Họ đã bắt đầu từ một Hồ Gươm (P.1)

Một khảo sát về cách viết về Hà Nội trong ca từ hay là những cách nhận diện Hà Nội...

Trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Phạm Duy đã dành nhiều trang viết ở phần đầu kể về thời thơ ấu ở Hà Nội. Tuy nhiên, dù sau này sẽ có nhiều thành công trong tình khúc, khác với các nhạc sĩ xuất thân từ Hà Nội, ông nói, “vì quanh năm sống với hồ Gươm nên tôi còn thấy nó trong những hoàn cảnh ít nên thơ hơn, như ra coi những xác người treo cổ trên cây đa bên bờ hay trầm mình xuống hồ nước, vì thất tình hay vì lý do buồn bã hơn là sự túng quẫn. Tôi được sống lâu với chiếc cầu và ngôi đền nên còn nhìn thấy cả đám ăn mày ngồi la liệt trên lối ra vào với lũ ruồi bu đầy trên những đôi mắt toét đỏ lòm. Và cảnh nhà nho cuối cùng mặc áo bông rách, ngồi viết những chữ Phúc Lộc Thọ hay những câu đối trên giấy đỏ… chỉ làm tôi bùi ngùi hơn là bồi hồi. Hồ Gươm với tôi là giọt lệ, không phải lệ ngọc ngà mà là lệ buồn thương”.

Lệ buồn thương. Có thể thấy, với những gì Phạm Duy thâu nhận, Hà Nội là một bức tranh đời sống có màu sắc hiện thực hơn là lãng mạn, một Hà Nội của những góc tối lầm than, những phận người tăm tối ngay trước “nhà tôi hăm bốn Hàng Dầu” lúc nhỏ. Còn khi vào đời, là những người kỹ nữ, những “kẻ ăn mày xán lạn ngày mai”, như trong Tình kỹ nữ (1945) hay Tiếng bước trên đường khuya (1946), “bài ca xã hội đầu tiên của thời đại… trong đó tôi mô tả những người sống về đêm và có một đoạn nhạc không lời nhái lại tiếng kêu đường của người hành khất. Mỗi lần nghe lại bài này, tôi nhớ Hà Nội ban đêm vô kể”.

Tiếng chân ngân dài từ từ đi ngoài đêm thâu
Tiếng chân dưới lầu, ôi tàn mộng bích câu
Ôi tiếng chân ai mang dài năm tháng
Ôi tiếng chân ai đã tàn tuổi thơ.

Phạm Duy nói, ông chỉ có đích danh bài hát Gươm tráng sĩ viết năm 1945 là viết cho Hà Nội. Mãi sau này khi về Việt Nam, ông công bố thêm ca khúc Mơ dạo xuân Hà Nội, phổ thơ Thảo Chi, mang nội dung hồi cố về một mùa xuân xưa cũ. Viết về Hà Nội, cố hương và thủ đô của một chính thể mà ông từng từ bỏ, chống đối và rồi quay về - là mối quan tâm của giới báo chí trong buổi tiếp xúc với Phạm Duy trước buổi biểu diễn Ngày trở về tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 27/3/2009. Vậy tại sao Phạm Duy không nhắc đến Tiếng bước trên đường khuya? Đây cũng là một bài hát Hà Nội, nhưng rõ ràng không phải là một Hà Nội trong dòng rất nhiều ca khúc phổ biến viết về nơi này. Hoặc ở góc độ người nghe sống ở Hà Nội giai đoạn thập niên cuối thế kỷ 20 vốn là thời các bài hát chủ đề Hà Nội được yêu thích, thì Tiếng bước trên đường khuya văng ra khỏi quỹ đạo.

Khúc dạo đầu cho một biểu tượng

Quay trở lại giai đoạn thời kỳ đầu của tân nhạc - trước năm 1945 - Hà Nội chưa trở thành một chủ đề âm nhạc. Nếu được nhắc tới, nó thường là địa danh mang tính biểu tượng ái quốc trong dòng hành khúc khơi gợi lòng tự tôn dân tộc của một nước thuộc địa như Thăng Long hành khúc ca (Văn Cao, 1944) hoặc các địa danh lịch sử trong phạm vi “đế đô” như Hồ Lãng Bạc (Xuân Oanh? 1944), Gò Đống Đa (Văn Cao, 1944), Hội nghị Diên Hồng (Lưu Hữu Phước & Huỳnh Văn Tiểng, 1944). Những ca khúc này nằm trong trào lưu ca khúc “thanh niên-lịch sử” khoảng những năm 1940-1945, chủ yếu là sáng tác từ nhóm Đồng Vọng ở Hải Phòng do Hoàng Quý chủ xướng mà Văn Cao là thành viên và nhóm sinh viên Đại học Đông Dương Hoàng-Mai-Lưu do Lưu Hữu Phước giữ vai trò chủ chốt.

Tháp đây! Gươm thần đâu dưới nước biếc
Có chăng bao người lưu luyến tiếc
Này phường, này phố cũ
Này đường về ô xưa
Bóng dáng ngàn năm hồ phai khi tàn mơ

(Thăng Long hành khúc ca, Văn Cao)

“Thăng Long ngày nao cờ khoe sắc phấp phới” của Văn Cao dường như chỉ mơ hồ liên quan đến Hà Nội thủ phủ Liên bang Đông Dương năm 1944. Nó dùng nhiều từ Hán Việt, nhiều tên gọi cổ, nhiều tích cũ: dòng sông Nhị Hà, lũ quân chàng Tôn, gươm thần, bóng dáng ngàn năm hồ phai, loa vang xa chiêng thu không tiếng bát ngát trong trống thành… Nó không đủ cụ thể để chứng tỏ nhạc sĩ viết về cảm xúc dành cho thành phố hiện đại. Đặc biệt, trong dòng ca khúc “thanh niên - lịch sử”, gồm nhiều hành khúc với mục đích “viết về những sinh hoạt lành mạnh vui tươi” (lời nhạc sĩ Tô Vũ, em nhạc sĩ Hoàng Quý) của nhóm Đồng Vọng, thì đương nhiên Thăng Long hành khúc ca mang cảm hứng rõ rệt về khơi gợi lòng yêu nước. Nó kết lại bằng lời hứa hẹn “dân chí sống yên vui chờ gió mới bay về”. Hồ Lãng Bạc viết về hồ Tây nhưng không ở khía cạnh lãng mạn của cảnh đẹp mà tập trung câu chuyện về cuộc chiến đấu của Hai Bà Trưng chống quân Hán:

Thề quyết chiến, liều xông lên thét hùng oai nữ vương
Ào gió thét, ầm sóng vỗ - thế cùng không chút sờn
Hồ vẫn đấy, người xưa đâu? Sóng hùng ghi nữ anh
Buồm quyến gió, thuyền rẽ sóng dưới trời mây nước thanh

Hội nghị Diên Hồng viết về thời điểm nhà Trần chuẩn bị kháng chiến chống Nguyên Mông, “Toàn dân nghe chăng, sơn hà nguy biến” và Gò Đống Đa viết về chiến thắng của Quang Trung năm Kỷ Dậu, “ngày ngàn quân Thanh chết, dưới toán quân Việt Nam”. Nếu đi tìm hình ảnh Hà Nội đương thời dựa theo địa danh thì chúng ta sẽ không có lời giải.

Ca khúc lãng mạn hiếm hoi dường như lấy bối cảnh Hà Nội đương đại khi đó là Bên hồ liễu (1938, Văn Chung) cũng chỉ thuần túy mượn cảnh sắc Hồ Gươm để bày tỏ nỗi lòng man mác rất vu vơ:

Ngàn liễu dưới trăng lùa ca thu trong
Nước xanh thoáng in mây ngàn muôn trùng
Vầng trăng dưới nước long lanh tan loang muôn ánh ngà
Lá tơ lướt theo làn gió vờn bay thướt tha
Tiếng ca đắm say cùng với ngàn cây lá lay
Có chi còn thú hơn trên đời
Dưới yêu thương ấm trong tơi bời
Lướt trên ngọn gió trong đêm dài

Theo Phạm Duy, bài hát này vào năm 1946 là tiết mục sở trường của ca sĩ Mai Khanh ở phòng trà Quán Nghệ Sĩ ở đường Bờ Hồ. Rõ ràng, chúng ta không đọc được câu chuyện nào hay sự việc gì trong những ca từ lãng đãng kia, ngoài việc đoán có vẻ như đấy là Hồ Gươm, là Hồ Tây, hay những mặt hồ có liễu ở Hà Nội. Nếu có thể xét đến bối cảnh Hà Nội xuất hiện một cách gián tiếp qua ca từ, thì hẳn nên kể đến Biệt ly (1937, Doãn Mẫn). Ca khúc này viết về một chủ đề quá quen thuộc trong văn chương nghệ thuật trung đại, nhưng ở đây, bối cảnh mang tính hiện đại là nhà ga, bến cảng với “còi tàu như xé đôi lòng”, những dấu chỉ vật chất của văn minh Âu Tây thay thế những tiếng “trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt” (Chinh phụ ngâm, thế kỷ XVIII).

Vì thế, những âm thanh của đường phố Hà Nội đêm khuya mà Phạm Duy dùng lại trong bài hát Tiếng bước trên đường khuya của mình đáng chú ý ở khía cạnh ông nhìn ra một nét đặc trưng của đô thị hiện đại. Từ tiếng bước chân trong đêm, ông hình dung ra những số phận.

Có phải đó là bước chân miệt mài của người ăn chơi
Vừa lăn ra khỏi chốn yên hoa mang mùi hương úa
Hay đó là người nào đi khóc cuộc từ ly
Đêm tối chân tần ngần thương bóng ai tàn xuân.

Sự lựa chọn góc nhìn từ rất sớm của Phạm Duy giúp người nghe chóng nhận ra, ca từ Phạm Duy hoặc không đủ trau chuốt êm ả như màu chung của các tình ca tiền chiến, hoặc nhiều cách xử lý tu từ gồ ghề hơn hẳn. Hà Nội của Phạm Duy có thể ít được phản ánh trực diện trong số hơn một ngàn ca khúc của ông, nhưng như những gì ông sớm nhận diện khung cảnh sống thuở nhở quanh Hồ Gươm, nó là một đô thị thực sự đương đại. Âm nhạc của Phạm Duy sẽ đi hẳn một vệt âm nhạc đô thị trước khi ông có thành tựu với nhạc dân ca và sẽ còn ảnh hưởng rộng rãi đến nhiều thế hệ. Hà Nội của Phạm Duy kém ảo mộng hơn Đoàn Chuẩn (Dìu thế nhân dần vào chốn Thiên Thai – Thu quyến rũ, 1951). Cũng là lả lơi, cũng là dìu dắt nhạc điệu, nhưng của Phạm Duy có vẻ cụ thể hơn, nhiều nỗi bẽ bàng diễn đạt trực tiếp, không cần những “thuyền đã sang bờ, đường về không lối” của Gửi gió cho mây ngàn bay hay “thuyền cắm tay sào từ cuối thu” của Chuyển bến, những sáng tác gần gũi chủ đề của Đoàn Chuẩn sau này vào đầu thập niên 50:

Sánh vai nhịp bước giang hồ
Kề vai ước xây nhà bên suối
Kề môi ước gây vài đường tơ
Ta ôm người đẹp trong tay
Bên nhau mà hồn xa vắng
Ta nâng niu làn dư âm
Của khách năm xưa yêu nàng.
(Tình kỹ nữ, 1945)

Phạm Duy nói thẳng sự thật nhiều khi được đi lòng vòng ở các nhạc sĩ khác: “chốn yên hoa mang mùi hương úa”. Văn Cao cũng năm 1945, viết về phố cô đầu Khâm Thiên giữa thời nạn đói với màu sắc có phần ghê rợn hơn, quái dị hơn nhiều:

Xác trụy lạc rũ bên thềm lá phủ
Ai hát khúc thanh xuân hờ ơi phấn nữ
Thanh xuân hờ thanh xuân
Bước gần ta chút nữa thêm gần
Khoảng giữa tuổi thanh xuân nghe loạn trùng hút tủy
(Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, 1945)

Tuy nhiên, trong ca khúc, Văn Cao không khi nào diễn đạt bằng ngôn ngữ đó. Bối cảnh trong ca khúc lãng mạn Văn Cao luôn là Thiên Thai, Suối mơ, trầm trầm không gian mới rung thành tơ, đầy sương khói, trong trẻo, thần tiên và nhiều khi siêu hình, một chốn Đào Nguyên dành cho tiên nữ, cho thiên tài, cho siêu nhân. Hà Nội 1949 mà Văn Cao mơ ngày về huy hoàng chói lọi đầy phẩm tính siêu việt:

Năm cửa ô đón mừng
Đoàn quân tiến về
Như đài hoa đón chào
Nở năm cánh đào
Chảy dòng sương sớm long lanh
(Tiến về Hà Nội, 1949)

Hà Nội như lời ca khúc của Văn Cao, sẽ là nơi “ươm lại hoa, sắc hương phai ngày xa, ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu”. Hình ảnh này vô tình bộc lộ một ý niệm lãng mạn, nostalgia, khi “cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn cầm cự”, những bài hát trữ tình dần ít được sáng tác ở các chiến khu. Có thể đây là lý do khiến Văn Cao bị kiểm điểm, ông gần như không viết nữa cho đến nhiều năm sau và chủ đề Hà Nội không còn trở lại trong âm nhạc của ông nữa, ít nhất là một cách trực tiếp.

(còn tiếp)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm