Di căn của xe máy
Xe máy lẽ dĩ nhiên là phục vụ con người trước hết ở tốc độ. Theo đuổi mục đích ấy, các nhà thiết kế thường cố gắng cải thiện các yếu tố sao cho cái xe chạy nhanh hơn, tiện hơn. Hãy thử so sánh những chiếc xe thời xưa, Vespa hay Peugoet chẳng hạn, với xe thời nay. Ta sẽ thấy ngay: nếu xe thời xưa hình dáng cổ quái đến mấy cũng vẫn là hiền lành, khum khum hoặc bè bè, chứ xe ngày nay chuộng những kiểu “khí động học”, hầm hố hoặc bóng nhoáng hoặc gồ ghề, hoặc bọc kín mít vỏ nhựa hoặc khoe kết cấu khung giàn loằng ngoằng nhìn hoa cả mắt. Kể ra nếu là xe máy chạy đường cao tốc hay xe đua thể thao thì chắc cũng giúp tăng tốc nhanh, âm thanh gào rú ầm ĩ cũng chẳng ảnh hưởng gì đến dân tình, hình thù gớm ghê cũng triệt tiêu sự cản gió nhiều. Còn những cái xe đời mới ở đường phố Việt Nam ta thì ai cũng biết, chạy được tốc độ trên 40km/h đã là khó, vậy thì xét về khía cạnh thực dụng kiểu Việt Nam, cái sự hầm hố này cũng chẳng hiểu ích lợi gì.
Nhưng người Việt cũng lại sở trường về món giương đông kích tây. Con xe kềnh càng của anh ta khi có tem nhãn trưng ra vẻ thể thao hoặc giang hồ cộm cán, lúc này như một thứ khiên giáp vũ khí mang ám ảnh về khả năng uy hiếp thiên hạ. Nhìn con xe chẳng phải xe đua thể thao (mà thể thao thì xin mời hãy đua ở trường đua) nhưng cũng cố hết sức bạnh ra, phùng mang trợn má như sắp nổ đến nơi, mới đầu cũng long lanh ấn tượng, sau một thời gian cũng nhem nhuốc như bầy hà mã nhựa. Còn khi nó đi, cứ như thể là hễ có một tốc độ bình quân chung thì phải mọc mũi sủi tăm vài anh phóng xe khác người. Có hình dáng khủng bố rồi, ống xả kép, tiếng nổ bô to, đi đến đâu cũng không khác xe hộ đê giữa một đô thị đã đủ nhốn nháo, xe mới thị uy vẻ choáng lộn ông kễnh, xe cũ thì như sắp sửa lăn ra rạch mặt ăn vạ đến nơi.
Hãy xem một pha đâm nhau, nhẹ nhẹ thôi (ít nhất một người Việt Nam trong đời cũng gặp một lần):
- Đi kiểu gì thế? Mù à?
- Đ… gì. Đi sai không mở mồm ra xin lỗi còn chửi à?
- Mày… mày muốn cà khịa hả…
- Đồ con… đồ mặt… đồ đầu… đồ liếm…
Sau đấy thì có thể là quẳng xe ra giữa đường, mặc cho ùn tắc, cốt để dạy cho người va chạm với mình một bài học bằng vũ lực. Một lần trong đời cũng được làm diễn viên chính.
Tấm căn cước thời hiện đại này của người Việt Nam thể hiện hành vi cá nhân họ lẫn cả ẩn ức tâm lý của họ, điều mà những dấu vân tay không nói được.
Phương tiện thay đổi hành vi, việc cải thiện tốc độ của xe máy đã tác động đến thói quen lưu thông ghê gớm. Người ta hăm hở với kết quả ấn tượng của việc cải thiện này mà không muốn nghĩ đến việc cả vài triệu chiếc xe đổ ra đường cùng được cải thiện theo lối lạm dụng “giành đường nhanh nhất có thể”, khiến giao thông trở thành một cơn đua tranh nghẹt thở. Đi xe máy trên đường như thể người được tiêm thuốc tăng lực, biết điều độ thì không sao, chỉ cần có kẻ đi bên cạnh rồ ga vọt lên là những người còn lại như thể sốc thuốc, cũng mượn con xe mà giải tỏa ấm ức. Cái ấm ức của những kẻ nhỡ tàu trong cuộc đời, nay vớ được phương tiện bám đuổi để ve vuốt tự ái, dù chỉ là vượt qua ngã tư khi đèn đỏ hay kịp “cắt đuôi” đám xe lâu nhâu bần tiện chậm chạp phía sau.
Ám ảnh nhỡ tàu còn được làm đậm hơn khi xe máy đã thành “công dân hạng hai” so với ôtô riêng đang ngày một nhiều. Khi ấy, kẻ có tóc là những Mercedez, BMW hay Lexus đương nhiên sợ những con xe tạt đầu, sấn sổ, hầm hừ như sắp đâm vào mình đến nơi. Cái luật bất thành văn của giao thông đường phố là xe to hơn luôn có lỗi nặng hơn trong va chạm càng khiến cho bọn trọc đầu xe máy được thể thượng phong về lý ngay từ lúc khởi hành. Đám đi xe con luôn có một bầu bức xúc về tình trạng xe máy đi láo, không biết đến làn luồng gì, trẻ thì đi lối mất dậy, già thì đi kiểu ngu xuẩn. Nhưng vào cái thời xe-máy-mãn thế này, những con xe, hay chính xác hơn là mỗi người đi xe máy chất chứa một bầu không khí sôi sùng sục khi nhìn ra xã hội lúc nào cũng có người “sao lại giàu nhanh thế nhỉ”. Giàu với họ, là tốc độ cao về sự đổi đời, là bất động sản, là có bộ dạng no đủ bước ra từ một boutique shop với túi mua hàng lủng lẳng trên cổ tay, và dễ nhìn ra nhất là chiếc xe con bóng lộn nghễu nghện trên đường phố.
Trong một xã hội ám ảnh về giá trị đến mức chấp nhận làm sai lạc về phương tiện để cốt đạt mục đích, thì phương tiện giản dị như cái xe máy cũng có thể bị biến thành hung thần đường phố. Tất nhiên nếu đi sai thì người ta sẽ trông đợi vào công an, vào luật giao thông mà phạt, nhưng con xe ấy đã biến một tập thể người khi đi bộ cũng hiền lành như ai, hễ lên xe là tha hóa như thể thành người khác, dữ dằn có số má. Thay xe máy bằng ôtô chưa chắc đã hóa giải được tâm lý tập thể này, có khi còn có những phản ứng “hoành tráng” hơn. Xe máy sở dĩ khiến người ta thể hiện rõ hơn là vì sự lộ mặt của họ, cái cơ giới vẫn còn ở trạng thái bán thô sơ. Trên những đường phố Hà Nội hay Sài Gòn thi thoảng vẫn có những xế điên – những chiếc xe đắt tiền lao như muốn gấu ó với cả thành phố là ta cười xịt khói vào lũ đội mũ bảo hiểm bọn bay. Nhưng dù gì, ở kín trong một chiếc xe hơi có phần khác với cái kiểu vừa đi xe vừa co chân lên như ngồi xổm, hay là lái xe bằng chân, ôm dính nhau bốc đầu như làm xiếc, phần nhiều muốn cho thiên hạ lé mắt chơi, cho lũ xe hơi đắt tiền biết câu trả lời của giới hai bánh.
-------
Ảnh không liên quan đến xe máy, nhưng cũng thú vị và thời sự (lấy từ báo Thể thao 24h, ảnh của Tuấn Tú). Ông Chủ tịch VFF nói hớ khi phê phán CĐV Xi măng Hải Phòng quậy ở các trận trước. Trận này cũng có đốt pháo sáng. Kết quả là sau vụ treo băng rôn ở sân Lạch Tray này, XM HP lại phải đá sân nhà ở nơi khác.
--------
Chiếc xe máy được các nhà sản xuất quảng cáo tô đậm lên tính hợp lý của thiết kế - thì một khi đã là kinh doanh, thì cái gì người ta làm ra chả hợp lý! Hình như những điều quảng cáo ấy đã khiến cho người mua xe tin rằng mình đã đi một con xe chuẩn, và mình đi không bao giờ sai. Thì thời nay hơi bị hiếm người đi đường lỡ va chạm mà sẵn sàng nhận mình sai! Đến cả có bị công an tuýt còi, họ cũng không sẵn nhận lỗi, mà nì nèo bao lý do khách quan, không phải là biển cấm rẽ bị khuất thì cũng là chớm đèn đỏ em chưa kịp dừng…
Lỗi ở các nhà sản xuất đâu có bé! Họ cứ tằng tằng xuất ra thị trường mỗi mùa một mẫu, chất thêm ngọn lửa “có xe là có tất cả” cho nhiệt huyết người Việt đang dư thừa đến mức như chẳng biết đốt cháy vào đâu. Cứ xem quảng cáo trên TV hay trên báo thì rõ: có xe là tán được người đẹp, là trúng thưởng, là thành người lịch lãm, là đi cùng tốc độ thời đại. So với những phương tiện vật chất khác được người Việt xếp vào hàng “tài sản cố định”, thì xe máy là thứ dễ sắm nhất và dễ thay đổi nhất ngày nay. Cả một tài sản dễ bề xoay xỏa thế, thực sự là một cách luân chuyển giấc mơ khả thi. Trong cuộc đời tưởng biến động mà thực phẳng lặng này, khoe với nhau “tớ mới đổi xe” cũng là một niềm hưng phấn nhỏ nhoi, một ảo tưởng mơ hồ đầy hứa hẹn gây đột biến. Nhưng con xe mới hôm nào nền nã thế, nay đã sẵn sàng khuỳnh khoàng giữa ngã tư, gây sự với tất cả để vượt lên, thì thực là một di căn của liều thuốc tăng lực tinh thần được khuyến mại lúc mua xe.
Nguyễn Trương Quý
Nhận xét