Cũng một chữ Hổ

.

Ngũ hổ tướng có nhiều bảng xếp hạng, nhưng chắc nổi bật nhất là năm danh tướng của Lưu Bị, chủ yếu được phổ biến là nhờ bộ Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung. Nguyên việc xếp hạng ngôi thứ của năm ông này cũng khiến người hâm mộ miệt mài tranh luận truyền đời. Tạm coi thứ tự: Quan, Trương, Triệu, Mã, Hoàng là được dùng nhiều nhất thì lý do vì sao lại là năm ông đó cũng tốn giấy mực. Bởi lẽ, chữ công trạng liền với công bằng. Người đọc Tam Quốc được sung sướng, được thỏa mãn tinh thần siêu vị trí là vì lẽ ấy. Tướng tài đến mấy cũng chỉ hiện lên ước mong cuốn sổ bình sinh công với tội thỏa đáng. Dằng dặc những chương hồi là những lời bàn, những đánh giá về các ngài của đồng đội, kẻ thù và hậu thế. Năm kẻ bất đắc dĩ bổ khuyết cho nhau, có ông Lưu Bị như băng dính mới mạnh tay mà xếp được, cho dù Quan Công nhất quyết không chịu đứng cùng ông già Hoàng Trung cựu địch thủ.


(Tam Quốc Chế - từ forum Sóc Vui, SV lại lấy từ Cabal)


Không riêng người Tàu mới thích phân ngôi thứ, bang hội. Người Mỹ mê băng Ocean quá nên làm phim 11 tên cướp ngân hàng dắt dây thành 12 rồi 13 tên, toàn trai anh hùng gái thuyền quyên. Nhưng Mỹ thực dụng, chỉ trần sì số đếm. Còn văn sử Tàu ưa trang hoàng, ví von vòng vèo nhân vật với kỳ hoa dị thảo, mãnh thú dũng cầm. Mà mãnh thú hàng đầu là con hổ. Thực tế hổ là con vật đi săn đơn lẻ, nhưng phép hoán dụ toàn xếp “ngũ hổ”. Vì sao là ngũ thì cũng dễ luận. Vũ trụ thì có ngũ hành, cơ thể thì có ngũ quan, bàn tay thì năm ngón kiêu sa, năm thì vừa đủ để không chia đôi chéo cánh tá lả, năm lại là phái sinh của tam tài tạo cân bằng mà không thành chân vạc, nhà năm gian truyền thống luôn có gian giữa trang trọng thờ cúng tổ tiên, năm lại là số đếm tốt sau Sinh, Lão, Bệnh, Tử, mở đầu quá trình mới. Tranh Hàng Trống có bức Ngũ hổ, bài văn khấn có câu “con lạy năm dinh quan lớn”, có ban thờ ở bên dưới Công đồng, nơi người ta cúng thịt sống, trứng tươi, gạo và muối. Hổ là con vật mặt mày lừ lừ, bí hiểm, hành tung thoắt cái đã bạt vía con mồi, trâu bò ngửi mùi hổ đã đổ bệnh. Nói vậy chứ ta suy từ con mèo là chính, cái thứ tiểu hổ suốt ngày thích thu mình yên ấm với liếm lông rửa mặt. Còn hổ bây giờ mấy ai giáp mặt, nó không tuyệt chủng thì người gặp nó cũng chưa chắc toàn mạng trở về kể lại cho ta nghe được vuốt râu hùm ra sao. Có ghép năm con hổ vào với nhau dù phi lý thì cũng chỉ là hổ giấy, người ta lạy cái hình con hổ, cái tinh thần mãnh chúa ghê gớm chứ ai vác bát nhang vào vườn Bách thú.


Năm ông tướng của Lưu Bị trong Tam Quốc, chỉ quần thảo trong phạm vi công việc của mình, trước phò chúa, sau lập danh. Chưa biết thực hư sự đóng góp cho phát triển chiến thuật quân sự ra sao (toàn thấy các ông tự tôn cá nhân kiểu anh hùng cái thế), nhoằng cái đã thấy Quan Vũ qua năm ải chém sáu tướng, thoắt lại có Triệu Vân tả xung hữu đột hạ sáu mươi tướng Tào giải cứu ấu chúa. Đáng nể là ở chỗ ông trùm họ Lưu kia. Ông ta thu phục những con hổ cá tính đầy mình kia sao mà khéo. Trước nhất là ông ta phải làm hả dạ tấm lòng tự ái cao độ của họ (và gián tiếp làm hả hê độc giả ái mộ các võ tướng). Màn ném con xuống đất mà bảo “Vì đứa trẻ này mà ta suýt mất một đại tướng” thực chỉ có những nhà chính trị cao cường mới dụng được. Chỉ cần hành động đó mới khiến người ta thấy xứng đáng với việc tả xung hữu đột đặc sệt phong cách phim hành động Hollywood của Triệu Vân, còn những ban danh tính, vàng ngọc, chẳng thấm tháp gì. Có người cho rằng hành động của Lưu Bị là “thủ đoạn” nhưng cái này phải hỏi ông La Quán Trung, vì đã sử dụng đạo cụ và nhân vật hoàn hảo trọn vẹn, không phải bầy ra thêm món nào thừa thãi. Té ra ông này đã nêu ra một định nghĩa: sản phẩm của “hổ tướng” không quan trọng bằng hành vi của anh ta. Như thế mới khiến người ta nhớ lâu, mới thấy vị trí ngũ hổ tướng là vô song.


Vấn đề ngũ hổ soi vào văn hóa công sở cũng thấy vô khối sự. Ai cũng biết các cơ quan đòi hỏi kỹ năng làm việc theo nhóm (teamwork), một nhóm tốt cũng là một “ngũ hổ” ăn ý, kể cả ăn ý chia chác. Ngũ hổ vừa tranh hùng, vừa thúc nhau chuyển động thay vì ôm chức danh ngũ vị tôn ông râu dài tới rốn. Ngũ hổ là những kẻ vất vả, liều mình nơi gian khổ nhất, có họ thì công việc cụ thể mới chạy, mà có thế những Khổng Minh mới thong thả cầm quạt tung hoành lớp lang quân sư được.


(Chiến Quốc loạn thế anh hùng - từ trang cùng tên)


Ngũ hổ tướng là những kẻ chuyên nghiệp trong việc của mình, không dựa dẫm vào ai, bằng cớ là Quan Vũ về đâu cũng lừng lững uy danh. Họ đi lên từ chính thực lực của mình, chẳng phải hoàng thân quốc thích hay thừa hưởng của ai. Cứ nói “một người lo, kho người làm” – nhưng thử không có mấy ông này mà xem – công việc chắc đã thành? Một không gian, một thời đại bày sân khấu cho họ tỉ thí, hẳn là không gian, thời gian của tinh thần hiệp sĩ, thời mà những tay cuối mùa Don Quichotte lưu luyến. Nhưng danh hiệu Ngũ hổ tướng cũng như Tam Quốc vẫn làm mê say các thế hệ độc giả mới, ấy là tinh thần oai dũng vốn nâng đỡ xoa dịu những cuộc đời bé mọn. Chúng ta giờ chẳng mấy ai dám một mình một ngựa trong mọi việc, có Microsoft thì cũng có Apple. Vả lại bây giờ người ta ưa những mẫu cầu kỳ hơn, đến phim Xích Bích bom tấn cũng pha chế các nhân vật Tam Quốc ướt sượt, nhưng Ngô Vũ Sâm đâu phải La tiên sinh, vốn chỉ cho mỗi Lã Bố “hí” Điêu Thuyền tí chút. Hình tượng Ngũ hổ thời nay phải nhiều thương tích trên da lẫn trong tim mới đúng khẩu vị. Ngay hình ảnh của các nhân vật Tam Quốc trong trò chơi điện tử cũng theo xu thế nữ tính hóa: mặt thanh tú, mắt đen lay láy kiểu Hàn Quốc, tóc tím tóc xanh, quần áo kiểu cosplay hay manga Nhật Bản. Mà chẳng cứ Ngũ hổ tướng Á Đông, đến anh hùng màn bạc Mỹ cũng phải phô trương vẻ đẹp quyến rũ, các chị em có khi lại thích những mẫu anh hùng về vườn, quay đầu lại là bờ. Vườn tược thì ai cũng biết, chốn ấy các chị thuộc như lòng bàn tay.


Dẫu chất “macho” của hùm beo có gia giảm, thì giá trị bất biến của Ngũ hổ tướng về lòng tự trọng, sự khảng khái và trung tín vẫn phải đảm bảo. Khi đời “nhiễu nhương”, khi đời sống thực chưa đủ giàu có chất liệu, mỗi độc giả (thường là trẻ) háo hức với lối cắt đặt của tác giả Tam Quốc, với cái đẹp của những danh tướng kia để ôm một mộng ước có khi vô thức về một cõi “bảy thực ba hư”. Dùng Ngũ hổ tướng là dùng người tâm phúc, chọn mặt gửi vàng, vì vậy không phải vô cớ mà những kẻ này chủ yếu đại diện cho loại tính cách lý tưởng, nhiều khi lý tưởng đến xung đột với xung quanh, đều không đi được cùng với phe của mình đến đích (trong Tam Quốc là cái đích nhất thống thiên hạ. Năm ông có khi hoặc sa cơ, chết giữa trận tiền hoặc lâm bệnh mà mất). Khó mà thông được việc “hổ tướng” lại là những kẻ viên mãn đề huề, hoạn lộ thênh thang đắc chí.


Nhưng thử thắc mắc theo lối thực dụng ngày nay nhé. Sao có Ngũ hổ tướng lừng lẫy thế mà Lưu Bị vẫn chẳng lấy được thiên hạ? Phải chăng vai trò Ngũ hổ ấy chỉ như những viên ngọc trên chiếc vòng trang sức, cũng như chỉ có thể cấp tập giữ được lãnh địa của minh chủ trong một giai đoạn? Việc quân cơ không nói trước được, dù “bảo thắng là thắng” thì cũng phải dựa trên sự mềm dẻo linh hoạt của nhiều yếu tố trong tay. Cao ngạo như Quan Vũ, nóng tính như Trương Phi, cậy sức như Mã Siêu, những nét tính cách rất con người khiến người đọc đồng cảm hơn vì thấy mình trong đó. Hiềm nỗi tật nào của các vị ấy ta cũng có mà ta chỉ được mang lốt Tiểu Hổ!


Nguyễn Trương Quý


TTVH Xuân Canh Dần
.

Nhận xét

Khuê Việt đã nói…
Đang thắc mắc chắc cũng tầm ba triệu sáu? ;P
Unknown đã nói…
Tầm là tầm đại bác hay tầm gì, con số này lạ quá à. :-)
Penpen đã nói…
tầm nhuận bút rồi .
QUANG DONG đã nói…
Lưu bị chỉ có 5 tướng giỏi.Tào Tháo có tới hàng cả trăm tướng tài không kém hơn bao nhiêu nhưng có lẽ do sự thiên vị của La Quán Trung.Khổng Minh tuy mưu cao nhưng ít tướng giỏi nên mới lục xuất Kỳ Sơn bất thành!
Unknown đã nói…
Thế thì mang cái comment ở đây vào bảo báo TTVH là giá thị trường đó, các anh chị tính sao thì tính. :-)
@X30: Đọc Tam Quốc bực cái nỗi về sau viết có vẻ hạ hồi phân giải quá, toàn lấy số mệnh ra vỗ về.
Marcus Vu đã nói…
em nghĩ tầm 4 triệu. Bác cứ mạnh dạn báo giá với TTVH. Chỗ thừa thãi so với giá của Khuê Việt thì bác tiếp tục mạnh dạn đưa cho em uống bia.
sonata đã nói…
Hơn chứ nị, đằng kia đếm cả phảy mới có nghìn tư, non nghìn tư, đằng đây dễ đến nghìn sáu nghìn bảy...!
(em Q ơi cho còm thẳng đi, đừng bắt qua trạm nữa hu hu, mình có phải Osin đâu mờ)
sonata đã nói…
Thích nhất là em Q không bao giờ quên văn hóa công sở he he
Unknown đã nói…
À, em không để ý chị ạ, check lại cài đặt thì mới biết. Nhuận bút báo TTVH không được như truyện ngắn của chị So đâu :-) Mà thường thì báo TTVH không có khái niệm báo Tết hay thường...
Unknown đã nói…
Bác TQ lúc này bận nhỉ? Vụ ngày thơ trẻ sao rồi bác? Bài này thuộc đúng típ của mình, loại mê chiện tàu. Đôi khi, thực tế quá cũng thấy cuộc sống bớt ý nghĩa lắm các vị ạ...
Unknown đã nói…
Cảm ơn anh Phú hỏi thăm. Mọi việc vẫn đang làm...
Truyện Tàu có mỗi hai bộ đọc được kỹ hơn hai lần là TQ và Sử ký. Còn lại chả còn nhớ gì mấy, lúc lớn lên lại lười. Thấy ghen tị ngày xưa quá.

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm