Ta trở về lửa ngụt trong lòng

Đợt sách này làm biên tập có 2 cuốn mình thích. Một là "Cậu ấm" của Trần Chiến. Văn anh Chiến luôn có cảm giác đủ đầy, kín kẽ và có cái dí dỏm rất khó bắt chước. Cuốn này cùng cuốn "Cõi người" viết về ông Trần Huy Liệu - thân phụ của TC - chắc chắn là 2 cuốn khá nhất của nghiệp văn Trần Chiến cho đến giờ.


Có một thời Hà Nội nôn nao náo nức, vẫn tỉnh táo, nhưng rồi không cưỡng được cơn xoay vần của thời cuộc. Những trang viết về phở Hà Nội tản cư, chuyện những người Hà Nội bị kiểm thảo rồi dinh tê, rồi những người HN "lưu dung" đã bô nhếch so với chính họ thời xưa - nhưng vẫn cần mẫn chăm chút cái gì đó hoa mỹ cho một thành phố bao cấp cũng cần một tí ti gì sang cả để làm dáng... Cuốn sách kể khá kĩ về những chuyện làm báo thời Pháp, thời nhá nhem tiền khởi nghĩa, thời tạm chiếm rồi thời sau giải phóng, nhiều thứ mà phải "người trong nhà" mới biết và mới viết cho hay.

"...Ta ra đi đô thành rừng rực
Ta trở về lửa ngụt trong lòng

Vận chả ưa gì Sơn Ngọc, vì kiểu vo ve “bám đít” Bính Trần ở khu tự do, nhưng lại nằm lòng hai câu này của ông ta, đăng báo Sao sớm. Những câu thơ nói lên sự ngổn ngang trong lòng kẻ hồi cư. Sơn Ngọc nhảy về Thành trước cả Vận, trong dòng văn nghệ sĩ “không chịu được gian khổ kháng chiến” như ngoài kia lên án, giờ cộng tác với vài tờ báo ở Hà Nội, cốt sinh nhai, viết câu thực lòng câu đánh đĩ cả tử tế lẫn nhảm nhí nhưng không quay lưng chửi Việt Minh. Đấy là chỗ thương được. 

Không ngổn ngang sao được, khi biết Việt Minh sẽ thắng. Pháp phải rút, theo cách gì không biết nhưng nhất định là thế. Đài Pháp Á càng loan tin liên quân thắng trận, dân tình càng tưởng ra điều ngược lại.

Thế mà hồi ngoài kia, Sơn Ngọc đã viết “Ăn xong bát phở, ra Bờ Hồ thấy yêu nước quá!”. Câu văn có lẽ được viết trong cơn nhớ Đất Thánh, nghiêm túc nhưng nhả nhớt, đã bị đem ra các cuộc khai hội phê bình tóe khói. Đem Tổ Quốc đặt bên phở phiếc, so sánh thậm hạ tiện."

Còn đây là một đoạn tả về khung cảnh phố cổ HN từ trên cao - nóc nhà hàng Mỹ Kinh - mà trong sách anh đã đổi tên:

“Bầu trời bên trên đùng đục hắt sắc hồng anh ánh xuống khiến khu phố cũ bên dưới nhuốm chút mầu huyền hoặc. Từ chợ Đồng Xuân xuống giáp khu nhượng địa, từ đê sông Cái chạy sang tòa thành cổ còn cột cờ, cả một đại dương mái nhà xô vào họ. Những con sóng cao thấp khác nhau, ngói âm dương, ngói mũi, ngói “tây” lộn xộn, vô trật tự, xám tai tái, từng đợt gối nhau, nếp nọ ngả vào nếp kia thành một nhịp điệu mạnh, bền dai không biết bao giờ mới ngừng, rất khó tả. Nhà cửa không cao nên nhìn thấy hai ngọn tháp Nhà thờ Lớn, tưởng ra con hồ thần thoại cạnh đấy cùng bao nhiêu xung đột văn hóa, tín ngưỡng đã tràn chảy qua. 

Dưới chút nữa, cuộc sinh hoạt vĩ đại và riêng tư của hàng phố đang chập náo nhiệt nhất mồn một trước mắt. Đường phố như một dòng sông, xích lô ba gác xe đạp ô tô, những người bước vội những kẻ thong dong trôi chi chít, thỉnh thoảng mắc vào nhau tấp lại rồi chảy tiếp.”

Mặc dù cuốn sách khá dày, 501 trang, nhưng mình cảm giác vẫn còn có thể viết thêm được. Đây là cuốn mình đọc đến bông 3 vẫn thấy cảm xúc. Có lẽ viết kỹ thuật là một chuyện, tư liệu là cái tạo độ dày, nhưng cảm xúc vẫn là thứ giữ sự tập trung của người đọc được suốt độ dày đó. Cho dù cuốn sách bán chạy hay không, mình vẫn rất hài lòng khi được làm cuốn sách như thế.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm