Xem Kiếp hoa - Phim Việt Nam có tiếng nói đầu tiên

Trong hồi ký của Ái Vân có nhắc đến năm sinh của chị là 1954, như thế là sau khi bố mẹ là ông Hà Quang Định và bà Ái Liên vừa sản xuất xong bộ phim Nghệ thuật và hạnh phúc năm trước, có vẻ là bộ phim ca nhạc đầu tiên của VN. Trong phim này có bài Túi đàn của Canh Thân. Ông là cậu ruột của Ái Liên, tức là ông trẻ của Ái Vân.

Ái Liên lúc này đã 35 tuổi, với chồng là ông bầu, làm 2 phim ở Sài Gòn (phim kia là Phạm Công-Cúc Hoa), rồi quay ra Bắc. Như thế là vào thời đó, Ái Liênsinh các cô con gái như Ái Vân, Ái Xuân và Ái Thanh lúc tuổi cũng đã khá lớn. Ái Liên như nhiều người đã biết, từng là "hoa khôi HN", là một trong những người hát các bài ta theo điệu tây đầu tiên thời trước 1938, hát tân nhạc xen vào trong các buổi diễn cải lương (có cả bài tây lồng vào cảnh lẫn bài ở giờ giải lao). Tuy nhiên, nhan sắc của Ái Vân vẫn xuất chúng hơn hẳn bà mẹ, trong khi về lâu dài, có lẽ giọng ca của chị mới ở mức pop star vừa vừa chứ chưa phải là tượng đài như mẹ (mặc dù nghe các bài cổ xưa của Ái Liên không mấy điêu luyện).

Giai đoạn Hà Nội tạm chiếm cũng là lúc có một số phim của người Việt ra đời, như Kiếp hoa năm 1954 với Kim Chung, Kim Xuân (mẹ của Như Quỳnh) đóng. Trong các phim này, một số bài hát được thể hiện, góp phần làm cho chúng trở nên phổ biến thành những top hit đương thời: Dư âm, Làng tôi, Nhạc đường xa, Cây đàn bỏ quên. Chắc phim Nghệ thuật và hạnh phúc cũng có nhiều bài hát, tuy nhiên tôi chưa tìm thấy dữ liệu.



Trên tờ nhạc Túi đàn do NXB Tinh Hoa ấn hành năm 1953 có ghi rõ tên các nghệ sĩ trình bày trong phim. Có thể nghe một version Túi đàn do Ngọc Bảo hát ở đây:
https://www.youtube.com/watch?v=MFWfR7RtlVA

***

Kiếp hoa - được coi là phim VN đầu tiên có tiếng nói, ra mắt năm 1954. Sau dự án làm phim bất thành của Hội kịch Bắc Kỳ của Nguyễn Vinh Lan và Lê Vũ Thái những năm 1934-1935, mãi đến 1953 VN mới có các phim thực sự. 




Dựa trên phần nào cốt truyện Truyện Kiều (Kim Chung-Kim Xuân đóng vai hai chị em Lan và Thủy), lấy bối cảnh Hà Nội và nông thôn miền Bắc thời tản cư, bộ phim rất giá trị bởi có gần đủ các hình thức sinh hoạt xã hội khi ấy: phố phường, nhà cửa nội thất (tủ com-mốt hiện đại, "giường Hồng Kông đôi vợ chồng mới cưới" - ngày xưa đọc bài thơ Nhớ ngày thủ đô kháng chiến của Hoài Anh ấn tượng với chi tiết này, trong phim cái giường rất là hoành tráng), các cảnh buôn bán, làm ruộng, nhà biệt thự với nhà trung nông, đi xem cải lương, đám cưới nhà giàu, ăn cao lâu, gánh mỳ, sực tắc...
Các diễn viên ngày xưa mặt không phải là đẹp lộng lẫy, thậm chí Kim Chung cũng khá bình thường, nhưng hai nữ diễn viên chính mặc áo dài quá đẹp, nhất là Kim Chung có phom người cao rất hấp dẫn. Giọng nói ngày xưa hơi chua chua, có cái vị hơi kiểu cách. Diễn xuất thì hồn nhiên, chắc ảnh hưởng lối diễn sân khấu.

Bộ phim có mấy bài hát được lồng ghép khá tự nhiên như Dư âm, Cây đàn bỏ quên, Làng tôi... Hình như người làm nhạc là Thẩm Oánh (lúc này ông là thầy nhạc ở trường Trưng Vương) còn sử dụng nhạc bài Giọt mưa thu.




Trong ê kip làm phim có vẻ nhiều người Hoa, cũng như biển hiệu nhiều hàng người Hoa trong phố cổ.

Khung cảnh HN gần như khác lạ với các biệt thự mạn quanh hồ Thiền Quang hay Phạm Đình Hổ còn nguyên vườn và hàng rào. Các hồ Gươm, Trúc Bạch, ô Quan Chưởng và Bách Thảo cũng là bối cảnh nổi bật. Có chi tiết hai chị em Lan-Thủy lỡ vận đi bán thuốc lá trong Bách Thảo, Thủy hỏi thuốc ba con năm là thế nào, cô chị giải thích là thuốc rất đắt tiền... Thế mà hồi bé mình cứ nghĩ là thuốc ấy phải tân kỳ lắm, hóa ra các cụ đã xài từ đời tám hoánh.

Link xem phim Kiếp hoa: https://www.youtube.com/watch?v=jNFbv6ovXlg




Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm