Một vòng hoa giáp kiến trúc Hà Nội

Khi chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về tiếp quản Hà Nội năm 1954, thế giới đang ở cao trào của chủ nghĩa hiện đại, đặc biệt là trong ảnh hưởng của phong cách quốc tế. Trước đó một năm, tòa nhà phong cách chiết trung của đại học Moskva được khánh thành, những công trình của Le Corbusier ở Chandigarh (Ấn Độ) cho bản quy hoạch thành phố hiện đại lần lượt ra đời. Năm 1954, thành phố Stockholm hiện đại được quy hoạch xong và hai năm sau đó, thủ đô mới của Brasilia được tiến hành xây dựng. Trong nửa đầu thập niên 1950 đầy sôi động của nền kinh tế và xây dựng sau Thế chiến Hai của thế giới, Việt Nam và Hà Nội đang nằm trong vùng chiến sự. Điều này ảnh hưởng rõ rệt đến trạng thái kiến trúc của thành phố, thông qua những công trình còn lại đến ngày nay.

Những năm 1950 bản lề

Về mặt quy hoạch, một thập niên trước, bản quy hoạch cuối cùng của chính quyền Pháp ở Đông Dương đã có tham vọng triển khai một thành phố mô hình đô thị gồm nhiều trung tâm phân tán kiểu hình ngôi sao, nối nhau bằng các đại lộ. Theo bản quy hoạch năm 1943 này, Hà Nội được quy hoạch khá duy lý theo mô hình Paris hơn nửa thế kỷ trước, nó sẽ giải tán một số làng xã của khu vực đại lý Hoàn Long của tỉnh Hà Đông do hệ thống đường hình tia cắt qua các địa hình sông hồ tự nhiên. Tất nhiên nó không được thực hiện do chiến tranh và tình hình chính trị lúc bấy giờ, khi Nhật nắm quyền ở Đông Dương rất mau chóng sau đó. Tham vọng kiến thiết thủ đô mới của Đông Dương được đem vào Đà Lạt, trong khi Hà Nội còn những dấu vết dang dở của quy hoạch như khu phía sau ga Hàng Cỏ, khu vực hồ Bảy Mẫu, Bạch Mai. Khu vực đã ổn định  như khu phố cổ, khu phố Tây ngưng lại ở hình thái kiến trúc thành phố buôn bán Á Đông và thành phố vườn kiểu tỉnh lẻ Pháp.

Bản đồ quy hoạch HN 1943.
Bản đồ quy hoạch HN 1943.

Trong đợt tiêu thổ toàn quốc kháng chiến, Hà Nội trở thành trận địa giao tranh giữa những chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô và lính Pháp, nhiều công trình kiến trúc cũ ở khu phố cổ đã bị hủy hoại. Điều này dẫn đến một câu chuyện mà nhà văn Vũ Bằng đã ghi lại khi ông trở về thành năm 1950: “Ai hồi cư năm 1948-1949 có còn nhớ rằng suốt từ Bạch Mai về đến chợ Hôm, có hàng dãy phố bị phá không? Hàng Da, Hàng Thiếc, Hàng Đồng, chỉ còn trơ lại mấy cái nhà lỏng lẻo, mất cả trần, cả cửa. Có phố cỏ mọc ra cả đường đi. Nhiều cái ngõ hẻm bị nghẽn, không qua lại được, vì gạch ngói chất cao lên như núi. Bây giờ thành phố Hà Nội lại có một vẻ mặt mới rồi. Nhiều phố ngày xưa hẹp và khuất khúc, với những cái nhà lụp xụp, một tầng, trông vào tối tăm như một ngày mùa đông, nay đã có những căn nhà rộng, kiểu mới, cửa sổ bịt hoa sắt, đứng lên thay thế. Có khi đứng ở đầu phố mà nhìn về cuối phố, người ta thấy nhà cửa thẳng tăm tắp như vẽ trong bản đồ. Ấy là vì nhu cầu của văn minh đó. Xe nhiều, người lắm, có sửa sang như thế mới dễ bề giao thông. Người đi bộ đỡ chết, mà ông vặn lái ôtô cũng thích” (Miếng ngon Hà Nội).

Cái mới được Vũ Bằng tình cờ chỉ ra chính là sự thay đổi về bộ mặt kiến trúc, từ “hẹp và khuất khúc, nhà một tầng” sang “rộng, kiểu mới, cửa sổ bịt hoa sắt” và “thẳng tăm tắp”. Nó là một thành phố dù chiến tranh nhưng cũng trong quá trình hiện đại hóa để đáp ứng nhu cầu giao thông khi xe ôtô nhiều lên. Vào thời điểm những năm 1950, Hà Nội đã có những công trình mang phong cách quốc tế đương thời làm thành một dòng. Dòng này được khởi sự ngay từ những năm 1930, như câu lạc bộ sĩ quan (tức câu lạc bộ Ba Đình sau này, hiện đã nhường chỗ cho khu khai quật cạnh nhà Quốc hội mới) hay bưu điện quốc tế Bờ Hồ.

Rạp Kinh Đô, phố Cửa Nam, khoảng 1950.
Rạp Kinh Đô, phố Cửa Nam, khoảng 1950.


Bách hóa Tràng Tiền 1950.
Bách hóa Tràng Tiền 1950. 


Rạp Eden k.1950, thay thế rạp phong cách Tân Cổ điển Pháp theo hướng Beaux Arts (cuối TK 19 đầu TK 20). Nay là rạp Công Nhân với phong cách quay lại Tân Cổ điển.
Rạp Eden k.1950, thay thế rạp phong cách Tân Cổ điển Pháp theo hướng Beaux Arts (cuối TK 19 đầu TK 20). Nay là rạp Công Nhân với phong cách quay lại Tân Cổ điển.

Những kế hoạch 5 năm thử nghiệm

Trong nửa sau thập niên 1950 đến đầu thập niên 1960, Hà Nội có sự thay đổi về hình thái đô thị, chuyển từ đô thị tiêu thụ, buôn bán sang sản xuất công nghiệp tập trung, hàng hóa phân phối từ mậu dịch quốc doanh. Trên bình diện nếp sống, việc thay đổi cách tiêu dùng, giờ giấc sinh hoạt theo ca kíp, dẫn đến chức năng của các ngôi nhà kiêm cửa hàng ở khu phố cổ đã chỉ còn là những cái vỏ. Việc không giữ được nguyên trạng các căn nhà trong việc chia năm xẻ bảy với các hộ nhập cư, cũng như lối ứng xử đầy phân biệt với di sản “chế độ cũ”, đã khiến cho các không gian này chóng xuống cấp. Còn ở bình diện quy hoạch, các khu công nghiệp ở ngoại vi kéo theo các khu tập thể của công nhân, từ bước đầu rụt rè là 2 tầng, mái ngói, trần vôi rơm, hình thức đăng đối nặng ảnh hưởng chiết trung của thập niên trước như khu Văn Chương, đã dấn thêm thành 4 tầng, từ Nguyễn Công Trứ sang Kim Liên. Thẩm mỹ nhấn vào sự giản lược hình thức (không có trang trí, lát gạch lá nem một màu, lan can cầu thang đúc đặc) lẫn phân khu chức năng bỏ qua các tiện nghi cá nhân (nhà vệ sinh chung, bếp chung, căn hộ chỉ có một phòng ngủ ngăn chia nửa vời với phòng khách), thực ra là một biến thể tồi của trường phái công năng “nhà là cái máy để ở” của Le Corbusier của 2-3 thập niên trước. Các khu tập thể loại hai, đa phần là nhà một tầng cấp 4 – cấp thấp nhất trong xếp hạng công trình xây dựng, với vật liệu rẻ tiền (tường toocxi hay gạch, mái ngói hoặc thậm chí lợp giấy dầu), các đơn vị ở chia lô như chuồng ngựa, khu phụ đi chung hoặc tách riêng ở dãy khác, nhưng là nơi ở của gia đình những công nhân đông đúc, tạo nên một khu vực đô thị có thẩm mỹ kiến trúc thấp kém.

Điểm nhấn của thời kỳ này là một số công trình công sở lớn hay trường đại học được xây dựng, tuy nhiên ngôn ngữ chịu ảnh hưởng hình thức chiết trung và nhiều yếu tố kiến trúc kiểu lễ đài Trung Quốc. Có thể thấy đặc điểm này qua các công trình nhà Quốc hội cũ, Tổng cục Thống kê (ngã ba Hoàng Văn Thụ - Hoàng Diệu), Học viện Thủy lợi… Thẩm mỹ này tương đối hòa nhập với không gian kiến trúc cũ nhờ những nét đăng đối, những hệ thống cột, sảnh và phân vị ngang có gờ chỉ làm nổi lên tính hồi cố của chúng. Lúc này, những trào lưu kiến trúc hiện đại từ Đông Âu chưa gây được ảnh hưởng đến thẩm mỹ kiến trúc Hà Nội.

Một phương án thiết kế Hội trường Ba Đình (nhà quốc hội) khoảng trước 1963, mang ảnh hưởng của phong cách Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh.
Một phương án thiết kế Hội trường Ba Đình (nhà quốc hội) khoảng trước 1963, mang ảnh hưởng của phong cách Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh.


Trận địa của kiến trúc hiện đại

Thập niên chiến tranh tiếp theo đã ngưng trệ công việc xây dựng ở Hà Nội, trong khi tại Đông Âu và phần còn lại của thế giới, chủ nghĩa quốc tế trong kiến trúc đã hoàn tất sự ảnh hưởng bao trùm của nó, khi hình ảnh tiêu biểu các đô thị cả tư bản chủ nghĩa lẫn xã hội chủ nghĩa là các tòa tháp cao, kính thép vuông vức và các khu căn hộ nở rộ trong sự thịnh vượng của cách mạng công nghiệp lần thứ hai. Tinh thần của Le Corbusier và các KTS Bauhaus đã hiệu quả trong việc bình dân hóa lĩnh vực xây dựng, đạt được mục tiêu nhanh, nhiều và rẻ, nên dễ hiểu là rất hấp dẫn với các chính quyền non trẻ trong trào lưu giải phóng dân tộc những năm 1960. Các cuộc thi đấu thể thao Olympic, hệ thống hàng không phát triển đã thúc đẩy việc nở rộ các công trình sân vận động, nhà thi đấu và nhà ga hàng không. Hà Nội xa lạ với những sự vận động này suốt những năm tháng đó. Cùng khoảng thời gian Hiệp định Paris được ký kết để chấm dứt sự can thiệp của Mỹ tại Đông Dương, biểu tượng của nền kiến trúc quốc tế và thương mại toàn cầu – tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới WTC ở New York – được khánh thành.

Mặc dù có phần trễ tràng, Hà Nội sau ngày đất nước thống nhất đã hối hả đẩy mạnh trào lưu “hiện đại hóa, công nghiệp hóa”, cho ra đời những khu nhà ở lắp ghép mang phong cách công nghiệp của các vùng đô thị Đông Âu. Hơn một tá khu tập thể lớn ở Hà Nội được xây dựng trong vòng non 15 năm một mặt giải quyết chỗ ở của một bộ phận lớn dân cư, một mặt ghi nhận ảnh hưởng của kiến trúc công năng Xôviết, tách khỏi ảnh hưởng của kiến trúc Trung Quốc, kiến trúc Pháp cũ và kiến trúc truyền thống.

Song song với các khu tập thể, các công trình văn hóa cũng là điểm nổi bật, ví dụ Cung Văn hóa Hữu nghị Việt-Xô. Ở các công trình này, vật liệu mới là một sự khác biệt rõ ràng. Các công trình loại này được giải phóng khỏi các tường bao bằng gạch, các hàng cột ốp đá tương phản với kính thép, cùng những vật liệu hiếm và thời thượng như tấm nhôm, các gờ nẹp đồng, đá rửa… Một vài điểm nhấn khác về chiều cao như khách sạn Thăng Long cao 11 tầng bên hồ Giảng Võ cũng mang đậm dấu ấn quy hoạch và kiến trúc công năng. Trong khi đó, lĩnh vực xây dựng tư nhân gần như bế tắc do thiếu thốn vật liệu, hệ thống phân phối kém cỏi và tệ quan liệu sách nhiễu đã khiến người Hà Nội không có cơ sở đầu tư cho thẩm mỹ kiến trúc đến nơi đến chốn, các công trình đa phần chắp vá, manh mún và tạm bợ.

Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô. Ảnh sưu tầm.
Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô. Ảnh sưu tầm.
Trước đây, tại vị trí này là tòa nhà Đấu Xảo cũ đã bị máy bay Đồng Minh ném bom 1943.
Trước đây, tại vị trí này là tòa nhà Đấu Xảo cũ đã bị máy bay Đồng Minh ném bom 1943.
Đi một vòng lặp để tìm ra giá trị

Mười lăm năm từ khi mở cửa sau đó đã đẩy thẩm mỹ kiến trúc Hà Nội theo hai quá trình: một mặt bung ra để lột xác theo hướng toàn cầu hóa, một mặt bảo tồn các di sản của nửa thế kỷ trước, mà khi hội nhập, người ta càng thấy phải giữ để tìn ra bản sắc riêng của đô thị này. Ở đây, nhà quản lý bộc lộ sự lúng túng khi phải lựa chọn giữa sức ép của đầu tư – những khu đất vàng ở trung tâm hứa hẹn kinh doanh tốt cũng đồng thời là những khu lưu giữ nhiều di sản kiến trúc. Khu phố cổ được nhấn mạnh như trọng tâm khai thác du lịch đứng trước sự quá tải do sức hấp dẫn mưu sinh, vừa chịu mật độ dân số quá cao (823 người/ha), cộng thêm những ngôi nhà cũ xuống cấp do không được duy tu nhiều chục năm qua, trước những biến động về thị trường bán lẻ (chợ thay dần bằng siêu thị, hàng hóa được các tập đoàn phân phối thay vì nhỏ lẻ), nó đang đi vào xu hướng bảo tàng hóa. Những công trình của thời hiện đại chia sẻ đặc tính ngắn hạn của các trào lưu kiến trúc.

Có thể so sánh qua hai công trình tiêu biểu của quá trình mở cửa và toàn cầu hóa ở Hà Nội, chúng đứng cạnh nhau: trung tâm thương mại Daeha (hay được gọi là tòa nhà Daewoo) ra đời năm 1996 và tòa tháp Lotte vừa mới khánh thành năm 2014. Ra đời vào cao trào của đầu tư nước ngoài thời kỳ mở cửa, tòa nhà Daeha cao 18 tầng với 3 khối, án ngữ ngã tư quan trọng của cửa ngõ phía Tây Hà Nội, kiến trúc của nó phản ánh sự ngập ngừng giữa hình ảnh chiết trung một Hà Nội cũ (mái ngói, con sơn gỗ, trụ tường, vòm cuốn) và một hình thức hiện đại khi đó (mặt tiền mảng kính lớn) trong 3 khối nhà không nhiều kết nối về phong cách. Tuy nhiên, đến nay, tòa nhà này chỉ còn là một công trình trung bình về hình thức, nhường vị trí landmark cho Lotte ở ngay đối diện. Công trình mới cao 65 tầng, là tòa nhà cao thứ 2 Hà Nội và cao thứ 3 Việt Nam, được phủ hoàn toàn mặt ngoài bằng các tấm kính lớn, có thể xem như dấu ấn của phong cách đô thị toàn cầu – các tòa nhà khẳng định mình bằng chiều cao và sự lấn át của vật liệu trơn láng và hệ thống đèn chiếu sáng ban đêm. Nó dứt điểm không níu kéo những hình ảnh cũ của mảnh đất bản địa.

2 công trình tiêu biểu của 2 giai đoạn thu hút vốn đầu tư nước ngoài: KS Daewoo và TTTM Lotte.
2 công trình tiêu biểu của 2 giai đoạn thu hút vốn đầu tư nước ngoài: KS Daewoo và TTTM Lotte.

Có thể dự đoán gì về xu thế kiến trúc của Hà Nội trong một vòng hoa giáp (60 năm) mới? Những bài học về công nghệ nhiều thập niên trước hẳn là quá đủ để Hà Nội cần từ chối những khu công nghiệp có chỉ số kém về môi trường, cũng như sự lụn bại của mô hình kinh tế tập trung cũ. Rõ ràng là xây dựng một đô thị công nghệ đơn giản hơn nhiều so với có một đô thị văn hóa, du lịch và hơn thế nữa, một đô thị có bản sắc. Cùng với xu thế tiêu dùng mới, khung cảnh Hà Nội hẳn sẽ chuyển dịch về hướng bảo tàng hóa các hoạt động đặc thù ở khu phố cũ, song song với cơn sốt địa ốc ở các khu đô thị và trung tâm thương mại mới. Ở một nền kinh tế gia công và tiêu thụ như Việt Nam, Hà Nội có thể làm được một việc là sửa chữa, gỡ bỏ các khối u của những giai đoạn chắp vá, tìm lại những đường nét nguyên bản của 60 năm trước – thời có lẽ là lần thành công nhất của hình thái đô thị nơi này.

Nguyễn Trương Quý
(bài viết cho Kinh tế Đô thị)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm