Dưới bóng Orpheus
Cho đến giờ, khi hỏi người Hà Nội xem họ ngưỡng mộ công trình kiến trúc nào ở Hà Nội nhất, có lẽ phải 9/10 người nhắc đến Nhà hát Lớn. Từ khi được khánh thành ngót 100 năm qua, đây là nơi chứng kiến gần như tất cả mọi sự kiện lịch sử của Hà Nội, bởi lẽ vị trí đắc địa có một không hai của nó. 1/10 tần ngần không chọn còn lại kia, có lẽ vì vấn đề: công trình này của thực dân xây, mang phong cách cổ điển Pháp thế kỷ XIX áp đặt lên một đất nước thuộc địa.
Nhưng dù sắp tới có thêm Nhà hát Thăng Long do những KTS tài danh nhất thế giới hiện đại thiết kế và xây nên, thì Nhà hát Lớn Hà Nội dẫu cũ hơn, nhỏ hơn, vẫn là một mốc không gian đáng nhớ của người Hà Nội. Đám cưới, chụp ảnh ở trước Nhà hát Lớn. Uống cà phê, ngồi ngoài trời ở Highland coffee trong vườn Nhà hát Lớn. Ăn tiệc giá cắt cổ, chui vào nhà hàng Nineteen11 (nghĩa là 1911) ở tầng hầm Nhà hát Lớn. Mít tinh ca nhạc chào mừng, trước cửa Nhà hát Lớn. Đi từ Bờ Hồ ra một chút là thấy những ngả đường lớn dẫn về Nhà hát Lớn. Đây là công trình thay đổi tính chất di sản kiến trúc Hà Nội cho đến khi đó vẫn chủ yếu là nơi thờ tự tôn giáo. Nếu đình làng là nơi diễn ra những lễ hội văn nghệ làng xã, thì Nhà hát Lớn chính là điểm nhấn của lễ hội văn hóa Hà Nội. Nếu đi xem hát ở Nhà hát Lớn có hẳn những lệ bộ cầu kỳ theo kiểu phương Tây, đóng bộ lễ phục ngồi khoan thai trong ghế bọc nhung, thì cô gái xem chèo hội làng Đặng của Nguyễn Bính cũng phải sắm nắm từ hôm trước, cũng vẫn coi đó là một sự kiện quan trọng trong đời sống.
Ảnh hưởng to lớn đầu tiên của Nhà hát Lớn chính là hình thức kiến trúc của nó. So với các công trình kiểu Pháp khác ở Hà Nội thì nhà hát này lộng lẫy hơn hẳn. Ở một thành phố đã bị tàn phá vì nội chiến phân tranh, rồi mất địa vị kinh đô, những vàng son cũ đã mất dấu, “nền cũ lâu đài bóng tịch dương”, thì tòa Nhà hát Lớn bóng bẩy nhất xứ thuộc địa ngoài việc khẳng định uy thế cai trị của người Pháp còn là một sự thế vai cho vẻ đẹp quá khứ đã đứt đoạn. Người Việt đến lúc đó biết được một vẻ tráng lệ mang thẩm mỹ mới, khác với những cung điện đền đài chỉ còn trong những mô tả rất mơ hồ, những thứ còn lại gần như đã bị tàn tạ khi chế độ quân chủ chỉ còn là hư vị. Tất nhiên, nguyên lý thẩm mỹ mà Nhà hát Lớn đi theo có từ thời Hy Lạp – La Mã, vốn đề cao sự thanh thoát và tuân theo những tỉ lệ vàng được trau chuốt qua hàng thế kỷ nên không có gì khó hiểu là dễ chinh phục người lần đầu diện kiến. Những trang trí trên mái như bay lên, hàng cột Ionic có tai cuốn ở mũ cột, chân cột giả đá đường bệ, cùng bậc thềm nhiều cấp bằng đá hoa cương tiếp nối một quảng trường rộng gợi nên một điểm đến của một thánh đường. Cho đến nay, việc rất nhiều nhà dân vẫn sao chép lại hình thức của Nhà hát Lớn phản ánh sự chinh phục tự nhiên của nó đến thẩm mỹ cư dân cho dù họ chưa từng sử dụng chức năng bên trong của nhà hát. Tâm lý mượn một cái vỏ rồi tự tổ chức không gian sinh hoạt bên trong có phần thừa kế tập quán cất một nóc nhà năm gian có cùng cấu trúc với đình, chùa (hoặc ngược lại) mà không gian nội thất thì quy định không mấy chặt chẽ. Vì thế, với người Việt thời nay, khi những kiến trúc hiện đại đang có ở Hà Nội chưa đủ sức chinh phục, họ đương nhiên chọn công trình đã được thừa nhận là Nhà hát Lớn để làm hình mẫu cho nơi cư trú văn minh của mình.
Nhưng ưu thế kiến trúc chỉ là một phần. Những công trình như Phủ Chủ tịch hay Nhà khách chính phủ cũng lộng lẫy và diêm dúa, nhưng chúng là những đại diện của quyền lực và xa cách với tâm lý bình dân để họ ngưỡng vọng. Là một công trình văn hóa, tự thân Nhà hát đã có sức hấp dẫn về tính thẩm mỹ của những hoạt động “văn minh”. Tuy là một sự áp đặt ngoại lai, nhưng bản chất tiến bộ của văn hóa đã khiến cho Nhà hát Lớn thành gần gũi hơn và nhập cuộc êm ả vào cảnh quan Hà Nội qua tâm lý cộng đồng. Những năm tháng mới giành được độc lập, đây là nơi diễn ra các kỳ họp Quốc hội đầu tiên, rồi chứng kiến những thăng trầm của thành phố chiến tranh. Sau khi được tu sửa lớn vào năm 1997 để phục vụ cho Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ, Nhà hát Lớn là địa điểm đắt giá số 1 để biểu diễn nghệ thuật và trở thành chuẩn mực bất thành văn cho các nhà hát khác dù theo phong cách tân thời hơn.
Nhà hát Lớn dẫu là dấu vết hậu kỳ của chủ nghĩa cổ điển, không mang yếu tố sáng tạo thời đại, nhưng cùng hệ thống công trình và quy hoạch của người Pháp, đã để lại vết hằn trong tâm lý người Hà Nội. Nó là mặt kia của tấm bưu thiếp xinh xẻo về một thành phố thuộc địa đã có một mặt là những hình ảnh kiến trúc cổ và khu 36 phố phường của người Việt. Có thể nói sau Nhà hát Lớn, Hà Nội vẫn đi tìm cho mình một công trình có tính biểu tượng vừa cao sang vừa gần gũi như vậy. Quan trọng hơn, người ta luôn so sánh với sự hoàn hảo của công trình, nhất quán về hình thức và công năng như Nhà hát Lớn. Thể loại nhạc kịch opera ra đời vào cuối thế kỷ 16, là bộ mặt phồn vinh vương giả của tầng lớp quý tộc châu Âu, đặt trong những nhà hát có thiết kế đặc biệt để cộng hưởng âm thanh tự nhiên. Những công trình này lại mang thẩm mỹ trau chuốt của kiến trúc cổ điển, tương hợp với lối sống, quần áo và nhịp điệu của giai cấp thượng lưu, lại được giai cấp tư sản tiếp thu và chăm chút. Những nhà hát và cung văn hóa sau này ở Hà Nội đã không có được may mắn đó, vì bản chất “động” của các trào lưu kiến trúc-xã hội hiện đại luôn phủ định cái đi trước. Nhà hát Lớn mãi ngưng đọng lại giá trị cũ xưa đó, như một vẻ đẹp cuối mùa và xa lạ ở một xứ vốn không có mấy thứ vật chất tồn tại vĩnh cửu.
Trong cơn sốt đô thị hóa, ngả đường nào của Hà Nội cũng đông đặc người đi tìm kiếm một không gian cho mình. Nhà hát Lớn trở thành một không gian cho nhiều người, một điểm hẹn chung có xu hướng bình dân hóa. Không chỉ có các danh ca opera mới được trình diễn trong nhà hát, mà còn có cả những chương trình tấu hài và “nhạc vàng” như Tuấn Vũ diễn tới 7 đêm liền. Nhà hát Lớn là tập hợp của nhiều âm thanh. Có một thời, trong chiến tranh, trên nóc Nhà hát có chiếc còi báo động tỏa ra tám hướng. Bên trong là biểu tượng cây đàn lyre Orpheus nhũ vàng mới được sơn lại từ khi phục chế năm 1997. Còn bên ngoài, nơi bậc thềm nhà hát, hàng đêm vẫn thấy lũ lượt giới trẻ ngồi bệt tán gẫu dưới bóng đôi cánh của đôi sư tử trên nóc (biểu tượng của Nhà hát Lớn), nhìn ngắm quảng trường ngã sáu trước mặt. Đó là điều mà gần trăm năm trước, không ai có thể tưởng tượng được.
Nguyễn Trương Quý
Bài này viết cho mục Góc Hà Nội của báo Phụ Nữ TP.HCM theo đặt hàng của bạn Quỳnh Hương. Ảnh lấy trên internet.
Nhận xét