Tự thú của một biên tập viên
Đã có nhiều sách và lớp dạy đọc nhanh. Những tài liệu tham khảo hay bài đọc cho thi cử đương nhiên phải đọc nhanh. Thậm chí tiểu thuyết kinh điển cũng có những bản rút gọn để đọc nhanh. Các tác giả văn chương cũng đã dần ít viết những cuốn tiểu thuyết trường thiên, các nhà xuất bản ưa việc in những cuốn sách khổ vừa, 300 đến 400 trang, vừa đỡ chi phí vừa dễ tiếp thị.
Đọc nhanh là điều cần thiết không thể chối cãi trong tình hình thế giới mạng áp đảo như bây giờ. Các văn bản mạng như ghi chép (note, entry) thường chỉ chừng 1500 từ là đủ dài, và nhất thiết phải ngắt làm nhiều đoạn theo các ý chính để người đọc đủ kiên nhẫn đọc mà không rê chuột bỏ qua. Thậm chí màn hình cảm ứng giờ đây còn đẩy nhanh tốc độ duyệt trang, thay vì con trỏ đã có vẻ chậm hơn.
Đấy là may mà người ta còn đọc! Trong cái thời đường hình đi trước đường tiếng, chứ chưa nói đến đường chữ nghĩa, những cuốn sách sẽ chỉ có được vị trí thiết thực khi người ta thấy đọc sách đem lại ích lợi gì đó. Định nghĩa cổ điển của việc đọc mà gần như ai cũng biết là nó đem lại tri thức cho người đọc. Tuy vậy, hiện giờ các kênh TV và hệ thống mạng xã hội đã bài binh bố trận cho người tham dự căn chỉnh lượng nhận thức đang có vừa vặn với khung trí tuệ của chúng. Thời lượng của mỗi chương trình truyền hình dưới hai tiếng đồng hồ có vẻ như đã mênh mông cho người ta dán mắt vào đấy.
Các cuốn sách best-seller đã không còn làm mưa làm gió truyền thông như một thập niên trước, lúc Harry Potter và Mật mã Da Vinci là những ông vua bà hoàng cuối cùng của sách in. Sáu năm qua, kể từ tập cuối của Harry Potter, các nhà xuất bản lớn sốt ruột chờ hiện tượng xuất bản nào lặp lại kỳ tích, nhưng đã kết thúc bằng việc hai nhà xuất bản lớn hàng đầu thế giới là Random House và Penguin sáp nhập với nhau. Thói quen đọc sách điện tử và lướt các mạng xã hội đã tiêu tốn thời gian và sức đọc của con người hiện đại. Các cháu tôi thích xem loạt phim về cậu bé phù thủy Harry hơn là đọc truyện, những cuốn truyện theo tôi là hay hơn phim song mắc phải lỗi là quá nhiều chữ đối với những đứa trẻ đã bị lối học nhồi nhét làm khô kiệt năng lực đọc. Nếu có đọc, chúng sẽ đọc những cuốn truyện tranh, từng tập mỏng mỏng, rất nhanh.
Thú thật là chính tôi cũng muốn đọc nhanh. Tại sao lại phải nhẩn nha hàng tuần cho một cuốn sách trong khi áp lực công việc còn đầy kia kìa? Giải trí ư? Tôi có thể ra rạp xem một bộ phim trong hai tiếng đồng hồ. Tôi có thể la cà trên mạng với một tốc độ ào ào trong hàng mấy tiếng, vừa xem tin ca sĩ này đang làm gì vừa đọc blog vui vui của người kia. Mỗi ngày tôi thấy mình xa với sách vở hơn, cho dù nghề của tôi có thể là biên tập hoặc viết văn đấy.
Có thể nói, đọc sách như thế nào hiện đang là vấn đề khá nặng nề với tôi. Tự khi nào việc đọc sách không còn là tự nguyện và hào hứng? Phải chăng là đời sống của tôi đã đứt những kết nối nào đó giữa những trang sách mình đọc và hiện thực ồn ã ngoài kia?
Trung bình mỗi tuần, tôi có ít nhất một bản thảo cần đọc thẩm định và luôn có một cuốn sách nào đó đang đọc dở. Việc đọc có vẻ như không bao giờ kết thúc. Nếu nói mỗi cuốn sách sẽ giúp ta học được điều gì đó và nếu ứng với số lượng sách một người đọc chuyên nghiệp (nghĩa là thuộc giới điểm sách và biên tập viên chăm chỉ) đọc trong một đời, thì có lẽ người này thông tuệ hạng nhất.
Nhưng bạn thấy đấy, tôi vẫn làm công việc này bình thường, không có dấu hiệu gì là dễ dàng hoặc thông thái hơn. Và tôi không giàu hơn hay nhàn hơn. Vì vậy sẽ là nỗi thất vọng khủng khiếp cho ai đó mưu cầu việc đọc sách sẽ giúp họ làm nên chuyện. Đọc, chỉ có ý nghĩa với một người khi người đó đọc với nhu cầu tự thân, bằng niềm say mê. Đọc sách không phải là việc dễ dàng nếu xếp vào loại việc thẩm định văn bản, và mệt mỏi nếu coi là một thú giải trí.
Tôi chỉ có thể nói rằng, tôi gặp được một số con người độc đáo và những chân trời lạ lùng cũng như thấy mình hiện lên trong những môi trường rất giống hoàn cảnh đang sống. Chúng làm tôi cảm động, phấn khích hoặc ngẩn ngơ. Chúng là những khung cảnh để tôi nhập mình vào đó, sống một cuộc đời vài ngày mà không phải xê dịch đâu cả. Chúng là một cách du lịch thú vị, một trò chơi tâm lý.
Vì thế những châm ngôn sách là kho tàng, là của cải, có lẽ chỉ là những cách nói có phần phóng đại để khiến người học có động lực đọc sách. Rút cục thì việc đọc sách nhanh chỉ thực sự góp phần cho việc đọc khi người ta đã có thói quen đọc (bình thường) đã. Việc tối đa hóa mục đích của việc đọc dẫn tới những thế hệ đi học chỉ nhăm nhăm đọc sách để cho xong việc, với những trích dẫn cắt xén và nhào nặn cho hợp với lập luận của mình.
Có lẽ người ta phải quen dần với những thế hệ đọc sách theo một cách khác, cũng như quen với việc trẻ con lướt mạng, dùng sản phẩm công nghệ cao để lục tìm kho tri thức được số hóa. Các cháu tôi cũng ưa thích việc tra cứu google hay wikipedia để biết được thế giới ra sao. Tôi cũng hi vọng chúng có lúc nào đấy tìm đến sách, nhất là để thưởng thức văn chương bằng nhu cầu tự nhiên của chúng. Hiện giờ, chúng vẫn xin tôi vài cuốn tản văn tôi đã in để tặng cô giáo hay làm quà sinh nhật bạn. Lý do ngoài việc “của nhà trồng được”, chúng bảo, sách mỏng chắc các bạn dễ đọc!
Nguyễn Trương Quý
(Hồ sơ và Sự kiện số Tết 2013)
Nhận xét