Lan man ở cửa ga

Hôm nay đi thăm ông anh rể nằm ở Bệnh viện 108. Ông này chắc bị xơ gan vì uống nhiều rượu quá. Không ai bất ngờ, vì đã giục đi khám từ nhiều năm nay rồi. Nhưng như nhiều ông Bắc Kỳ chính cống, tính hay gàn. Lúc nào cũng bảo khỏe khỏe, không sao không sao, mọi người cứ yên chí. Đã Bắc Kỳ gàn lại còn là bộ đội. Năm ngày rượu to ba ngày rượu nhỏ, cơm không thiết ăn, thịt nhấm vớ vẩn. Nhớ hồi ông còn trẻ, cây bóng chuyền của đơn vị, giờ sọp xuống còng queo trong bộ pyjama bệnh viện trên cái giường inox, mà chán. Thôi thì phải vào khuôn khổ, muốn sống thì phải thay đổi thói quen.

Tòa nhà cũ trong bệnh viện 108, trước là nhà thương Đồn Thủy.Tòa nhà cũ trong bệnh viện 108, trước là nhà thương Đồn Thủy.

Cũng tuần trước, bà già nói hôm nay đám ma con bà X hàng xóm. Chẹp miệng, 51 tuổi, xơ gan. Ai nhỉ, năn óc mãi mới  nhớ ra là anh Z. Hotboy ngày xưa của xóm. Sinh năm 65. Bắt đầu nghĩ lan man về một thế hệ. Mà hình như ai cũng thế, thế hệ nào cũng thế, phung phí tuổi trẻ không bằng cách này thì cách khác, không chủ động thì cũng vì hoàn cảnh.

Lúc về, một cô em xã hội gọi điện rủ cà phê. Cô thông báo tin là bạn trai báo có bạn gái rồi. Thông tin này cũng sốc vì cô ở Nam ra, đã xác định tiến tới hôn nhân với bạn kia, mà giờ vào cái lúc chuẩn bị khởi đầu mới ở HN, lại thế này. Không như các kẻ thất tình, cô khá bình tĩnh. Người khác thì chắc đã hoang mang, đã gào thét, đã oán hận, đã "khắc sâu căm thù tội ác của địch". Cô chỉ cười. Mắt thì không cười. Ừ thì lịch sử đã diễn ra như thế, nói giá mà thì có mà giá mà tỉ thứ. 

Hôm nay chọn Highland coffee đối diện Ga Hà Nội. Trời đẹp, nhiều người nước ngoài đi du lịch bằng tàu lửa xuống ga, băng qua quảng trường sang đây uống và ăn nhẹ. Quán có view quá đẹp, ngay ngã ba Trần Hưng Đạo - Lê Duẩn, nội thất cũng rộng rãi và cổ điển. Ngay sát cửa kính là những người đàn bà hút thuốc lá ở quán nước chè. Hai mươi lăm năm trước, đây hoặc tòa nhà bên kia phố Trần Hưng Đạo là một khách sạn có tên 30-4. Mình còn nhớ rõ vì hồi ấy đây như một cột mốc mỗi khi được bố mẹ chở từ lăng Bác về nhà.

Đường Lê Duẩn ngày ấy cũng có tên là đường 30-4 và đoạn dưới thì tên là đường Kim Liên. Trước nữa thì đường 30-4 có tên đường Nam Bộ. Vì thế cho nên hồi mình lớn rồi, ai cũng gọi cái Bách hóa ở đầu đường chỗ ngã tư Nguyễn Thái Học là Bách hóa số 5 Nam Bộ - nổi tiếng đến độ cứ mặc định ra đó mua phụ tùng xe đạp hay điện máy là cái gì cũng có. Thực tế thì nó cũng là bách hóa nhì nhằng thôi, loại 2 so với Bách hóa tổng hợp Tràng Tiền. Nhưng cả khu vực Cửa Nam hồi trước là trung tâm kim khí điện máy chính thống của Hà Nội, cạnh tranh với Chợ Giời. Trước nữa thì có tên dân gian là đường Hàng Lọng - Hàng Cỏ (hai đoạn liên tiếp), tên Pháp là Route Mandarine (đường cái quan), rồi Rue de Lattre de Tassigny thời tạm chiếm 1946-1954.


Quay trở lại với chỗ đang ngồi, ngày xưa là KS 30-4, hai tòa nhà 3 tầng phong cách kiến trúc những năm 40-50, nửa hiện đại nửa chiết trung, với mái che hàng hiên đua ra, gờ máng nước trát vuông, các ô cửa tròn và các phân vị ngang làm nổi bật phong cách nhà thương mại. Chút Art Deco còn lại ở những gờ cửa tròn và những biển hiệu thời ấy theo kiểu biển vẫy cổ điển có các con chữ đúc bằng xi măng. Nó đi với chữ Ga Hà Nội đúc bằng xi măng ở cửa ga xây lại thay cho tòa nhà đã bị bom B-52 phá hồi cuối 1972.

Chẳng hiểu có phải vì thế mà mình cứ ấn tượng với phong cách kiến trúc này không, sau này cũng thấy nhiều ở Sài Gòn trên những tòa nhà đường Đồng Khởi hoặc Lý Tự Trọng. Rồi đọc truyện Vũ Trọng Phụng và nhiều nhà văn thời trước, đoạn tả những cái nhà "săm", không rõ 2 cái KS cửa ga này có nằm trong số ấy không. Chúng đúng là những nhà săm cho khách độ đường, nhưng chắc cũng tiện thể cho các vị "tàu nhanh".


Hồi đi châu Âu lần gần đây nhất, do di chuyển nhiều bằng tàu nên gần như mọi KS mình chọn đều gần nhà ga. Nói chung tất cả đều ổn, trừ KS Ibid ở đối diện nhà ga Brussels-Midi. Lúc xuống ga này, mình bật cười vì nó khai và bẩn như ga Hàng Cỏ hồi trước! Ga Hàng Cỏ (tức ga Hà Nội) bây giờ còn sạch sẽ chán, quả là có cải tạo có hơn. Đêm nào đi bộ từ trung tâm về cũng thấy 1 đám các bạn gốc Phi nhốn nháo nói oang oang trước cửa, gần đấy lại còn một cái chợ giời của dân Ả Rập. Vua Leopold đệ Nhị của Bỉ đã từng gây nên tình trạng diệt chủng tới 15 triệu người Congo khi Bỉ chiếm nước này làm thuộc địa. Cũng lại là những di sản của lịch sử. Trên chuyến tàu điện ngầm đi vào trung tâm, những người phụ nữ da trắng nhẫn nại ngồi đối diện những tay da màu nhập cư hôi nách đứng giơ một tay bám dây néo, tay còn lại cầm tăm xỉa răng tanh tách theo điệu nhạc.

Cụm giữa mặt chính ga Hà Nội xây lại hồi sau 75, theo kiểu bê tông hoa đá rửa theo mốt Sài Gòn, mái bằng không ăn nhập mấy với hai cánh nhà cổ điển Pháp mái manchard lợp đá. Nhưng đi sang Ý, thì thấy nhà ga Firenze (Florence) hay Venezia (Venice), hai thành phố di sản Phục hưng, thì cũng lại là hai tòa nhà phong cách bê tông đá rửa thập niên 60-70... cũng chẳng nhịp nhàng mấy với xung quanh, thậm chí chẳng còn được cái kiểu yêu kiều sắt uốn đế chế thế kỷ XIX ở các đô thành Âu châu còn lại. Lịch sử từ cá nhân đến xã hội, đã đi qua theo những cách ít được sắp đặt nhất. Cô bạn kể hồi sắp chia tay với anh bồ cũ ở bên Đức, có tình cờ gặp một anh Tây rất hấp dẫn và giàu có hàng xóm với anh bồ. Giữa hai nhà không có hàng rào. Chắc là có rung rinh nhưng cô không thể tự nhiên bẻ lái được vì đang ở thế kẹt. Dù thì gì cũng đang ở bên này một cái rào cản nhất định. "Bạn em ai cũng chửi em ngu, không dấn tới. Nếu em làm lại thì có khác được không nhỉ?" Khác thế nào được, giờ nghĩ lại thì cái gì chẳng rõ. Khả năng hợp lý nhất là rút một kinh nghiệm nào đấy cho thực tại. Cho dù không rút được sợi dây kinh nghiệm nào thì cũng chẳng nên quá buồn. Nếu cần lựa chọn thì nên chọn cái nào làm mình thoải mái nhất, ít vướng víu nhất. Chắc cũng như chọn chỗ ngồi cà phê thôi.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm