Hai đứa con trai ra hồ Hale

Hihi, tất nhiên vẫn là "Ba ngôi của người", nhạc và lời Nguyễn Việt Hà nhé.

Chuyện dễ chịu nhất là nhìn trộm Hạnh tắm. Lúc ấy tôi đã hơn mười ba còn Hạnh thì gần mười tám. Sau lần tò mò sờ soạng, Hạnh không cho tôi vào ngủ cùng chăn nữa. Nàng ở dài nhà tôi để luyện thi vào trường Cao đẳng Nhạc Họa. Chị tôi bảo, nó nên thi vào trung cấp thì vừa lực hơn, tài chính hay ngân hàng là nhất, dễ xin việc. Nhưng Hạnh ham nghệ thuật. Nàng thích hát, biết vẽ, tự học may cắt quần áo rất khéo. Những năm tháng nghèo rớt mùng tơi của bọn dân đen, ăn chỉ cầu no, mặc chỉ đừng rách, Hạnh cặm cụi thức đêm sửa mấy cái quần “phăng” thải ra từ mẹ thằng Kun. Rồi chữa áo sơmi, liều lĩnh chữa cả blouson. Bất cứ bộ quần áo nào nàng đã tự sửa để mặc đều tinh tế dâm đãng rất thời trang. Tôi nhiều lần chứng kiến ở ngoài đường, hàng đàn bọn thiếu nữ phố cổ đạp xe “lơ” hay “mipha” đuổi theo Hạnh, hau háu hỏi là chị ơi chị may bộ này ở đâu đấy. Năm 1988, mẹ thằng Kun đi xuất khẩu lao động ở Nga, bỏ lại cho Hạnh cả một tủ quần áo. Nàng nhờ tôi giữ cho phẳng cái áo thụng valide cổ Đức, mềm mại lùa kéo khoét nó thành cổ tròn.

“Quang Anh quay mặt đi nào”.

Tôi ti hí nhìn nàng thử áo uốn éo trước gương. Đẹp vô cùng. Ở nhà, nàng không bao giờ mặc áo lót. Người tôi hầm hập như rang. Vải valide mỏng manh nhờ nhờ bầu vú tròn căng có đầu vú nổi sẫm đen. Tôi từng nhìn trộm nó không biết bao nhiêu lần. Kể cả về sau khi đã cực kỳ thập thành, tôi chưa bao giờ thấy đứa con gái nào có đầu vú đen đĩ thõa như thế. Tôi run run lại gần sờ sờ vào cổ áo, miệng lắp bắp là loại vải này lạ nhỉ. Hạnh quay lại, mũi lấm tấm mồ hôi, đôi mắt đen có đuôi dài ma mị. Chợt như bải hoải nàng vòng tay qua vai tôi, ép đầu tôi xuống, mê man mút lưỡi. Cái hôn đầu tiên trong đời hình như làm tôi xuất tinh. Đũng quần nàng cũng ướt đẫm. Và chúng tôi chỉ hôn nhau thôi.

          Sau nụ hôn đầu Hạnh trốn biệt, em tìm mọi cách lánh mặt tôi. Dì Tiết đã về lại dưới quê trông nom mấy sào vườn hoang. Mẹ tôi trượt chân đá hoa buồng tắm, tiền sử huyết áp làm bà tai biến nhẹ. Bố tôi đều đặn vào thư viện Quân Đội, loay hoay viết hồi ký, những lúc chán quá ông làm cả thơ. Năm rồi, tôi gom bản thảo lại in thành một tập mỏng để kỷ niệm, mua giấy phép của nhà xuất bản Hội Nhà Văn. Thơ ông, giống thơ của các đồng chí thế hệ ông, vừa ước lệ vừa sáo rỗng. Duy có bài khóc anh cả tôi thì giọng lạ, đầy ân hận xót xa. Nhà vắng hoe. Ngoài giờ đi làm loăng quăng, Hạnh trốn vào buồng khóa kỹ cửa. Tất nhiên đã đến nước ấy thì không có gì làm tôi có thể lùi. Tôi vừa thi xong học kỳ một lớp 12, bài vở cuối cấp chất cao như núi. Tôi đăng ký thi trường Ngoại Thương và luyện ở lò của thầy Toàn “ngố”, danh gia khét tiếng luyện thi đại học chỗ gần Ngã Tư Sở. Thầy Toàn khẳng định là dù chủ quan thì điểm thi của tôi cũng không thể dưới 24. Những năm ấy chỉ cần trên dưới hai mươi điểm là đỗ cao đại học. Đầu tôi lơ mơ trống rỗng, không một tối nào tôi không vật vờ trước cửa phòng Hạnh ở tầng hai, vốn là phòng cũ của chị tôi. Phòng bố mẹ tôi là ở tầng một, tôi cũng ở dưới kế đó. Chuông đồng hồ điểm mười một giờ, tôi cầm quyển sách, là Toán, là Lý, là New Concept, đếch biết, luẩn quẩn rừng rực đi lên đi xuống cầu thang rồi lò dò dọc theo hành lang. Qua cửa phòng Hạnh, tôi run run đứng, nghiến răng cầm chặt nắm đấm cửa nhè nhẹ xoay. Nó cứng ngắc, bị khoá bên trong. Tôi áp tai vào cánh cửa lim, có tiếng tim đập thùm thụp, không rõ là của tôi hay của Hạnh. Đã vài lần tôi gặp mẹ tôi ở đầu chân cầu thang, bà nhìn tôi lo lắng, bà sợ tôi học nhiều phát điên. Nhưng cứ hễ bà hỏi, con uống thêm sữa hay nước cam không là tôi bẳn. Trừ bố tôi, tôi sẵn sàng cáu với bất cứ ai. Mặt tôi hốc hác gầy rộc, chẳng đọc được chữ nào. Ở trường, cũng vô số thằng học cuối cấp mặt mũi trông giống hệt tôi, chẳng biết là do sức ép thi cử hay do yêu em họ.

          Hạnh xin phép bố mẹ tôi về quê với cớ là đi tìm việc, ở Hà Nội đi kiếm việc khó quá. Nàng đã tốt nghiệp được năm rưỡi, lăng nhăng chuyển chỗ làm qua hai ba cơ quan. Tôi biết em sẽ không lên nữa, tôi nấp sau rèm cửa sổ nhìn Hạnh kéo cái vali có bánh xe khuất dần. Tôi yêu em, tôi căm thù em, tôi sẽ giết em. Thế rồi, được một tuần, bố tôi gọi Hạnh lên. Ông xin cho Hạnh vào làm thử ở Bộ Thương Mại, một công việc sẽ rất hợp với cháu, kiểm tra mẫu mã hàng may mặc xuất khẩu của mấy tổng công ty Dệt. Tôi làm mặt lạnh không thèm nhìn em. Cơm chiều tôi lấy cớ mệt, bắt con Chiền “lùn” đem vào tận phòng. Mà tôi cũng chẳng thiết ăn gì, tôi nhai cơm như nhai rơm, hai hố mắt hõm xuống như hai hố lửa. Đêm tôi vẫn vật vờ cả tầng một lẫn tầng hai. Và cứ khoảng 5 giờ chiều tan tầm là tôi nóng ruột nôn nao. Tôi lấy xe Peugeot 104 phóng tới đầu ngã tư Ngô Quyền Hai Bà Trưng rình nàng tan làm. Có một lần Hạnh tan cùng một thằng cha cao gầy, nàng trông thấy tôi. Tôi quay vội xe, ngã sấp mặt xuống vỉa hè. Tôi chui vào phòng tôi, mơ hồ, như thấy ai nhè nhẹ gõ cửa. Tôi sẽ không mở bất kỳ cánh cửa nào nữa. Nước mắt tôi chứa chan ướt đẫm gối. May mà hồi ấy có thằng Kun, nó hay chập chững mò sang phòng tôi đòi ngủ cùng. Đêm muộn, tôi lấy hai tay siết Thái Dương, cố gắng học. Bã bời, tôi chập chờn ngủ liên miên mộng tinh. Với tình hình này để có điểm sàn 21 cũng là chuyện thiên nan vạn nan.

          Để quên hẳn Hạnh, tôi quyết định đến nhà thằng Hùng “dế” ở Hàng Bông học thêm. Thằng Hùng cao hơn tôi cả một cái đầu, lông ở chim nó rậm rạp dài. Mẹ nó buôn đồ điện tử và duy nhất có nó là con trai. Hai bà chị trên nó ế chồng, kén quá nên đang chổng mông gào, sợ nó hơn sợ cọp. Thằng Hùng thông minh kỳ lạ, nó học môn gì cũng dễ. Thế nhưng, với cái tính ham chơi chóng chán, nó chỉ xếp ở giừa giữa lớp. Hết tiểu học, tôi ngồi cùng bàn với nó từ lớp Sáu. Còn vào trung học phổ thông, nó học Việt Đức, tôi học Chu Văn An. Như thế kể cũng là thân. Thằng Hùng quen thói được chiều, nghĩ gì nói lấy nên bị các thầy cô ghét và nó cũng ghét các thầy các cô. Năm lớp Tám, thầy Chinh dạy Vật Lý giảng về lực ma sát. Thầy Chinh mồm hơi méo, còn thầy Hưng dạy Sinh Vật tay trái hơi bị khoèo. Thằng Hùng có làm bài tứ tuyệt vịnh hai thầy. Hưng “khoèo” Chinh “méo” đôi bạn thân. Nổi tiếng toàn trường dạy như thần. Chinh “méo” đi xe thì huýt sáo. Hưng “khoèo” ngồi sau rung tay chân. Bài thơ được nhiều đứa thuộc nhưng chỉ dám truyền mồm đọc thầm. Nó quyến rũ đến mức, khi cả bọn con trai rủ nhau lên Quảng Bá bơi. Tới giữa hồ, chợt như để xả ẩn ức, bỗng đồng thanh cùng đọc toáng lên. Hôm ấy thầy Chinh giải thích về tầm quan trọng của lực ma sát. Đại loại, nếu không có lực ma sát thì mọi vật cứ trôi tuồn tuột, kể cả đang mặc quần áo. Thằng Hùng mơ màng nghe, nó khát khao nhìn sang con Dung “đít to” ngồi bàn dưới, ngầm mong “em” Dung của nó thường xuyên rơi vào trường lực này. Rồi như mụ mị vô thức, nó giơ tay xin phát biểu. “Thưa thầy, thế các vật méo có trôi được không ạ”. Thầy Chinh suýt văng tục, nhưng cố kiềm chế quát. “Thằng Hùng ‘dế’, ngồi xuống, ba con không”. Mẹ thầy Chinh là bà Cả Đích đạo gốc, bán bún ốc nổi tiếng phố Nhà Chung. Bà cứ gặp ăn mày là cho một bát canh ốc cay xè khách để thừa, tú ụ trộn cơm nguội. Lúc thầy Chinh “méo” cáu nhất thường cho bọn học dốt liền tù tì ba con một. Thầy Chinh giống tính mẹ nên cũng thương học trò. Cuối học kỳ, thầy tự động ân xá xóa đi hai con. Tôi chẳng nhớ thằng Hùng có được giảm án hay không, chỉ biết tổng kết cuối năm, Lý của nó chừng sáu phẩy mấy.

          Mẹ thằng Hùng rất hãnh diện khi thấy nó chơi thân với tôi, vừa con quan lại vừa học giỏi. Mẹ nó làm con dâu phố cổ, đảm đang buôn bán, nấu ăn ngon tuyệt vời. Mẹ thằng Hùng tuy chưa học hết lớp Hai, nhưng biết trọng chữ, huy động tổng lực cả nhà yểm trợ cho nó thi đỗ vào Bách Khoa. Tôi với nó được dành riêng một phòng trên gác ba, có quạt Sony để hẹn giờ. Chúng tôi khóa chặt cửa buồng xem video “con heo”. Cả tôi và nó đều thích phim “xếch” Á. Tôi nghiến răng, cuồng loạn nghĩ tới Hạnh. Còn thằng Hùng, mắt nhắm tịt, vào đoạn cao trào nó trắng trợn tụt quần xóc lọ. Mồm nó chảy dãi rên ư ử. Và khi nó phọt ra thì bao giờ nó cũng phải tiện tay đập một cái gì đó. Hôm nó đập vỡ cái lọ lục bình thì hai chị nó đang trông hàng dưới tầng một hốt hoảng chạy lên, gõ cửa lo lắng đòi vào. Thằng Hùng tồng ngồng quấn chăn đơn, mồm sủi bọt miễn cuỡng phải mở cửa. Hôm sau, mẹ nó gọi chúng tôi xuống quầy. “Các con học nhiều quá, điên mất. Chẳng thi đỗ thì đừng chứ thế này mẹ sợ lắm”. Tất cả những bà mẹ hơi dư tiền ở phố cổ đều sợ con mình học nhiều bị thành dở hơi. Có lẽ đây là nguyên nhân chính làm cho đám Hà Nội gốc có rất ít giáo sư tiến sĩ. Thằng Hùng bảo, tao với mày phải đi kiếm một con “phò” rồi dẫn về nhà mày. Nhà mày vừa vắng vừa rộng đéo ai để ý. Chứ cứ thụt tay kiểu này tao tức bụng chết mất.

          Hóa ra hai thằng mới mười sáu tuổi đi kiếm phò ở cái thời chưa có internet là chuyện không hề đơn giản. Hôm đầu, bọn tôi lượn quanh hồ Hale. Thằng Hùng đèo tôi trên cái “cub” 50 mới cáu cạnh màu ốc bươu. Hồ Hale đầy khả nghi, nhan nhản bọn ma cô lưu manh, nhưng đám nghiện hút thì chưa đông như bây giờ. Sẽ rất nguy hiểm cho hai thằng nhóc công tử phẳng phiu, tôi và thằng Hùng “dế” đủ thông minh để biết mà “té” sớm. Cách đây vài tháng túng tiền, thằng Hùng rủ tôi ra chợ Giời bán quả Le vít mỏ đỏ, quà tặng sinh nhật từ chị nó. Bọn buôn quần bò vừa trả rẻ vừa trắng trợn trấn lột. Không những thế, thằng Hùng tiếc của giằng co còn suýt bị ăn cả cái cối Tầu vào mặt. Hôm sau, bọn tôi đạp chiếc “Thống Nhất” cọc cạnh, chầm chậm men dọc đường Nguyễn Du. Khác với lời đồn, suốt hai bên vỉa hè quanh hồ vắng sạch đĩ điếm. Mãi thì cũng thấy chỗ bóng sẫm cây to gần ra rạp xiếc Trung ương, nơi đèn đường bị cố tình ném vỡ, thấp thoáng một nàng. Thằng Hùng lượn sát vào, chợt nghe tiếng cằn nhằn. “Đã bảo rút ngay ra để người ta còn đi tiểu thì lại còn cố”. Rồi một “nàng” lộ nửa người từ sau bức tường xây dở bước hẳn ra. “Nàng” không thèm nhìn bọn tôi, sỗ sàng tụt quần tồ tồ đái bậy. Nản quá. Thằng Hùng vẫn không bỏ cuộc, nó quyết định đi bộ. Hai thằng phì phèo thuốc, mặt cố giữ vẻ nghênh ngang lạnh. Có một hàng nước chè rong sập sệ với cái đèn dầu lập loè nham hiểm. Chủ quán là một thiếu phụ răng vẩu mặt đanh quắt, ế khách ngồi một mình. Thằng Hùng gọi hai chè chén, đệm một câu rất tục để tăng độ côn đồ, rồi ngậm lệch điếu “ba số” sành sỏi hỏi.

“Có hàng mới không”.

Thiếu phụ trắng dã nhìn, ngấm ngầm định dạng hai thằng nhóc ở loại gì, liếc rất nhanh cái dây chuyền ba chỉ lủng lẳng ở cổ mà thằng Hùng quên cất ở nhà, rồi buông thõng, mồm thối không thể tả.

“Sắp mùng một tháng năm. Cớm quây nhiều, bọn nó dạt hết rồi”.

“Thế không còn hàng nào sót thật à”.

Câu hỏi với vát kiểu trẻ con làm thiếu phụ thay đổi thái độ, khẽ nhếch mép cười khẩy.

“Còn, vừa bán trinh tháng trước nhé, ngon hết sẩy”.

Thằng Hùng huýt sáo, lại văng tục. Thiếu phụ chìa gói “Héro” mời hai người hùng.

“Bao nhiêu”.

“Giá chát đấy. Đi dù thì hai sọi”.

Thằng Hùng làm vẻ cò kè, nó có biết giá nào vào giá nào đâu. Túi nó có một xấp tiền, hôm trước nó rút tủ trộm của mẹ nó tờ 50 đồng xanh cốm. Khi đi ngang Cửa Nam, nó cẩn thận mua một bao “555” để đổi tiền lẻ. Năm 1987, nhà thơ Tố Hữu lên phó thủ tướng, nghĩ ra “chiêu” bù giá vào lương, mặc dù sau một năm đổi tiền lạm phát phi mã nhưng tờ 50 đồng vẫn cao giá kinh khủng. Con mụ bán thuốc lá đầu đường, gần như vét hết “bỉm” mới đủ tiền trả lại. Thằng Hùng rít dài một hơi “Héro”, thuốc nặng, nó ứa nước mắt cố ghìm ho.

“Bọn tôi có vòm muốn đi qua đêm”.

“Thôi xin hai bố. Con sợ mấy bố sinh viên lắm. Đi mặc cả thì có hai. Lúc lôi con người ta về thì gầm giường nấp thêm một rổ”.

“Đi dù” là một thuật ngữ thắng lợi phẩm mang từ bọn ngụy miền Nam ra, còn miền Bắc gọi là “tàu nhanh”. Thằng Hùng ô kê. Không điện thoại di động, cũng không có giao liên, chẳng hiểu thiếu phụ xi nhan thế quái nào mà chừng năm phút sau, một con phò xuất hiện. Tôi rùng mình, “nàng” trông giống hệt như chị em song sinh với thiếu phụ, khi nhăn nhở cười thì có vẻ đanh hơn. Ở tuổi đấy mà tháng trước vừa bán trinh, thì đạo đức đàn bà ở ta quả đáng tôn trọng. Thằng Hùng ngần ngừ. Thiếu phụ lạnh lùng nhìn đe doạ xuống bao 'Héro”, không phải ngẫu nhiên có đồ khuyến mại. Ở phía bên kia đường chợt hầm hè mấy bóng đàn ông đi dạo mát. Thằng Hùng hành sự ngay sau cây sấu có lõng bõng những vũng nồng nặc mùi khai. Đêm hồ nhiều gió nhưng ruồi nhặng vẫn bay vù vù. Tôi rùng mình, vô thức liên tiếp uống cả hai chén trà mạn đặc sệt để rồi đến nửa tháng sau vẫn mất ngủ. Thằng Hùng lóp ngóp đi từ sau gốc cây ra, mặt thằng con giời nhập nhoạng dưới ánh điện muộn trông hoang mang như thơ siêu thực, thiếu phụ bán nước hất hàm.

“Đến lượt ông đấy”.

Tôi nghẹn ngào ngắc ngứ lắc đầu.

“Chê à, hay muốn đây”.

Phía sau gốc cây sấu nheo nhéo một giọng cầu tõm.

“Còn chú nào thì vào nốt đi không ruồi nó bu”.

Khốn nạn cho thằng Hùng, không đầy bốn ngày sau nó bị “nổ ống khói”. Tôi chở nó đi tìm chỗ tiêm lanh cô xin mà sống lưng nhớp nháp toát lạnh mồ hôi. Đúng là ngu thì chết chứ bệnh tật gì.

          Tất cả những cơn cuồng điên trẻ con ở thời gian ấy Hạnh đều biết. Em hơn tôi 5 tuổi cơ mà. Em hiểu những cái nhăn nhó ở tôi, bởi đơn giản em là một thiếu nữ khoẻ mạnh. Và có thể em thương tôi. Tất cả các thiếu nữ còn trinh đều dễ xúc động và đều trong trắng. Ẩn ức nhục dục ở họ, nếu bột phát thăng hoa, đều mù lòa không vụ lợi. Chỉ đến khi trưởng thành bị số phận tính toán đẩy đi làm điếm hay làm vợ thì bọn họ mới bị bẩn thỉu tha hóa. Cứt, làm đĩ là thứ điếm ngắn hạn, còn làm vợ là thứ điếm dài hạn. Tôi một lần đã suýt lấy vợ, một cô giáo dạy văn, nên tôi ghét hôn nhân. Kể cả sau này, những lúc phóng đãng nhất tôi cũng không thể ngửi được bọn đàn bà đã có chồng. Về bản chất, bọn họ luôn sẵn sàng ngoại tình nếu như có cơ hội.

          Thi xong học kỳ 2 thì tôi ốm vật, nửa như thèm khát đuối sức nửa như cồn cào tương tư. Tôi vật vã ngủ, hai tay ghì chặt chỗ giữa hai bẹn. Hạnh nhìn qua khe cửa mà mỗi khi thằng Kun vào phòng không bao giờ khép chặt, em thấy tất. Em có yêu tôi không, chẳng biết, nhưng chắc chắn em rất lo là tôi thi trượt. Có một nghĩa vụ nào đấy như là em phải trả ơn cho nhà tôi. Tôi không biết, cho đến giờ mọi chuyện về em đều là suy diễn. Rồi một buổi chiều muộn đi học thêm toán về tôi bị nước mưa. Hạnh tan làm sớm, ngong ngóng cầm ô đứng ngoài cổng có vẻ như chờ tôi. Tôi lầm lì chui vào phòng, giấu hết mọi người, sốt run bần bật. Hạnh cầm cốc nước cam vào cùng thằng Kun, em để bàn tay mát lạnh lên trán tôi nóng bỏng.

“Khổ thân ghê”.

Nàng sai thằng Kun lẫm chẫm về phòng nàng đi tìm cặp nhiệt độ. Nàng khép chặt cửa, quay nhanh lại, để một nụ hôn thật dài lên má tôi. Rồi một nụ hôn lên mắt tôi đang vờ vịt nhắm nghiền. Rồi liên miên khắp mặt tôi. Nước mắt của Hạnh không nóng, nó mằn mặn mát. Đêm hôm ấy gần 11 giờ, vẫn sốt 38 độ rưỡi tôi vào phòng Hạnh. Cửa không khóa trong. Chúng tôi quằn quại vào nhau cho đến sáng. Người Hạnh rừng rực lây nóng từ tôi. Thân nhiệt của nàng, lúc tôi ào ạt xuất, không dưới 40 độ.

          Cái tháng trước khi thi đại học năm ấy là một thời gian tuyệt vời hạnh phúc. Hạnh ở bên tôi suốt, chăm sóc từng miếng ăn cốc nước. Em chiều tôi từng tí một, dịu dàng vô ngần, chỉ bắt tôi hứa là phải đỗ thật cao. Không hiểu sao, môn nào tôi học cũng thuận. Thày Toàn “ngố” xem tôi giải đề toán của bọn chuyên, đề thi học sinh giỏi miền Bắc, ngạc nhiên mặt cứ đần thuỗn ra. Tiếng Anh, tôi bị vấp nhất đoạn dịch ngược, thì giờ đây bỗng rầm rập trôi chảy như thằng cung văn vào nhịp ba dồn phách. Chúng tôi sờ soạng nhau suốt ngày, đến cao trào thì Hạnh nồng nhiệt chủ động. Nhà mỗi người một phòng nên chẳng ai biết cả, hai đứa chỉ đột ngột giật mình là đôi lúc ngu ngơ xuất hiện của thằng Kun. Hạnh là tổ sư của những trò đánh lạc hướng. Em khúc khích bảo riêng với tôi, đấy là bản năng của bất cứ ai phải ăn miếng cơm nhà người. Nói xong, chợt nước mắt em ứa ra. Đôi vai trần nức nở trắng trong ánh sáng nhờ nhờ. Mẹ tôi thấy Hạnh chăm tôi thì bà vui lắm. Nếu bà biết sự thật, chắc bà chết mất.

          Người ta có được quyền ngủ với em họ hay anh họ của mình không. Mãi mãi sau này và ngay từ hồi ấy, Hạnh liên miên bị dằn vặt. Tôi chưa thấy bị bao giờ. Tất nhiên sẽ là vớt vát được đạo đức, nếu chúng tôi chỉ yêu nhau thôi, yêu nhau sạch sẽ không giường chiếu. Nếu ai đấy có biết thì người ta cũng chỉ cho là một thứ bệnh hoạn. Lễ giáo phương Tây đỡ tàn bạo hơn phương Đông. Thì như Eugénie Grandet với cậu em họ Charles chẳng hạn. Nhưng chúng tôi đã làm tình với nhau, bất kể mọi chỗ, bất kể mọi nơi. Có những lần điên dại trong toalét. Có những lần mụ mị ngay bên cạnh bàn thờ gia tộc. Tất tất sẽ đồng thanh kêu đấy là tội lỗi. Nietzsche từng bảo, Ki Tô giáo bại hoại là vì nó xác định “đấu tranh với tội lỗi”. Còn Phật giáo cao hơn, chính xác hơn khi tôn trọng đúng mức thực tại “phải đấu tranh chống lại đau khổ”. Hạnh hối hận lắm, thỉnh thoảng lại vật vã khóc thầm. Tôi in ít thôi. Mọi sự sẽ là đạo đức khi người ta đê tiện chỉ nghĩ. Và mọi sự sẽ là khốn nạn khi người ta trót thực sự sống. Một kiểu sống bất kể được hay bị. “Một đức hạnh tất phải là một phát minh riêng của chúng ta. Thiết yếu thể hiện nhân cách và đề kháng riêng của chúng ta”. Tôi đang ở mộtnơi , tứ bề bị vây hãm bằng thành kiến. Một nơi hẳn không tha thứ cho những người mang bệnh giang mai như Nietzsche.

          Mùa hè năm 1992, tôi đã học hết năm thứ ba. Tôi bắt đầu thấy chán mọi thứ, đặc biệt là cái trường Ngoại Thương tôi đang học. Dạo đó tôi và Hạnh rất dễ cãi nhau, nhất là sau một lần nàng nhỡ có bầu. Nàng giấu tôi, âm thầm đến viện phụ sản và vì vội vàng Hạnh bị sót rau. Tôi vô tình thấy cái đơn thuốc kê đầy kháng sinh nàng dúi ở dưới gối. Tôi gằn giọng.

“Tại sao không bảo”.

Hạnh khóc, chưa bao giờ và cũng chẳng bao giờ tôi thấy ai khóc như thế. Tôi cau có.

“Sợ đẻ ra đứa con có đuôi à”.

“Quang Anh làm ơn đi ra ngoài đi”. Hạnh nức lên.

Tôi sập rầm cửa. Cũng có thể tôi chẳng biết gì cả. Năm ấy tôi mới hai mươi tuổi.

          Hạnh kiên quyết tránh mặt tôi, và tôi cũng cóc cần. Tôi cũng đã có bạn gái, một con bé học nhạc viện mười tám tuổi. Bố nó thổi sáo, mẹ nó đánh đàn bầu ở dàn nhạc dân tộc, nên đi Tây biểu diễn suốt. Nhà nó ở khu tập thể, đủ vắng cho hai đứa chồm chồm lên nhau suốt giờ người lớn đi làm hành chính. Nó bấm tóc “hỉ nhi”, cuồng nhiệt thích nhảy đầm, thích mua hàng hiệu, thích ăn ngon, thích những đứa ca sĩ nổi tiếng. Rồi thích blowjob. Tức là đến năm nay, 2012, sau hơn hai mươi năm bọn con gái bây giờ cũng thích y như vậy. Một buổi chiều, Hạnh bảo tôi ra một quán cà phê, đấy là buổi chiều cuối cùng của chúng tôi. Tôi làm lành và nói chuyện tôi quyết định đi Mỹ học. Những năm đó Việt Nam đang cựa quậy đổi mới nhưng đi học đại học ở Mỹ thì vẫn là chuyện khủng khiếp. Rất ngạc nhiên đấy lại là ý tưởng của bố tôi, một ông già mang vẻ cộng sản đã 72 tuổi.

“Bao giờ thì Quang Anh đi”.

Hạnh xanh xao hút thuốc nhìn trời mưa. Cho dù đã suốt ba năm rưỡi có nhau, Hạnh xưng hô với tôi vẫn kiểu ngô nghê trẻ con như buổi đầu.

“Hay là bác biết chuyện gì về Quang Anh”.

“Không, ông ấy chẳng biết cái gì đâu”.

Rồi tôi nói dài, tôi bảo là tôi không hiểu tại sao thấy chán hết mọi sự. Tôi nói hoàn toàn thật lòng không một chút giả vờ. Hạnh vừa ho vừa châm điếu thuốc mới. Đây là lần đầu tiên tôi thấy Hạnh hút thuốc.

“Sang tháng sau thì Hạnh cũng đi xa, giấy tờ lo xong hết rồi”.

“Đi đâu”.

Hạnh cúi mặt khóc, đôi vai tròn nghèn nghẹn nức nở. Tôi định cầm tay Hạnh. Hạnh giật ra. Ở chỗ đông người chúng tôi chẳng bao giờ cầm tay nhau.

          Mười ba năm sau tôi có sang Đức đi tìm Hạnh. Tôi đã phải mất nhiều công sức để biết Hạnh ở đâu. Tôi thấy Hạnh thật già và thật buồn. Nàng không có con. Chồng nàng là một kiến trúc sư tỉnh lẻ, nửa Đức nửa Thụy Sỹ, mỗi khi ngậm tẩu rít thì trông đẹp và hiền. Chúng tôi ngồi uống ba lăng nhăng ở đầu hiên nhà, xung quanh hiu quạnh là cả một bìa rừng. Tôi hỏi chồng Hạnh là tên thị trấn này nghĩa là gì. Hạnh giới thiệu tôi là con bà bác ruột và khi chồng nàng quay vào lấy thêm bia thì Hạnh bảo tôi, Quang Anh nên đi đi.

          Tôi bắt taxi đi ra ga vào lúc tám rưỡi tối muộn. Từ đây tàu hoả chạy xuống Berlin sẽ mất cả đêm. Tôi ngồi trong quán ăn ở sân ga uống mấy ly whisky chờ tàu. Xa xa, những vệt núi đen sẫm, mỏm hình như trắng tuyết, lạnh lẽo chập chùng. Tôi vùi mặt vào balô, cố ngủ gật.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm