Sự thiên vị của hồn phố
Khoảng vài năm nay, trong
cơn sốt bạn bè mua nhà mới, thường là căn hộ nào đó ở những khu đô thị mới ở
vùng ven Hà Nội, tôi cũng bon chen đi tham quan. Xem xong, tôi thường phải nâng
lên đặt xuống các tiêu chí. Một trong những điều khiến tôi cũng như nhiều người
đang ở trong khu phố thuộc vùng nội thành cũ lăn tăn là những khu ấy mới quá,
chẳng biết có không khí gì của phố xá không, chợ búa có gần, có cây xanh vườn
hoa không… hoặc “tầm thường” như muốn đi ăn phở trong phố cổ thì mất bao lâu. Tóm
lại mục đích vẫn là nơi mới cần tái tạo một không khí, một cái hồn tựa như vùng
đô thị cũ tôi đã quen. Điều này tuy mơ hồ nhưng có cơ sở.
Dì tôi trước đây ở khu
Ngã Tư Sở, khi nhà nước giải tỏa nhà để mở rộng lấy đường giao thông, cả vùng về
khu tái định cư ở khu đô thị mới Định Công trong mấy tòa chung cư cao tầng. Nếu
ai còn nhớ thì khu Ngã Tư Sở vốn là một cửa ngõ sầm uất phía Tây Nam của Hà Nội,
nơi có hẳn bề dày về thương nghiệp, nơi có chợ Cầu Mới, đường tàu điện Hà Nội-Hà
Đông chạy qua… Ngã Tư Sở như cái rốn của khu vực này, có lẽ sầm uất chỉ kém chợ
Đồng Xuân-Bắc Qua một thời. Rồi Ngã Tư Sở mở rộng, cây cầu vượt chia đôi khu, cộng
thêm các trung tâm thương mại khác ra đời gần đó. Những người từng quen buôn
bán và sinh hoạt theo nếp sống ồn ào, giờ về sống trong khu đô thị mới nhiều
cây xanh, chung cư thang máy và mọi sự khép kín, hàng xóm dân phố trước đây giờ
vẫn là hàng xóm nhưng khác tầng, khác đơn nguyên. Rảnh rỗi, họ làm gì bây giờ?
Tiền tiết kiệm ăn mãi cũng hết. Dĩ nhiên khu đô thị mới cũng có chợ, nhưng mấy
khối nhà cao tầng nằm tách biệt hẳn ra, cư dân ba đời buôn bán mặt mũi ai nấy mệt
mỏi, chán nản. Cuối cùng họ có sáng kiến là mở chợ ngay tại căn hộ. Có nhà bán
hàng khô, có nhà bán đồ tươi sống, thậm chí mở cả phản thịt. Có tầng thành như
một phố chợ mini. Ban đầu cũng rôm rả, nhộn nhịp lắm.
Việc họp chợ trong
chung cư không mới, khu Trung Hòa-Nhân Chính đắt tiền hơn đã có, ở Sài Gòn cũng
có. Nhưng rồi ban quản lý thấy rắc rối nên cũng sớm dẹp, thêm nữa là những người
bán cũng thấy căn hộ thiết kế để ở không thể đáp ứng kiểu bày hàng như sạp ở chợ
hay cửa hiệu ở mặt phố. Cùng lắm cũng chỉ như chợ xanh, chợ cóc, từ lấy hàng, cất
trữ đến chuyên chở đều bất tiện. Mặc dù non sông thay đổi, bản tính khó dời,
nhưng cái chi li chật hẹp đóng kín của căn hộ tái định cư, hành lang, cầu thang
thiết kế chỉ có ngần ấy mét vuông để đi lại, không tiện lợi lâu dài cho việc dựng
lại cái hồn phố như ngày nào. Cái bản tính, cái hồn quen thuộc đã đến lúc phải
chọn một câu tự động viên khác: Ở đâu âu đấy.
Bây giờ, những người sống
ở khu chung cư như vợ chồng dì tôi đã chấm dứt mong muốn tái nghề, họ rủ nhau
đi tập thể dục ngày hai lần ở vườn hoa trong khu đô thị mới, nấu hai bữa cơm đợi
con, chiều dắt xe đi đón cháu, chấp nhận ăn quà sáng ở những quán theo họ là
kém xa khu phố cũ. Họ đã quên mình từng là dân phố chợ. Hồn phố mới bây giờ với
họ là hàng cây đều tăm tắp dọc các con đường có độ rộng tiêu chuẩn 3,5m, là các
vườn hoa be bé giữa các dãy nhà biệt thự hoặc nhà lô liên kế 4m chiều ngang, là
cầu thang máy dán chi chít thông báo và quảng cáo dịch vụ giao hàng tận nhà.
Một người bạn của tôi
vì công việc đã chuyển nhà từ Hà Nội vào Sài Gòn. Chị đón cả mẹ vào để tiện
chăm sóc và cũng để bà gần cháu. Khỏi phải nói sự thay đổi lớn thế nào khi bà
đang từ căn nhà bé tí một phòng 10m2 ở phố cổ Hà Nội vào ở một tòa
nhà rộng mấy phòng ngủ nơi quận mới của Sài Gòn. Mỗi ngày của bà diễn ra cũng
nhàn tản như của dì tôi ở căn hộ tái định cư. Nhưng cứ có khách ở Hà Nội vào
thăm là bà kể chuyện giá cả, bao giờ rau ở Hà Nội cũng rẻ hơn, quà sáng ở đây nấu
không ngon bằng ở phố cũ. Bà dạy cháu: “Nhà mình ở đâu? Hà Nội. Phố gì? Phố X.
Số nhà bao nhiêu? 50.” Tức là với bà, nhà vẫn là căn nhà ở góc phố rêu xanh chật
chội Hà Nội, ngồi ở cửa là chào không hết người quen, chứ không phải khu đô thị
mới bên sông Sài Gòn, cả buổi mới có một hai người lai vãng. Có thể nửa năm nữa
bà mới quen được không gian sống mới này, mới có những mối quan hệ bạn bè,
nhưng bà là điển hình cho việc chưa tìm được cái hồn đô thị mới
thay thế cho một phần hồn đã quen thuộc cả đời người.
Hồn phố như người ta đã
chỉ ra, được tạo nên từ ký ức của mỗi người, mỗi thế hệ. Sự bảo thủ ở đây còn
giúp cho việc duy trì một đường nét nhận dạng phần hồn ấy, như trường hợp mẹ bạn
tôi. Sự thích ứng giúp cho họ chóng tạo lập một ký ức mới để có được một hồn phố
thị mới, như trường hợp dì tôi. Không cần nói cũng hình dung chị bạn tôi điên tiết thế nào khi
sống cùng một người thân suốt ngày “nhớ Hàng Bạc nhớ qua Hàng Đào”, “nhưng rau
muống ở Hà Nội ăn ngọt hơn”, “sang năm mẹ phải về ăn Tết hết rằm”. Tuy nhiên, nếu
chúng ta nhớ lại một chút thì những ký ức này hệt như những gì Vũ Bằng đã viết
trong Thương nhớ mười hai lúc ông đã
di cư vào Nam, để rồi người sau coi đấy là chân dung một hồn phố Hà Nội thực sự.
Còn hôm nay, khi Tết về, trên Facebook nhiều người ở xa thốt lên câu nhớ Hà Nội,
nhớ mưa phùn gió bấc. Có cái gió lạnh nào chỉ nghe tên gọi mà hình dung ra đường
phố xao xác, ra áo len, ra khăn quàng, ra hoa đào, ra nước lá mùi thơm, ra nước
chè nóng, ra những bài hát… những thứ khá rời rạc nhưng kết lại thành một hệ thống,
gợi cái này dắt theo cái kia, như một sơ đồ tư duy. Sơ đồ này không chỉ người
Hà Nội mới có, nhưng một khi họ đã thiên vị thì chẳng sơ đồ nào bằng. Một
khi đã thiên vị thì gió rét cũng đáng yêu. Hồn phố của họ ở đấy chứ đâu?
Nguyễn Trương Quý
(Pháp Luật TPHCM Xuân 2015)
Nhận xét