Khuôn mặt cười của phố
Lời giới thiệu cho tập tạp văn "Mặt của đàn ông", Nguyễn Việt Hà, NXB Trẻ 2015, tái bản có bổ sung.
Trong tạp văn của mình,
Nguyễn Việt Hà nhận xét rằng đàn ông Việt hay tươi cười, vậy mà “Khi bàn về cười,
đôi khi con người ta cũng phải mếu máo cay đắng đùa”. Đọc tạp văn của anh, người
ta thấy rộn ràng dí dỏm những cú tỉa đọc lên thấy buồn cười. Làm thế nào để giữ
được đẳng cấp hài hước như thế suốt năm này qua năm khác, khi trong sự riêng tư
là đủ vị mệt mỏi chán chường của kiếp người, đặc biệt là người sống ở Hà Nội,
nơi nhiều khi chỉ cần đi ngoài đường từ sáng đến tối là ngao ngán nhân tình.
Người viết hướng ngoại như Nguyễn Việt Hà không ngao ngán mới là lạ.
Nhưng chính cái chốn dễ
gây ngao ngán ấy lại nhiều khi mang đến cho anh những phần thưởng: “Trời thu Hà
Nội thường rộng rãi, có lúc mây sẫm màu cồn cào thê thảm vần vũ, có lúc mênh mông
típ tắp phóng khoáng cao xanh. Sao mà trời đất tự nhiên có ngày trăn trở phức tạp
giống hệt như ngổn ngang lòng người, đang lâng lâng hào hứng hoan lạc chợt trầm
xuống đột ngột nghẹn ngào bi tráng. Quả là một tiết mùa kì dị, thiên nhiên bỗng
tương giao khăng khít vô cùng gần gũi đầy đẫm nhân tình” (Chơi vơi trăng thu). Cười đấy rồi lại trầm buồn đấy, tất cả làm nên
sự gần gũi của những tạp văn Nguyễn Việt Hà viết về cuộc sống ở Hà Nội, dường
như chỉ xoay quanh mấy từ khóa cơ bản – đàn
ông, phố cũ, sách xưa, rượu ngon, người đẹp – mà đủ thứ chuyện. Có thể dùng
chính những từ khóa đó để mô tả cuộc sống của đàn ông Việt Nam ngày nay, mà
chúng cũng chính là những gì giới đàn ông có học thời trước bận tâm. Cuộc đời
quả thực sẽ rất nghèo nàn và nhạt nhẽo nếu chỉ xoay quanh những vốn từ ngữ hạn
hẹp chỉ dùng để định danh, nhưng qua bàn tay của những người viết, nó lung linh
hẳn lên, sinh động tung tẩy như hình ảnh người đàn ông bán hàng ở chợ Đồng
Xuân: “Anh ta đầu đội thúng, mồm và mông dẻo nguây nguẩy, nói tục như ranh. Bánh
dày giò của Phương đồng cô tinh tế khó tả, một thứ quà tuyệt phẩm của chợ” (Đàn ông ngồi chợ).
Tạp văn của Nguyễn Việt
Hà có một số lượng lớn xuất xứ từ chuyên mục viết về đàn ông, nên dễ hiểu là
anh có điều kiện thâm canh mảng đề tài về nam giới thành thị. Nhưng ai đã từng
giữ chuyên mục của các tạp chí thì đã biết nỗi vất vả của việc nuôi đề tài. Tuần
tới, tháng tới sẽ viết gì, và làm sao lúc nào cũng vui như anh kép Tư Bền lên
sân khấu, đấy là một áp lực kinh khủng. Không phải bài nào viết ra cũng tự thấy
vừa ý, nhưng ngày nộp bài đã đến, lúc này phải cậy đến những chiêu thức viết
nhà nghề để đảm bảo “phong độ nhất thời, đẳng cấp mãi mãi”. Nhờ vài chiêu thức ở
phút cuối đó tựa như những bát bún thang hơi rối các thành phần, mỗi thứ đi
lung tung một nẻo, gạt một thìa mắm tôm ngon vào bỗng hóa giải thành một thức
quà thống nhất. Ở những bài viết tương đối thảnh thơi hơn, như viết về tác phẩm
của một vài bạn văn nghệ như triển lãm tranh của Lê Thiết Cương, thơ của Nguyễn
Quang Thiều, lục bát của Đồng Đức Bốn, văn của Đỗ Phấn, truyện thiếu nhi của
Nguyễn Nhật Ánh… hay về ngày xuân, về kỷ niệm tuổi nhỏ, giọng văn Nguyễn Việt
Hà mênh mang, gợi mở như những phút thư giãn thống khoái của một người đang len
lỏi giữa giăng mắc chợ búa nhà cửa chật chội bỗng gặp chiếc ghế đá trống ở vị
trí đẹp nhất nhìn ra tháp Rùa giữa hồ Gươm.
Mỗi thành phố văn hóa luôn có những nhà văn của mình. Là một người kể
chuyện đầy thú vị của Hà Nội, Nguyễn Việt Hà qua hơn hai thập niên đã dựng nên
chân dung thành phố mình đang sống. Viết bằng giọng văn mà trước và sau không
giống ai. Hà Nội của Nguyễn Việt Hà từ các tiểu thuyết Cơ hội của Chúa, Khải huyền muộn, Ba ngôi của người, các tạp văn Con giai phố cổ, Đàn bà uống rượu...
mang hơi thở náo nhiệt đương đại nhưng cũng giữ những nét xưa cũ. Người Hà Nội
là những ai, Nguyễn Việt Hà cố gắng nhận diện họ trong thời điểm xã hội đòi hỏi
khẳng định bản sắc, đặc biệt ở thành phố này.
Trong khi Hà Nội biến đổi từng ngày, vấn đề bản sắc trở đi trở lại đến mức
ám ảnh trong tâm lý của hệ thống truyền thông. Nguyễn Việt Hà nhấn mạnh rằng
(điều đã nhấn mạnh hàng trăm lần) ký ức về những hành vi văn hóa của thị dân là
thứ có khả năng truyền giữ lâu nhất. Những cảm xúc vàng mười không đổi được của
những khám phá thế giới thuở hoa niên quanh những trang sách thánh thiện: “Bịt tranh đi đọc phần lời vẫn thấy náo nức xúc động,
câu cú minh bạch trong sáng ăm ắp hào sảng, thật là kiểu văn chương chẳng thể để
đời nhưng tuyệt vời dễ nhớ. Và lạ nhất là khi gấp cuốn truyện, cẩn thận giấu
sâu vào dưới gối may tạm bằng bao bố thì bốn vách nghèo nàn của căn hộ tập thể
bỗng ngập đầy tiếng gươm khua trống gõ. Bọn trẻ khao khát rừng rực ước muốn được
giống như Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản. Mãi sau này khi đã có tuổi, nhiều người
lớn mới ngộ ra rằng ‘trong sách có Thần’ là câu chẳng hề ngoa ngôn” (Khi trẻ con đọc). Thứ làm nên mẫu số
chung của một nhân diện Hà Nội, theo Nguyễn Việt Hà là “Lưu manh Hà Nội tuy mất
dạy, nhưng chưa thấy ai đi bắt nạt những thằng bé đang yêu chân thành ngồi
khóc” (Có một mùa hè như thế) đến
phong thái người phụ nữ thành thị ngồi xích lô qua chính lời kể tác giả về mẹ của
mình.
Và viết tạp văn như thế
này cũng là công việc lộ diện chính mình khá nhiều. Viết văn hư cấu dù ám chỉ đến
đâu cũng còn đường núp vào “bảy phần hư”, trong khi ấy tạp văn của Nguyễn Việt
Hà kể vanh vách chi tiết đời sống xung quanh mình, đến cả “cái hàm răng trên
gia truyền từ họ ngoại luôn nhô ra giống như đang cười hớn hở” (Đàn ông tươi cười). Đàn ông tự soi được
mặt mình, tự giễu hay tự yêu mình không rõ, nhưng không viết tạp văn khiến người
ta hớn hở đọc mới là chuyện lạ.
Nguyễn Trương Quý
Nhận xét