Ngàn năm sẽ là vô nghĩa

.

Bài này lẽ ra không nằm trong dự định viết tiếp các tạp bút về Hà Nội sau bài Rau tươi sách sạch, vì nó không nhàn tản. Nhưng vì liên quan đến chuyện ăn chơi của người Hà Nội vừa nóng hổi, vừa nguội ngắt, nên đưa lên. Tên ban đầu là Địa phương tính của Hà Nội, nhưng có cái tên mới tốt hơn - nhờ các anh chị bên báo TT - tuy không đi được.

.

Hà Nội. Khi viết hai từ đó ra, chúng ta ít nhiều có những chủ kiến: trái tim cả nước, nghìn năm văn hiến, tinh hoa văn hóa. Trừ những yếu tố kiểu “lịch sử để lại”, thì văn hóa là thứ phổ quát mọi đô thị đều cần chứ không riêng Hà Nội.


Cướp hoa. Khi nói đến hai từ này (chắc hiếm khi chúng ta phải viết ra!), ta nghĩ đó là phản ứng bốc đồng, vô văn hóa. Ắt là nếu người ta có đầy hoa, hoặc là hoa có đủ cho mọi người, hẳn không đến mức phải giành giật từng cái chậu rồi chạy thục mạng.


Vậy mà hai cặp từ trên giờ song đôi với nhau. Những kẻ cướp hoa trong lễ hội hoa, rút cục theo các báo đưa, nói cả giọng Hà Nội lẫn giọng “nhà quê”, có thanh niên mới lớn cho đến ông bà già. Lần thứ hai của một lễ hội 1 triệu đôla rút cục vẫn chỉ là một màn trình diễn ê chề của văn minh đô thị. Xấu hổ nhất (cho những người còn biết xấu hổ) là Hà Nội đã trở thành một nơi có vấn đề về “địa phương tính”. Vậy những vùng lân cận không có liên can sao? Ai cũng biết, bao quanh và làm nên Hà Nội là tứ trấn, là những khu Ba, khu Bốn, chứ không phải là bức tường Đại La đông cứng một ngàn năm.


Đầu vào của một thành phố gồm thực phẩm, hàng hóa và con người – kèm theo là lối sống của họ. Vì thế không thể coi Hà Nội như một cái phễu lọc đòi cho ra tinh hoa thanh lịch khi đầu vào là những vùng nông thôn lung lay cấu trúc truyền thống, bêtông hóa xô bồ và bần cùng hóa về đời sống tinh thần. Nói tới thanh lịch là ai cũng nghĩ ngay đến thời trước, thời các ông nghè cụ cử với những học phong sĩ khí ngùn ngụt, thời thuộc địa “phố phường dãi ánh trăng mơ” chẳng hạn. Nhưng lúc ấy cả một vùng Bắc Bộ là một cơ cấu ít biến động, tồn tại vững chắc sau những lũy tre làng, các lề thói cố kết như một cái nong khít khịt để một vài đô thị xinh xắn neo lại bên trên. Mỗi vùng quê có một cơ sở văn hóa tuy bảo thủ nhưng quy củ, nhờ thế mô hình đồng dạng lớn nhất ở khía cạnh quần cư đô thị của chúng là Hà Nội cũng dễ bề thiết lập và duy trì nét văn minh, tất nhiên dưới một luật pháp nghiêm.


Người địa phương, hay “nhà quê” mang đặc điểm của người lao động nông nghiệp: gắn với ruộng đồng và cơ cấu sản xuất nơi làng xã. Vì vậy lẽ tất nhiên là họ yêu quê hương, nơi họ đổ mồ hôi nước mắt cho nếp nhà hay sào ruộng. Bước ra một Hà Nội đang ngày càng phình to, ngoạm dần vào ruộng vườn của họ, nơi con người sống mỗi người một cái hộp, ai biết việc người nấy, tâm lý của họ chuyển sang hướng “thủ được cái gì thì thủ”, nơi họ lẩn và lẫn trong đám đông vài triệu người, khác với cộng đồng làng xóm vài trăm nóc nhà ràng buộc nhau bởi hương ước. Lễ hội hoa đối với họ rút cục chỉ như một màn triển lãm của ai đó, vậy là họ tìm cách xí phần để “tư hữu hóa” cho mình, mặc cho một cái ban tổ chức nào đó họ chẳng cần biết đi mà dọn dẹp hậu quả.


Nhưng còn người Hà Nội? Cứ nhìn vào cái sự nhợt nhạt đìu hiu như gió bấc của đời sống văn hóa giải trí Hà Nội nhiều năm qua thì chuyện tan tành lễ hội hoa là dễ hiểu. Có thành phố nào 6 triệu dân mà cả tuần giải trí đón Tết Dương lịch (trùng với lễ hội hoa), tìm mỏi mắt thông tin trên báo cũng chỉ thấy có 1 đêm ca nhạc cách mạng tại Nhà hát Lớn 600 chỗ và 1 đêm hát nhạc… Hàn Quốc tại nhà hát Tuổi Trẻ 500 chỗ, cùng 4923 chỗ xem phim của mỗi 9 rạp! Thử làm phép tính sơ cũng thấy ăn chơi cũng cạnh tranh phát sợ. Thành phố như một đống bêtông khổng lồ với le lói những điểm vui chơi phải giành giật chỗ thì không thể nào khiến người ta có trật tự được chứ đừng nói là cư xử thanh lịch.


Địa phương tính là một cái gì đó khá hão huyền và quy chụp nhưng sẽ là sự thực bi đát, nếu như người ta phải ở trong một địa phương “đói văn hóa”. Với hiện thực như thế thì một nghìn năm chỉ là vô nghĩa.


Nguyễn Trương Quý

.

Nhận xét

Goldmund đã nói…
Chát [xình chát chát bùm]! Đang có hội nghị dịch văn học văn học dịch còn gì.
Marcus Vu đã nói…
Đang nghĩ là sao chưa thấy bác viết về chuyện này, mở mắt ra thì thấy rồi.

Em buồn lắm, mang tiếng là thủ đô ngàn năm bị văn nó vật thế mà em thử nhìn vào cái chương trình chào mừng đại lễ được thủ tướng duyệt, http://hanoi.org.vn/wiki/images/e/e7/795QD_TTg.pdf cái địa phương tính nó cứ gọi là rõ mồn một.
Unknown đã nói…
Yes, "đói văn hóa" là nguyên nhân to đùng, không ngạc nhiên khi các bạn tây không khoái ra Hà Nội làm việc, quanh năm bụi bặm, chốn giải trí lành mạnh ít ỏi, không gian sinh hoạt cộng đồng trừ mấy điểm văn hóa nhỏ lẻ không thấm vào đâu so với dân số, cảnh quang môi trường để sống-làm việc-vui chơi không có, vậy một lễ hội hoa với bài trí đẹp mắt, nhiều cái là lạ thành ra hấp dẫn với những ai không có cơ hội đi travel ngoài Hà Nội trong những dịp nghỉ này. Rồi sẽ còn nhiều lễ hội thất bại nữa.
Unknown đã nói…
Rất tiếc là bài này không đi được trên Tuổi Trẻ hôm nay dù đã qua được khâu biên tập. Bỏ qua chuyện ngại đụng chạm gì đấy thì có lẽ mình cần tìm cách nói nào đó dễ chấp nhận hơn chăng. Nói thế nào nhỉ?
Unknown đã nói…
Nói thế nào nhỉ, mình thấy bác nói trên đây thì đúng mà chưa đủ, mạnh mà chưa sâu.

Nhưng nếu đúng và đủ, mạnh và sâu thì nó rơi từ vòng gửi xe mất rồi.

Theo mình. Chuyện văn hóa ở HN, hai chữ văn hóa với đầy đủ nghĩa nhất, thật đáng báo động, đến mức mình ngại ra Hà Nội, ngoại trừ tháng mười hai, rượu nếp cái hoa vàng và gió ở bờ đê.

Chia xẻ với bác vậy.
Unknown đã nói…
Nói gì thì cũng phải có người nghe, chứ nói chỉ sướng miệng mình thì là càm ràm (chữ SG nhé) mất rồi. Về chuyện ra HN, bởi vì nếu chỉ ra HN mà không về các vùng quê, thì coi như chưa hiểu được vấn đề. Cảm ơn anh Phú đã chia sẻ.
lvu đã nói…
Vote Quy 5 sao bai nay.
Unknown đã nói…
@anh Phú: Q đọc lại thì thấy đúng là mình có thể làm tốt hơn. Dù gì thì vẫn là do cách viết của mình chưa đủ thuyết phục mà thôi.
Penpen đã nói…
uhm, vụ cướp hoa này sáng hôm thứ 2 em cũng có chứng kiến trên Bờ Hồ . Có nhà vợ gọi chồng đi xe tay ga đến chằng dây đàng hoàng để chở về cho tiện nhé . Các ông , bà già thì hăng hái nhiệt tình ghế gớm . Có người vớ được cây hoa chỉ còn rễ không cũng cười hỉ hả như bắt được vàng . Đúng là hỗn loạn ko chịu nổi .
Rem đã nói…
Rem lại có cảm giác khác khi ra HN, HN có nhiều phòng tranh, bảo tàng, nhà sách hơn so với trong SG. So với SG, chắc là HN được ưu tiên hơn. Có điều Rem thấy trong SG này dân SG vốn không quan tâm đến các bạn văn hóa văn nghệ văn gừng mần cái chi, họ tự biết , tự có đời sống tinh thần riêng...hi`...
Anyway, Rem vote cho bài này 5 sao.
tái type: vặt hoa là chuyện ở cả nước ta chớ đâu riêng chi HN. Năm nào cũng vậy, ngày xuân thay vì trồng lộc, các chiến sĩ lại tàn sát hoa cỏ nhà chùa...hehe...trông cảnh chùa thấy thương càng thương
Unknown đã nói…
@cậu ấm ngây thơ: cứ như cảnh trong phim Mùi hương ý nhỉ.
@Rem: chắc cái "cơ sở văn hóa" mà Rem nói là nhiều ấy, nó chỉ mở cửa ban ngày và ở thể tĩnh nên không lôi cuốn được đám đông. Chắc không còn cái gì tinh thần át được ham mê sở hữu vật chất nên người ta bẻ cật lực.
Rambling đã nói…
như vậy lễ hội hoa hằng năm đã trở thành lễ hội cưới hoa hỉ? vậy tại sao người ta không biến việc cướp hoa thành một truyền thống luôn cho nó vui. biết đâu chừng nó sẽ trở thành cái gì đó rất đặc thù Việt Nam, thế giới lại thấy vui vui lạ lạ, lại đỗ xô đến xem như người ta vẫn đến tham dự các buổi bull runs ở Tây ban nha vậy.
Rem đã nói…
Rem đi bảo tàng ở HN thấy đẹp mênh mang, và thấy rất tự hào. Có điều chị bạn Rem dân HN ngại rằng Rem không biết đó là...đồ giả nên cứ nhắc Rem...hi`...
Thay vì cướp hoa, sao không làm ngược lại thành lễ hội trồng hoa, trồng cây nhỉ? Cũng vậy, thay vì đầu năm hái lộc thì nên đổi lại là trồng lộc (nhớ lời Bác Hồ dạy: mùa xuân là tết trồng cây...hì)
Càfê sữa đã nói…
em mong được đọc một bài blog khác, trong đó anh đi hết và trọn vẹn đề tài này; bài blog chứ không phải bài đăng báo.

mà bài này (chắc) là bài hiếm hoi ký tên NTQ mà đọc xong (chắc có) khối người không bị đi lạc :D he he
sau rieng đã nói…
Hội chưa tan tui phải chạy về trước, vì sợ... cướp nhầm (chứ tui xấu xí ai mà thèm cướp, hi hi).
Hẹn lần sau cafe với Q !
Unknown đã nói…
Vâng, gặp gỡ chớp nhoáng chị Tư, chưa kịp cướp được gì, nhưng cũng vui lắm rồi :-)
Unknown đã nói…
Lâu quá, viết tiếp cái gì đi chứ bác

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm