Vệ nữ silicon
Người-đẹp-siêu-thị cũng vậy, họ biết thừa là phải chứng minh “ngực tôi là thật” thì mới gây tín hiệu an toàn cho độc giả. Họa hoằn có những người đẹp khảng khái thừa nhận mình dùng dao kéo mỹ viện, thậm chí biệt hiệu “người đẹp dao kéo” trở thành thương hiệu độc đáo. Cái bài úp úp mở mở bố bảo có, mẹ bảo không, khoa học còn đang chứng minh này tung hỏa mù khiến các chị em đó nổi như cồn. Thời nay đúng sai cần gì phải tỏ ngọn ngành, chọc trời khuấy nước giới showbiz đã là thắng to rồi. Người ta sống cùng cái đẹp tù mù da thịt với silicon thế này cũng đã quen như vẫn sống với hoa quả Tàu ai cũng bảo có thuốc mà chả ai biết là thuốc gì!
"Cần nhiều khoảng trống cho ngực khủng này"
Ai cũng biết vấn đề của hoa quả dùng thuốc là bề ngoài tươi mơn mởn, hay trứng gà giả là hệt như thật, thậm chí ăn vào cũng chẳng sao, có khi còn ngon ngọt hơn cả hoa quả “sạch”, nhưng những dư lượng hóa chất trong đó kết tụ lại trong các mô tế bào cơ thể gây nên nguy cơ ung thư. Còn vấn đề của da thịt phẫu thuật thẩm mỹ thì chắc chỉ có chị em tự biết hoặc cùng lắm là những người có may mắn (thật không?) đụng chạm vào đó cảm nhận được. Mà cấm có chị em nào than vãn là phẫu thuật thẩm mỹ nhiều vấn đề lắm đâu? Có bức ảnh nào chụp người đẹp nhăn nhó như Tây Thi đâu? Và cũng chẳng ông chồng nào lại đi vạch áo vợ cho người ta biết là bà nhà có bơm ngực. Chúng ta chỉ có thể đồn đoán bằng cách nhìn ngắm những mỹ nhân trưng bày sản phẩm trên các trang báo đang thời cực thịnh tôn vinh cơ thể. Tưởng như Việt Nam thế kỷ 21 đã tiếp bước văn minh Hy Lạp cổ đại mà ve vuốt những thân hình vệ nữ. Nếu tượng Vệ nữ đảo Milos bằng đá cẩm thạch thì ngày nay đã có những hậu duệ vệ nữ silicon. Truyền thông và kỹ nghệ làm đẹp Việt đã chính thức đặt lên bệ chất liệu thời đại này.
[huých cùi chỏ] "xê ra cho ta đứng, ngấy quá đi mất"
Tuy vậy, cũng như những mảnh vỡ tứ tán của một pho tượng cổ đại, những người đẹp bây giờ chỉ xuất hiện trên các báo vì những “vòng 1 khủng”, “đôi môi mọng”, “vòng 3 cong cớn” (vâng, đúng chữ trên báo đấy ạ), trở thành cái đẹp của những thứ rời rạc. Những người đẹp oằn oại, dang chân giạng tay, mắt hờn oán môi mời đón, ngực tấn công mông phòng thủ, tràn từ trang báo này sang trang báo khác, như những mẫu vật đại diện cho một thẩm mỹ phồn thực được công nghệ chụp-và-chỉnh đẩy tới mức cực đoan.
"Bé tập làm quen với silicon"
Vì sao rất nhiều người đẹp đã hơn thiên hạ về khoản nhan sắc mà vẫn phải “mông má” kỹ lưỡng đến vậy? À, chúng ta hãy nhớ mà xem mình bao giờ chả cười hăng hắc khi xem các bức tranh chụp sao xấu, các báo cứ nhè những giây hớ hênh úi xùi của các minh tinh mà tương lên. Đặt vào tâm lý số đông xoàng xĩnh còn lại, chúng ta phải thú nhận là lắm khi hả hê khi có quyền tự an ủi bản thân rằng mỹ nhân nọ “không son phấn tút tát thì cũng xấu chả kém mình”. Chắc chắn không cần ai cảnh báo, các người đẹp cũng thừa biết cái sự cạnh tranh về mã ngoài là công việc của họ, là thứ có thể nuôi sống họ. Vậy thì có khác gì chúng ta cạnh tranh nhau về công việc văn phòng đâu!
"Nâng cấp"
Để thực hiện việc vượt qua đối thủ, chúng ta có nhiều cách: học để nâng trình độ và bằng cấp, chuyển hướng đầu tư, có khi phải dùng mưu mẹo này nọ, tóm lại là bằng trí não. Còn những người đẹp thì chúng ta đều biết, màn thi ứng xử chọn hoa hậu thường căng thẳng thế nào. Vả chăng hoa hậu đọ nhau kiến thức và sự thông thái nghe cứ kỳ kỳ làm sao. Thứ quyết định chẳng phải vòng vo tốt gỗ hay tốt sơn, chính là nhan sắc. Mà nhan sắc thế nào là đẹp hơn thì thật mơ hồ cảm tính. Điều này dẫn tới việc lượng hóa cái đẹp, và chẳng đâu xa là những số đo. Các cuộc thi nhan sắc, các kênh truyền hình, các trang báo ảnh và diễn đàn buôn chuyện trên mạng cân đo đong đếm những chỉ số ấy, như thể các nghệ sĩ Phục Hưng nâng niu những chỉ số vàng trong tạo hình và kiến trúc. Nếu ta biết quy tắc thẩm mỹ Hy Lạp cổ đại đã chi phối văn minh thị giác và nhân trắc học phương Tây và thế giới sau này cả 2000 năm, lúc nào cũng lôi tượng Vệ nữ và David làm khuôn vàng thước ngọc đến mức không dám chệch tí nào, thì mới thấy cái sự sùng bái và phô bày da thịt thời nay còn ở mức vỡ lòng chán.
"Rõ dơ chưa? Hàng u tao cấy bự hơn u mày!"
Cuộc đổ bộ rầm rộ của những “sự cố lộ hàng”, “khoe dáng”, “hoang dã phô thân thể” như cỏ mọc sau mưa, mạnh ai nấy tụt quần cởi áo, dù có dán mác “cởi truồng vì nghệ thuật” thì vẫn là một chứng tâm lý bất an, tôn vinh thì ít mà tranh nhau ghi điểm lấy số má thì nhiều. Bạn có thấy cái chứng này giông giống hiện tượng sính bằng cấp không? Có người đẹp đã chả tuyên bố “nhan sắc cũng đã là tài năng” đấy sao. Nhưng khổ nỗi thời nay danh hiệu ê hề lại chỉ tố lên cái sự thiếu tự tin, ở ngay lĩnh vực ai cũng cảm thụ được là vẻ đẹp trời cho.
"Làm sao mà chìm được, má, má đã có phao rồi!"
Sẽ là phi dân chủ trong quan niệm thẩm mỹ và đạo đức hóa việc làm đẹp nếu kết án ngành phẫu thuật thẩm mỹ và việc truyền bá da thịt trên mặt báo. Người ta làm đẹp là một nhu cầu chính đáng, người ta thích trút bỏ xiêm y ngồi chễm chệ trên màn hình cũng chính đáng không kém. Chúng ta chỉ buồn bực là cuộc đời chúng ta trăm thứ khổ sở eo sèo, sao những người đẹp và những nhà báo ấy làm chúng ta tủi thân biết chừng nào? Họ làm ta những tưởng cuộc đời toàn cái đẹp mỹ miều, họ nhồi sọ chúng ta mãi cho đến một ngày ta nhất cử nhất động phải theo một cái quy ước vô hình như những con rối bị giật dây. Các chị em chưa cần phải lo chồng mình đêm nằm mơ đo tận tay ba vòng của siêu mẫu, nhưng chắc cũng muộn phiền mà nghĩ, những cái vốn tự có của mình về khoản chăm lo gia đình và đóng góp xã hội cũng ê hề mà cấm có được lăng xê như ba cái vòng kim cô kia.
Nguyễn Trương Quý
(Viết cho tạp chí Phụ nữ ngày nay ^^)
Nhận xét