Sự nhỏ bé của bản sắc
Cách đây hơn chục năm, khi chuẩn bị xuất bản một cuốn
sách, một nhà xuất bản ở Việt Nam bao giờ cũng tính đến bán cho thị trường nào,
Hà Nội hay Sài Gòn. Tình hình cũng tương tự với phim ảnh, ca nhạc, sân khấu. Một
mặc định đưa ra là: Hà Nội khó tính hơn Sài Gòn, gu Sài Gòn thích thực dụng,
thích hài hơn Hà Nội. Còn món ăn? Đừng hòng bán phở ăn với đĩa giá sống và rau
húng ở Hà Nội. Không khéo mà bị người “sành mồm” Hà Nội chửi cho nát nước. Câu
chuyện kinh điển là khách Sài Gòn ra Bắc bị chủ quán đuổi vì ăn phở hỏi giá
đâu. Cùng để ngọt mồm, phở Bắc thì “tương” mì chính, phở Nam thì “nêm” đường.
Lưu ý, tương và nêm là hai động từ đồng nghĩa, nhưng mỗi miền chỉ dùng một từ,
đồng âm với những từ khác, dùng lẫn lộn là không ai hiểu. Đấy là một loại bản sắc.
Bây giờ tình hình đã khác. Phở 24 từ Sài Gòn ra đã
trụ lại được cả mười năm nay. Ngay cả phở truyền thống thủ đô cũng đã ngọt vị
đường. Giới trẻ Hà Nội tuy đón Starbucks, thương hiệu quán cà phê của Mỹ, muộn
hơn Sài Gòn vài tháng nhưng cũng nô nức chẳng kém. Sách của nhà xuất bản Trẻ từ
Sài Gòn ra bán tràn ngập phố sách Đinh Lễ ở Hà Nội. Nhã Nam thư quán ở Sài Gòn
bán sách cũng rầm rộ không kém đại bản doanh phía Bắc. Trong khi đó, cuộc tranh
cãi về bản sắc Hà Nội vẫn thu hút đám đông hăng hái, trên mạng và trên những
phương tiện thông tin đại chúng khác.Trên một chương trình bình luận ca nhạc về
Hà Nội trên tivi, một nữ phó giáo sư nghệ thuật học đã kiên quyết bắt hội đồng
bình luận phải đồng ý với bà rằng “tiêu chuẩn đầu tiên để hát hay về Hà Nội là
phải hát bằng giọng Hà Nội”. Nhưng trên các bảng xếp hạng bài hát yêu thích, giới
trẻ miền nào cũng nghe một danh sách bài như thế, ca sĩ nào cũng hát bằng một
giọng không cần biết vùng nào, thậm chí còn không rõ thanh dấu như người nước
ngoài nói tiếng Việt. Bài hát của giới trẻ cũng chẳng ngại mà “tương” mà “nêm”
vài câu tiếng Anh cho vui tai. Tính quốc tế thì có lẽ không, vì ngoài vài chục
triệu thanh thiếu niên nước nhà ra, không thính giả ngoại quốc nào biết đến mấy
bài hát này. Thế nhưng dư luận Việt Nam lại vô cùng bức xúc về đâu là bản sắc
Việt khi cho rằng bài hát đình đám nhất hiện nay của một nhạc sĩ trẻ quê Thái
Bình đạo nhạc Hàn Quốc. Khổ nỗi là những bài hát về Hà Nội thì tinh thần Hà Nội
lắm, nhưng chúng không may mắn bằng các món ăn. Món ăn biến tấu được nhiều vẻ,
còn bài hát về Hà Nội cứ biến tấu cách hát đi là ngang phè.
Tình hình cũng không sáng sủa khi người ta bất lực
trong việc truy nguyên gốc tích món phở Hà Nội. Nó có đạo món mì của người Tàu
hay món súp thịt bò của người Pháp không thì không ai chắc, nhưng sự thật là
sau hai, ba chục năm xuất hiện mà phở đã được người Hà Nội xếp vào hàng quốc hồn
quốc túy và đến giờ, phở đồng nghĩa với một giá trị văn hóa Hà Nội. Người ta
đành chấp nhận rằng phở ra đời sau khi có một thành phố Hà Nội theo mô hình hiện
đại do người Pháp quy hoạch nên. Nó là kết quả của sự lai tạo, vì thế cũng biến
đổi theo gu mỗi thời. Cuộc tranh luận về ẩm thực lại xoay theo hướng khác.
Những cuộc tranh luận về ẩm thực Hà thành gần đây
ngoài việc tìm xem đâu là tính nguyên bản của những món ăn, còn là sự lựa chọn
giữa tiêu chuẩn “ngon” và “thái độ phục vụ”. Có người cho rằng “ngon” thì đích
thị nguyên bản, là chuẩn Hà Nội. Có những người chấp nhận phở quát cháo chửi để
ăn một món theo họ là ngon vì độ đậm đà của nước dùng, của bánh phở mềm mịn hay
nước chấm thanh dịu. Có người phản đối, chưa biết ngon thế nào nhưng ngồi đợi cả
tiếng mới có cái ăn trong khung cảnh bô nhếch, lại được khuyến mại bằng tiếng
chao chát của người phục vụ thì chả hơi đâu đâm đầu vào. Và như thế, không thể
chấp nhận là một tiêu chuẩn cho Hà Nội. Thà rằng ăn bánh KFC uống cà phê take
away, tất cả xếp hàng trả tiền trước rồi lấy đồ, đồ ăn thức uống trăm nơi như một,
bù lại thảnh thơi ngắm hồ Gươm còn có tinh thần Hà Nội hơn. Quả thực, đem hai
tính chất “đẹp” và “ngon” để định giá cũng mơ hồ như gọi ra bản sắc. Người ta
đã chuyển dịch mối quan tâm về bản sắc từ vật chất sang hành vi.
Gần đây, khi những cuốn sách như Hà Nội băm sáu phố phường của Thạch Lam
hay Miếng ngon Hà Nội của Vũ Bằng được
tái bản, có người đã cười nhạt: “Đúng là chỉ có ở ta viết về món ăn mà cũng
thành danh tác!” Nghe thì có vẻ là điều không may cho văn học nước nhà, nhưng lại
là điều may cho Hà Nội. Trong hệ thống “nhận diện thương hiệu” Hà Nội, món ăn
đã nổi lên như một thứ trường cửu và không tầm thường như lối suy nghĩ cổ điển
rằng nghĩ không vượt qua được cái dạ dày thì không làm nên chuyện. Trong khi những
thành tựu trí tuệ của người Việt hiếm hoi lắm mới có mặt đây đó trên thế giới
thì trong các cuốn menu đồ ăn châu Á trên đường du lịch, phở bò hay nem rán –
hai món tủ của dân Hà Nội – xuất hiện đỡ
tủi thân hơn, ít ra là được ghi bằng tiếng Việt hẳn hoi.
Thời gian đã chứng tỏ sự khao khát đồng nhất bản sắc
Hà Nội với cái đẹp, hay là Chân Thiện Mỹ thông qua những kênh “tầm thường” như ẩm
thực, giọng nói, cách ứng xử ở phạm vi cá nhân. Nó là một phản ứng trước những
sai lầm về xáo trộn sự ổn định các quan hệ giai tầng một thời và quy hoạch mang
tính vĩ mô về xây dựng con người Hà Nội thanh lịch văn minh gần đây. Người ta
đã nhận ra giá trị mang tính “danh tác” của những trang viết về ẩm thực Hà Nội,
hay là những thứ nho nhỏ mang tính cá nhân của con người đô thị. Đã có một giai
đoạn những nhà quản lý xóa bỏ hoặc xem thường những đặc điểm thị dân của Hà Nội,
dẫn tới việc không dựng ra được một chân dung hay bản sắc của Hà Nội, hay chính
xác hơn, giữa bản sắc mong muốn có được và hiện thực quá khác biệt. Những cuộc
tranh cãi triền miên về sự thanh lịch của người Hà Nội hoặc thế nào là người Hà
Nội gốc một mặt chứng tỏ nỗi khao khát tìm lại vẻ đẹp mẫu mực về một tiêu chuẩn
cư dân đô thị văn minh, mặt khác thúc đẩy dư luận phục hưng các giá trị làm nên
vẻ đẹp đó, tiến tới nhất thể chúng với định nghĩa bản sắc Hà Nội.
Hà Nội đã là một thành phố lai (hybrid) do kết quả của
quá trình thuộc địa. Qua năm tháng, tính lai này vẫn là thứ tạo nên một phẩm chất
đa diện hấp dẫn nhiều người tìm đến, cả khách du lịch lẫn giới sáng tác. Hà Nội
có lẽ là một ví dụ đặc biệt để nói về đô thị hậu thực dân tái tạo bản sắc của
mình. Những năm 1880, ở Hà Nội diễn ra cuộc đấu tranh giữa giữ lại những di
tích bản địa và quy hoạch mới kiểu Pháp. Nhiều người Pháp đến Hà Nội muộn hơn
đã tiếc nuối cho những di tích cổ bị phá để xây phố Tây. 130 năm sau, cuộc đấu
tranh lặp lại, giữ lại những hình hài cũ hay là xây mới kiểu toàn cầu hóa. Và
thật lạ là giữa khoảng thời gian ấy, chúng ta vẫn nhận ra món phở ngày nay giống
với thứ Thạch Lam đã miêu tả như một nhận diện bản sắc Hà Nội. Trào lưu nơi nơi
tranh cãi về bản sắc Hà Nội, đến độ tưởng như người Hà Nội quyết không đội trời
chung với bọn nhà quê hay dân Sài Gòn “ăn phở trụng giá”, phải chăng chính là một
bản sắc chỉ Hà Nội mới có?
Nguyễn Trương Quý
(Người lao động Xuân 2015)
Nhận xét