Mặt gương chiếu hậu

Nói đến hồ Hà Nội, ai cũng nhắc Hồ Gươm, Hồ Tây, Hồ Trúc Bạch, những hồ nổi tiếng vì nhiều lẽ, cả cảnh quan lẫn thi ca tán tụng. Những cái hồ khác, giá kể ở địa phương khác thì cũng đáng hoa hậu, nhưng ở Hà Nội chỉ lọt trong top vào ứng xử. Một cái hồ ở trung tâm, không đến nỗi bé nhưng quả thực làng nhàng như thế, ấy là hồ Thiền Quang, từng được gọi theo tên cũ của phố Nguyễn Du ở bờ Bắc là Hale (Halais là tên vị đốc lý thời Pháp).

Hồ Thiền Quang chính ra cũng xinh xắn, rộng 5 hecta, bao quanh bởi bốn con phố cũng đẹp và nổi tiếng. Phố Nguyễn Du, Quang Trung là hai phố đi vào thơ nhạc với “những đêm hoa sữa thơm nồng” (lời ca khúc Nhớ về Hà Nội của Hoàng Hiệp). Còn hai phố kia cũng lắm cây xanh: Trần Bình Trọng và Trần Nhân Tông. Quanh hồ là những vườn hoa nho nhỏ, cùng với công viên Thống Nhất bên kia phố Trần Nhân Tông và hồ Bảy Mẫu trong công viên làm thành một khu vực xanh nhất nhì Hà Nội. Vấn đề là nếu Hồ Gươm có nhiều điểm nhấn để người ta níu mắt vào ngắm thì hồ Thiền Quang chẳng có cái nào, cũng có nhà thủy tạ nhưng không xấu không đẹp, cũng có biệt thự nhưng toàn nấp kỹ sau những vòm cây. Có hai tòa tháp nhưng cũng buồn tẻ. Vì thế ra hồ Thiền Quang là để ngắm… người.

Có nhiều cách ngắm. Ở phía Bắc hồ, bên kia phố Nguyễn Du là một dãy những quán cà phê bình dân, khách đại bộ phận là giới tre trẻ, trong ngoài ba mươi. Tại sao lại chủ yếu lứa tuổi này thì có lẽ trong đầu người Hà Nội, chỉ có hò hẹn, tán tỉnh và tăm tia nhau thì mới ra đấy. La liệt trên các cái ghế thấp bằng mây hoặc ghế nhựa xanh đỏ là những đám thanh niên mặt mày trầm tư như khung cảnh xung quanh. Còn người già chọn phương án đi bộ vòng quanh tập thể dục. Quang cảnh đúng như mô hình: trẻ uống trà, già thể dục. Sáng sớm và cuối chiều là những lúc quanh hồ Thiền Quang thành một không gian tấp nập người qua kẻ lại với đủ mục đích.

Nhưng điều làm hồ Thiền Quang nổi tiếng hơn là việc nó thành nơi hò hẹn lý tưởng những khi đêm xuống. Những ngọn đèn đường mờ tỏ trong các tán lá, tình trạng không gian vừa thoáng vừa kín, gốc cây này cách gốc cây kia vài sải tay, trở thành nơi tiện lợi cho những mối tình cần bóng tối làm đồng minh.

Thế là hồ Thiền Quang trở thành một điểm hẹn “gợi tình” nhất Hà Nội, có lẽ nhờ vẻ trung tính không quá cổ kính của nó. Giả sử so sánh Hồ Gươm như một cô chuyên mặc áo dài nền nã đứng quanh những gốc liễu, thì hồ Thiền Quang tựa như một cô mặc áo hai dây đi vắt vẻo giữa những gốc xà cừ u nần, quanh các bồn hoa toàn những loại hoa tầm tầm như vạn thọ, bươm bướm. Cái sự tầm tầm của hồ Thiền Quang sinh ra từ vị trí địa lý của nó trong nội thành Hà Nội cũ và ngay từ cái tên Tây vẫn còn được phổ biến rất suồng sã. Với vị trí ở giáp ranh hai quận trung tâm Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng, nhiều con phố nhỏ ăn ra, xung quanh chủ yếu trụ sở các cơ quan biệt lập và quán cà phê, lại có công viên bên cạnh dễ bề lẩn khuất ra vào, thì hồ Thiền Quang tự nhiên hóa thành nơi đi về của những người thân vạc ăn đêm, những người đi trông người bệnh, những kẻ kiếm chỗ ngả lưng chờ trời sáng.

Hai chục năm trước, bến xe Kim Liên còn ở chỗ đầu phố Trần Nhân Tông, chỉ cách hồ có hai trăm mét. Thế là những cái ghế đá và những bụi bờ quanh hồ thành nơi tá túc của những kẻ nhỡ độ đường, mũ cối cùng tay nải làm bạn với giỏ nước chè. Nay thì bến xe thay bằng khách sạn năm sao Nikko, hồ Thiền Quang cũng được cải tạo đỡ nhem nhuốc hơn, la liệt quán cà phê, có cả thuyền con vịt, nhưng nó vẫn chưa thành cái hồ sang. Mục tiêu ngắm người ở trên phải nói lại cho rõ, ngắm người ở đây là ngắm một cuộc sống xoay vần đủ vẻ, không có cảnh quần là áo lượt chụp ảnh ăn kem, cũng không có xúm đông xúm đỏ xem rùa nổi. Nó là một cái mặt gương vô cùng thản nhiên như mặt người hàng phố.

Khuôn mặt thản nhiên ấy chứng kiến hồ từng là tụ điểm tiêm chích ma túy, rồi cũng chẳng có gì ghê gớm những “phiên chợ tình” diễu qua diễu lại những năm trước. Thi thoảng thì đi qua hồ những lúc tối, thấy có tay đứng vạch bẹn ngay mép hồ, cắm kim tiêm vào ven, xong rồi vứt xuống hồ và thản nhiên vật ra, hoặc lững thững cài khuy quần đi tiếp. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng từng chụp được cả một bộ ảnh người tiêm chích như thế mà triển lãm. Nhưng nhìn chung, hồ Thiền Quang cũng không đến nỗi tăm tối đáng sợ. Ánh đèn đường vàng vàng, mấy cái biển hộp có nội dung chào mừng Thăng Long nghìn năm cũng làm cho bóng tối quanh hồ trở nên huyền ảo và thoạt nhìn cũng cảm giác khá thân thiện. Bây giờ người ta hẹn hò cũng cởi mở hơn xưa trong một Hà Nội đã đông đến mức dễ lạc mất nhau, không còn sợ người quen bắt gặp nữa.

Mà những cánh vạc bay ấy cũng biết nhìn người mà đậu lại chứ không phải cứ thấy ai đi qua cũng nhảy xổ ra chào mời. Có khi họ đứng vẩn vơ như vô tình chờ hẹn. Có khi đi qua một gốc cây thấy mùi nước hoa sực lên, ngoái đầu lại thì thấy ba anh chàng ngồi bên một quán nước lưu động, chẳng thấy bóng hồng nào! Mặc cho quanh đó là những trụ sở của nhiều đơn vị ngành công an, từ Bộ Công An, Công an hình sự Hà Nội đến Công an phường Nguyễn Du, những anh chị em đứng đường vẫn thừa cơ xuất quỷ nhập thần quanh những con đường gợi tình bậc nhất Hà Nội này. Không chỉ giới hạn quanh bốn con đường bao quanh hồ, mà còn được cho là lan sang các phố lân cận, và bước thẳng lên báo như một câu chuyện nóng hổi về đời sống “thác loạn” của giới đồng tính luyến ái. Cứ xét theo độ nóng của báo chí thì hồ Thiền Quang chỉ còn thiếu mở show chuyển giới là giống khu đèn đỏ Patpong bên Thái Lan rồi. Trong khi bình tĩnh mà dạo bước thì thấy người ta đánh cầu lông, chạy bộ, chị công nhân vệ sinh ngồi uống nước giải lao, sinh viên nghèo ngồi cấu véo nhau, bình thường như cân đường hộp sữa. Những đối tượng kia nhấm nháy nhau ở đây thôi chứ họ cũng phải tìm những nhà nghỉ mạn Vân Hồ hay Khâm Thiên gần đó mà hoàn thành thủ tục cho khuất mắt thiên hạ.

Mà xét cho cùng, những anh chị em hành nghề phấn hương cũng biết chọn chỗ. Nguyễn Du được đặt tên cho phố quanh hồ, chắc cũng gật đầu đồng tình khi các hậu sinh của Kiều biết đánh đường tìm tiếng qua lại chỗ này. Biết đâu, ở cõi nào đó, ông đang còn cười khóc với số phận của họ như hơn hai trăm năm trước, ông từng lo ai người khóc mình.

Hồ Thiền Quang quanh đi quẩn lại cũng có những vụ như tự tử, chết đuối, vớt được đầu lâu trẻ con… như bao cái hồ khác. Không được cầu kỳ màu mè như hồ Gươm hay bát ngát như hồ Tây, nó chỉ là một tấm gương chiếu hậu trần tục của một đời sống Hà Nội bình thản hơn.

Nguyễn Trương Quý

(Báo Phụ nữ TP.HCM 27.9.2010)

Nhận xét

Titi đã nói…
Rất hay Q ạ. Những quan sát chi tiết và được diễn đạt dung dị nhưng chẳng kém phần xót xa. Chị thích ngồi cà phê Nguyễn Du và nhà Văn hóa trên hồ Thiền QUang lắm. Lại thích đi dạo quanh hồ nữa. Cơ mờ chỉ đi dạo được ban ngày thôi, ban tối thơ mộng nhất lại chẳng thể vì mấy cái vụ kia. Hic...chán thật!
Nguyễn Trương Quý đã nói…
Không sao đâu chị Hương, chị cứ đi đại đi :-) Buổi tối cũng như ở một cái hồ bình thường thôi mà. Biết đâu chị lại có cơ hội làm quen với một số nhân vật đặc biệt của HN cũng nên, buổi tối mới đến suất diễn của họ ^^
lvu đã nói…
Cafe thì không dám ngồi vì đoạn đường Nguyễn Du ấy quá nhiều xe, lúc nào cũng loạn xì ngầu lên. Nhưng mà tôi vẫn nhớ mấy cây hoa sữa cổ thụ ở đoạn đường này, mùa này chắc thơm bát ngát.
Titi đã nói…
Oài, ra đó là để tìm yên tĩnh và lãng mạn, những nhân vật kia sẽ làm mình nghĩ về cái khác mất, bạn Q ơi :-P

@Lừng: trời ơi! Cả HN đang thơm nức , trời mát lạnh nên tất cả càng gợi cảm bạn Lừng ơi :-D

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm