Tiểu hành tinh cô đơn
Không gì dai dẳng hơn một hương vị, thứ tưởng như vô cùng mơ hồ. Một bát phở nóng sáng sớm mùa đông thơm nồng nồng mùi thảo quả và tủy xương bò. Một vị rau đắng ngai ngái trong nồi lẩu cá kèo. Nhưng các món ăn, các hương vị hay những vật chất ấy chỉ như một cuộc diễu hành xoàng xĩnh nếu không có chú giải. Sẽ chỉ là những cuộc tranh cãi tầm thường không hồi kết về việc phở ở đâu ngon hơn nếu như không có một không khí huyền thoại phủ lên món ăn đó. Không khí ấy lại không thể chỉ là những gì truyền khẩu, mà phải có văn sách hẳn hoi. Món ăn bị định chế có cái dở nhưng lại có cái hay. Chính nhờ sự áp đặt kiểu cách ấy mà đến giờ, người ta vẫn biết đấy là phở Hà Nội chứ không phải một thứ súp mì lõng bõng của người Tàu hay trong leo lẻo của Nhật. Nói rộng ra, cần một không gian thực địa lẫn văn sách để tiền hô hậu ủng cho đặc tính Việt Nam ấy. Nói mồm, bảo hay hay lắm chưa đủ, cần có định lượng hóa.
Một trong những cách tìm hiểu quyết liệt nhất về một đất nước hay một nơi ta sắp đến là thu thập thông tin hay đơn giản là mua một quyển hướng dẫn du lịch. Dù hay dù dở, chúng cung cấp cho ta một cái sườn hay những dữ liệu căn bản về đất nước ấy. Đằng nào ta chả có một định kiến, vậy hãy lái định kiến ấy đi trên những con đường có đủ thông tin. Tôi còn nhớ trên chuyến xe ô tô dài dằng dặc từ Hà Nội sang Viêng Chăn, tôi chả biết làm gì ngoài việc ép mình đọc hết cuốn Lonely Planet (“Hành tinh cô đơn”, công nhận!) của Joe Cummings hay Nick Ray gì đó. Rồi đọc lần nữa trên lộ trình hai mươi bốn tiếng đồng hồ ngược lại từ Luang Phrabang về. Dần dần, cả một lịch sử Lào và không gian văn hóa ấy hiện lên có hẳn một hệ thống, một dáng vẻ đầy rõ rệt, sắp xếp trong đầu tôi cả hàng trăm ngôi chùa đã và đang xem, làm rành mạch những biến động lịch sử đầy bi tráng ở một đất nước có vẻ ngoài hiền hòa vô hạn. Nhưng hơn hết là thấm cả cảm giác mê say của tác giả trước một giá trị Lào. Trong cuốn sách, tác giả dẫn lại một câu của một người Pháp:
“Nếu người Việt trồng lúa, người Campuchia nhìn lúa lớn thì người Lào nghe lúa lớn.”
Đọc mà thấy óc mình neo lại ý đó. Lần khác, tôi vớ lấy quyển về Việt Nam cũng của Lonely Planet. Quyển này có 3 tác giả viết về 3 miền. Phải nói là một quyển sách du lịch nhạt nhẽo, kém cả quyển về Campuchia chứ đừng nói đến quyển về Lào. Hay vì mình đã có hệ thống riêng trong đầu về nước mình rồi nên thấy cái hệ thống này trật khấc, hoặc là hời hợt đáng ngạc nhiên. Dẫu rằng sách này cũng như các món ăn franchise kiểu Phở 24, làm ra để hài lòng nhiều đối tượng nhất, nhưng thành thật mà nói, nó không chứa đựng một tâm sự dằng dặc nào của người sống thường trú hàng năm trời của một anh Tây, mà là những ghi chép kiểu “checklist to do” của một vị sống hơn 100 ngày.
Xong rồi tôi nảy ra tham vọng làm những cuốn sách hướng dẫn, tự mình viết và trình bày. Nhưng ôi thôi, hàng đống thứ phải giải quyết: bản đồ, danh sách quán xá theo cấp độ sang trọng đến vỉa hè, các điểm thăm viếng, chơi gì làm gì… cái nào cũng cần mình phải có trách nhiệm đánh giá. Đã có quá nhiều những sách điểm qua quýt và mình phải là kẻ chịu trận đó thôi! Việt Nam của mình là gì, mình có biết gì mấy về Việt Nam đâu. Ngay một vùng đất có vẻ như là đã cày xới nhiều như Hà Nội, mà mỗi ngày giở báo hay trang mạng ra, thấy ô hay sao mà nhiều cái mình không biết. Thế là sau khi bơi không xuể trong cơn lũ thông tin chi tiết, ta lại bị rủ rê theo cái lối mòn khái quát hóa, nói vo. Trong khi thực tế chỉ cần một câu nói độc đáo như trên kia là “thắng”.
Tôi quay trở lại với vấn đề của chính Lonely Planet. Đó là làm sao dung hòa được loại lên danh sách những tour dịch vụ này nọ với cung cấp một không gian địa lý tổng hòa về thiên nhiên, con người và văn hóa. Việt Nam chẳng cần bàn cãi, có đủ chất liệu cho mọi cuốn sách du lịch. Tại sao mà cùng format đó, cùng cách viết đó, mà tôi thấy quyển về Lào, về Campuchia lại hay, mà về Việt Nam và Thái Lan lại dở hơn? Có lẽ vì trong hai quyển sau, người viết không làm lóe lên những phát hiện hay đúc kết nào khiến tôi “chấn động” cả. Hoặc mô tả của họ về những nơi thăm viếng không như mắt thấy. Nhưng nếu tôi viết, chắc gì tôi đã vượt qua được những hạn chế đó, mà có khi lại sa vào những diễn giải dài dòng – điều khách du lịch chẳng buồn đọc đến trang thứ hai. Dẫu vậy, trong những cuốn sách mà tôi cho là dở kia, vẫn có cái hay là những ý kiến chủ quan, chủ quan một cách đáng để ý, về tính cách, về hành vi của người Việt. Thật sự là món ăn có thể có muôn hình vạn trạng cách diễn đạt, nhưng cách niềm nở với du khách hay khiến họ bẽ bàng thì được mô tả khá nhất quán. Rút cục vẫn là câu chuyện về tính cách con người được đồng nhất với giá trị đất nước.
Khi tìm kiếm những câu gì gọi là thú vị để gọi tên Việt Nam, tôi lật giở lại lời đầu tiên của chính cuốn sách mà tôi đã cho là dở (thường thì phần dẫn nhập vốn ít được đọc kỹ), thì thấy họ viết:
Chào mừng bạn đến với một thế giới, nơi mà những màu sắc rực rỡ hơn, nơi mà phong cảnh kỳ thú hơn, đường bờ biển ngoạn mục hơn, nơi lịch sử li kỳ hơn, nơi khẩu vị thần diệu hơn, nơi cuộc sống chạy trên làn đường hối hả. Thế giới ấy là Việt Nam, con rồng châu Á mới nhất đang thức giấc sau giấc ngủ im lìm.
Việt Nam có tất cả. Hãy đón đợi điều không đón đợi nhất, hãy sẵn sàng cho một cuộc phiêu lưu nhiều nhất có thể, và Việt Nam sẽ trao cho bạn điều ấy.
Họ viết tử tế quá, phải không? Tôi bỗng nhận ra, cái hay chính là chẳng đoán được gì ở Việt Nam. Họ không mô tả được chính xác Việt Nam, vì Việt Nam có lẽ không có hình ảnh chính xác nào, cùng lắm như clip của Vietnam Airlines. Trong đó, nước ta là tập hợp của một loạt những hình ảnh lắt nhắt, vui vui và có phần lòe loẹt. Và tôi cũng chỉ biết a dua theo Lonely Planet mà khuyên:
Đừng tin những quảng cáo. Hay những băng khẩu hiệu tuyên truyền. Hãy tin vào cảm nhận của bạn, khi bạn khám phá một trong những đất nước màu mỡ, sống động và kỳ lạ nhất trên trái đất.
N.T.Q
(Đẹp 8/2011)
Nhận xét