Lời tựa tập nhạc 1930-1950


Lời tựa cho tập nhạc NHỮNG CA KHÚC MỘT THỜI VANG BÓNG

32 ca khúc chọn lọc, 23 nhạc sĩ tiêu biểu 1930-1950









Trong thời đại nhạc thương mãi đang hoành hành trên nửa phần đất nước nầy, thính giả hầu như đã lãng quên những nét vàng son vang bóng thời qua, những nét nhạc hiện thiếu người nuôi dưỡng, phải lép vế dưới thế lực của những nhà thương mãi và những người có uy thế phổ biến loại nhạc thời trang hiện nay.

Những ca khúc thời qua sáng tác hoàn toàn bằng cảm hứng, không gượng gạo hay uốn nắn theo một đường hướng khác với ý tác giả, viết bằng những tình cảm trung thực nên dễ làm xúc cảm người nghe, gợi hoặc để lại cho thính giả những cái gì cao đẹp mà thời gian khó xóa bỏ được. Họ viết là muốn ghi lại những cái gì muốn nói và hy vọng truyền cảm qua người khác để dìu dắt nhau và cùng đi trên con đường xây dựng Thiện-Mỹ.

Tác phẩm thời ấy như một đứa con xuất thân một gia đình thanh cảnh có truyền thống tốt, lại được nuôi dưỡng tử tế, làm sao không trở nên một đứa con hữu ích cho xã hội. Người nuôi dưỡng nó là ai? Nhiều khi không phải là người sinh ra nó, mà lại là những người hâm mộ giá trị của nó, tự thấy phải có trách nhiệm giới thiệu cái hay, cái đẹp cho người khác. Chính nhờ tinh thần vị tha và giá trị của tác phẩm, nhiều ca, nhạc sĩ và cơ quan phổ biến được nổi danh và nhận được nhiều thiện cảm của thính giả.

Ngược lại thời nay, những tác phẩm giá trị lại không được trình bày nhiều vì thiếu người nuôi dưỡng vô vị lợi; những ca khúc kém phần nghệ thuật lại được nghe hoài qua các làn sóng điện. Những bài hát này cũng như những đứa con hư xuất thân những gia đình truyền thống kém, nếu không nói là hạ cấp, có những nét phù phiếm bên ngoài mà nội dung rỗng tuếch. Nhưng chúng lại gặp may, được sinh sản trong một cái thế giới đảo điên, tâm hồn con người đang thác loạn chạy theo cái hào hoa bên ngoài, được săn sóc bằng những bàn tay trục lợi của những kẻ có thế lực. Có lẽ vì hiện trạng chiến tranh, vì thế lực kim tiền của ngoại nhân, những người kém trí thức, thiếu tự trọng đã gặp nhiều cơ hội tốt trở nên giàu có trong nháy mắt và những kẻ đứng đắn lại phải chịu phận nghèo vì tự ái. Có lẽ vì hạng người thứ nhất khá nhiều, nên loại nhạc thời trang hiện nay đã phục vụ đắc lực cho họ, và loại nhạc đứng đắn có nghệ thuật không đứng vững được vì hạng người thứ hai quá ít. Đây là điều mà chúng tôi và những người tha thiết muốn xây dựng cho nền nhạc Việt rất buồn phiền, nhưng không biết làm sao vật đổ được những tệ đoan ấy vì khả năng phổ biến nhạc hiện nay đang ở trong tay những kẻ thủ lợi có thế lực.

Thấy thực tại mà càng thương mến dĩ vãng. Cho nên ngay phút đầu tiên tiếp xúc với nhóm “Đất lành” chủ trương tuyển tập nhạc “Vang bóng một thời”, tôi đã có cảm tình ngay.

Đây là một việc làm đáng ca ngợi và khuyến khích, một việc làm vô vị lợi.

Chúng tôi rất thiết tha mong quý vị đón tiếp tập tuyển nhạc nầy với một thiện cảm nồng nhiệt, và miễn thứ cho nhóm chủ trương những thiếu sót vì hoàn cảnh khó khăn trong việc thực hiện.

Hè 1971
Văn Giảng

* Năm 1971 là lúc Văn Giảng 47 tuổi. Có lẽ đây cũng là tâm trạng của người đứng ngoài cuộc, mặc dù thực tế nhạc tiền chiến những năm này vẫn được hát và ghi âm khá nhiều. Nhìn rộng ra, có lẽ phản ánh tâm lý người Việt, thường hay hoài niệm và đề cao truyền thống, dù truyền thống nhiều khi mới được chế tạo mà thôi.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm