Mộng giữa bình thường (DFS 9)
Năm nay mình không đi xem Đẹp Fashion Show, vì thế không review được gì. DFS là một cái show cũng chẳng xác định được rõ ranh giới, nhưng nó là show có cái để xem thật sự mà không diễn lần 2. Ờ thì có thể ai chăm đi xem thời trang thì thuộc cách Hà Anh giơ tay lên khoe nách hay Tiến Đoàn vạch thắt lưng sao mà giống cái ảnh vạch sịp... Nhưng đi xem thì ngồi cũng xa xa, với lại âm thanh ánh sáng rồi người mẫu đi rầm rập, thấy thì thấy chứ cũng chẳng phản cảm gì :-) Tóm lại, người xưa bảo giai nhân nan tái đắc, cứ đi xem show này thì nhìn thấy họ dền dền. Biết chị X sẽ đá chân kiểu ấy, anh Y sẽ nhe răng ra cười đố biết cười với đại gia nào trên các hàng VIP hay là kịch bản bắt thế.
Đăng lại bài năm ngoái, nhân xem VN's Next Top Model :-). Hãy nghiêm túc với mọi thứ, phù phiếm có ở mọi nơi, ngay cả những trò ngoại giao hay luật thi ca. Ai bảo các nghị sĩ không mộng tưởng? Mỗi đêm khuya không uống một vầng trăng :-)) (cảm ơn Chế Lan Viên). À mà cái tên bài này lấy ra nhân dịp con bác Huy Cận đáo tụng đình, vì HC viết mấy chữ ấy trong bài Ngậm ngùi mà ai cũng biết. Trích dẫn cũng là một sự phù phiếm... ^^
MỘNG GIỮA BÌNH THƯỜNG
Hà Nội mùa thu năm 2010 là một thời điểm sau này sẽ
còn khiến mọi người nhớ. Nhớ những ngày đại lễ kỷ niệm 1000 năm đông đúc đến buồn
cười. Hà Nội chợt lộn xộn, nhịp sống bình thường xáo động lên bởi những sửa
sang, chăng đèn kết hoa, vài sự cố trong việc kỷ niệm. Nhưng mùa thu năm nay đẹp
và kéo dài, điều chưa chắc ta đã nhớ. Rút cục thì cái đẹp của Hà Nội là những
gì bền bỉ năm nay qua năm khác, những thứ đi vào nhịp sống như gió heo may đến
hẹn lại về. Ta sẽ quên khi cái rét tái tê trở lại, và chỉ nhớ đến khi đã hưởng
trọn mùa hè bức bối.
Mùa thu đến thì người ta nhớ đến việc phải mặc ấm
hơn. Đi qua đường Phan Đình Phùng, những chiếc lá sấu vàng rơi ràn rạt. Những
cô gái lâm vào cảnh trên đông dưới hè: cổ vắt chiếc khăn hững hờ trên chiếc áo
sợi dệt bó sát, dưới là váy ngắn khoe đùi dài, chân ra sức dận trên đôi bốt da
cao gót. Thế là mùa mốt đã về. Đường phố Hà Nội lại thành catwalk Thu-Đông rồi.
Người ta cũng nhớ tới một sự kiện thường niên có tên
là Đẹp Fashion show vào lúc trời se lạnh như thế. Gần mười năm rồi, chương
trình này đã thành ra như kiểu Tuần Thời trang hay những event trứ danh ở New
York, Paris, Milan. Hà Nội vẫn hồn nhiên sống với các loại mốt, và nơi này thật
đắc địa cho mốt vì thời tiết đỏng đảnh. Mùa hè nóng đến mức thiếu điều chị em mặc
bikini phóng xe máy ra đường (sợ nắng cháy da thì khoác poncho kiểu Mexico – ý
tôi muốn chỉ những loại áo chống nắng chống bụi tùm hụp, vật bất ly thân của chị
em thành thị chưa có điều kiện sắm xe hơi). Mùa đông rét mướt đến mức khoác cả
áo lông chống tuyết vẫn chưa đủ ấm. Cũng dọc những phố phường Hà Nội, hai loại
cửa hiệu phổ biến nhất là quán ăn và hiệu quần áo. Người ta sẽ thắc mắc: bán lắm
quần áo thế thì mặc để đi đâu? – Đi dự Đẹp Fashion show chẳng hạn.
Có đến cái show ấy lần thứ 9 ở một nơi xa như Garden
Mall Mỹ Đình mới thấy thiên hạ mê thời trang. Cho dù kinh tế năm nay rất khó
khăn, ngày nào thông tin giá vàng giá đô cũng quần đảo các trang tin, giá hàng
tiêu dùng tăng rền rền hàng tuần, vẫn còn đó một không gian cho lụa là, trang sức,
son phấn. Cái tên chương trình là “Dreaming” (Mơ) ngẫu nhiên mà lại thể hiện một
điều dường như đang ngự trị tâm lý chung. Xem một show thời trang có tính sắp đặt
thế này cũng là một cách người ta mơ mộng, đắm chìm trong một tối lộng lẫy, tạm
rời khỏi một thực tại bụi bặm đến ngột ngạt.
Garden Mall đông nghẹt những người đẹp cần nơi để
cho người khác ngưỡng mộ (có khi chủ yếu là toàn cánh phó nháy), những doanh
nhân cần chỗ để giao lưu vài chuyện bâng quơ có khả năng dắt mối làm ăn lớn (có
khi kết quả chỉ là những số liên lạc của các người đẹp!). Thật khéo không có sự
kiện nào lại đông tay máy ảnh như ở đây. Hai mươi năm trước, nhà thơ nổi bật giữa
đám đông. Mười năm trước, nhà văn đi đâu cũng dễ bị nhận diện. Bây giờ, là thời
của nhiếp ảnh gia. Không có họ thì không có sự kiện. Báo chí chết trước, các
nhà tổ chức chết theo sau. Vì thế, các nhiếp ảnh gia ghi dấu ấn không chỉ ở thảm
đỏ đại sảnh, ở cái phông chi chít logo nhà tài trợ, nơi họ điên cuồng bấm máy
chộp các gương mặt người nổi tiếng, mà họ còn ghi dấu ở chương trình. Những hậu
cảnh chiếu lên trong chương trình mang đậm tính nhiếp ảnh. Những bộ trang phục
dù thì gì cũng tựa như những bức ảnh được phóng lên ba chiều.
Dường như để phá vỡ tính chất dẹt của hình ảnh thời
trang đó, đạo diễn Lê Vũ Long đã dùng hình thức xử lý chiều thứ ba mới: từ trên
cao xuống. Những diễn viên nhào lộn đu mình trên dây thả từ trên khoảng thông tầng
của không gian biểu diễn. Tất nhiên những “mã” ý tưởng không khó luận ra: những
con người quằn quại, mê đắm, thức giấc từ những cái kén trắng. Khán giả ngửa cổ
nhìn những hình nhân như bay liệng trên đầu mình, hồi hộp chờ điều gì trong
“mơ”. Cái hay của mơ là không ai dự tính được, và cũng không cố mơ được theo ý
muốn. Có cố lúc bắt đầu nhắm mắt thì lại đi nẻo nào mất lúc về sau.
Vẻ cổ điển là nét nổi bật của ĐFS lần này. Tính chỉn
chu và tinh tế nhiều hơn là sự phá cách và trình diễn. Dường như ở vào một lúc
khác, một nơi khác, như vậy có vẻ quá an toàn. Nhưng đặc điểm ấy chứng tỏ một sự
tự tin, một sự trưởng thành. Từ bộ sưu tập “Mơ” của Hoàng Ngân, với gam màu
xanh và ôliu lịch lãm, như một dẫn nhập từ tốn, đến bộ sưu tập “Thế giới siêu
tưởng” của Kelly Bùi, với gam màu đen và dát vàng dữ dội trong tiếng trống thúc
như vó ngựa hoang, là một cuộc chu du đầy bất ngờ. Giống như khi ta mơ, ta bị
rượt đuổi, chạy mãi và chỉ dừng lại khi hụt chân. Tỉnh dậy ta thấy mình hóa ra
đạp mất gối chăn. “Thế giới siêu tưởng” với những đôi giầy đế cao không gót mô
phỏng vó ngựa, những chiếc áo dạng đua môtô, quần phồng túm ở dưới như những
tay thảo khấu sa mạc, cùng những mái tóc kỳ dị như bờm ngựa, có khi còn lắc lư
thêm cái đuôi, vừa giống những nữ chiến binh cổ đại, vừa giống những sinh vật kỳ
dị chỉ có trong mơ, thực là một cú đạp trong cơn mơ khiến ta sực tỉnh, tỉnh rồi
vẫn ngơ ngác và tiếc nuối vì đã hết.
Những “con ma ngủ” (chữ trong thơ Nguyễn Vĩnh Tiến)
lại xuất hiện: những hình nhân từ trên không trung lại nhào lộn, tiếng nhạc âm
u của Trí Minh như dọn dường cho cơn mơ tiếp tục. “Câu chuyện kể” của Lưu Anh
Tuấn với những kiều nữ tóc cột dựng như cọc khiến họ cao hẳn lên, những chiếc
váy ngắn có cổ Tàu cùng những hoa văn hình rồng, mây nước, trên nền gấm, tơ sồi,
da thuộc, len với những màu sắc cổ điển: xanh lam, đen, đỏ, tím, vàng son, lục.
Tôi còn nhớ ấn tượng về những bộ tiểu thuyết Trung Hoa, những câu chữ vừa ước lệ
mà lại chi tiết đến nỗi xem những bộ phim làm theo mà hay thì à lên sao mà giống
hình dung vậy. Những câu chuyện kể được hiển thị bằng hình ảnh bằng thời trang
thì giống mà cũng lại phải có khoảng mở. Cái hay của nghệ thuật lấy ảnh hưởng
chất liệu cổ là vậy: vừa là nó mà lại không thể dừng ở mức y sì như nó – những
nguyên mẫu đã thành bảo tàng.
"Du mục" là chủ đề bộ sưu tập của nhà thiết
kế người Đức Julianne Kunze được lấy cảm hứng từ hình ảnh người Digan, vũ công
Flamenco và đấu sĩ bò tót. Những hình ảnh mà chúng ta vẫn quen thuộc về họ thực
ra toàn như kiểu postcard, những bức ảnh dẹt. Làm sao để những hình ảnh ấy thực
sự có cuộc tái hiện gợi nhớ mà bay bổng, cũng như chúng ta mơ bao giờ cũng muốn
mơ khác thường. Chứ mơ mà như cuộc sống thường nhật tẻ nhạt thì buồn. Trốn cái
thường để rồi gặp nó, thì gặp ác mộng có khi còn thú hơn. Bộ sưu tập lịch lãm,
có tính ứng dụng cao, mang một cảm giác tươi mát của thảo nguyên, của bụi bặm
giang hồ, của màu đỏ man dại trên chiếc quần ngắn ống, trên đôi môi mọng của Hà
Anh, của chiếc váy màu tím phớt rất lạ kiểu Flamenco mà Hoàng Yến mặc, và những
bông hoa đầy vẻ hippy như lời bát hát xưa: Nếu
bạn tới San Francisco, hãy nhớ cài vài bông hoa lên mái tóc…
Bonus vào giờ chót của ĐFS 9 là bộ sưu tập “Mây” của
Đỗ Mạnh Cường. Màn trình diễn cho “Mây” có vẻ trở về phong cách cầu kỳ quen thuộc
của những kỳ ĐFS trước: một màn ngã, một màn lăn tròn trên đường diễn. Những
cái vươn tay ngạo nghễ, những điệu bộ đầy tính kịch, tương phản với vẻ bồng bềnh
nhẹ nhõm của màu trắng trên những chất liệu mỏng, nhẹ, những lớp vải may xếp lớp
như bung ra. Khi đã ở mức “thể hiện” thì đã tỉnh táo lắm rồi. Cơn mơ đã hết.
Mơ mộng là một khía cạnh của lãng mạn. Ở một thành
phố ngày càng ít vẻ lãng mạn như Hà Nội, không có cách nào khác là phải tạo
sinh những giấc mộng mới. Giữa cái khô queo của đời thường, người ta vẫn đổ xô
đi xem phim kỳ ảo, vẫn sắm sanh quần áo đẹp. Hà Nội bụi bặm nham nhở vẫn còn những
ngày thu đẹp đẽ. Còn ta, mỗi ngày vẫn có
8 tiếng để ngủ, và nếu may mắn, thì ta có thể có giấc mơ đẹp mà khác thường.
N.T.Q
(TT&VH Đàn Ông 11.2010)
Nhận xét
Nhưng thấy HN lãng mạn chắc bởi tự lòng bạn ấy đã lãng mạn rồi.
Thích bài này, cũng bởi thích cái sự lãng mạn trong những liên tưởng của tác giả về thời trang, cảm giác chính những liên tưởng đó mới là “một cuộc chu du đầy bất ngờ”, và tất nhiên là thú vị