Dựng cho mình tấm căn cước văn hóa

Viết cho Tuổi Trẻ cuối tuần.

TTCT - Trở về từ Festival văn học và nghệ thuật “Cooler Lumpur” do Hội đồng Anh khu vực châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tại Malaysia cuối tháng 6, Nguyễn Trương Quý nói anh vẫn còn ấn tượng về các tác giả trẻ cùng tham dự liên hoan.

TTCT giới thiệu bài viết của anh.



Từ trái sang: Marc de Faoite, Nguyễn Trương Quý, Dain Said và Katelijn Verstraete, giám đốc nghệ thuật và kinh tế sáng tạo Hội đồng Anh khu vực Đông Á, tại Festival “Cooler Lumpur” - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngoài tôi đến từ Việt Nam, tám tác giả còn lại tham gia “Cooler Lumpur” đến từ các khu vực và Khối thịnh vượng chung. Họ đã viết, in sách, làm phim bằng tiếng Anh, thậm chí đã sống ở phương Tây nhiều năm, cả những tác giả từ Anh, Ireland sang nên chẳng xa lạ gì với các chủ đề thảo luận do chương trình festival đưa ra.

Đọc lướt qua tên các chủ đề đều thấy nổi lên mối bận tâm về “căn cước” của các nền văn hóa đọc và nghe nhìn.

Đi tìm căn cước của nền văn hóa

Jason Ng., tác giả Hong Kong cùng tầm tuổi tôi, luật sư ngân hàng, có một bài viết có tên HKID - viết tắt của Hong Kong identification, căn cước Hong Kong. Anh nói vẫn dùng từ “Hongkonger” để tự gọi mình.

Trong cuốn tản văn No city for slow men (Thành phố không dành cho người sống chậm) gồm 36 bài viết về Hong Kong, nơi anh là cộng tác viên cho tờSouth China Morning Post, anh có viết: “Hong Kong kẹt đâu đó giữa Trung Hoa đại lục và phần còn lại của thế giới, và điều này gây ra một chút khủng hoảng về việc nhận diện”.

Còn tác giả Marc de Faoite, người Ireland nhưng sống ở Langkawi, Malaysia, lại chia sẻ câu chuyện của một tác giả sống giữa hai nền văn hóa, nơi mà những rào cản của tôn giáo chính ở đây - Hồi giáo - không liên quan nhiều đến các sáng tác tiếng Anh của ông, nhưng lại làm cho văn chương của những người viết tha hương như ông hãy còn xa lạ với đời sống văn học bản địa, nơi mà theo ông, người đọc vẫn thích các tiểu thuyết diễm tình và văn hóa nghe nhìn phương Tây ảnh hưởng mạnh.

Mối quan tâm của cử tọa cũng chính là làm sao để tiếp nhận đôi nét vấn đề trong hơn một tá cuộc giao lưu, xoáy thẳng vào sự khác biệt của các diễn giả.

Một nhà văn Philippines thành công với tiểu thuyết viết về cuộc sống của một người đồng tính, khi cử tọa chất vấn đã thừa nhận sẽ không thể in được cuốn sách khi còn ở quê nhà, vì sự kiểm duyệt và vì sự nhạy cảm của vấn đề, nơi mà khi sống ở Canada hay New York, Mỹ, anh có cơ hội nhiều hơn. Trong khi trên bảng xếp hạng mức độ kiểm duyệt các nước trên thế giới mà tôi đọc được, Philippines lại có vẻ khá thoáng.

Đi trên đường phố Kuala Lumpur, nơi được mệnh danh là kinh đô mua sắm của khu vực, và ngay tại khu Publika, tổ hợp trung tâm thương mại và gallery nghệ thuật, gần như không thấy có hình ảnh hở hang hay gợi cảm nào trên các apphich quảng cáo mỹ phẩm hoặc quần áo.

Đạo diễn phim tài liệu người Malaysia Dain Said trả lời luôn câu hỏi của tôi liệu có khi nào có cảnh gần gũi thể xác trên phim ảnh hay tivi ở đây: “Không bao giờ!”. Ở một đất nước Hồi giáo thì như vậy cũng không có gì lạ, đến cả bia rượu cũng bị đánh thuế tội lỗi (sin tax), giá đắt gấp ba và hình như chỉ bán ở các khu phố du lịch.

Liệu những thang bậc đánh giá sự ngặt nghèo ở mỗi nền văn hóa có phải là căn cước nhận diện nơi ấy không?

Khoảng trống này ai lấp?

Điều hằn lại trong đầu tôi qua chuyến đi giao lưu là sự giàu có về kiến thức xã hội học của các tác giả tham dự festival. Ở họ, không có đề tài nào là có giới hạn. Tôi đặc biệt quan tâm đến cuốn tiểu thuyết Maggie and me của Damian Barr, một tác giả đang rất được chú ý ở Anh, người cũng có buổi giao lưu tại festival.

Cuốn sách viết về thời thủ tướng Margaret Thatcher nắm quyền, là hồi ức thời thơ ấu của tác giả về những biến động xã hội Anh khi đó, nó nhận diện một thời đại. Những ảnh hưởng của các chính sách công, các xáo trộn về kinh tế - xã hội dưới sự điều hành của “bà đầm thép”, tất cả để lại dấu ấn trong đời sống một đứa trẻ Anh hiện ra dí dỏm và trào lộng.

Tôi chợt nghĩ trời ơi, chừng nào mình có thể viết được một cuốn sách như thế, về những năm tháng bản lề của xã hội trước và sau đổi mới, thời chúng tôi hồn nhiên sống với tem phiếu mà đâu cảm thấy hết nỗi khổ sở trăm bề của bố mẹ.

Mỗi câu chuyện của các bạn văn ở đây là một sự trao đổi miên man về các vấn đề chính trị - xã hội khu vực, và quả thật họ rất nhạy cảm với các câu chuyện bất bình đẳng, như chuyện một bộ phim truyền hình Hong Kong đã phải ngừng phát sóng vì xây dựng nhân vật ôsin người Philippines một cách bôi bác.

Hơn lúc nào hết, câu chuyện về “căn cước” lại nổi lên trong các cuộc giao lưu này. Những người bạn văn này cũng thường xuyên chia sẻ các trang tin thời sự văn hóa toàn cầu, những mối quan tâm rất “người lớn” nếu so sánh với vô vàn tin tức showbiz đọc rồi quên luôn. Cảm giác của tôi là kiệt sức: họ biết quá nhiều. Làm sao tôi thu nạp được bằng họ và tôi sẽ viết tiếp sao đây?

NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ
(http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/Van-hoa-nghe-thuat/622153/dung-cho-minh-tam-can-cuoc-van-hoa.html)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm