Tình tay ba: Chúa, Tình dục và Nghệ thuật
Bây giờ ở Việt Nam có cái mốt xây dựng những khu đô thị mới rao lên là “châu Âu trong lòng Hà Nội” hay “thành phố tiêu chuẩn EU bên sông Sài Gòn”. Hình thức kiến trúc cho đến bài trí đồ đạc cũng tuân thủ những quy chuẩn như trời Tây. Cũng chẳng phải bây giờ người Việt mới biết đến nhà kiểu Tây, và người phương Tây đã mang đi khắp thế giới những gì họ có thể mang được. Nhưng có một thứ phải cất công sang tận Viên, Roma hay Paris, ta mới thật sự “thấy” được châu Âu: bảo tàng. Bảo vật nhân loại có ngần ấy, dễ gì họ chịu chia sẻ những bộ sưu tập vĩ đại của mình cho các nước khác.
Mãi đến gần đây, mới có những cuộc trao đổi tác phẩm, cho mượn vài tuần hay vài tháng, nhưng chi phí đắt khủng khiếp và thủ tục thì nhiêu khê. Sự kiện bảo tàng Louvre cho lập một chi nhánh ở Abu Dhabi (Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất) với chi phí 1,3 tỷ đôla để trưng bày trong 30 năm là phá lệ lẻ loi. Mà cũng chỉ có những ông hoàng Ảrập “giầu vì dầu” mới chịu chơi đến thế, đã có khách sạn đắt nhất thế giới, quần đảo nhân tạo Cây Cọ lớn nhất thế giới, tòa tháp cao nhất thế giới, nay thêm cái Louvre ở sa mạc đặng khỏi mang tiếng trọc phú. Nhưng mà biết chơi nghệ thuật như thế, từ xưa đã là truyền thống của các dòng tộc vương gia khắp châu Âu rồi. Có họ thì mới có nghệ thuật đỉnh cao, và có những bảo tàng lộng lẫy ngày nay cho người bình dân như ta được léng phéng tới.
...Tôi cũng đã may mắn được làm đại gia về khoản nhìn ngắm hàng chục bộ sưu tập như thế ở những dinh cơ lộng lẫy nhất châu Âu một thuở: từ cung điện của đế chế Habsburg cho đến Bourbon, từ lãnh chúa Borghese đến giáo hoàng Vatican, từ nghệ thuật La Mã cổ đại nghiêm trang đến Baroque phù phiếm ngồn ngộn. Thật khó để nói rằng những bảo tàng ấy khác nhau về điều gì ngoài phần “xác” có khác nhau chút, còn phần “hồn” thì đâu cũng phân theo niên đại, từ Ai Cập, Hy Lạp trải qua Trung cổ, Phục Hưng, từ đồ sứ kiểu Trung Hoa đến trang sức Địa Trung Hải. Ăn nhau là ở cách bày, thưa hay mau, nhiều hay ít. Nhớ được danh tác nào ở bảo tàng nào trong số hàng vạn bức đã ngắm dù khó, nhưng cũng chẳng thấm tháp gì với công đi tới đi lui, leo liên tiếp những tầng gác và hành lang dằng dặc thực địa. Hít thở bầu không khí Phục Hưng hay Baroque, ngắm nghía hồn thời đại của “những người khổng lồ” trong cái xác thời đại ấy, thực là một trải nghiệm mà ở một nơi như Việt Nam không có được. Đến thăm những bảo tàng lưu giữ “những giờ rực sáng của nhân loại” (Stefan Zweig), đối diện với hiện vật của một thuở con người mê say tinh thần Khai Sáng, có lẽ chẳng sách giáo khoa nào đủ chữ để lột tả được quy mô đồ sộ của những tạo tác lịch sử ấy.
Bảo tàng Viên, nơi trò chuyện cùng vĩ nhân
Thành Viên có đến ba chục bảo tàng trong khu trung tâm lịch sử. Chế độ quân chủ và đế quốc Áo-Hung khét tiếng kết thúc để lại vô số lâu đài trên xứ sở này. Ông hoàng Eugen với cung Belvedere mỹ lệ lưu giữ những tác phẩm của Klimt như bức Nụ hôn trứ danh. Vua Franz Joseph I với Hoàng cung Hofburg biến thành bảo tàng, chỗ ở của hoàng hậu Sisi nức tiếng cũng thành nơi cho người ta ngắm nghía bộ sưu tập khổng lồ những váy áo cùng bát đĩa.
Mỗi bảo tàng là một pho sử ký, trong đó ta sẽ biết được hành trạng của những bà hoàng nói tiếng Đức khắp vùng Trung Âu cũng như khám phá ra vua chúa xưa xây lâu đài mênh mông nhưng chẳng có toilet. Mãi đến thời cận đại mới có xí bệt với tiện nghi còn kém xa chúng ta thời nay. Vua chúa xưa bỏ quá nhiều tiền vào trang hoàng, may rèm trải thảm treo tranh mà chỗ ngủ nghỉ thật sơ sài. Chỉ béo cho đám người thời nay tha hồ săm soi và mê mải bình phẩm.
Hãy tưởng tượng bạn bước vào cung điện Hofburg, xem 3 bảo tàng trong đó – bảo tàng Hoàng gia, bảo tàng Sisi, bảo tàng Bảo vật cung đình, choáng váng với cơ man những vàng bạc, tranh ảnh, ngẩn ngơ bước ra mất phương hướng, rồi lại thấy đằng phía sau là Thư viện quốc gia chung cổng với 4 bảo tàng nữa – bảo tàng Vũ khí, bảo tàng Nhạc cụ, bảo tàng Khảo cổ và bảo tàng Dân tộc học, mỗi bảo tàng chiếm trọn 1 tầng với hành lang dằng dặc.
Chưa hết. Chếch bên kia đường lại là Bảo tàng Lịch sử Mỹ thuật và anh em song sinh với nó – Bảo tàng Lịch sử tự nhiên. Hai bảo tàng đầu tiên có bán vé trên thế giới vào năm 1796 này có kiến trúc y chang nhau, mỗi cái chứa trong lòng hàng vạn món đồ trưng bày có thể khiến bất cứ bảo tàng trên thế giới này thèm muốn. Nếu bảo tàng Lịch sử Mỹ thuật có đủ tranh minh họa cho các thời kỳ nghệ thuật phương Tây trước thế kỷ XX thì bảo tàng kia có đủ mẫu vật các loài trên thế giới, từ hàng nghìn con chim nhồi bông như đang sống đến cả những con voi châu Phi to bằng căn phòng. Thậm chí có cả bộ sưu tập thanh quản chim, chắc để các nhạc sĩ thành Viên nghiên cứu cách hót? Không ở đâu mà nghệ thuật và khoa học xoắn quện vào nhau đến vậy: bên cạnh tiêu bản vò sò Địa Trung Hải là chú thích liên hệ với bức tranh Sự ra đời của thần Vệ nữ của Botticeli ở nước Ý (trong tranh, thần Vệ nữ đứng trên một vỏ sò). Những bức vẽ sinh vật tỉ mỉ cầu kỳ dường như là một lời đáp hô ứng với những bức tranh sơn dầu óng ả ở tòa nhà đối diện, cùng cất lên lời ca ngợi vẻ đẹp tạo hóa trong thời tiền cơ khí.
Và… qua quảng trường giữa hai tòa lâu đài này lại là một tổ hợp bảo tàng mang tên Museumsquartier với ít nhất 4 bảo tàng nữa: Nghệ thuật hiện đại, Leopold, Kiến trúc và Nhà nghệ thuật Viên. Hãy cứ từ từ, còn Cung Lichtenstein, bảo tàng Albertina, bảo tàng Lịch sử quân sự, bảo tàng Nghệ thuật ứng dụng, bảo tàng Kỹ thuật, bảo tàng Đồng hồ… Mỗi nơi là một kho báu để khám phá về một dân tộc tài hoa, không chỉ công phu về các sản phẩm mỹ thuật mà còn vô cùng giỏi giang về các món đồ dùng cơ khí trong những thế kỷ chiến tranh xen kẽ hòa bình.
Viên còn là thành phố hội tụ của vô số danh nhân âm nhạc, triết học và văn học. Vì thế, ngoài rất nhiều công viên vườn hoa có tượng đài của họ, còn có một loạt những nhà lưu niệm và bảo tàng của các vị từ Mozart, Beethoven, Strauss, Freud… Nền văn minh vật chất miệt mài hàng thế kỷ tạo ra chi chít sản phẩm định hình nên không gian di sản xung quanh các nhân vật để ta ngỡ như đang sống và trò chuyện với họ.
Dường như chưa đủ, đế chế Habsburg còn có cả cung điện Schönbrunn (nghĩa là giếng phun xinh đẹp), cách trung tâm Viên 10km, được xem như một Versailles ở Trung Âu. Ở đây còn lưu giữ một bộ sưu tập của nhiều nhân vật lịch sử như Marie Antoinette sống thời nhỏ trước khi sang Pháp làm vợ Louis XVI. Rủi thay, hồng nhan sinh vào thời nền quân chủ Pháp đang lung lay trên bờ cuộc cách mạng tư sản 1789. Chuyện cũ kể, người đẹp này rời quê hương khi mới 15 tuổi, sống cuộc sống phù hoa khiến dân Pháp oán thán gọi bằng cái tên “Con đĩ nước Áo”, khi dân Pháp chết đói, hồn nhiên như cô tiên phán “hãy cho bọn nó ăn bánh ngọt” khiến dân tình điên tiết nổi dậy, lôi ra chém.
Ngày xưa dẫu lịch sự như quý tộc Pháp thì cũng chẳng thể “tha thứ cho nàng vì nàng đẹp” khi nợ đầm đìa, ăn tiêu cạn ngân quỹ nhà nước, nhưng không vì thế mà truyền thống phù hoa của thành Viên mất đi. Cho đến trước thế chiến I, dòng họ Habsburg vẫn là đế chế rộng lớn nhất nhì châu Âu với một bà hoàng khác đến từ xứ Bavaria Nam Đức, Sisi, với sự xa hoa có phần hơn cả thời trước. Như một vòng lặp tuyệt vọng của số phận, mầm mống sụp đổ đã cận kề khi nước Áo bại trận, đế quốc tan tành và trở thành nước Cộng hòa mới. May mắn cho Sisi là bà không phải chứng kiến cảnh ấy vì đã gặp tai họa vào năm 1898 – một tên ly khai người Ý đã bắn chết bà khi đi dạo ở Zurich (Thụy Sĩ). Và may mắn cho nhân loại là cách mạng, nền cộng hòa và Thế chiến II không tàn phá di sản của dòng họ Habsburg, để nước Áo còn giữ được một di sản khổng lồ về kiến trúc và nghệ thuật.
Chỉ dẫn: Nếu mua Vienna Card là loại thẻ cho khách du lịch dùng trong vòng 72 giờ, với giá 22 Euro, bạn có thể đi miễn phí các phương tiện giao thông công cộng (tàu điện ngầm, tàu điện, xe bus) và được giảm giá khoảng 20% ở tất cả các điểm tham quan. Nếu bạn có thẻ sinh viên quốc tế, bạn sẽ được giảm giá đến 50%. Gần như chẳng phải có thủ thuật gì để tham quan ở Vienna cũng như vào bảo tàng, bởi vì vô cùng dễ dàng tham quan. Bạn có thể đặt vé sẵn từ Việt Nam để xem một buổi biểu diễn nghệ thuật với giá ưu đãi cho khách du lịch trên trang http://www.culturall.com/. Nhớ là đặt càng sớm thì càng dễ chọn những vở nhạc kịch hay với giá rẻ chỉ có 2-5 euro!
Bảo tàng Vatican: Khoái cảm ở nước Chúa
Nếu các bảo tàng ở Viên mang bóng dáng Baroque là chủ đạo thì không gì đặc trưng hơn ở Ý là phong cách Phục Hưng. Ý là đất tổ của các trường phái kiến trúc và mỹ thuật Phục Hưng, mà Phục Hưng thì lại thừa kế La Mã cổ đại. Có thể nói hình thái đô thị, nơi tọa lạc các kiến trúc dùng làm bảo tàng ở Roma, Vatican hay Firenze - thực chất là các nhà nguyện cũ, các cung điện xưa – hô ứng nhịp nhàng với nhau trong một không gian ít bị cảm giác quy hoạch sờ nắn một cách duy lý như Paris sau này. Vì thế bảo tàng ở Ý là một cuộc trưng bày tưng bừng rộn rã, so với cái thanh nhã có phần lạnh lẽo của các bảo tàng Viên.
Vào những ngày chủ nhật cuối tháng, thành Roma miễn phí vé tham quan các bảo tàng. Nhưng chẳng cần phải là những ngày đó, bình thường lúc nào cũng nườm nượp khách đến La Mã. Bản thân thành phố đã là một bảo tàng khổng lồ, mỗi góc đường, quảng trường và những căn nhà dọc sông Tiberus đã là những hiện vật chồng lớp lên nhau suốt hai thiên niên kỷ. Ở cái thời đâu cũng thu phí đắt đỏ, lắm khi thẻ sinh viên cũng vô tác dụng, thì mỗi thành phố vẫn có một nơi được vào miễn phí. Nhà thờ St. Pietro ở Vatican là một nơi như thế. Tất nhiên, chỉ có đi ngắm nghía đại giáo đường là miễn phí thôi, chứ cái bảo tàng cổ vật bên dưới cũng chém 16 euro, leo 512 bậc lên nóc đỉnh vòm (cupola) để nhìn ra toàn cảnh Roma cũng mất 8 euro. Thêm 4 euro thì có thang máy bớt được 300 bậc, nhưng vẫn phải leo hơn 200 bậc. Dẫu sao được chiêm bái quang cảnh của đô thành trung tâm nhân loại một thuở, lại là đỉnh cao của tôn giáo lớn nhất phương Tây thì là may mắn hàng tỉ người không có được.
Bảo tàng Vatican thực sự đáng đồng tiền bát gạo để đi vào, dù đắt gấp đôi những bảo tàng khác. Thứ nhất là hễ có một xăngtimét vuông nào là tiền nhân trang trí chỗ ấy. Thứ hai là không đâu hội tụ lắm tài hoa của nhân loại suốt mấy thế kỷ như thế. Sức mạnh tôn giáo thu hút và chinh phục tín đồ đã ghê, nhà thờ cũng chấp nhận những phá cách phi thường thì thật đáng nể. Chấp nhận cả những hình ảnh truyền lại của đa thần giáo La Mã trước đó, rồi những hợp lưu văn hóa quanh vùng Địa Trung Hải, nhà thờ Công giáo thể hiện mình như một kết quả viên mãn thông qua những sáng tạo rực rỡ của Michelangelo, Raphael, Bernini hay Leonardo da Vinci.
Man mác một nỗi buồn thăng trầm rất đúng kiểu hành hương, người xem ngẩn ngơ trước bức tranh của Laureti thể hiện một căn phòng La Mã với cây thánh giá vàng thay vào bức tượng thần chiến tranh Mars đã bị đập vỡ, ngụ ý một tôn giáo mới được xác lập thay cho tôn giáo đa thần cũ. Laureti vô cùng chăm chút với bức tượng bị vỡ. Có gì đó còn như xót thương, còn như tiếc nuối trong sự ve vuốt hình ảnh thẩm mỹ trong bức tượng Mars. Đó cũng là một hoài niệm của Phục Hưng khi láy lại mô thức cổ đại La Mã và Hy Lạp. Đằng sau thánh giá là một lớp không gian hút sâu đến một cái nhà vòm nào đó nữa, như lời ngỏ cho một con đường tương lai. Những hình người khỏa thân nhiều nhục cảm song hành với những tranh thánh trang nghiêm kín đáo, tất cả như một lễ hội carnaval đầy màu sắc phóng túng.
Roma có khu Forum La Mã, nơi còn giữ đấu trường Colosseum và những ngọn đồi trồng cam chín vàng, những lối rải sỏi dẫn đến những phế tích cổ đại, đôi khi đột ngột hiện ra một quảng trường với những đài phun nước nhỏ xinh. Gặp đời sống náo nhiệt của thủ đô nước Ý, người ta sẽ thấy mình đúng là đang sống ở một không gian đã thiết lập sẵn điều kiện cho những tác phẩm phi thường, như các bức tranh trần nhà nguyện Sistine trong bảo tàng Vatican với ngồn ngộn nhân vật của Michelangelo. Trong bóng tối của những rặng cây xanh um trên đồi Pincio, lặng nhìn xuống quảng trường del Popolo và dõi mắt về nhà thờ St. Pietro rực sáng trong đêm, trong người dâng lên cảm xúc sướng rợn đến tê dại những lỗ chân lông, thêm một lần cảm nhận điều đã tưởng như sáo mòn: khoái cảm trước cái đẹp không bao giờ cạn. Thật rắc rối, khoái cảm, đam mê, thù hận hay khổ nạn như khổ nạn của Chúa Kitô, phương Tây dùng chung một từ gốc (passione).
Chỉ dẫn: Trái với Viên, bạn gần như không có cơ hội dùng thẻ sinh viên hay vé ưu đãi nào ở Roma! Trừ khi bạn là công dân EU dưới 25 tuổi, bạn sẽ tốn kha khá tiền cho việc mua vé tham quan các di tích và bảo tàng. Tuy vậy, ngoài những chỗ chen chúc nhau như đấu trường Colosseum và tòa thánh Vatican, cả thành phố có vô số khu vực để dạo chơi. Hãy chọn khách sạn ở gần ga tàu điện ngầm, vì từ đó ra nhà ga trung tâm và sân bay rất tiện. Nên đổi tiền euro sẵn ở Việt Nam, vì không phải lúc nào cũng dùng được thẻ tín dụng như mua vé tàu điện ngầm, mua đồ ăn dọc đường, và nhất là phí đổi tiền đắt một cách đáng sợ: 19,7%!
Nơi Chúa và nhục cảm gặp nhau
Đó là Louvre, bảo tàng của mọi bảo tàng, viên ngọc của thành Paris. Sau khi mệt nhoài với những lâu đài dùng làm bảo tàng, tranh treo sin sít nhau đến mức chẳng còn chỗ thở, căn phòng nào cũng diêm dúa đến mức các bức tranh chỉ còn là vật trang trí, thì không gian thoáng đãng của Louvre thực sự là một món quà. Người Pháp đã bịt các trang trí Baroque rực rỡ của Hoàng cung cũ bằng những mảng tường màu kem đơn giản để nhường chỗ các danh tác. Cũng những hiện vật không-thể-không-có ở các bảo tàng mỹ thuật quốc tế, nhưng đến Louvre là một trải nghiệm khác, mỗi căn phòng trưng bày là một thứ kim tự tháp mà đỉnh là một kiệt tác nổi trội. Chẳng hạn phòng tranh Phục Hưng có vô số tác phẩm đỉnh cao, nhưng diva của dàn sao này ắt phải là bức Mona Lisa. Có đến vài bức tượng thần Vệ nữ đều tuyệt mĩ như nhau, nhưng hoa hậu cứ phải là Vệ nữ đảo Milo cụt tay. Ở đầu này, tượng Venus cầm quả táo của chàng Paris để đưa nàng Helen về thành Troy. Ở đối diện, tượng Athena cầm gươm đội mũ giáp sáng lòa khởi động cuộc chiến của quân Hy Lạp đòi lại Helen. Hơn đâu hết, thần thoại và lịch sử được thể hiện trực quan sinh động đến vậy như ở những nơi này.
Tôn giáo quả đã chi phối nghệ thuật sâu đậm, nhưng thần thánh thực sự là nguồn cảm hứng siêu việt cho những sáng tạo. Chúa ở khắp nơi, đâu cũng có mô típ Jesus được đưa xuống khỏi thập ác. Dường như cả hai nghìn năm, các nghệ sĩ chỉ miệt mài thể hiện vô vàn góc cạnh của giây phút nỗi thống khổ / niềm đam mê của nhân vật này. Có thể nói lộ trình tham quan bảo tàng Louvre cũng như mấy mươi bảo tàng đã qua là hành trình biến đổi của hình tượng Chúa. Từ một nhân vật khắc khổ, gầy gò và u uẩn trong tấm áo chùng, dần dà Jesus được phô bày da thịt bị tra tấn như một chứng tích duy lý, thậm chí còn có vẻ khêu gợi ở những thân thể hồng hào có cơ bắp trong những bức tranh thời chủ nghĩa cổ điển và lãng mạn Pháp thế kỷ XVIII. Trường phái Fontainebleu đam mê những chủ đề thần bí và erotic ở những cơ thể phụ nữ chủ ý tự khám phá những vùng thể hiện phái tính. Cùng là hội họa Hà Lan, nhưng đối ngược với Jan Vermeer tỉ mỉ một cách đáng sợ ở những bức tranh nhỏ chỉ bằng bìa sách là Paul Rubens cuồn cuộn da thịt như giông bão trong những bức tranh chiếm cả bức tường dài vài mét.
Cái bạo liệt đầy tính thực thà trải từ những pho tượng và tranh gốm La Mã, nơi những nam nhân có khuôn mặt như trẻ thơ nhưng cơ bắp cuồn cuộn hung hãn, đến tranh thần tiên thời Cổ điển Pháp, những dũng sĩ phô những cặp mông hồng mịn và những quý bà lơ đãng ấp tay lên bầu ngực dưới lớp áo voan mỏng như sương khói. Cho dù các họa sĩ và nhà điêu khắc đã giảm thiểu sự phơi bày các bộ phận sinh dục của các nhân vật nhưng thực chẳng có cách thể hiện nào gợi tình hơn khi nét bút và đường chạm cứ mơn man không mệt mỏi trên những hình khối khỏa thân.
Có thể nói, Louvre có “nhược điểm” là không có điểm cực khoái rõ rệt, bảo tàng như một loại không gian khêu gợi nhẹ nhàng, để cho khách tham quan ra về sau một ngày trời với nụ cười ngây ngất trên môi như vừa dùng một liều ma túy nhẹ. Bên trong tòa lâu đài xám xịt và cũ kỹ bên bờ sông Seine, giữa thành Paris quy hoạch đều chặn chặn có phần buồn tẻ, người Pháp đã xếp Chúa cùng sàng với thần khoái lạc tự bao giờ.
Chỉ dẫn: Louvre hàng ngày mở cửa đến 19h, riêng thứ Sáu đến 22h, vì vậy hợp lý nhất là dành cả ngày thứ Sáu để xem nơi này cho thoải mái, nhất là buổi tối bạn không bị chen chúc. Bạn có thể ra ngoài ăn trưa rồi vào xem tiếp. Đồ ăn trong bảo tàng đắt một cách phi lý, vì thế chịu khó cuốc bộ ra ngoài, kiếm một nhà hàng Nhật vẫn rẻ hơn nhiều. Dù bạn đã nhàm chán với nghệ thuật Phục Hưng hay cổ điển, hãy cứ nên vào Louvre để trải nghiệm sự tổ chức tuyệt hảo của bảo tàng trứ danh này. Đây là một bảo tàng đã bớt đi được rất nhiều yếu tố “bảo tàng cực nhọc” thông thường vì lộ trình dẫn dắt khá khoa học.
Nguyễn Trương Quý
(Tạp chí TTVH Đàn Ông tháng 5/2011)
Nhận xét