Giết rồng


Tôi vốn thích xem sách ảnh của nước ngoài, loại bỏ túi, khổ nhỏ. Vừa rồi được chị Thúy Anh tặng cho một cuốn của NXB Phaidon là Century, gồm ảnh lịch sử thế giới của hơn 100 năm thế kỷ 20. Bức ảnh đầu là ảnh 2 người hát rong ở Paris "chào đón thế kỷ mới dũng cảm - không phải là không có lý do", có một ông già mù đang quay cái máy gì như máy nghe nhạc và đứa cháu gái đứng dang tay như đang đón mặt trời vào năm 1899.

Bức ảnh cuối là cảnh TT George W. Bush lúc được phụ tá an ninh ghé tai báo về tin máy bay thứ hai đã đâm vào tòa tháp đôi, ngày 11.9.2001.

Ở giữa 2 tấm ảnh đó là chừng 1000 bức ảnh, về đủ thứ trên thế giới này, nhưng cái trội nhất là chiến tranh và nghèo đói. Nhưng buồn nhất, tuyệt vọng nhất, là những thứ tệ hại ấy lặp lại. Cũng đầu TK, năm 1900, có 1 bức ảnh chụp một Trại tế bần phát bánh mì hàng ngày ở Bucharest gồm mấy dãy bàn người ta ngồi xếp hàng như bàn đám cưới Việt Nam bây giờ, hay là giống bàn trại lính, nhà tù, người ta ngồi như bất động, trước mặt mỗi người có một cái bát để ngay ngắn, buồn thảm.

90 năm sau, nước Rumani lại tái xuất ở đây, với bức ảnh những đứa trẻ mồ côi không có cái ăn, mắt trũng sâu, má hóp, ngồi trước dãy bàn sứt sẹo, mất cả lớp gỗ dán bề mặt, và những cái bát sắt nông lòng đã tróc sơn. Tất nhiên là trong bát không có gì ngoài một cái thìa. Có thể là chưa đến giờ xúp hay cái ăn được cho vào, nhưng không khí của con người trong bức ảnh thì không thể nói là vui vẻ được. Lời bình của ảnh: "Những đứa trẻ mồ côi Rumani với những cái đĩa trống rỗng và sứt mẻ. Nicolae Ceasescu đã quá bận rộn với phong cách sống xa hoa của riêng ông ta."

Vậy, đó là mô tip của cuốn sách, vô tình hay hữu ý, nhưng mà đấy, càng gần thời tôi đang sống, thế giới vẫn lọc lại bằng những bức ảnh bắn nhau, bắt cóc, các nhà chính trị lên xuống với đủ thủ đoạn, mặc dù là ảnh màu nhưng cũng chẳng tươi đẹp hơn thời đen trắng. Và còn cái bọn IRA, hóa ra mãi đến hết cuốn sách vẫn còn nhì nhằng khủng bố ở Bắc Ai Len. Sao bọn Anh cứ chiếm mãi đất đó làm gì? Châu Âu thành vùng không biên giới rồi nhưng mà Balkans với lại nhiều chỗ vẫn cứ như thời trước Thế chiến. Đâu cũng nghi ngờ, cũng phân biệt đối xử và đã giết nhau thì thật dã man. Cuốn sách như là cuộc thi ai đội vương miện thần Chết đẹp nhất.

Mà sao đánh nhau nhanh thế. Thấy năm nào cũng có ảnh về chiến sự ở đâu đấy. Mẹ ơi, vừa mới xong cách mạng hồi giáo Iran, đã thấy đánh nhau với Iraq, rồi ông Mỹ đưa quân đến Nicaragua, rồi nhoằng cái những ông nảo ông nào châu Phi bị ụp. Vừa vui mừng khi tường Berlin đổ, đã thấy Nam Tư đánh nhau, êm êm rồi lại thấy Kosovo, chưa xong đã xảy vụ Chesnia. Ôi cứ rối như canh hẹ.

30 năm đấu tranh và hơn thế nữa của VN cũng xuất hiện qua chừng chục tấm hình. Chiến tranh, tất nhiên. Nhưng VN ở sách này có vẻ không ác liệt như đáng có, như nhiều sách ảnh khác đã làm. Ngoài bức hình một tay nhân viên Mỹ trên trực thăng cố sức hẩy một người VN đang bám vào cửa trực thăng xuống vì quá tải, những bức ảnh khác về VN nói chung không ghê rợn bằng các ảnh ở nơi khác.

Nhưng phải nói là những người biên soạn đã chọn những bức ảnh khác biệt, cũng cùng những nhân vật lịch sử ấy, cùng câu chuyện ấy, nhưng đã tránh việc định nghĩa nhân vật bằng khoảnh khắc biểu tượng. Nhiều nhân vật đẹp và đời thường, tự nhiên nữa, thay vì những bức ảnh đứng tạo dáng đã quá quen thuộc. Diana lúc chưa lấy Charles đi trên phố đột nhiên quay đầu lại năm 1980. Bác Hồ và ông Đồng ngồi cười bất ngờ ở ghế tựa dài năm 1965. Catherine Deuneveu trong cảnh quay phim Belle de Jour với đạo diện Louis Bunuel năm 1967. Người mẫu diễn quần áo thời trang của Pierre Cardin trên Vạn lý trường thành năm 1981.

Bức ảnh Reagan và Gorbachev có lẽ minh họa chuẩn nhất cho thế giới với lời chú thích: "Reagan và Gorbachev đang nói chuyện với người phiên dịch của họ thay vì với nhau ở Hội nghị thượng đỉnh giải trừ vũ khí Geneva." Hai nguyên thủ ngồi cạnh nhau, nhưng đầu hai người quay ra hai bên để nghe 2 người phiên dịch nói bằng vẻ mặt đầy bí hiểm. Gorbachev đan hai bàn tay vào nhau để trên đùi. Còn Reagan bắt chéo chân, hai tay đặt hai bên thành ghế. Cũng chả quan trọng. Ghét nhất là thói phân tích tư thế nhân vật để tán nội dung. Ở đây thế là đủ.

Giết rồng - là cái tên truyện mình vừa nằm mơ. Rồng không có thực, nên giết đâu có được. Nhưng những cái khoác lốt rồng thì vô vàn. Nhớ anh Bùi Ngọc Hải, TBT TTVH ngày trước, một lần ngồi ở Thủy Tạ có kể chuyện đi làm TTX ở châu Phi. Anh kể một nhiệm kỳ bên ấy mà chứng kiến vài đời tổng thống / vua / quốc trưởng... "Đời người thì dài mà cuộc đời chính trị quá ngắn ngủi." Một bức ảnh về 1 ông tổng thống như thế đứng ở sân bay, có 2 người cuống quýt lấy vạt váy ra đánh bóng lại giầy ông ta. Một bức về vua Trung Phi Bokassa cầm cây vương trượng trị giá bằng 1/4 tổng thu nhập quốc dân, ảnh năm 1977. Ông này từng đi lính cho Pháp ở Đông Dương thời xưa, có một đứa con rơi ở VN, sau này vụ nhận con này cũng ly kỳ vì phát hiện ra công chúa rởm.

Xem đến một bức ở Ý, một cô ngôi sao phim khiêu dâm lột áo ra để hở vú, trình bày vẻ đẹp của bản thân giữa những bức tượng Phục Hưng ở quảng trường 1 TP nào đấy. Ồ, Firenze đây mà, mình đã đến đây rồi.

Nhận xét

nguoilavuaden đã nói…
Anh ơi làm thế nào mà có được quyển sách ảnh này ạ, chắc là đắt lắm ?
L'amante inachevée đã nói…
Có một quyển sách ảnh bỏ túi rất hay chỉ về một năm rất đặc biệt nữa mà em rất thích :D
1969 The year in Pictures.
Nên tìm xem. Nên tìm xem :)
Unknown đã nói…
Mình nhờ chị bạn mua bên Mỹ, mà hình như bọn nó cũng hết lâu rồi, đây là mua qua 1 bọn khác còn giữ lại. Mấy cuốn thế này thực ra mua khó phết :-(

L'amant: Ừ, thấy cũng hay quá, sẽ nhờ mua hộ. Cảm ơn nhé ^^
Càfê sữa đã nói…
giết rồng thì lại có đánh nhau mất rồi :|

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm