Nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn gần với nhạc rock

Từ blog của Trần Ngọc Hiếu (https://hieutn1979.wordpress.com/2015/04/30/nguyen-truong-quy-nhac-phan-chien-cua-trinh-cong-son-gan-voi-nhac-rock/).
Bài phỏng vấn nhà văn Nguyễn Trương Quý dưới đây do hai bạn sinh viên Nghiêm Tố Minh và Nguyễn Hà My thực hiện. Bài phỏng vấn ban đầu chỉ nằm trong khuôn khổ của một bài tập ở trường đại học nhưng tôi đã xin phép hai bạn sinh viên và anh Trương Quý để chia sẻ trên blog này. Bởi lẽ qua câu chuyện của anh Trương Quý – một người mà tôi xem như cùng thế hệ với mình, thì âm nhạc Trịnh Công Sơn chính là một trong những nguồn đầu tiên nói với chúng tôi – những đứa trẻ lớn lên ở miền Bắc sau 1975 – về những gì sách giáo khoa đã không nói về lịch sử.
Xin cảm ơn hai bạn sinh viên và anh Trương Quý đã chia sẻ cuộc trò chuyện này:

*
Trước tiên, xin cảm ơn anh đã đồng ý đến với buổi phỏng vấn ngày hôm nay. Thưa anh, được biết anh là một người vô cùng yêu mến và am hiểu về nhạc Trịnh. Vậy điều gì khiến anh yêu thích dòng nhạc này đến vậy?
Trương Quý: Mình nghe nhạc Trịnh Công Sơn ở thời điểm là một cậu thanh niên – không khí miền Bắc nghèo khổ, bao cấp, ám ảnh. Những bài hát ấy nó có yếu tố như chất gây nghiện, ta nhìn thấy ở đấy một chất liệu đời sống khác lạ, chưa kể đến việc Trịnh Công Sơn may mắn có một giọng ca rất ấn tượng là Khánh Ly, làm cho người nghe cảm nhận được trọn vẹn những gì ông muốn truyền đạt.
Vậy anh có ấn tượng gì với dòng nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn?
Trương Quý: Nhạc phản chiến mãi sau này mình mới biết. Đầu tiên, mình chỉ biết đến nhạc tình ca như là khúc dạo đầu để đến với âm nhạc Trịnh Công Sơn, về sau biết được nhạc phản chiến là nhờ một cuốn băng, nhưng lúc ấy mình chưa thấy thích lắm vì bản phối. Thế rồi cho đến một lần, mình ra chợ Giời và tìm được một cuốn băng có tất cả những bài phản chiến ấy, bảo họ bật thử, nghe đúng cái giọng ngày xưa hát, ấn tượng kinh khủng. Về nhà, mình nghe đi nghe lại cuốn băng ấy vì giọng ca có sự truyền cảm. Sau đấy, mình mới thấy các cái bài nhạc phản chiến thực sự là một gia tài rất quý báu của Trịnh Công Sơn, thậm chí có những chất liệu vượt ra khỏi mô tip đơn điệu của nhạc tình. Trịnh Công Sơn đôi khi có những bài hát bị lặp lại cái nốt nhạc: giọng la thứ, quanh đi quẩn lại mấy cái đăng đối ấy, A, B, A#, nó dễ đoán, nó không phải là cái hay độc đáo về mặt âm nhạc. Cái hay của nhạc phản chiến là câu chuyện của cả một thời đại, nó đem đến cho mình những bỡ ngỡ, lạ lẫm, băn khoăn về một không gian, một thời gian mà mình chưa có nhiều ý niệm. Những năm tháng ấy, tuổi trẻ miền Nam đã ra sao, họ cảm thấy gì, xã hội miền Nam như thế nào. Nhạc phản chiếu của Trịnh Công Sơn, với mình, trước hết đem đến những khám phá sinh động về quá khứ mà vẫn rất tình cảm, rất lôi cuốn bởi ca từ, bởi các cấu trúc biểu đạt gây ấn tượng mạnh. Cũng có các nhạc sĩ khác viết nhạc phản chiến nhưng không thành công bằng, nghe vẫn có gì đấy sống sượng, thiên truyền đạt ý tưởng để tuyên truyền. Với mình, những ca khúc phản chiến ấy không có được sự gần gũi, thuyết phục nếu so với những ca khúc da vàng của Trịnh Công Sơn.
Được biết anh là người biên tập cho cuốn sách Trịnh Công Sơn – Bob Dylan, Như Trăng và Nguyệt” của John C. Schafer, vậy có những câu chuyện nào xoay quanh cuốn sách này không?
Trương Quý: Đây là cuốn sách của một giáo sư đại học, nó có những phẩm chất về mặt văn bản; nền tảng về văn hóa học và ngôn ngữ học của tác giả rất tốt… Cuốn sách cho thấy một đề tài có vẻ như đã nói nhiều rồi và dễ nói hay, nói hoa mĩ nhưng tác giả vẫn rút ra được những cách thức truyền đạt khoa học, không sa vào diễn cảm vì rất nhiều người viết về Trịnh Công Sơn bị bí từ, bị cái mĩ lệ trong nhạc Trịnh Công Sơn ảnh hưởng mạnh. Có thể vì tác giả là người nước ngoài, nên cái nhìn của họ không bị phiến diện
Tuy nhiên, phải nói John C. Schafer là người mà mình rất có thiện cảm, một phần vì hoàn cảnh tác giả là người có vợ người Việt Nam, xứ Huế, vậy nên có lúc tác giả còn đề cao Trịnh Công Sơn hơn là Bob Dylan, đó cũng là một cái hay.
Là người quan tâm đến âm nhạc Trịnh Công Sơn, anh có nhận xét gì về các tạo hình lạ thường trong nhạc phản chiến của ông?
Trương Quý: Mình luôn có một thắc mắc, tò mò: Trịnh Công Sơn hồi trẻ học ở một trường tiếng Pháp, hệ thống tác phẩm văn học Việt Nam trong nhà trường trước đây như nào để mà một người học sinh (lúc Trịnh Công Sơn mới viết ca khúc là lúc vừa ra khỏi thời học sinh), lại có được kho từ vừng rất tốt,trau chuốt, diễn tả các ý thức tâm lí rất tinh vi. Mình cũng rất nể khả năng diễn đạt các khái niệm triết học, tôn giáo già đời như một triết nhân thực sự ở Trịnh Công Sơn.
Có thể trong thời gian về sau càng ngày càng trưởng thành, ông càng ngày càng tích lũy được nhiều kiến thức hơn. Về cái nghịch dị trong nhạc phản chiến, mình nghĩ rằng một phần Trịnh Công Sơn chịu ảnh hưởng của những kiến thức về triết học phương Tây, họ đi tìm cách giải thích những sự mâu thuẫn trong đời sống xã hội. Ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn cũng ra đời khi bối cảnh xã hội Việt Nam chìm trong những mâu thuẫn, xung đột gay gắt.
Cuộc đời Trịnh Công Sơn trải qua những năm tháng bình yên, trước khi đất nước chia cắt hai miền cho đến khi chiến tranh leo thang ở miền Nam, con người luôn phải sống trong căng thẳng, giữa hòa bình và chiến tranh. Ông nhìn thấy ở đấy một cái gì đó như là sự hư vô, bất toàn của cuộc đời này. Trịnh Công Sơn luôn nhìn thấy tình trạng dễ thương tổn của đời sống lúc đó, như là ““mẹ vỗ tay reo mừng xác con”, “mẹ vỗ tay reo mừng chiến tranh”, nhưng ở góc độ nào đấy, mình còn cảm thấy đó là sự lộn nhào của thế giới, giống như đạn bom đã cày xới lên tất cả. Ca từ của ông khiến người ta có cảm giác như khi xem tranh của Picasso: những bức tranh với những hình hài méo mó, cảnh tượng hoang tàn, một không khí hủy hoại bao trùm.
Nói về mặt ý nghĩa lớp lang, những hình ảnh nghịch dị này không phải là lạ vì văn nghệ sĩ châu Âu giữa 2 thập niên đại chiến thứ nhất và thứ hai đã rất ám ảnh bởi cái chết, sự đổ vỡ, sự vỡ mộng trước cuộc sống. Họ nhìn hiện thực ở khía cạnh bóp méo, những hình ảnh như zombie, như ma như quỷ tràn ngập ở các trường phái Dada hay các trường phái nghệ thuật tiên phong của châu Âu. Có lẽ Trịnh Công Sơn cũng phần nào thâu nhận hưởng từ cảm thức và mỹ học của giai đoạn như thế. Nhưng có một hệ biểu tượng nổi bật hơn ở âm nhạc của ông, đó là quê hương. Ông không phân ca khúc của mình thành tình ca và nhạc phản chiến mà thành tình yêu, quê hương và thân phận.
Nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn nhìn quê hương với một giá trị nhân bản đối lập nó với chiến tranh, cái đó trở đi trở lại. Mối liên hệ giữa nhạc phản chiến với nhạc tình ca của Trịnh Công Sơn chính là độ nhân hậu. Nhạc của ông khác với nhạc tuyên truyền lên gân lên cốt, Trịnh Công Sơn có một cách diễn đạt thuyết phục hơn, có những điều mình thấy độc đáo: “người con gái Việt Nam da vàng, yêu quê hương nên yêu người yêu kém”. Tức là ông Sơn có một cái giỏi, lời đó nói bình thường nghe vụng, nhưng đưa vào âm nhạc thì nghe vẫn hấp dẫn: “đại bác qua đây đánh thức mẹ dậy, đại bác qua đây con thơ giật mình”. Trịnh Công Sơn rất tài tình trong việc chế biến các nguyên liệu sần sùi thô ráp, những cái mà nghe có vẻ như không có chất thơ, tạo thành ca từ có sức mạnh biểu đạt.
Theo anh, dư âm của nhạc phản chiến đối với ngày hôm nay như thế nào?
Trương Quý: Mình nghĩ nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn vẫn là một kho tang chưa được khai thác hết trong hệ thống âm nhạc đại chúng Việt Nam hiện đại. Trong mấy chục ca khúc da vàng của Trịnh Công Sơn vẫn có nhiều thông điệp vĩnh cửu về đời sống của con người, về tự do, về hạnh phúc, về những giá trị rất cốt lõi của đời sống. Điểm đáng trân trọng nhất là Trịnh Công Sơn vẫn giữ được một tâm thế an nhiên, một sự vô nhiễm, kể cả khi có sự ảnh hưởng của kinh tế hay chính trị. Nó như những cái mộng ước về thế giới, nơi chúng ta có thể sống cùng nhau. Mộng ước ấy ta có thể tìm thấy trong bất kì bài hát nào của Trịnh Công Sơn liên quan đến chủ đề phản chiến. Những hệ thống, mạng lưới, trường liên tưởng trong ca từ của ông rất phong phú. Những hình ảnh, thủ pháp văn học trong lời ca Trịnh Công Sơn vẫn có ý nghĩa quy chiếu nhất định đối với ngày hôm nay. Với mình, nhạc khúc da vàng có một phẩm chất gần với nhạc rock, nó có một tâm thế gì đó muốn bứt phá, nổi loạn, một chút gì đấy muốn thể hiện mình của giới trẻ, nó rất khác với tâm thế “một đời về không, hai tay quy hàng”. Đó là những ca khúc có giá trị nhân văn nhân bản mạnh mẽ.
– Xin cảm ơn anh Trương Quý về bài phỏng vấn này!
Tố Minh – Hà My (thực hiện)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm