Đức tin nhìn từ Hà Nội

.
Đợt vừa rồi tôi nảy ra ý định đi thăm một loạt chùa chiền miền Bắc. Chỉ là kiểm chứng lại cảm nhận của mình về những nơi đã từng đến khoảng mười năm trước, để hi vọng hiểu sâu hơn chút nào đấy về một quá khứ của nền văn hóa mình đang sống.

Bạn tôi có hỏi: “Tại sao lại sinh ra quan tâm đến mấy thứ đó?” Tôi giải thích như trên, và rồi câu chuyện nối tiếp sang chuyện đình chùa giờ bị trùng tu xấu, sự cẩu thả và qua quýt đến mức báo động ở cấp độ toàn diện. Những tảng đá chân cột chùa Trăm Gian thay vì tạc hình cánh sen hẳn hoi thì chỉ là những đường khắc rãnh vụng về. Những hệ cột xà kẻ sơn verni vàng rực như nhà trọc phú. Hai nhà đón khách ngoài cổng sửa lại thô kệch đến đáng ngạc nhiên, những tấm ván gỗ làm tầu mái nhiều mắt lỗi như cốppha dùng cho xây dựng, loại dùng vài lần là chẻ củi đun. Chùa Thầy, thắng cảnh có một không hai, thì nhà thủy đình tàn tạ giữa hồ nước đục nổi váng, mặc dù hồ khá rộng. Xung quanh, những xóm nhà dân rầm rộ xây cao tầng, mái chóp, sơn tường xanh đỏ la liệt tạo nên bức phông màn cọc cạch với các kiến trúc cổ. Cách đó, trên đường vào có thể thấy những ống khói nhà máy xi măng Tiên Sơn nghi ngút nhả lên trời. Tiếng rầm rập của các phương tiện vận tải không che chắn đất cát, tiếng còi xe ầm ĩ sầm sập quất vào mặt vào tai du khách.

Đấy chỉ là một vài ví dụ rất dễ thấy khi hành hương. Tôi lại hỏi bạn tôi: “Mối quan tâm của tôi như vậy có lẩm cẩm không?” Bạn tôi nói: “Không.” Dĩ nhiên là nhiều người quan tâm là đằng khác. Bây giờ, người ta năng đi lễ bái cầu cúng, như thể phong trào. Nhưng nhìn vào việc đi tìm nguồn di dưỡng tinh thần của xã hội, thấy cũng nhao nhác như tình trạng lưu thông trên đường phố. Cảm tưởng như người Việt Nam ngày càng dễ tin hơn bao giờ hết, nhưng tin một nơi chưa đủ, họ phải “phối kết hợp” những niềm tin đó ở nhiều “cửa”, nhiều “khóa”, nhiều “căn” để chắc chắn thêm cái vị trí họ đang đứng. Càng đi tìm kiếm niềm tin theo cách ấy, họ càng hoang mang và niềm tin từ chỗ tuyệt đối vào những điều thiêng liêng đã phải có sự đảm bảo bằng vật chất. Nhưng chẳng ai chịu thừa nhận mình đang chông chênh, đang mất đi rất nhiều niềm tin, nhất là sự khủng hoảng mất niềm tin ở chính mình và giá trị “Thiện” của cộng đồng.

Người ta thấy những chốn linh thiêng ngày nào được đối xử một cách đầy giản tiện: sơn phết cho hoành tráng bất kể giá trị bảo tồn ra sao, tận dụng những cách thức kiếm tiền bằng vốn tự có đầy ranh ma: đồ mang từ nơi khác về dán nhãn hàng thủ công mĩ nghệ địa phương, lừa cho khách vào hàng ăn rồi hét giá cật lực, đến nỗi nghe đến trẩy hội chùa Hương là người ta phải e dè. Có người nói dân mình ranh ma một cách dại dột, hoặc họ nhận thức kém. Điều này chưa chắc đúng. Bản tính con người bao giờ cũng tự ý thức được lợi hại của việc mình gây ra, nhưng có điều, hình như người ta đang ngại nghĩ, ngại cật vấn mình, ngại tính toán cho thấu đáo, họ lo rằng càng nghĩ càng bới bèo ra bọ, tự dưng dựng nên chướng ngại vật cho bản thân. Họ sợ mình mất cơ hội kiếm ăn, cơ quan quản lý chẳng ủng hộ họ đưa ra khuyến cáo dự phòng. Nếu cái rủi ro nào đấy có xảy ra, ắt nó đâu nhanh đến trong nhiệm kỳ của mình! Hoặc rất có thể, cái chủ quan duy ý chí “ta nhất định thắng” từ thời chiến tranh vẫn còn làm u mê đầu óc người cầm cân nảy mực. Và nếu có chút băn khoăn vì cái rủi ro nào đấy có thể xảy ra, thì, chậc, có lẽ nó trừ mình…

***

Nếu ai đã xem bộ phim tài liệu Hà Nội trong mắt ai (đạo diễn Trần Văn Thủy, thực hiện năm 1983) thì còn nhớ lời một nhân vật thanh niên đi học ở Tây về, phát biểu rằng Hà Nội cũ kỹ và chẳng có gì đẹp cả. Vậy mà cái Hà Nội cũ kỹ ấy đã thành một hoài niệm đẹp đẽ của những người Hà Nội hôm nay. Hiện lên trong những thước phim màu trầy xước, trong tiếng đàn ghita của nghệ sĩ mù Văn Vượng, là một thành phố yên bình, bé nhỏ và khắc khoải về những giá trị bị xem là khá ngây thơ với thời nay. Toát lên từ bộ phim là một tinh thần công dân, một niềm tin nào đấy ở một Hà Nội “phần hai” to lớn, có điểm tựa từ một quá khứ vững chãi. Còn Hà Nội hôm nay, cái phần hai của Hà Nội thời trăn trở những “chuyện tử tế” ấy, ra sao? Trong truyện ngắn “Những ngày ở Việt Nam” của cây bút trẻ Phan Việt, dưới góc nhìn của một du học sinh lâu năm về nước, cô nhìn thấy sự đổi khác của Hà Nội không chỉ ở những cảnh vẻ xây dựng, mà cái chính yếu là sự rỗng hụt: "Sáu năm trước, tôi rời Hà Nội, Khi tôi đi, mọi thứ ở đây đều rõ ràng và chắc chắn... Lúc tiễn tôi ra sân bay, ai cũng mừng cho tôi, ai cũng tự hào vì tôi. Còn tối hôm qua, ai cũng nói rằng họ lo lắng vì tôi… Cứ động vào đâu cũng thấy rơi, thấy vỡ, thấy nổ, thấy sập, thấy chen lấn xô đẩy, thấy thấp thỏm cuống cuồng, thấy khó hiểu mất lòng. Và chết." (trích tập Nước Mỹ, nước Mỹ).

Những bộ phim và sách vở ấy đã đụng phải điều quan trọng nhất, quan trọng hơn cả di sản vật thể, những mái đình hay tượng Phật quý giá, hơn cả những Hồ Gươm hay Văn Miếu, là tinh thần của con người đối xử với nơi chốn hay bảo vật đó. Chúng ta ăn sẵn những chỗ ngon lành như Hồ Gươm để “ghi dấu ấn” cho những lễ lạt tốn kém bằng những quy hoạch “vẽ rắn thêm chân” mà thả nổi cho những Hà Nội “mở rộng”. Chúng ta cứ nói hay nói tốt nhưng sản phẩm què quặt, chẳng khác người đàn bà bán điêu nơi chợ búa theo cách nói bình dân. Chùa Hương nổi tiếng vì nạn bắt ép du khách sử dụng dịch vụ du lịch, vì động giả, chùa giả, vì hàng thịt chó hay đặc sản thú rừng chen chúc cửa Thiền. Mà người ta còn phát giác thịt thú rừng cũng chỉ là giả, lợn thịt bị đập bẹt mõm, kéo dài ra, hun khói thành cầy vòi. Với cơ man những chuyện như thế hàng năm trời, chỉ có thể dùng từ “ô uế” để nhận xét. Khi chúng ta xem nhẹ việc giữ gìn của nả cha ông thì thật khó tin là hành động thắp hương của chúng ta hứa hẹn một ngày mai kế thừa có giá trị xác tín.

***

Quay trở lại những thắng tích, nói cho công bằng thì mọi thứ đang có vẻ lành lặn hơn, trơn tru và láng lẩy hơn. Nhưng câu chuyện trùng tu được các báo phê phán, cho thấy tâm thế không hạnh phúc, công trình bóng bẩy nhưng không còn là những di tích khiến người ta hạnh phúc vì được chiêm bái một cái gì thiêng liêng của quá khứ văn hóa tổ tiên để lại. Nó chỉ còn là những cái xác màu mè phủ lên bằng những ý chí tâm linh. Người ta hăm hở tìm cách đến được tận nơi, sờ vào chân ông Phật hay chạm cái đầu rùa để lấy may, bằng một thái độ cảm động thì ít, kiếm chác thì nhiều. Người ta khinh nhờn tinh thần của chính mình bằng cách ném cho Phật, Thánh những đồng tiền lẻ hòng mua lấy một chút cỏn con duy tâm.

Trên đường vào chùa Thầy, ở thị trấn Quốc Oai có một thắng tích thâm u là động Hoàng Xá. Ven đường tỉnh lộ bụi mù mịt là mặt đầm sen dưới chân núi, với ngôi thủy đình mộc mạc soi bóng như chốn ẩn lánh sót lại đáng ngạc nhiên. Bên trong là động đá, với những pho tượng Phật nổi tiếng có từ 200 năm, và “nổi tiếng” vì vụ phát hiện một lúc mất 10 pho nhưng tìm lại được vào năm 2001. Trước đó ba năm liền, mỗi năm, trộm vào lấy cắp tượng một lần. Tuy nhiên, những gì của năm 2009 mà người vào thăm có thể thấy là lòng động vẫn trống hoang hoác, chỉ còn lại những bệ đá trơ trọi. Tám năm trôi qua, nơi này lại thuộc về Hà Nội, nhưng sự lạnh lùng đến buốt tâm trí người thăm viếng vẫn hiển hiện như bằng chứng cho một sự suy tàn của đức tin không bù lấp được.
.
Nguyễn Trương Quý
Bài viết từ tháng 4, đã đăng báo Thể thao & Văn hóa, lấy từ blog cũ.
.

Nhận xét

Vhlinh đã nói…
Khủng hoảng đức tin trong một xã hội ngày càng đề cao quá mức những giá trị vật chất thì không phải là hiện tượng chỉ có ở VN. Cái khác biệt của VN so với khủng hoảng đức tin ở những nơi khác là ở chỗ mà bạn cũng đã nhận định rất hay ngay từ đầu bài viết:" những chốn linh thiêng ngày nào được đối xử một cách đầy giản tiện: sơn phết cho hoành tráng bất kể giá trị bảo tồn ra sao". Tội này hầm bà làng đều phải chịu vì từ ông xây đến ông cúi lạy cái xây đều đều tưởng xây mà phá, tưởng cúi lạy mà hóa ra đang đi ngược hẳn lại những giá trị sâu xa của đức tin tôn giáo đích thực. Ở đây, hình như bạn chú trọng đề cập đến tâm thức Phật giáo thì phải. Đối với cơ sở thờ tự của một số tôn giáo khác thì có vẻ khá hơn.
nguasat đã nói…
Vâng, để chuẩn bị cho 1000 năm Thăng Long, đến đền chùa nào cũng thấy đang trùm bạt kín mít, khói bụi mù trời, để cho ra những "công trình bóng bẩy" đấy ạ. Có lẽ lại phải mất 50 năm nữa thì mới lại có vài cái "cổ kính rêu phong" để mà chiêm bái. Chẳng biết lúc đó dân tình đã hết "khủng hoảng đức tin" hay chưa.
Nguyễn Trương Quý đã nói…
@Vhlinh: Vâng, đúng là từ đầu tôi đã khoanh vùng rồi, nó cũng là trong phạm vi cảm nhận và hiểu biết của tôi thôi.
@ngưasat: cổ kính rêu phong cũng chỉ là một cách quan niệm đối sánh với tân trang... dù sao cũng muốn một xã hội bớt hung hăng hơn :-)
Sinh Tử Lệnh đã nói…
Chán đến mức tớ bỏ nghề TRÙNG TU đấy cậu ạ

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm