyết như Hoàng và Thủy trong Cơ hội của Chúa mà chỉ cần một đôi chương đã đồng sàng dị mộng. Người yêu của Kun - cô người mẫu Mộc Miên - ngay từ được tác giả cho xuất hiện lần đầu đã bị Kun nhìn thấy “cái khát khao muốn ở trung tâm, cái vô thức muốn thật sự thành người Hà Nội thì nàng không hề giấu”. Người phụ nữ giàu tình yêu như mẹ của Kun hay Hạnh - chị họ của Quang Anh, người yêu đầu tiên của anh ta, đều mau chóng bất hạnh. Quang Anh cuối cùng cũng gặp lại Hạnh ở châu Âu, người đàn bà cho anh ta nếm vị trái cấm đầu đời, khi nàng đã “thật già và thật buồn”, sống cùng ông chồng kiến trúc sư Đức tỉnh lẻ. Tình yêu đã là kẻ chiến bại.

Phố xá cũng vậy, không còn những con phố ngân ngấn những vệt nước mưa hay Tháp Rùa ngơ ngác nhìn Hà Nội của cuốn tiểu thuyết đầu tiên. Nơi các nhân vật chính gặp nhau khi ấy thường là khá nên thơ và giàu cảm hứng cho họ. Còn trong Ba ngôi của người, hai cha con Tôi-Kun gặp nhau ở điểm hẹn trong một tòa nhà xấu xí nhìn thẳng ra Hồ Gươm. Và ở đấy, bao cái nham nhở cằn cỗi của đô thị phơi ra cả. Tâm trạng của các nhân vật theo đó cũng tiêu cực theo. Hà Nội của thập niên thứ hai thế kỷ này đã không còn nhiều chất thơ cho nhân vật của Nguyễn Việt Hà, hay là chất thơ ấy đã lên đường hóa thân vào một hình thái khác.

Nhân vật của Nguyễn Việt Hà đậm nét cá tính tác giả, kể cả những nhân vật chỉ được phác họa sơ qua. Những con người của phố phường Hà Nội, bải hoải trong nỗi bận rộn và ồn ã trong sự biếng lười. Văn anh cũng giống như bối cảnh chính trong truyện – không gì khác ngoài Hà Nội, có sự chông chênh giữa nét tinh tế nao nao với sự thô nhám chao chát của đời sống thị dân nơi này. Nỗi bi quan được phát ngôn từ nhân vật Tôi, “Hà Nội bây giờ thì buồn quá, nó không quá nghèo nhưng vô đạo và ít học”. Nguyên cái tên Tôi cũng là một trò chơi ngôn từ đánh lừa người đọc, cho phép tác giả sử dụng thế mạnh của lối viết tản văn thông qua suy nghĩ và lời nói của nhân vật. Nó tựa như sự cộng sinh của những con phố nhỏ chật chội cũ kỹ kiểu Nhà Chung với các đại lộ mới mở bị nhân vật chính chê là đậm chất tỉnh lẻ để làm nên chân dung Hà Nội. Sự cộng sinh thể loại lẫn chủ đề khiến tác phẩm có thể đọc được ở nhiều cách tiếp cận, vì thế tôi không nghi ngờ có những cách đọc khác, đó cũng là thành công của bất cứ tác phẩm nào.

HN hè 2014
N.T.Q

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm