Họ đã bắt đầu từ một Hồ Gươm (P.2)

Có nhiều hơn một Hồ Gươm

Ở phần đầu, chúng ta đã biết nơi chốn Phạm Duy thân thuộc từ nhỏ là Hồ Gươm, cũng là trung tâm của đô thị Hà Nội. Tuy nói rằng bài hát Gươm tráng sĩ của ông đích danh cho Hà Nội, nhưng nội dung lời hiện tại có được lại không mấy liên quan đến tích Lê Lợi trả gươm cho thần Kim Quy (Ta là gươm tráng sĩ thời xưa/ Bên mình chàng hiên ngang một thuở/ Xưa nhớ tới người trai chí lớn/ Xếp bút nghiên từ chốn thư phòng/ Bàn tay xinh ai nhuốm máu hồng/ Và nhuốm mầu non sông). Trong khi đó, hình ảnh gươm thần xuất hiện trực tiếp trong Thăng Long hành khúc ca của Văn Cao. Nếu có thể coi Bên hồ liễu của Văn Chung là đích xác viết về cảnh Hồ Gươm, thì ta sẽ có một bức tranh khác về mặt hồ này. Cùng thời gian ra đời của Tiến về Hà Nội, một Hà Nội năm 1949 dưới con mắt của một nhạc sĩ gốc miền Nam hiện ra với Hồ Gươm (Hồ Hoàn Kiếm) làm trung tâm điểm:

Bước men quanh hồ Hoàn Kiếm giữa thu chiều úa
Tôi nhớ tháng ngày sống nơi Thủ đô hồi qua
Hồ đẹp: gương nước liễu xưa la đà bóng hồ
Đời vui thái bình trước lúc chiến tranh!

Khắp chốn nay điêu tàn
Nhà xiêu đổ: một cảnh nát tan
Hồ xanh nay vẫn xanh
Nhưng liễu xưa ven hồ đâu tá?
Tôi đứng im lặng nhìn
Nhìn tháp cũ bóng soi Hồ Gươm
Tháp kia sao lạnh lùng
Như giấu muôn e thẹn căm hờn!
Nước nghiêm trên hồ
Bao phen gió run hồn nước

Hà Nội yêu quý! Là chốn lịch sử ngàn năm
Là trái tim của Việt Nam
Là chính hồn Việt anh dũng!

(Hà Nội 49 – Trần Văn Nhơn, 1949)

Ta cũng gặp lại hồ liễu, tháp cũ, lịch sử ngàn năm, hồn nước, những gì đã có mặt trong mấy ca khúc tân nhạc trước năm 1945 đã nhắc đến. Nó có cả hai khía cạnh lãng mạn và sử thi của hai dòng ca khúc tiền chiến, nhưng của một cuộc sống Hà Nội mà “đời vui thái bình” đã hết do chiến tranh. Bài hát của năm 1949 đã chú ý nhiều đến hiện thực, những chi tiết khung cảnh dệt nên tâm trạng. Nhưng thông điệp chủ đạo của Hà Nội 49 đã xác định nó thuộc dòng sử thi, tương đồng với khẩu khí của Thăng Long hành khúc ca. Hồ Gươm của những năm đầu kháng chiến thấp thoáng hiện lên từ thơ Nguyễn Đình Thi:

Tháp Rùa lim dim nhìn nắng
mấy cánh chim non trông vời nghìn nẻo
(Đất nước, bản năm 1948)

Ở bản Đất nước cuối cùng năm 1955, hai câu thơ trên đã không có mặt, song hình ảnh Tháp Rùa vẫn còn trong ca khúc Người Hà Nội của cùng tác giả:

Hà Nội đẹp sao
Ôi nước Hồ Gươm xanh thắm lòng
Bóng Tháp Rùa thân mật êm ấm lòng
(Người Hà Nội, 1947-48)

Tương phản với “tháp kia sao lạnh lùng” của người nhìn Hồ Gươm tạm chiếm là hồi ức “Tháp Rùa thân mật êm ấm lòng” của người ra đi. Chia sẻ cảm xúc này là một Hồ Gươm đầy tính biểu tượng trong bức tranh Hà Nội của Huy Du trong Sẽ về Thủ đô (1948):

Ai về Thủ đô tôi gửi vài lời
Tây Hồ mờ xa là nhà tôi đó
Đây chợ Đồng Xuân bên dòng Nhị Hà
Đi học về qua luôn hát vui ca
Đây Hồ Hoàn Gươm bên nhịp cầu hồng
Khi chiều dần buông tôi hay qua đó
Hoa phượng hè vui in đỏ đường dài
Tô đậm lòng tôi năm tháng khôn nguôi

Giống như cách quy nạp của Người Hà Nội (“Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây”), Hồ Gươm được xếp cạnh những biểu tượng khác của thành phố lịch sử. Điều này xác lập công thức ngay từ những bài hát đầu tiên lấy chủ đề trực tiếp về Hà Nội là nhắc đến các biểu tượng và địa danh như thế. Một tình khúc có đề tài thời sự là sự chia cắt hai miền – Gửi người em gái (1956-57 – Đoàn Chuẩn & Từ Linh) cũng gắn hình ảnh người tình xa cách với Tháp Rùa:

Em! Tháp Rùa yêu dấu! Còn đó trơ trơ
Lớp người đổi mới khác xưa
Thu đã qua những chiều, song ý thơ rất nhiều
Ca tình yêu!

Đối ứng bên kia vĩ tuyến, Giấc mơ hồi hương (1955 – Vũ Thành) cũng nhắc đến Hồ Gươm, ta nhận ra nhờ dấu chỉ “hồ liễu thưa”:

Ta nhớ thấy “em” một chiều chớm thu
Dáng yêu kiều của ngày đã qua
Thướt tha bên hồ liễu thưa

Rất dễ chỉ ra hàng chục bài hát về Hà Nội thời chiến tranh lấy Hồ Gươm làm điểm nhấn, chẳng hạn “Cô gái Hồ Gươm nay đã thành chiến sĩ” (Trên đường Hà Nội, 1966 – Huy Du), tương ứng với ca khúc ở Sài Gòn là những “Hồ Gươm xưa vẫn chưa phai nhòa” (Nỗi lòng người đi – Anh Bằng) hay “Ôi người em Hồ Gươm về nương chiều tà. Liễu thềm cũ nằm úa sầu mơ hiền hòa” (Mưa Sài Gòn, mưa Hà Nội – Phạm Đình Chương, thơ Hoàng Anh Tuấn). Những năm 90 là “Tôi muốn mang Hồ Gươm đi trú đông. Làm sao mang nổi được sông Hồng” (Tôi muốn mang Hồ Gươm đi – Phú Quang, thơ Trần Mạnh Hảo).

Những Hà Nội khác nhau

Phạm Duy chọn một Hà Nội khác để viết về, cũng như sau này, những ca khúc của ông có cách viết riêng biệt. Tiếng bước trên đường khuya của Phạm Duy không hẹn mà thành mở đầu cho việc diễn tả âm thanh đô thị, mà Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi (1947-48) hay Hướng về Hà Nội của Hoàng Dương (1953) có tiếp tục. Nguyễn Đình Thi có tham vọng diễn tả một đại cảnh Hà Nội, từ trang nghiêm lắng đọng “Hồng Hà tuôn ngàn nguồn sống” đến “tíu tít gánh gồng đây Ô Chợ Dừa, kia Ô Cầu Dền làn áo xanh nâu”. Hoàng Dương chấm phá những nét chính để đọng lại “nắng hè tô thắm lên môi, thanh bình tiếng guốc reo vui” trong âm thanh và “mái trường phượng vĩ dâng hoa, dáng chiều ủ bóng tiên nga” trong màu sắc. Tuy nhiên đấy vẫn là những Hà Nội thăng hoa diễm ảo trong ký ức của những đại tự sự, dù là khải hoàn hay hoài hương. Những thân phận, số kiếp cá thể không xuất hiện, mà thay vào đó là những biểu tượng, đại diện. Nó sẽ là một Hà Nội hào khí ngút trời của những người thợ, những người chiến đấu trong dòng ca khúc nhạc đỏ hoặc một Hà Nội dĩ vãng mờ nhòe đẫm nước mắt ly hương của những người di cư vào Nam trong dòng ca khúc viết về “cố đô” sau năm 54 ở Sài Gòn. Nó cho ra kết quả là có hai Hà Nội suốt một thời gian dài, một “đỏ” và một “vàng”. Một Hà Nội “xanh” – tức là đô thị đời sống đương đại – có xuất hiện trên danh nghĩa (Trời Hà Nội xanh, Văn Ký, 1983) nhưng phải đến mãi đầu thập niên 90 mới bắt đầu thấy.

Trong những khúc quanh lịch sử, nhiều lớp người Hà Nội đã ly tán và trở về. Ngay việc nói đến ngày về, mỗi người một kiểu. Ngày về, Lỡ cung đàn (1947) của Hoàng Giác mặc dù viết trực tiếp cho một mối tình trước khi chiến tranh diễn ra, nhưng thời điểm nhạy cảm làm người ta nghĩ đến những người hồi cư về Hà Nội:

Tung cánh chim tìm về tổ ấm
Nơi sống bao ngày giờ đằm thắm
(Ngày về)
Có những người đi không về
Xa xôi rồi quên ước thề
(Lỡ cung đàn)
Rồi ngày hoan mê anh quay về em
Quê xưa nghìn năm với nhau, cùng vui sống êm đềm
(Tiếng hát biên thùy – Hoàng Giác & Nguyễn Thiện Tơ)

Nhưng tâm lý trở về ấy là có thực. Một Ngày về khác cùng năm 1947 của Lương Ngọc Trác phổ thơ Chính Hữu, mang phong cách gân guốc, cụ thể hơn, nhưng cũng đầy ắp mỹ từ của nhạc tiền chiến:

Có đoàn người lên đóng trên rừng sâu
Đêm nay mơ thấy tiến về Hà Nội
Bao giờ sẽ về?
…Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa
Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng
Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng
Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm
Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa
Nghe tiếng kèn của những người Hà Nội
Trở về, trở về, chiếm lại quê hương
Nguy nga sao cái ngày ta lên đường
…Gạch ngói xưa mừng đón gót lưu ly

Quay lại với thời của Phạm Duy. Một số ca khúc trào phúng thời tạm chiếm 1947-1954 như Cô Tây đen (Vũ Cận, 1953, có lấy một đôi câu từ bài thơ cùng tên năm 1918 của Tản Đà) hay Vợ tôi là súng các-bin (Văn Khôi, 1955) lại nhìn nhận xã hội đã đời thường hóa những hiện tượng sinh ra từ chiến tranh, vợ lính Âu Phi da đen, lối nói quân sự xâm nhập vào khẩu ngữ thường ngày. Kể ra cũng khó mà nói đây là một “Hà Nội xanh” vì tính chất thời sự quá rõ rệt và yếu tố dị thường của hiện tượng, vốn không thấy xuất hiện sau này nữa.

Cách thức tiếp cận Hà Nội theo hướng biểu tượng hóa thành đại diện ý niệm “cái chúng ta gọi là Hà Nội” hay “Hà Nội của những người như anh và tôi” ngay từ những năm tháng Hà Nội trở thành nơi ký thác tâm sự hoài hương hoặc biểu tượng khải hoàn đã sinh ra cách chính trị hóa hai chữ “Hà Nội”. Trong ngôn ngữ thông tin ngoại giao thường thấy công bố trên truyền thông, người ta hay dùng tên thủ đô để trỏ chính phủ hay nhà nước của thủ đô đó, chẳng hạn “Tokyo đã ra tuyên bố đáp lại phản ứng của Bắc Kinh”, dĩ nhiên ai cũng hiểu đó là câu chuyện giữa hai chính phủ hay nhà cầm quyền Nhật Bản và Trung Quốc. Hà Nội cũng không là ngoại lệ khi là thủ đô của chính phủ miền Bắc và là quê nhà đã mất của những người di cư. Như đã dẫn, tác phẩm nổi bật của dòng ca khúc di cư là Giấc mơ hồi hương (Vũ Thành, 1955) thậm chí đặt đại từ nhân xưng “em” trong ngoặc kép để trỏ Hà Nội, các góc độ cảm xúc được diễn tả dành cho khung cảnh đô thành “một sớm khi heo may về”, “mờ trong mây khói”, “một chiều chớm thu” hay “tắm nắng hồng của một sớm mai”. Gửi người em gái bứt ra khỏi chùm ca khúc lãng mạn thuần túy của Đoàn Chuẩn & Từ Linh cũng chính là nhờ yếu tố “thời sự xã hội” của chủ đề và cách diễn tả gắn người yêu chia ly với một Hà Nội đã tha hương. Các ca khúc viết về Hà Nội giai đoạn đất nước chia cắt thực sự không có nhiều ca từ diễn tả đời sống về con người bé mọn, về cái tôi thường nhật. Ở phía nào mạch cảm xúc cũng phải gồng lên. Tất nhiên, dù ở phía nào, chúng cũng gây ngạc nhiên ở khả năng cung cấp một kho từ vựng mỹ lệ về Hà Nội. Chúng đều bồi đắp, từ hai phía, một Hà Nội tượng đài. Nó khuôn lại một mỹ cảm rất common sense về Hà Nội mà tôi từng chẳng biết dùng cách nói nào ngoài “Hà Nội là Hà Nội” như tên một tập tản văn in năm 2010 của tôi.

Vì nhắm mục đích cụ thể là ca ngợi hoặc hoài nhớ một Hà Nội theo cách có màu sắc tuyên truyền nên các ca khúc nổi bật thường có chữ “Hà Nội” ở ngay trong tên bài hát hoặc nhắc nhiều lần trong ca từ. Điều này dễ gây ảo tưởng là muốn có bài hát hay về Hà Nội thì phải như một bài viết PR sản phẩm, có yêu cầu phải khéo nhắc đến không dưới 5 lần tên sản phẩm trong bài. Nhưng như tôi đã phân tích, vẫn còn những câu chuyện Hà Nội để hát lên, như Tiếng bước trên đường khuya của Phạm Duy hoặc sau này qua những bài hát của Trần Tiến, Phú Quang, Hồng Đăng hay gần đây hơn là Đỗ Bảo, ví dụ vậy.
Tuy nhiên, càng ngày có vẻ càng ít bài hát viết về chủ đề Hà Nội. Phần vì công thức ca ngợi trực tiếp đã không còn hấp dẫn công chúng, phần vì Hà Nội chỉ còn được sử dụng như bối cảnh, và nhất là nhạc trẻ quan tâm thiên vị những ca từ kể lể tình ái cụ thể. Số lượng từ Hán Việt để định tính ít đi, khiến cho Hà Nội có vẻ khó đội một vài cái mũ hay gắn vài danh hiệu nhất định như trước. Cộng thêm vào đó, sự không rõ rệt của phạm vi đề tài Hà Nội so với trước đã dường như chấm dứt mạch ca khúc về Hà Nội theo lối truyền thống, ngoại trừ những bài hát theo đơn đặt hàng của Nhà nước cho các đợt kỷ niệm nghi thức hoặc đôi bài hát hoài hương của người xa xứ.

Từ những ngã tư đường phố

Tiếng bước trên đường khuya của Phạm Duy nhìn ra một Hà Nội có gì gần gũi với những gì được viết trong những truyện ngắn của Thạch Lam, Nguyễn Công Hoan, Ngọc Giao, những cảnh Hà Nội của trí thức lớp dưới và những người hạ lưu. Trong văn học, đây là một trào lưu mạnh, nhưng trong tân nhạc, sự thưa thớt của các ca khúc “xã hội ba đào ký” (cách Nguyễn Công Hoan gọi loạt truyện của mình thời những năm 30) khiến bài hát của Phạm Duy có vị trí hơi lẻ loi bên cạnh phong phú những bài hát lãng mạn du dương.

Có phải đó là bước chân ngậm ngùi của người lầm than
Âm thầm trong đêm vang lời ưu phiền
Tiếng chân cứ dần từ từ đi vào đêm mưa
Tiếng chân thẫn thờ đi vào hồn tôi.

Từ “tiếng chân thẫn thờ đi vào hồn tôi” năm 1946 đã có nhiều âm thanh đời sống Hà Nội được đánh dấu trong ca từ.

Tiếng động con người:
- Thanh bình tiếng guốc reo vui (Hướng về Hà Nội – Hoàng Dương, 1953)
- Hòa bình thành phố yên vui, đón anh bộ đội a là hô hoan hô (Quê tôi giải phóng – Văn Chung, 1954)
- Anh lắng nghe bao lời ân ái, những bài tình ca (Những ánh sao đêm – Phan Huỳnh Điểu, 1962)
Tiếng gió, tiếng sóng:
- Đường nghe gió về, Hà Nội bừng tiến quân ca (Tiến về Hà Nội – Văn Cao, 1949)
- Sóng vỗ bờ, âm thanh tan trong gió, bến trúc lao xao, nhớ thuở nào (Một thoáng Hồ Tây – Phó Đức Phương, 1984)
- Để nghe gió sông Hồng thổi, một chiều đông rét mướt (Mong về Hà Nội – Dương Thụ)
Tiếng súng, bom đạn:
- Hà Nội ầm ầm rung (Người Hà Nội – Nguyễn Đình Thi, 1947-48)
- Hà Nội đêm nay rền vang tiếng súng (Hà Nội những đêm không ngủ - Phạm Tuyên, 1972)
Tiếng loa, đài, kèn lệnh:
- Tiếng loa truyền về tin thắng trận; tiếng ca khắp non sông âm vang rộn rã (Bài ca Hà Nội – Vũ Thanh, 1966)
- Tự hào đi trong tiếng kèn tiến quân vang ngân (Từ một ngã tư đường phố – Phạm Tuyên, 1971)
- Âm vang từ Hà Nội, tiếng nói Thăng Long ấm áp hào hùng (Khúc hát người Hà Nội – Trần Hoàn, 1981).
Tiếng chuông:
- Chuông chùa buông tiếng ngân âm thầm, đường tơ lắng buông trong huy hoàng (Nhạc chiều – Doãn Mẫn, 1939)
- Chuông reo ngân, Ngọc Sơn sao uy nghi (Gửi người em gái – Đoàn Chuẩn & Từ Linh, 1956)
- Nhớ tiếng leng keng tàu sớm khuya (Nhớ về Hà Nội – Hoàng Hiệp, 1984)
- Tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân (Em ơi Hà Nội phố - Phú Quang, thơ Phan Vũ, 1988)
- Làm sao về được mùa đông, để nghe chuông chiều xa vắng (Nỗi nhớ mùa đông – Phú Quang, thơ Thảo Phương)
- Tiếng chuông chùa xa, vỡ trong chiều hoang vắng (Gió mùa về - Lê Minh Sơn, 2000)
Tiếng đàn:
- Đường tơ ai buông trong sương rền khúc (Tiếng đàn ai – Hoàng Trọng, 1944)
- Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ (Em ơi Hà Nội phố – thơ Phan Vũ 1972, nhạc Phú Quang 1988)
Tiếng ve, tiếng chim:
- Nghe tiếng chim chiều về gọi gió, như tiếng tơ lòng người bạc phước (Ngày về – Hoàng Giác, 1947)
- Tiếng ve đu cành sấu (Kỷ niệm thành phố tuổi thơ – Hồng Đăng, 1972)
Tiếng rao:
- Tiếng rao bồi hồi nỗi nhớ (Đêm mùa đông Hà Nội – Hoàng Phúc Thắng, 1991)
- Kìa tiếng rao của ai, xé tan màn đêm rét mướt (Gió mùa về - Lê Minh Sơn, 2000)

Trên đây là một số ví dụ để nhận diện một khung cảnh âm thanh Hà Nội được điểm chấm phá trong các ca khúc. Khác với hệ thống âm thanh đô thị Hà Nội được khảo cứu khá kỹ lưỡng như nghiên cứu của F. Fénis (Hàng rong và tiếng rao trên đường phố Hà Nội, có ký âm, minh họa của các sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương, 1928) hay một số tác phẩm văn xuôi như Thư Hà Nội (J. Tardieu, 1929), Hà Nội băm sáu phố phường (Thạch Lam, 1938) cũng dành khá nhiều chi tiết để mô tả phần quan trọng của đô thị - âm thanh đời sống, và hơn thế nữa, các cảnh tượng sinh hoạt nhưng không kém phần nên thơ, thậm chí nhiều nét lãng mạn, ca từ tân nhạc dường như thuần túy ảnh hưởng cảm hứng lãng mạn kiểu Tự lực văn đoàn hay nhạc tình Pháp cùng thời hoặc nếu là dòng “thanh niên-lịch sử” thì mang cảm hứng sử thi.

Ở đây có thể thấy nguyên do phần nào từ xuất xứ tân nhạc. Ra đời có phần muộn hơn các trào lưu văn học hay mỹ thuật, trong khi trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời năm 1925 khởi sự cho lối họa pháp Tây phương, phong trào Thơ Mới và Tự lực văn đoàn khoảng 1932-1934, thì tân nhạc mãi đến khoảng 1938 mới chính thức rầm rộ ra mắt như một dòng sáng tác nghệ thuật chuyên nghiệp. Lúc này chỉ còn 1-2 năm là cuộc chiến tranh Thế giới lần thứ Hai nổ ra kéo theo nhiều xáo trộn trong đời sống xã hội. Tự lực văn đoàn khi chấm dứt hoạt động khoảng 1940-1942, không có thành viên hay cộng tác viên nào là nhạc sĩ, trừ việc in các bài hát đầu tiên cho phong trào tân nhạc của Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Xuân Khoát… Trong bối cảnh xã hội vẫn coi âm nhạc vẫn là thứ tiêu khiển hạng hai, “xướng ca vô loại”, việc chịu ảnh hưởng của văn thơ và ý niệm thẩm mỹ của tầng lớp trung lưu khiến cho tân nhạc nổi trội tính chất lãng mạn. Điều này vô hình chung áp đặt một quan niệm rằng đã là tân nhạc thì tuyền ca khúc tình tứ anh anh em em, thổn thức nỗi lòng “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”. Chất bay bướm, huê tình của đời sống trung lưu Hà Nội khi ấy cũng cần dòng ca khúc này để trang điểm cho giới mình.


Đặt trong bối cảnh đó, bài hát lẻ của Phạm Duy có một vị trí thú vị, xuất xứ từ những gì va đập vào tâm hồn của một người đã sống gần vỉa hè và mặt nước Hồ Gươm từ tuổi nhỏ để thấy những “cảnh ít nên thơ” chứ không thấy hồ liễu hay tiếng chuông ngân nga, tiếng guốc reo vui. Thoát ly những mỹ từ diêm dúa (mặc dù Phạm Duy sử dụng khá nhiều trong các ca khúc khác cùng thời gian như Bên cầu biên giới viết năm 1947 hay Tiếng đàn tôi viết năm 1948, vẫn dùng những câu như “tiếng tơ xót thương vời”, “như ru như thương linh hồn đắm đuối”), bài ca lấy cảm hứng từ tiếng hát khan của người ăn mày trung thực với một Hà Nội trong bóng tối, không có ảo ảnh của “dập dìu trong tiếng đàn tôi”.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm