Về tản văn

.
Gửi xong bài đã sửa đi rồi, nghĩ mình có quyền đi chơi Nô-en không?

Thấy khoan khoái vì lâu thật là lâu mới cảm thấy dễ chịu vì đã đẻ ra được cái bài "trả nợ" mà thấy ưng ý. Liệu nhân vật có thấy ưng không? Có thể lúc nào đấy ta sẽ chán, nhưng là chuyện ngày mai. Nhưng xem lại thời gian biểu từ nay đến Tết, nghĩ sẽ là thiếu suy nghĩ trầm trọng nếu đi chơi. Mà biết đi đâu, cái muốn đi thì không đi được.

Những việc phải làm từ ngày Nô-en:
- Khởi sự các poster cho Sân thơ Trẻ (cái này đã tưởng dứt tình rồi nhưng thế nào lại vẫn còn... các nhà thơ có yêu thơ được như tôi không?). Cái này sẽ hành hạ cho đến Tết.
- Sửa một bản thảo dầy hự cho xuống trung bình (làm sao mà nhanh được).
- Đọc một bản dịch rất là hứa hẹn có vấn đề về văn phong (đã trót quảng cáo theo timeline).
- Dịch cho xong 400 trang...

Tại sao? Tại sao lại sập bẫy các việc thế này? Buồn nhất là quyển self-help nào cũng có lời khuyên. Mà thực ra chẳng ai khôn nổi.

Nghĩ về cái truyện ngắn suýt nữa liều mạng gửi đi. Cọc cạch như một loại kịch bản véo chỗ này đắp chỗ kia, chả có tí tình tự nào sất. Đọc khô không khốc.

***

Nói về kịch bản, hôm nọ xem bản dựng Bi ơi đừng sợ của bạn Di. Ưu điểm là quay đẹp, kỹ thuật tinh tế, không bị đánh bóng quá mức. Ưu điểm khác (mà cũng có thể là nhược điểm, tùy người xem, hehe): nhiều cảnh nóng giẫy nẩy. Không biết có bị cắt bớt đi không, nhưng câu thế cho bà con háo hức. Nhược điểm thì không tiết lộ, nó đã nằm ở ngay cách đặt vấn đề rồi.

Vậy thì nếu mình làm, mình sẽ làm thế nào? Cũng như một người viết, mình sẽ ưu tiên chọn chi tiết nào, tình huống nào? Tư duy tản văn vs. tư duy fiction ra sao? Cái từ prose trong tiếng Anh có trùng với tản văn như mình viết không?

Những người viết tản văn hay là prose ở VN thì sao:
- Lê Thị Liên Hoan: những cái tác giả này viết thực tế là thể loại gì? Ắt là hư cấu nhiều, nhưng là cái hư cấu từ thời sự đời sống trong một bối cảnh cụ thể. Mỗi bài hay nhói ra một vui vui lấp lánh, nhưng đến cuối thì cụt. Cảm giác nhiều khi ẩu, nên không trọn vẹn thành những tản văn có chiều sâu mà chỉ là những bài tạp bút có đầu đề gây sốc (Thư của trứng gà gửi chứng khoán - là cái tên rất vui)
- Nguyễn Ngọc Tư: tản văn có giọng hấp dẫn, dụng công nhiều của người viết truyện. Những cái nào có tứ lạ và ít tính từ thì hay hơn. Khi tác giả ít tưng tửng thì cảm động và chân thật.
- Nguyễn Việt Hà: đúng ổ rồi, thường xoay từ một tứ có tính luận đề rồi phục bút ở cuối để vỗ mặt lại. Không cần rườm chi tiết nhưng có võ để bài binh bố trận.

- Đỗ Doãn Phương: có cái lạnh lùng sắc cạnh, nhưng nhiều khi co vấn đề lại, hơi thiếu sức sống đâm ra đọc buồn.
- Nguyễn Quang Thiều: rất giỏi ở cái gì đó nhừa nhựa, nhiều liên tưởng nhục thể. Cái tôi rất mạnh.
- Quốc Bảo: có giọng sang cả, ăn chơi. Nhưng không thấy lãng mạn bay bổng lắm.
- Nguyễn Huy Thiệp: lẽ ra cái truyện Cà phê Hàng Hành không thể xếp vào truyện ngắn trong tập cùng tên. Nó là một loại ký thì đúng hơn. Có những câu gợi nên liên tưởng mở bay bổng nhưng rồi không đào tận cùng, người đọc quên mất.

- Phạm Thanh Hà: khi không phải dụng công đóng vai (em đàn bà hay là remote hoặc bàn phím) thì chị Hà viết hay hơn. Chị Hà viết dài hơi mổ xẻ hợp vì cách liên tưởng phong phú, viết ngắn thì hay bị vo.
- Phan Thị Vàng Anh: chị Vàng viết nhiều người phục, không bàn nữa. V.A là người số 1 về cách đặt câu hỏi. Mặc dù V.A trùm trò đưa giải pháp nhưng mình vẫn nghĩ đặt vấn đề từ một đống lùng nhùng sự kiện mới như V.A mới là khó - không mấy ai làm được. "Cái này thì phải hỏi con V.A" - đấy là câu nhiều anh chị bạn bè mỗi khi bí vấn đề.
- Nam Đan (Thận Nhiên): viết bay bướm, tình tứ. Thích nhất bài viết về Nguyễn Trung Cang - Thương nhau ngày mưa.
- Phạm Tường Vân: Chị Vân viết mà không bức xúc thì hay. Bức xúc thì lại giống Mở Miệng rồi. Có bài Phở chỉ là phần rất nhỏ trong cuộc đời là bài đầu tiên mình đọc.

- Đỗ Trung Quân: mới chỉ đọc những tản văn trên các báo về kiến trúc (Nhà Đẹp), cảm giác là mình nhiều khi ghen tỵ vì bác này viết cảm xúc mà rất tự nhiên. Nhưng nếu chỉ đèm đẹp thì không có sức nặng lắm, không ám ảnh. Có bác Đỗ Hồng Ngọc viết trên báo đọc khá hay nhưng khi đọc cả tập thấy nhạt nhẽo.
- Đỗ Kh.: mình rất thích đọc tản văn của bác này, hóm hỉnh. Nhất là đụng đến những vấn đề hóc búa mà đi được rất khéo. Cách viết của Đỗ Kh. ảnh hưởng đến nhiều người viết VN, không rõ có chủ ý hay là do tương tác thông tin.

Những tác giả khác như Vương Trí Nhàn, Hoàng Phủ Ngọc Tường... lại mang màu sắc thời đàm hoặc tiểu luận, không cùng "e" với những prose của các tác giả trên.

Tản văn nếu cứ mưa mùa hạ, gió bấc mùa đông, hoa ngày Tết thì sao? Chả làm sao, nhưng tản văn tốt thì nên là những cấu trúc "ô mai chua cay mặn ngọt", bắt buộc độc giả không được lười, phải động đậy các liên tưởng để rồi có vị hậu. Thủ pháp bẫy là hay, nhưng bẫy mãi cũng khiến người đọc bực, vì tâm lý bị dưới cơ khiến người ta khó chịu.

Vấn đề còn ngùng ngoằng lắm.
-...
.

Nhận xét

Unknown đã nói…
Sân Thơ Trẻ có phải là Ngày Thơ không bác? Bác đa tài quá. Phục lăn.

Cảm ơn ghi nhận chớp nhoáng của bác, thực tình mình chưa bao giờ có cái nhìn chi tiết như thế, chỉ đọc thôi. Có lẽ bác nên bổ sung một người: Đỗ Trung Quân
Nguyễn Trương Quý đã nói…
Đúng rồi đấy ạ, Sân Thơ Trẻ nằm trong khuôn khổ Ngày Thơ VN, từ 5 năm nay diễn ra (cố gắng) theo hướng mới nhất có thể. Có điều nó cũng phù du như thơ ca vậy :-)

Về những người viết tản văn thì còn nhiều, đúng là có ĐTQ. Nhưng tôi (em, mình, Q :-)) chưa kịp nêu ra, và muốn khảo sát ở những người lấy tản văn làm đối tượng văn bản học - thay vì viết duyên dáng trên các mặt báo.
QUANG DONG đã nói…
Rất thích đọc tản văn!
nguasat đã nói…
Còn thiếu một người: Nguyễn Trương Quý, -:)
Nguyễn Trương Quý đã nói…
Điều khác đây: Các tác giả viết tản văn thường là đã làm thơ, viết truyện. NTQ thì chưa có gì. :-)
Penpen đã nói…
Nguyễn Khải viết tản cũng được , dù ông gọi đấy là truyện ngắn .Tản văn phải thể hiện được cái thông minh của người viết , trong số mấy người anh list ra kia , em chưa có dịp đọc hết , nhưng có đọc :

1. Nhân trường hợp chị thỏ bông ( PTVA) : quyển này cho bạn bè mựơn, đứa nào cũng giữ rịt ko chịu trả , trí tuệ, dí dỏm, đặc biệt là ở cách đặt vấn đề , em vẫn coi đây là tản văn hay nhất mà mình đã từng đọc
2. Nhà văn thì chơi với ai ( Nguyễn Việt Hà) : thấy tàm tạm, ấn tượng với bài viết về cái thẻ ATM ( là truyện ngắn thì đúng hơn)
3. Ăn phở khó thấy ngon : dựa theo một đề tài làm sườn cho cả tập, sử dụng câu cú phức tạp nhưng đọc ko bị mệt ... hì , hôm nọ PR cho quyển này bên FB rồi


Đồng ý quan điểm của bác : Nhưng nếu chỉ đèm đẹp thì không có sức nặng lắm, không ám ảnh.
nguasat đã nói…
Em tiến cử thêm nhé: Nhà văn Y Phương, bác sỹ Lê Đình Phương, bác Đông Ngàn. Trước đây em thấy có Ngô Giáng Uyên viết cũng được. Các tác giả này có thể chuyên, có thể không chuyên, nhiều bài cũng chưa thực sự là tản văn nhưng đọc rất nhẹ nhàng, và hay.
nguasat đã nói…
Vẫn sót mất một tác giả nữa: anh Văn Cầm Hải
Chu Chu đã nói…
cái bài trả nợ ấy, sẽ đăng ở đâu vậy bạn Q?
sao không thấy ai hỏi giống mình ha?:D
Nguyễn Trương Quý đã nói…
@ngựa sắt: Mình công nhận là phải kể tới Nguyễn Khải, những bài viết của ông ấy vừa là truyện-ký (chính ông ấy đề như thế lên bìa sách của mình), thời đàm phong cách "thông tấn" (cũng chữ một hồi các bác ưa dùng vì có vẻ... sang). Văn Cầm Hải thì mình thấy hơi mùi mẫn, thích Phan Triều Hải hơn, nhưng mà vẫn cảm tưởng cả hai thiếu sức sống hay sao ấy. Hồ Anh Thái viết hay nhưng những bài của anh ấy xếp vào ký thì đúng hơn, tại vì lối kể chuyện rất chi tiết, có gì đấy như bác Tô Hoài.

Gần đây nhiều người khen cuốn Du hành cùng Hedorotus, bản thân mình cũng đã viết giới thiệu cuốn này. Nhưng thực sự mà nói thì cuốn đó đáng kể vào thời những năm 1950, chứ giờ đọc cũng không gớm gì. Rẽ ngang sang cuốn Hội hè miên man của Hemingway, đọc môt ít chẳng thấy lôi cuốn mấy. Ông này thời đi học mình mê lắm, mà giờ đọc thấy "duyên dáng" quá.

@Mỵ Nương: Để chắc chắn có được đăng không đã mới báo cáo. Nguyễn Việt Hà dùng từ "văn nô" xem ra cũng đúng nhỉ. :-)

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm