Khi kiều nữ chủ động

Cái tựa trên có vẻ câu khách, nhưng thực tế là tôi muốn bàn đến một mảng sách rộng hơn, sách về con người của đô thị hiện đại với giọng điệu hài hước. Bài dưới đây nằm trong chuyên đề như một bài giới thiệu sơ qua trong phạm vi liên quan tới công việc của tôi đang làm.

----


Văn học hài hước lãng mạn là một nhánh của văn học trào phúng có gốc rễ từ trào lưu Baroc, ưa chuộng hình thức giễu nhại và phóng túng. Đó là những bản sao nghịch dị của xã hội phát triển vượt ra khỏi những khuôn mẫu đạo đức bị chi phối bởi thần quyền, nam quyền, là hình ảnh cái lãng mạn tìm cách tự vệ. Một xu thế của thời hiện đại đi cùng chủ nghĩa nữ quyền trong dòng văn học này, đó là những tiểu thuyết xoay quanh nhân vật nữ - chủ yếu ở đô thị - và những mối bận tâm căn bản mà người đô thị phải giải quyết hàng ngày.


Đói thì ăn, khát thì uống


Có một dòng văn học "giải trí", lấy đối tượng chính là giới nữ trẻ, đi làm văn phòng, có học vấn. Khác với dòng sách sướt mướt kiểu Danielle Steel trước đây, dòng văn học mới này nhấn mạnh yếu tố hài hước, châm biếm và kỳ ảo. Có phải do ảnh hưởng của nghe nhìn càng ngày càng phong phú và sắc cạnh, giới nữ càng có nhu cầu khẳng định tính độc lập và cá tính hơn là chỉ thuần túy lãng mạn như trước? Thực ra, người ta không lấy làm chắc vì có thể câu chuyện của phụ nữ đã có từ lâu, nhưng chỉ đến khi có cơ hội thì mới bộc lộ thành trào lưu.


Thực tế đã chứng minh, đây là một dòng sách cập được nhiều bến. Không chỉ viết về các chị em và do chị em viết, những nhân vật nam cũng được nhìn nhận theo khung hình của dòng văn học này, thay vì chém đinh chặt sắt như thời “hai vạn dặm dưới đáy biển” hay “trên đỉnh kilimanjaro”. Không dừng lại ở những khía cạnh xây dựng các anh đàn ông như những mảnh vỡ đầy thương tổn và khao khát cứu vớt, dòng văn học này cũng nỗ lực lạ hóa quan hệ nam nữ, giữa con người với xã hội trong một lối suy nghĩ tích cực.


Mặc dù mang tiếng là chick-lit với hàm ý văn học loại hai, nhưng thực tế là lợi nhuận khổng lồ và chất lượng văn bản của các tiểu thuyết dòng này rất đáng nể. Các đơn vị xuất bản hàng đầu Việt Nam như NXB Trẻ, Nhã Nam, Phương Nam dành hẳn một mảng quan trọng cho dòng sách này. Tình hình thực tế VN đã từng cho thấy một thời kỳ văn học nữ nở rộ, với các tác giả nữ để lại dấu ấn đậm nét vào những năm 1990. Tất nhiên số tác giả nữ này không bao trùm dòng văn học đang nói đến ở đây, nhưng quan trọng ở chỗ, tiếng nói của họ đã có trọng lượng. Tuy nhiên, so sánh với khối lượng đồ sộ của văn học hài hước lãng mạn thế giới (với trung tâm là chủ đề nữ giới), thì chỉ vô cùng khiêm tốn.


Đến từ sao Kim


Khi văn học dịch được xuất bản nhiều ở Việt Nam, đương nhiên dòng văn học chick-lit có ngay một chỗ đứng quan trọng trên giá sách bán chạy. Bên cạnh những tác phẩm mang tính "đại tự sự" vốn đậm đặc nam tính, những tác phẩm nhẹ nhàng này sục sạo tất cả những ngóc ngách tâm lý thời đại, khai thác thế mạnh của giới nữ trong việc quan sát và phân tích tâm lý. Tính hài hước, giễu nhại được đề cao trong việc tìm chỗ đứng của người phụ nữ để bình đẳng với đàn ông.


Bên cạnh những mảng sách phi hư cấu, cẩm nang sống (Self-help) vốn dĩ hấp dẫn chị em với những đầu sách gối đầu giường như Đàn ông đến từ sao Hỏa, phụ nữ tới từ sao Kim, thì mảng sách văn học này có ưu thế là gắn chặt với truyền thông và phim ảnh. Nhiều tác phẩm ăn khách đã được dựng ngay sau đó thành phim đình đám vào dịp hè hay Giáng sinh. Điểm lại những tác phẩm ăn khách nhất của thập niên qua, rất nhiều tựa là của tác giả nữ, nếu không kể Harry Potter của J.K.Rowling thì có series Chạng Vạng, Lời tự thú của một tín đồ shopping, Ăn, cầu nguyện, yêu… 2 tập Nhật ký tiểu thư Jones mặc dù ra đời cuối thập kỷ 90 nhưng đã trùm bóng lên nhiều tác phẩm có tính tự thuật của giới nữ, thậm chí cả tác giả nam trong dòng đề tài gia đình, công sở và tình yêu, ví dụ Nhật ký vú em, Vú em trở lại, Từng qua tuổi 20, Điều tốt nhất cho gã có vợ. Những tác phẩm loại này thường được triển khai thành bộ nhiều tập, mang ảnh hưởng của phim truyền hình dài kỳ, những chuyện tình cảm lằng nhằng dắt dây từ năm này sang năm khác, khéo léo giữ chân người đọc. Một loạt sách như thế có thể kể: Gossip Girl – Kiều nữ lắm chuyện (hơn 10 tập), Dự án son bóng (4 tập)… Các bộ phim truyền hình làm theo các series này dĩ nhiên cũng nhờ đó mà hốt bạc. Ở đây cũng có những tác động trở lại, như trường hợp Sex and the city của Candal Bushnel. Chỉ khi bộ phim sitcom kéo dài 6 năm này gây cơn sốt toàn cầu thì quyển sách gốc mỏng mảnh mới được quan tâm trở lại, nhưng loạt phim này thực sự đã vượt ra rất xa khuôn khổ ban đầu của sách.


Sự dày dặn và đều đặn của các series sách này cho thấy sự khác biệt và khoảng cách với các tác giả Việt Nam có ý định theo đuổi dài hơi. Cho đến giờ, mới thấy có một số tác giả bắt đầu có được thành quả tương đối với thị trường như Dương Thụy, Keng, Hà Kin. Tuy vậy, các tác phẩm của các nữ tác giả trẻ này vẫn là những quyển rời độc lập. So sánh với một tác giả khác như Nguyễn Nhật Ánh, ông có sự đầu tư dài hơi cho một nhóm nhân vật nhưng lại là thiếu nhi. Ở đây phải nói tới sự ảnh hưởng của văn học mạng đến khả năng dài hơi của văn học hài hước lãng mạn. Một khi một tác giả tự xếp mình vào dòng văn học mạng đã tỏ ra sốt ruột với thể lệ tác phẩm dự giải văn học trẻ không được xuất bản dưới bất kỳ hình thức nào, thì cũng ngầm cho thấy tính cập thời của các tác phẩm này. Điều này dễ gây ngộ nhận là văn học hài hước lãng mạn (mà nhiều tác phẩm có liên quan mật thiết tới mạng như Chuyện tình New York của Hà Kin là ví dụ) không cần đầu tư, viết nhanh và pha tí “dấm ớt” là được.


Khi kiều nữ chủ động


Hãy đọc những tác phẩm best-seller được dịch ở Việt Nam, ta sẽ thấy việc tác giả dày công sáng tạo và không ngừng tưởng tượng, cho dù yếu tố tự thuật đậm đặc. Mặc dù đúng là những sách đó quanh quẩn tình ái học trò, tuổi mới lớn và gái văn phòng, có pha những yếu tố kỳ ảo, ma cà rồng hay phiêu lưu, nhưng ở mức căn bản, chúng là những bức tranh sinh động về một thế hệ trẻ đang lớn, một giới nữ đang tìm cách cân bằng giữa hạnh phúc và sự nghiệp. Thay vì những mẫu cô gái nhan sắc trầm luân như thời Jacqueline Susann với Thung lũng búp bê, những mẫu phụ nữ chỉ chủ động sau khi đã trải qua nhiều “bể dâu” và trông chờ vào may mắn đến từ những hoàng tử bạch mã, thì giờ đây, những cô bé mười bảy tuổi của Gossip Girl sẵn sàng tìm cách nếm trái cấm để khẳng định giá trị của mình, quyết liệt không kém việc cạnh tranh để vào được một trường đại học hàng đầu nước Mỹ.


Sự chủ động này có vẻ diễn ra hơi muộn trong văn chương, sau khi phong trào giải phóng nữ quyền và tình dục đã qua cao trào những năm 70, mặc dù có cơ sở từ những tác phẩm của Jane Austen và chị em Brontë từ tận thế kỷ XIX. Có thể nói phải nhờ đến sự toàn cầu hóa, những trường liên tưởng và phông văn hóa nhân rộng khắp thế giới, để cho một cô gái châu Á cũng chia sẻ được mối tình tay ba của Bridget Jones. Ngược lại, trong tác phẩm về cô gái ba mươi tuổi mập mạp muộn đường tình duyên này, tác giả Helen Fielding cũng đề cập đến rất nhiều câu chuyện và chi tiết so sánh về văn hóa khắp thế giới. Dĩ nhiên, cái nhìn và sự dí dỏm của những cây bút nữ trong tư cách “nạn nhân” ở những tác phẩm như thế này khác hẳn với cái nhìn có phần bề trên của các tác giả ăn khách nam giới khi viết về “thế giới phẳng”. Trong dòng văn học này, các tác giả Anh-Mỹ chiếm ưu thế, ngoài việc tiếng Anh là thế mạnh thì như ta đã nhắc đến, còn là sự ảnh hưởng của văn hóa pop, phim ảnh và các sản phẩm trào phúng có cơ sở tiêu thụ toàn cầu. Trong khi kinh tế khủng hoảng, các sản phẩm này vẫn đắt hàng, trong đó có văn học hài hước lãng mạn, như liều giải trí thích hợp hơn bao giờ hết. Đó chính là quyền lực của chúng khi đem so sánh với các dòng “nghiêm túc” hơn.


N.T.Q


+ Nhật ký tiểu thư Jones Tiểu thư Jones: Bên lề Lý trí đã xuất bản ở bốn mươi quốc gia (ở VN đã được NXB Trẻ dịch in cả hai tập) và bán trên 15 triệu bản. Nhật ký tiểu thư Jones là một trong 10 tiểu thuyết khắc họa nhân vật hay nhất thế kỷ 20, theo một cuộc thăm dò của báo The Guardian.


+ Một số tác giả khác có tên tuổi hơn, nhưng không kể đến ở đây như Susan Sontag, Anne Rice (Interview with a vampire), Annie Proulx (Brokeback Mountain) vv... vì không phải là dòng hài hước. Đây vẫn được xem như dòng văn "tinh tế" hơn. Có thể thấy là dòng hài hước có vẻ bị đánh giá thấp hơn các dòng khác.



+ Mọi người nếu có nhã hứng, tìm mua bộ Gossip Girl, tôi đã dịch 3 tập trong đó (từ tập 2 trở đi), hiện đã có bán. Tên chung cả bộ ở VN được Phương Nam Book lấy tên là Kiều nữ lắm chuyện.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm