Khi du khách xếp hạng di sản

Khi giới thiệu về Hà Nội, theo cách bài bản, chúng ta sẽ bắt đầu bằng câu chuyện về di sản nghìn năm, rồi những đặc điểm nhận diện kiến trúc… Quả thực, việc Hà Nội có một di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận thì đô thị này có vẻ hứa hẹn hấp dẫn, ít nhất thì một danh hiệu cũng là cái cớ để thu hút khách du lịch.

Du lịch thời internet khác với thời chỉ có vài cuốn sách du lịch bỏ túi để tìm hiểu. Bây giờ du khách chẳng những không chịu ngồi yên đọc tin trên mạng mà còn tham gia đóng góp, chia sẻ nội dung về các điểm đến. Được nhiều khách du lịch toàn cầu tham gia nhất phải kể tới trang mạng TripAdvisor, trong đó du khách sẽ đánh giá điểm đến về nhiều mặt: cảnh quan, độ thân thiện, vệ sinh… Nhiều địa điểm ở Hà Nội đã rất hãnh diện khi được đánh giá cao trên trang này. Nguyên Hà Nội đã có 155 nghìn bài đánh giá, và nhiều hơn thế là các bình luận.

Lướt qua danh sách những nơi hấp dẫn nhất ở Hà Nội trên trang này thì thấy: 1. Câu lạc bộ leo núi VietClimb; 2. CLB Ca trù Hà Nội; 3. Khu phố cổ; 4. Bảo tàng Phụ nữ; 5. Bảo tàng Dân tộc học; 6. Con đường gốm sứ; 7. Văn Miếu; 8. Nhà hát Tuồng (rạp Hồng Hà); 9. CLB ca trù Thăng long; 10. Chương trình cải lương Chuông Vàng. Hồ Gươm xếp thứ 11, Hồ Tây thứ 17, Nhà hát Lớn thứ… 25 (nghĩa là phải bấm nút “Next” – Xem tiếp mới thấy!).

Vậy thì ở đây trong tốp đầu, liên quan đến diện mạo đô thị có lẽ chỉ có 3 nơi, còn lại đều là các hoạt động giải trí bên trong. Đây là điểm khác với nhiều thành phố khác, vốn nêu bật những kiến trúc hay cảnh quan ngoạn mục. Ở đây Hà Nội chứng tỏ nó hấp dẫn vì sự phong phú trong các hoạt động – điều mà chúng ta khá bất ngờ khi nghĩ thành phố của mình buồn tẻ.

Điều này khiến tôi nghĩ lại về cách đánh giá sức hấp dẫn của một thành phố. Các địa danh mà không vào xem được, cho dù có đẹp như Nhà hát Lớn (trong khi hình mẫu của nó, nhà hát Opera Garnier ở Paris thu phí tham quan 12 euro là xem thoải mái) thì cũng không mấy ý nghĩa. Các câu lạc bộ nghệ thuật hay chương trình biểu diễn lọt vào danh sách yêu thích là vì chúng đã có cách tiếp cận du khách mềm dẻo: có phụ đề tiếng Anh, có tờ rơi và kết hợp với nhiều công ty tổ chức du lịch. Những thắng cảnh của Hà Nội ế ẩm có lẽ vì quá thiếu những điểm nhấn để giữ chân khách. Đi bộ vòng quanh hồ Gươm, đi xe điện quanh hồ Tây, ừ cũng hay, nhưng rồi thì sao? Cảnh đẹp nào cũng là cái đẹp tĩnh. Đọc các bình luận của du khách thì thấy họ trông đợi một nội dung, một câu chuyện, một tích trò nào đó để họ tham gia được vào. Hai bảo tàng có trong danh sách đều là bảo tàng mới, không có cổ vật gì so với những đàn anh của chúng, nhưng bảo tàng Phụ nữ và Dân tộc học từ lâu đã được đánh giá cao bởi sự chăm chút tỉ mỉ nội dung trưng bày, cách xâu chuỗi hiện vật sinh động. Du khách tham quan đọc được số phận của một xã hội, một dân tộc, thấy một chân dung giới phụ nữ đặc sắc.

Nhưng đây mới là cú sốc: Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long ở tít mãi thứ 35! Bấm “Next” lần nữa mới thấy. Di sản được UNESCO công nhận này chỉ có sự đánh giá ở mức trung bình. Sự trống trải của kiến trúc trên mặt đất, sự tản mát và thiếu kịch bản xâu chuỗi của các gian trưng bày, khu vực khai quật không có chỉ dẫn nào lôi cuốn, tất cả khiến cho hành trình khám phá di tích này dễ bị chán. Tôi còn nhớ cảm giác đọc những bài  nghiên cứu viết về ý nghĩa và cách nhận diện các tầng văn hóa ở hố khảo cổ - quả thực khá sinh động, vậy mà cũng chất liệu đó, đi ra thực địa chỉ thấy một khu nhà mái che tẻ ngắt với những hố đất mấp mô, rồi những hiện vật bày đều đặn trong tủ kính, du khách đi lẻ tự xem tự chán. Những người trông coi hoặc uể oải hoặc có lẽ cũng chẳng biết nên giúp khách thế nào. Đấy là trong đầu tôi còn có sẵn một hệ thống thông tin liên tưởng sẵn của người bản địa, chứ nếu là du khách nước ngoài thì còn hoang mang đến đâu. Thông tin trên các bảng chỉ dẫn mãi chỉ là thứ khô khan, nếu cần du khách đã có thể tự tra cứu trên mạng rồi! Rủi mà không ai bấm “Next”, chỉ xem 20 điểm đến đầu tiên thì sao?

Tôi nhớ lần đi Seoul, sau khi đã thăm Hoàng cung, tôi cũng thuyết phục bạn tôi đi xem nốt Thế Miếu – một nơi được TripAdvisor xếp hạng cao, lúc này đã là ca cuối chỉ dành cho thuyết minh tiếng Hàn. Quy định là khách phải đi tham quan theo chỉ dẫn của hướng dẫn viên, không được đi tự do. Chỉ có hai khách Việt Nam chúng tôi và một vị khách người Hàn Quốc trông rất hớt hải, có vẻ ở tỉnh xa mới về thủ đô. Vậy mà cô hướng dẫn viên vẫn phục sức đầy đủ trang phục Hanbok trong cái nắng nóng nhễ nhại tháng Tám, say mê thuyết minh cho ba khách (thực chất là một người duy nhất) cho đến hết các hạng mục mới thôi và cúi đầu chào lịch sự tiễn ra cổng. Nếu hỏi tôi Thế Miếu ở Seoul có ấn tượng gì thì tôi cũng chỉ thấy khá bình thường vì đấy là khu nhà đã phục dựng lại – cho đến lúc ấy tôi cũng chưa biết gì ngoài vài dòng thông tin ngắn ngủn liếc vội.

Thế Miếu ở Seoul.Thế Miếu ở Seoul.

Hướng dẫn viên cùng 2 trong số 3 người khách (người thứ 3 đang cầm máy chụp).Hướng dẫn viên cùng 2 trong số 3 người khách (người thứ 3 đang cầm máy chụp).

Nhưng ra về rồi mà tôi vẫn ấn tượng mãi về sự chu đáo và hết mình vì công việc của những người đang giữ gìn nơi đó. Nó khiến tôi chịu tìm hiểu lại, để biết nơi này từng thờ 36 vị vua các triều đại Triều Tiên hay đây là tòa nhà có hành lang dài nhất các di tích Hàn Quốc, rồi cả một nền văn hóa cung đình hấp dẫn… Những thông tin như thế vẫn biết là đầy ra trên mạng hay trong các cẩm nang du lịch thậm chí phát không ở Seoul. Nhưng cô thuyết minh kia là một cẩm nang sống, chỉ nói tiếng Hàn và thi thoảng phá lệ nói tiếng Anh với chúng tôi, làm được điều mà Hoàng thành Thăng Long thiếu – buộc du khách muốn tìm hiểu. Biết đâu di sản nước mình mà làm được lại có thứ hạng khả dĩ hơn!

Nguyễn Trương Quý

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm