Công nghệ sống chậm
Hơn một trăm năm trước, người đàn bà có con chó nhỏ của
Tsekhov có một cuộc ngoại tình chậm rãi, uể oải ở thành phố nghỉ mát Yalta trong vòng hai tuần.
Cái không khí lờ đờ, đặc quánh của cơn say nắng này cũng thấy ở truyện vừa Chết ở Venice
của Thomas Mann, kể về mối tình đơn phương tuyệt vọng đến vong thân của một nhà
văn luống tuổi với một cậu bé xinh đẹp. Chưa hết, ở bên kia biên giới với
Thomas Mann, bức thư của người đàn bà không
quen của Stefan Zweig dằn vặt nỗi si mê cũng đơn phương trọn đời tại những
chốn sống chậm: thành Viên, vùng núi trượt tuyết nước Áo, những phòng tiệc nhấm
nháp trà với bánh quy. Người phụ nữ này giấu kín tình yêu cả đời với gã nhà văn
trăng hoa bội bạc, chỉ thổ lộ nỗi lòng với người tình trong lá thư tuyệt mệnh
như kẻ nghiện thú đau thương. Những cuộc thư giãn chậm rề rề đó trong cả trăm
trang sách, giờ đây lại là thứ người thời hiện đại thèm thuồng khi muốn sống
chậm. Thèm thuồng là phải vì thời nay kiếm đâu ra hai tuần chẳng làm gì, không
bị một phương tiện truyền thông nào quấy rầy, như cái điện thoại kè kè ngay
trong túi quần có cài facebook?
Ngay đến việc ngồi kiên nhẫn đọc cho hết những tác phẩm văn
chương kinh điển kia cũng là một thử thách trong thời người ta gắng gỏi lắm mới
đọc xuể dòng thác tin tức và xem hết các show truyền hình hàng giờ ra rả trước mắt. Ấy là chưa nói
đến cái vật trong túi quần kia – cái điện thoại smartphone có cài facebook – có
đúng là bạn vừa mở ra xem có ai like cái hình bãi biển bạn vừa post lên không?
Bạn chưa có câu trả lời “Bạn đang nghĩ gì” cho dòng trạng thái hôm nay ư? Nghĩa
là bạn bị tụt lại rồi. Thế thì đâm ra thua thiệt. Bạn lại nhao lên khẳng định
mình đang “nhanh” đây. Nhanh mà không phải chạy đi đâu cả. Chỉ cần bạn thường
trực trên mạng. Chỉ cần một vật nhỏ nối mạng không dây cũng giúp bạn thành một
con thỏ cho dù bạn đi hai chân chậm hơn rùa. Các công cụ ngày càng nhỏ lại,
thậm chí vô hình, nhưng khả năng trói buộc bạn mỗi lúc lại chặt hơn. Chúng ép
bạn ăn, ngủ, cười, khóc, đi và chạy cùng tốc độ. Sống chậm đã thành điều không
thể có.
Dễ đến cả tá lần bạn ước ao, giá mà mình có thời gian, sẽ
đọc sách, bên một cửa sổ nhìn ra núi hay bên bờ biển… Nhưng sách đã mua cả tủ
mà lời nguyện mãi không thành. Công việc, các cuộc hẹn, cái bụng béo cần nhỏ
lại… chồng chất lên mãi như một gánh tạ mà ta không sao đẩy lên nổi. Đôi khi
nửa đêm ta không khỏi chạnh lòng với những dòng trạng thái đầy sáng láng của bè
bạn trên mạng về cuốn sách này đáng đọc, về nhà văn nọ viết hay. Nhưng sáng hôm
sau, ta lại lên đường hối hả với đủ việc có tên và không tên. Ta có một cái
thắc mắc: thế là ta đang sống gấp hay chậm chạp lê qua phần còn lại của mỗi
ngày, và chậm trong cả việc thỏa mãn mơ ước be bé trên? Ta chợt thấy mình vẫn
chỉ là một con rùa nhờ phương tiện mà chạy thắng con thỏ. Và vẫn không phải
thỏ.
***
Rùa hay thỏ thì hơn? Con số
15% người Việt có vấn đề về tâm thần mà các bác sĩ ngành tâm thần đưa ra mới
đây hiển nhiên chỉ là số liệu hóa những vấn đề về tâm lý của một xã hội nhiều
biến động đã nêu ra từ lâu. Nó là kết quả của cuộc sống vật chất gây sức ép lên
tinh thần, của sự cô đơn và ích kỷ của con người, của những mâu thuẫn xã hội
tăng lên do sự phát triển kinh tế không cân bằng, của sự thiếu hụt các biện
pháp xả tress. Xu hướng thà làm rùa để còn tận hưởng được quỹ thời gian của
mình xem ra đang thắng thế.
Từ đầu năm đến giờ, tôi đã có 3 người bạn lên đường hành
hương sang đất Phật Ấn Độ. Ngoài ra không kể rất nhiều người quen khác đã và
đang lên kế hoạch du lịch đến những nơi xa xôi, với mục đích theo họ, không
phải hưởng thụ, mà để trải nghiệm những cảm xúc có hơi hướng thiền định. Không
có những nơi nghỉ mát an nhàn, những chuyến đi có tiện nghi tối thiểu, chấp
nhận những sự gian khổ, thiếu thốn để đốn ngộ điều gì đó.
Đấy là một phương án bên cạnh việc đi nghỉ mát. Đi nghỉ một
mình đã là một thách thức sự xô bồ náo nhiệt của đời sống thành thị, dắt thêm
một con chó nhỏ như người đàn bà của Tsekhov thì thật là một cực điểm của hình
tượng sống chậm. Trong thiên truyện đó, con chó nhỏ kia xuất hiện như một vật
trang điểm cho người phụ nữ đẹp và phát đi tín hiệu rằng nàng đang cô đơn. Có
vậy mới thành cớ cho gã đàn ông cũng cô đơn kia tán tỉnh.
Thế còn những người đàn ông thành phố sáng sáng dắt những
con chó Tây lông trắng muốt đi tập thể dục quanh hồ Hoàn Kiếm thì có cô đơn không?
Cái đó thì ta chịu, nhưng nuôi thú cưng có vẻ là một sự thư giãn và một nỗ lực
sống chậm, xa hơn là hài hòa với thiên nhiên thông qua kênh loài chó là giống
vật vẫn giữ được những bản năng sinh tồn tự nhiên.
Ba chục năm trước, aerobic áp đảo thế giới thể dục thẩm mỹ
nhờ những cuốn băng của nữ minh tinh Jane Fonda, người từng hoạt động sôi sục
trong phong trào phản chiến một thời. Những nhịp điệu thể dục nhanh dồn dập
theo nhịp nhạc disco lúc nào cũng làm huyết áp lên để nuôi sống cơ thể hừng
hực.
Giờ thì thiền, tu tập, zen, nhạc chill-out, v.v… thu hút dân
văn phòng thành thị như một sự phản đối lại các nhịp điệu quá mức căng thẳng
kia. Người Mỹ đã bắt đầu nhìn sang châu Âu già cỗi, quan tâm đến lối sống chậm,
ăn một bữa dài cả nửa ngày. Họ còn nhìn sang châu Á huyền bí, sang các khóa
thiền định ở Ấn Độ, ở Thái Lan, ở Bali …
Nhà báo Elizabeth Gilbert đột nhiên nổi tiếng vì viết cuốn
tự truyện Ăn, cầu nguyện, yêu chỉ để
nói về chính những vấn đề trên qua cuộc phiêu lưu tình ái của một chị gái Mỹ gần
bốn mươi tâm hồn chơi vơi tìm bến đậu. Ăn của Gilbert là ăn chậm ở Ý, những bữa
ăn triền miên niềm phấn khích mà chậm rãi, cầu nguyện là những buổi thiền định
mỗi ngày vài tiếng đồng hồ ở các asram Ấn Độ, và yêu cũng ở một nơi thời gian
của năm năm trước với năm năm sau không thay đổi là hòn đảo xanh tươi Bali. Đến
một người phụ nữ dường như khô khan nhất thế giới và bị chồng cắm sừng mấy lần
là bà Hillary Clinton, cựu đệ nhất phu nhân và đương kim Ngoại trưởng Mỹ còn
phải kêu lên: “Tôi say mê Ăn, cầu nguyện,
yêu”!
Và chính Jane Fonda, gần đây khi đã già, đóng vai một bà
ngoại giàu lòng yêu thương con cháu nhưng khắc kỷ trong phim hài Luật của Georgia . Bà Georgia này có một cô con gái trung
niên sống ở thành phố luôn stress vì công việc, vì thói bội bạc của đàn ông và
sự nổi loạn của cô con gái mới lớn. Chị sinh ra thói uống rượu tiêu sầu, điều
mà bà già rất kỵ. Trên đường đi tìm cô con gái đã bỏ về nhà bà ngoại, người phụ
nữ thế hệ thứ hai này mở một đĩa dạy tu tập trên xe hơi để lấy lại bình tĩnh. Chị
đã chẳng tập trung nổi để có được sự bình tĩnh, thậm chí còn nổi đóa lên với
cái giọng điềm tĩnh trêu ngươi trong đĩa. Bằng sự từng trải, bà ngoại aerobic
kia đã hóa giải tất cả, và thế là kết thúc có hậu.
Mỹ đã vậy, còn Việt Nam
thì sao? Nếu như ta tin vào kết quả thăm dò ý kiến của mấy tổ chức quốc tế rằng
chỉ số hạnh phúc của người Việt cao hàng đầu thế giới, và chứng kiến cảnh dân
văn phòng ở Hà Nội với Sàn Gòn ùn ùn đi học yoga, thiền, dù lệ phí không hề rẻ
tương xứng với thông điệp “sống giản dị” mà các khóa học ấy đưa ra, thì xã hội
Việt Nam có vẻ không khác gì xã hội công nghệ cao kia, góp thêm nghịch lý vào
một xã hội đã có dư thừa nghịch lý.
Nghịch lý chính có lẽ là
việc xã hội Việt Nam vẫn bị xem là một xã hội đang phát triển, thậm chí còn
chậm phát triển ở một số mặt, nhưng đã dấy lên nhu cầu hãm phanh sự phát triển
nóng và giảm nhiệt sự căng thẳng đô thị. Thế là sống chậm ở Việt Nam ra đời như
một món quà đầy chất hương xa, như thể người Việt lâu nay không biết sống chậm.
Nhưng cái gì ở Việt Nam
mà chả có sẵn, có điều phải đến lúc có người khai quật lên thì cộng đồng mới vỡ
lẽ.
Và chúng ta ngỡ ngàng khi
biết Việt Nam
cũng chính là một điểm để những người phương Tây đến sống chậm. Chúng ta thấy
vô lý ư? Có gì chậm nổi ở đường phố đầy ắp xe máy và ô tô mà ta đã phát điên
kia? Ta muốn bỏ đi chẳng được, lại còn có kẻ đâm đầu vào? Một lời khuyên đã
thành kinh điển và hiệu nghiệm đối với mọi du khách đến Hà Nội hay Sài Gòn khi
gặp dòng thác xe cộ: “Đơn giản là bạn hãy trôi theo”.
***
Nhưng chúng ta không thể sống chậm trăm phần trăm. Cũng như
cứ trôi theo mãi mà chẳng tăng tốc hoặc dừng lại. Chúng ta phải có một cái
đích, một mục tiêu nào đó. Rùa và Thỏ thi tài nhanh chậm là căn cứ vào một cái
mốc. Cuộc đời sở dĩ thú vị là vì ta được sống đa dạng, ta được tự do sống nhanh
hay chậm tùy thích. Điều đầu tiên mà bạn tôi trả lời khi đi Ấn Độ về là “cảm
thấy ăn ngon miệng hơn, ăn nhiều hơn”! Tôi đã tưởng bạn tôi sẽ nói về sự giác
ngộ hay những tư tưởng siêu hình nào đấy.
Sống chậm cũng không đáng để bạn đặt quá nhiều kỳ vọng vào
nó. Tôi không tin rằng bạn sống chậm là bạn sẽ sống khỏe hơn. Sống chậm cũng
như một ngày nọ bạn phải khoác cái áo măng tô nặng sù sụ khi trời trở rét. Bạn
không chạy nhông nhông ở bãi biển trong bộ đồ tắm được khi mùa nghỉ mát đã hết.
Sau khi cuốn sách Ăn,
cầu nguyện, yêu trở thành hiện tượng toàn cầu, người ta đã chứng kiến không
phải cơn sóng thần nào đổ bộ lên Bali mà là
một cuộc hành hương của những người phụ nữ phương Tây trung niên đến hòn đảo
này. Họ đến để sống chậm như tác giả Gilbert đã từng, để tìm tình yêu cũng từ
một người đàn ông Tây Ban Nha nào đó đang đợi sẵn, nhưng cũng để hi vọng mình
sẽ viết được một cuốn sách ăn khách tương tự! Trên một trang mạng còn có hẳn
bài viết có tên gọi “Elizabeth Gilbert đã phá hoại Bali ra sao”, trong đó người
viết chán ngán kêt luận, sẽ chẳng có đủ Javier Bardem (nam diễn viên chính
trong bộ phim làm theo cuốn sách) cho cơ man phụ nữ đang sục sạo các ngõ ngách
và điên cuồng chụp ảnh bằng điện thoại di động của mình. Và cái tên sách như
một phương châm sống chậm (tên gốc tiếng Anh: Eat, Pray, Love) đã biến tướng thành một khẩu hiệu gấp gáp khi một
quán ăn lấy tên nhại lại là Ăn, Trả tiền và Đi (Eat, Pay, Leave). Một thế kỷ qua, những người đàn bà đã không còn có
những con chó nhỏ để vợi cô đơn mà họ có cả một công nghệ tiêu sầu mang tên
sống chậm.
Nguyễn Trương Quý
(Phụ Nữ TP.HCM Xuân Tân Tị)
Nhận xét