Cót ép trát thạch cao

Bạn Hà Hương báo Tuổi Trẻ có hỏi tôi mấy câu về chuyện đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội: http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/389823/1000-nam-va-10-ngay-dai-le.html. Dưới đây là cả cụm trả lời của tôi:

1. Với tư cách là một người hiểu Hà Nội, cũng đại diện cho một thế hệ sẽ tiếp nhận tất cả những di sản của 1000 năm Thăng Long (cả cái hay và cái dở). Suy nghĩ của anh về những di sản mà thế hệ mình sẽ tiếp nhận?

Di sản thế hệ tôi nhận được ở đây có lẽ chính là những gì được tiếp nhận từ giáo dục, thông qua sách vở đã học và thực tế xã hội. 1000 năm dù rất dài, nhưng là những gì đã bị giản lược trong vài cuốn sách giáo khoa của một nền giáo dục có vấn đề, thì di sản của nó chắc không hoàn hảo mấy. Tôi nghĩ di sản quan trọng nhất là một thái độ sẵn sàng bắt tay xây dựng và làm việc tử tế. Điều đáng buồn là nhiều người trẻ có phẩm cách tốt đã buông xuôi vì không còn thấy mình được hưởng lợi ích gì từ di sản.

2. Theo anh, một lễ kỷ niệm để nhìn lại lịch sử 1000 năm của Thăng Long - Hà Nội có phải là việc nên làm. Thệ hệ anh nghĩ gì về kỳ đại lễ sẽ diễn ra vào tháng 10 này. Trong tâm thức của một người trẻ, anh hình dung về đại lễ 1000 Thăng Long như thế nào?


Thế hệ chúng tôi nghĩ gì có lẽ không mấy quyết định đến thực tế diễn ra. Tôi sợ (và tôi nghĩ nhiều người cũng sợ) là một thể loại đại lễ “cót ép trát thạch cao”, tất cả chỉ là những thứ ốp lát bề mặt mà những gì bên trong và ở sâu trong không gian sống, trong lòng người Hà Nội đang rã rời và không mấy hào hứng. Đáng buồn nhất là chúng ta đều tiên liệu, đều muốn tránh những màn rượt đuổi chào mừng, nhưng rồi mọi sự vẫn cứ nhao nhác như chợ sắp vãn. Nếu nói hình dung thì chẳng khó mà vẽ nên những cảnh tượng hoành tráng, nhưng để làm gì? Tôi chỉ ước dịp đó sẽ được ăn một bát phở sạch sẽ ngon miệng ở một cửa hiệu có bà chủ cười tươi trên một con phố phong quang không tắc đường.


3. 100 ngày nữa sẽ đến đại lễ, Hà Nội được gọi là một đại công trường với những vỉa hẻ lát dở, những công trình kiến trúc gây tranh cãi, những phố cổ được sơn lại... Theo anh, người Hà Nội cần gì nhất trong dịp thành phố mà mình đang sống kỷ niệm 1000 năm tuổi?


Còn có chưa đến 100 ngày thì thật khó để đòi hỏi cái gì! Bây giờ có lẽ mong nhất là các công tác thi công mau chóng hoàn thành và có chất lượng thật sự, để người Hà Nội không phải đối diện với những chuyện đại lễ đi qua, cống rãnh ở lại.

N.T.Q


Nhận xét

Unknown đã nói…
"Tôi chỉ ước dịp đó sẽ được ăn một bát phở sạch sẽ ngon miệng ở một cửa hiệu có bà chủ cười tươi trên một con phố phong quang không tắc đường". Kể cả mấy thứ này, nếu không thay đổi từ bên trong, từ nhận thức, văn hóa, thì cũng vẫn có thể là "cót ép thạch cao" luôn bác ơi
Thuy Dam Minh đã nói…
Tôi khoái nhất cái thuật ngữ "cót ép trát thạch cao" của bạn. Giá mà mấy bác quản lý Hà Nội hiểu được điều này thì hay biết mấy nhỉ?
Titi đã nói…
Riêng mình thèm vô cùng những không gian chung xanh, sạch, an toàn, nơi có thể đọc sách, nằm lăn ra ngủ trưa hoặc cùng gia đình dạo mát không khói bụi, tiếng ồn :-)
Unknown đã nói…
Chị Titi mến, thèm cái đó chắc là quá xa xỉ, nên Q chỉ cần đường sạch, đi lại trật tự và không có sự cố gì xảy ra là đặc sắc rồi :-)
doanh đã nói…
trả lời hay quá, bữa nào tôi cũng phải phỏng vấn bác mới được :-)
Unknown đã nói…
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm