Hồ Gươm - nơi Đông Tây hội ngộ

(Tham luận tại Hội thảo về Quy hoạch Hồ Gươm 2014. Các phần rút gọn đã đăng trên tạp chí Kiến trúc và Tinh hoa Việt).

Hồ Gươm là một bài học quy hoạch hoàn chỉnh nhất trong vòng hơn trăm năm qua tại Hà Nội. Điều này chứng minh được không chỉ ở phạm vi trung tâm đô thị này, nơi Hồ Gươm được mặc định là hạt nhân của không gian thành phố. Cách thức quy hoạch lấy một mặt hồ có độ lớn vừa phải, hình dáng thường quy về tròn, có một vài kiến trúc nhỏ làm điểm nhấn, tận dụng hệ thống cây xanh và đường giao thông vòng quanh hồ, đã gây ảnh hưởng đến các quy hoạch những hồ nước trong đô thị về sau. Có lẽ ở khía cạnh ý tưởng, quy hoạch này không phải là đầu tiên trong lịch sử, mà có kế thừa mô hình của cả quy hoạch đình tạ Á Đông lẫn công viên Pháp, ảnh hưởng qua hai nền văn hóa giao thoa, và hơn thế là những người quy hoạch đã biết biểu tượng hóa các kiến trúc trong đó để thổi một cái hồn còn sức sống đến nay.

Hồ Gươm, ảnh Võ An Ninh.Hồ Gươm, ảnh Võ An Ninh.

Cái nền Á Đông sẵn có

Trước khi người Pháp tới, thì các danh sĩ Bắc Hà như Nguyễn Văn Siêu, Vũ Tông Phan… đã ghi dấu ấn bằng cách đặt vào những hình thái cảnh quan kiểu đình tạ ảnh hưởng từ lối quy hoạch truyền thống các nước ảnh hưởng nền văn hóa Trung Hoa. Đền Ngọc Sơn, tháp Bút, đài Nghiên, nối với nhau bằng cầu Thê Húc, là một cách các thế hệ nhà nho khoa bảng lẫn tài tử thế kỷ 19 thi triển những biểu tượng văn hiến Nho giáo. Bên cạnh hồ là một trái núi đá nhỏ, trên có ngọn tháp, thừa kế phong cách kinh điển của tương quan thiên-địa-nhân trong bố cục chiều cao – như các ngọn tháp trên các đỉnh hay sườn núi đã đi vào mô tả của Trương Hán Siêu hay Nguyễn Trãi về núi Dục Thúy với ngọn tháp được ví như “trâm ngọc” cài vào từ thế kỷ 14-15, và nhất thiết cả quần thể soi bóng bên một khúc sông hay mặt hồ - kích đại chiều sâu không gian.

Việc “cải tiến” nội dung tháp chạy đàn hay đặt xá lị của tín ngưỡng Phật giáo sang tháp kỷ niệm văn chương đã khiến cho tháp Bút có đặc điểm độc đáo (trên mặt có 3 chữ “Tả Thanh Thiên” – viết lên trời xanh), làm thành cặp biểu tượng với đài Nghiên – chiếc nghiên đá đặt trên cổng giữa vào đền Ngọc Sơn, cung cấp một nội dung sinh động cho cái vỏ kiến trúc vốn không nhiều đột biến. Cây cầu dẫn vào một hòn đảo, cùng với một phương đình kiểu thủy tạ là Trấn Ba Đình, thực tế là một mô phỏng các kiến trúc đình tạ - cầu kiều, nhưng đã thoát ly khỏi chốn cung đình quý tộc để xuất hiện ở nơi công cộng bình dân. Cũng phải nói rằng vào thế kỷ 19, Thăng Long đã trở thành Bắc Thành rồi Hà Nội, không còn là kinh đô và giới quý tộc triều cũ đã thất thế, vì vậy việc tái hiện một khung cảnh có tính cung đình ở hồ Gươm cung cấp một ánh xạ của các vườn ngự uyển trong cung vua hoặc phủ chúa.

Trong Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác, khi viết về phủ chúa Trịnh ở khu vực phía Tây Nam hồ Gươm ngày nay, tác giả viết: “Hành lang, lan can quanh co, tiếp nối song song..Vòng quanh ước chừng một dặm, nơi nào cũng lầu đài, đình, gác,… giữa đất bằng nhô lên ngọn núi cao, cây to bóng mát, nhịp cầu sơn vẽ bắc ngang lạch nước quanh co, lại có lan can toàn bằng đá màu”. Còn Tang thương ngẫu lục của Nguyễn Án bổ sung: “Đến ngày chúa ngự ra chơi Bắc cung, cung có cái ao gọi là Long Trì rộng nửa dặm. Trong ao trồng rất nhiều hoa sen, hoa súng. Ven ao đắp đất trồng đá làm núi, chỗ cao chỗ thấp, dàn đặt có hình thế. Có những chỗ khuỷu để cho nhạc công ngồi đàn sáo. Bờ ao trồng hàng mấy trăm cây phù dung, treo đèn ở trên. Sóng trăng rập rờn, trông xa tựa hàng vạn ngôi sao sáng...” 

Trong Ghi chép về vương quốc Đàng Ngoài, thời gian khoảng 1680, Samuel Barol đã ghi nhận: “Phủ Chúa nằm gần như ở giữa thành phố, rất rộng và có tường bao… Bên trong là các tòa nhà cao hai tầng, hầu hết mở thoáng. Ở phía sau có nhiều công viên, các khóm cây, lối đi dạo, lầu vọng cảnh, đầm cá và bất cứ thứ gì đất nước có thể dâng lên để cho Chúa giải trí, khi mà ông ta hiếm khi du ngoạn bên ngoài”. Trong cuốn sách ghi chép chi tiết về Thăng Long-Kẻ Chợ, Baron không đưa ra mối liên hệ nào về khu vực hồ Hoàn Kiếm hoặc các tên gọi trước đây. Có thể chắc chắn rằng, cho đến thế kỷ 17, hồ Hoàn Kiếm chưa hề xuất hiện như một trung tâm của đô thị. Tang thương ngẫu lục viết vào đầu thế kỷ 19 có một bài về hồ này, ghi nhận rằng hồ thông với sông Cái, và cũng thời gian này, trên tấm bản đồ tỉnh thành Hà Nội năm 1831 thời Minh Mạng, hình dáng cơ bản của hồ mới được xác định với cái tên Tả Vọng. 

Cùng với quần thể đền Ngọc Sơn, những kiến trúc khác như đền Bà Kiệu, chùa Báo Ân, tháp Rùa và những năm 1940 là nhà hàng Thủy Tạ, đều là những kết quả của ảnh hưởng bố cục không gian Á Đông. Chúng chú trọng tính mở của không gian. Nhược điểm của hệ thống này là sự tản mát của các hạng mục và không có trục rõ ràng. Chúng cũng thiếu một đường giao thông ven hồ nối với nhau, để như những gì ghi chép lại trong Hà Nội giai đoạn 1873-1888 mà André Masson đã dẫn lời một nhân chứng: “Hồ Gươm làm người ta buồn nôn vì đây là nơi nhận đủ thứ rác rưởi, nhà dân bản xứ vươn ra hồ trên những chiếc cọc… Các túp lều của dân bản xứ trên bờ hồ san sát nhau đến nỗi, để xuống được hồ, sau khi rời những con đường khá bẩn nhưng vẫn đi được, người ta phải len lỏi qua những ngõ ngách chật hẹp men theo hàng ngàn khúc quẹo… nhiều khi không sao tới được mép nước, nếu tới được cách mép hồ vài bước thì cũng chán không muốn gặp một cái phá độc hại ngay giữa Hà Nội cổ”. Bỏ qua nhận xét tiêu cực thì dễ hiểu là đến giữa những năm 1870, hồ Gươm vẫn có dáng dấp những ao hồ nông thôn. Đây cũng là phần ngoại vi khu 36 phố phường, mật độ dân cư thưa hơn, nhà cửa kém kiên cố hơn các khu phố cổ mạn trên hoặc khu người Hoa.

Bản đồ hiện trạng khu vực hồ Gươm 1885.Bản đồ hiện trạng khu vực hồ Gươm 1885.

Dấu ấn Pháp trong tiếp biến cảnh quan

Trong vòng bốn năm từ khi người Pháp bình định xong Bắc Kỳ, hồ Gươm trở thành trung tâm của công cuộc chỉnh trang thành phố Hà Nội, dẫn tới hai mốc quan trọng là thành phố Hà Nội hiện đại được thành lập năm 1888 và trở thành thủ đô của Liên bang Đông Dương vào năm 1902, theo quyết định của Tổng thống Pháp. Kết quả của cuộc chỉnh trang là con đường quanh hồ với độ rộng cho bốn làn xe, dẫn đến sự xóa bỏ chùa Báo Ân, cũng như ngọn tháp Hòa Phong còn lại của chùa này và tam quan đền Bà Kiệu ở mép hồ bên kia đường với các kiến trúc còn lại. Đan cài vào đó là việc mở ra các trục công viên hướng ra hồ, lấy tháp Rùa làm đích, hai bên trục này là các kiến trúc mới như tòa Đốc lý, nhà Bưu điện. Bố cục không gian của khu vực Hồ Gươm trở nên rõ ràng, mạch lạc khi khu vực phía Bắc là quảng trường rộng dẫn vào khu phố cổ bản địa thấp tầng ít cây xanh, tuyến cây xanh được tăng dần khi bắt đầu qua cụm đền Ngọc Sơn để vào khu phố Tây, và ở đây mới bắt đầu có những ngã tư giao thông có làn xe đúng nghĩa. “Đầu năm 1885, phố Hàng Khảm (tức trục Tràng Tiền-Hàng Khay-Tràng Thi ngày nay) trở thành một phố được trải đá dăm khá tốt, rộng từ 16 đến 18m, các cửa hàng hầu như của người châu Âu…” 1884, trú sứ Bonnal cho nhập 2 chiếc xe tay từ Nhật. 1885, có xe khách công cộng do ngựa kéo. 1886, có hai chiếc xe bốn bánh đầu tiên. 

Ở đây, người ta nhận thấy có một sự thăm dò hơi công thức trong việc quy hoạch các khu chức năng. Cách xếp đặt các công trình hành chính đô thị (tòa đốc lý, tức thị chính) cạnh các dịch vụ công (bưu điện), vườn hoa, công nghiệp phục vụ dân sinh (nhà máy điện), và khu cửa hàng, giải trí (quán rượu, hiệu thuốc) liền kề quanh một ngã tư Hàng Khay-Tràng Tiền-Bờ Hồ (Đinh Tiên Hoàng ngày nay) mang kiểu cách của một đô thị quy mô nhỏ có giao thông cơ giới không nhiều, vốn rất phổ biến cho những đô thị mới lập ở phương Tây. Tuy nhiên, sự có mặt của hồ Gươm đã làm cho đô thị này không giống các đô thị khuôn mẫu nhàm chán. Nó chứa những dấu ấn kiến trúc cảnh quan Á Đông như đã nói ở trước, có độ mở và tạo phần âm cho một khu vực có mật độ xây dựng khá dày. Việc cải tạo và lấy hồ Gươm làm lõi của khu trung tâm Hà Nội đã thành công khi đây còn là sự chuyển tiếp hợp lý giữa khu phố bản địa phía Bắc với khu phố Pháp phía Nam. Nó tránh được những sự giao thoa tương phản quá mức, và những kiến trúc đơn lập trên những hòn đảo như đền Ngọc Sơn, tháp Rùa… hoặc ngọn tháp Hòa Phong còn lại trên vỉa hè phía Đông Nam hồ trở thành sự cài cắm kéo yếu tố bản địa vào gần không gian kiến trúc mới. Như nhận xét của André Masson, “nó là cái gạch nối vui tươi giữa khu phố người bản xứ với khu phố Pháp”.

Tháp Rùa trở thành một loại cột kỷ niệm gần với phong cách quảng trường châu Âu (cột Obelisk), hoặc tháp chuông nhà thờ để mắt người đi quanh neo vào như một điểm nhấn. Điều thú vị là thay vì một quảng trường lát gạch đá mênh mông, ở đây là một “quảng trường” mặt nước. Một điểm đáng kể nữa là hình thức “lai” giữa tòa kiến trúc Á Đông (mái cong, đầu đao, trang trí rồng) với phân vị dọc bằng các gờ cột giả và cửa vòm nhọn kiểu Gothic châu Âu cũng phần nào tạo ấn tượng ngôi tháp cao hơn thực tế. Tháp Rùa có mặt bằng hình chữ nhật thay vì hình vuông để đồng dạng với đường bao hình ôvan của hồ cũng là một nét khá duy lý kiểu Tây phương. Có được một mặt bằng như thế và chiều cao vừa phải tạo thế vững chãi tương đối, nó khác với hình thức truyền thống hơn của tháp Bút hoặc tháp Hòa Phong. Vì thế nó lại có một vẻ riêng, cho dù từ khi nó ra đời đến này, không phải ai cũng đồng tình với cách pha trộn kiến trúc như vậy.

Một lý do tự nhiên nữa của việc lấy hồ Gươm làm trung tâm của thành phố Hà Nội mới là do vị trí nằm giữa khoảng cách từ khu nhượng địa ở bờ sông với tòa thành cũ của nhà Nguyễn. Vị trí chiến lược này khiến cho tất yếu các công trình trọng yếu của bộ máy hành chính thuộc địa thời kỳ đầu nằm quây quần quanh chu vi hồ, với tuyến đường Tràng Tiền-Hàng Khảm-Tràng Thi làm trục chính.

100 năm trước, hồ Gươm là trung tâm của đô thị Hà Nội.100 năm trước, hồ Gươm là trung tâm của đô thị Hà Nội.

Hồ Gươm nhìn từ trên máy bay, 1954.Hồ Gươm nhìn từ trên máy bay, 1954.

Nơi lắng đọng hai nền văn hóa

Qua thời gian, những hồ nhỏ khác ở trung tâm Hà Nội sau này cũng mang dấu ấn ảnh hưởng của hồ Gươm. Hồ Thiền Quang cũng tính đến việc tạo đảo nhỏ góc hồ có cầu dẫn, hồ Trúc Bạch có đảo Ngũ Xã, hồ Bảy Mẫu có đảo Hòa Bình, và cho đến những hồ Giảng Võ, Thủ Lệ… đều cố gắng tìm một điểm nhấn, hoặc về chiều cao như một khách sạn cao tầng ven hồ, hoặc về tính đặc trưng của kiến trúc như đền Voi Phục. Hồ Bảy Mẫu được quy hoạch vào cuối những năm 1950, tương đồng với hồ Gươm về cách tạo những kiến trúc vọng hồ như bến nước, dàn pergola, cầu cong kiểu Á Đông dẫn ra đảo... Tuy vậy, các hồ này đều có điểm khác với hồ Gươm là vị trí hoặc nằm trong một tiểu khu dân cư hay khu tập thể, hoặc ở một góc trục đường giao thông, chứ không phải có nét giống như một vòng xoay lớn để các hướng giao thông cũng như trục quy hoạch hướng vào – vốn là đặc trưng của Hồ Gươm. Vì thế tính chất trung tâm điểm của các hồ này không có. Ở đây chưa bàn đến yếu tố biểu tượng của các thành phần kiến trúc đền, chùa, tháp… vốn được bồi đắp thêm bằng các câu chuyện văn hóa đằng sau, chẳng hạn truyền thuyết lịch sử vua Lê trả gươm cho thần Kim Quy.

Bài học của hồ Gươm gợi ý cho người làm quy hoạch về một cách dùng mặt nước như quảng trường, nó làm tăng thêm tính hiệu quả của hình thức này trong các công viên vườn hoa, bên cạnh tính chất điều hòa vi khí hậu cũng như các ưu điểm về môi trường mà ngay từ khi quy hoạch, người Pháp đã nhấn mạnh. Hồ Gươm là một sản phẩm lai giữa tính mở của sông nước (bản thân nó vốn là nhánh phân thủy của sông Hồng) và tính đóng của các công trình kiến trúc nghi thức của đô thị, nên dễ thỏa mãn nhiều đầu bài cho một không gian công cộng. Tính chất quảng trường cũng dễ tạo nên bối cảnh cho các hoạt động cộng đồng của đô thị, tạo nên sức sống của thành phố một cách mềm mại, nhất là những thành phố thừa hưởng di sản của hai nền văn hóa Đông-Tây như Hà Nội. Bằng chứng là đến ngày nay, tính chất tụ hội của không gian công cộng Hồ Gươm vẫn chiếm vị trí nổi bật trong lựa chọn các hoạt động tầm thành phố hoặc thậm chí, quốc gia.

Nguyễn Trương Quý

Tham khảo:
Hà Nội giai đoạn 1873-1888, André Masson. Lưu Đình Tuân biên dịch, Nxb Hải Phòng, 2003.
Một số tư liệu quý về Hà Nội, Lưu Đình Tuân tuyển chọn và biên dịch, Nxb Trẻ, 2010.
Hà Nội - Chu kỳ của những đổi thay, Chủ biên Pierre Clément và Nathalie Lancret. Mạc Thu Hương, Trương Quốc Toàn dịch, Nxb Khoa học Kỹ thuật, 2003.
Nhớ và ghi về Hà Nội, Nguyễn Công Hoan, Nxb Trẻ, 2010.
Thượng kinh ký sự, Lê Hữu Trác. Phan Võ dịch, Nxb Trẻ & Nxb Hồng Bàng, 2012.
Tang thương ngẫu lục, Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án. Trúc Khê Ngô Văn Triện dịch, Nxb Hồng Bàng, 2011.
A Description of Kingdom of Tonqueen, Samuel Baron, trong Views of Seventeenth-Century Vietnam, Olga Dror và K.W. Taylor giới thiệu, Cornell University, 2006.
Lịch sử Hà Nội, Phillippe Papin, Nhã Nam & Nxb Mỹ thuật, 2010.

Quán rượu đường bên Bờ Hồ, nay là phố Đinh Tiên Hoàng. Ảnh khoảng năm 1944. Ta đoán được là vì có áp phích bộ phim Le Grand Boum (The Big Noise) có cặp danh hài Laurel và Hardy đóng, ra đời năm 1944. Như vậy tòa nhà triển lãm 75 Đinh Tiên Hoàng khi đó là 1 tổ hợp có cả quán rượu, quán cà phê và rạp chiếu bóng.Quán rượu đường bên Bờ Hồ, nay là phố Đinh Tiên Hoàng. Ảnh khoảng năm 1944. Ta đoán được là vì có áp phích bộ phim Le Grand Boum (The Big Noise) có cặp danh hài Laurel và Hardy đóng, ra đời năm 1944. Như vậy tòa nhà triển lãm 75 Đinh Tiên Hoàng khi đó là 1 tổ hợp có cả quán rượu, quán cà phê và rạp chiếu bóng.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm