Cuộc đời không đến nỗi tồi...
26
năm sau khi ra đời tại Mỹ, tiểu thuyết Forrest
Gump đến nay mới vừa được dịch và phát hành ở VN, hoàn chỉnh thêm đời sống
của bộ phim chuyển thể đã “nằm lòng” với khán giả VN yêu điện ảnh.
Hollywood là bậc thầy về tạo ra tuyên ngôn, và các
phim càng nhiều tuyên ngôn, nhiều câu thoại được trích dẫn thì càng chứng tỏ
giá trị của chúng trong các danh sách phim hay nhất. Chuyển thể từ tiểu thuyết
cùng tên in tám năm trước đó của nhà văn cựu binh Winston Groom, bộ phim Forrest Gump ra đời năm 1994 có đủ một tập
hợp những tuyên ngôn và thông điệp khiến khán giả sau hai thập niên vẫn tìm tới
như lời giải thích về mục đích sống của mỗi người.
Nhưng bộ phim lớn không chỉ vì có nhiều tuyên ngôn
hay ho. Forrest Gump đã đề cập đến vấn
đề muôn thuở của kiếp nhân sinh: chúng ta từ đâu tới, chúng ta làm gì và chúng
ta đi về đâu? Thừa hưởng cái tên của ông tướng thời Nội chiến đẻ ra phong trào phân
biệt chủng tộc Klu Klux Klan, Forrest Gump sinh ra với chỉ số thông minh của
“thằng đần” nhưng mẹ cậu bé luôn đấu tranh cho con mình có được nền giáo dục
công bằng nhất. Người mẹ tuyệt vời này luôn dạy con khi cậu bé bị chúng bạn
trêu chọc: “con không có gì khác biệt hết”. Và hễ ai cật vấn “Sao mày ngu vậy”
thì Gump có câu trả lời mẹ dặn: “Người ta chỉ ngu khi làm trò ngu.”
Cuộc đời của
anh chàng này xét ra không khôn gì, toàn làm những việc chỉ đâu đánh đấy, có
chút may mắn kiểu Trạng Lợn của Việt Nam, nhưng Gump đã tồn tại hồn nhiên như
hình tượng chiếc lông chim bay lửng lơ đậu lên chỗ anh chàng ngồi đợi xe buýt.
Điều này tương phản với cuộc đời của những người xung quanh Gump, thừa mứa nỗi buồn
từ sự bất ổn chính trị và cuộc chiến tranh Việt Nam suốt mấy thập niên. Cô bạn
gái Jenny ước mình có cánh bay như chim, tham gia phong trào phản chiến nhưng rồi
đã mỏi cánh với cuộc mưu sinh sau khi đổ vỡ lý tưởng. Mỗi số phận trong phim là
một câu trả lời về sự tồn tại, tin ở các giáo lý, luật lệ, mệnh lệnh hay chính
mình?
Trên lộ trình đưa ra các đáp án, bộ phim cũng kịp lấy
ngay những câu chuyện thời cuộc để nói về “chúng ta làm gì” của những thanh
niên Mỹ khi phải tham chiến. Người bạn Bubba trước khi chết vì bị thương ở Việt
Nam đã đau xót hỏi Gump: “Tại sao chuyện này lại xảy ra?” Cuộc chiến tranh ở Việt
Nam trên phim được khắc họa đậm nét hơn so với tiểu thuyết phần nào cho thấy cuộc
chiến hằn dấu ấn đậm nét trong truyền thông nước Mỹ đến mức nhà làm phim đã gạt
bớt các chuyện phiêu lưu khác như bay vào vũ trụ, đóng phim, đấu vật, tranh cử
nghị viện… trong truyện để dành đất cho Gump và các bạn của chàng ta đối diện
câu hỏi: “đi về đâu?” Đây chính là sự khác biệt lớn giữa phim và truyện khi nhà
văn để nhân vật tiếp tục phiêu lưu.
Các nhân vật của phim có vẻ hành động logic với hiện
thực hơn nhưng cũng buông xuôi theo thời hơn. Phim vừa có vẻ khẳng định thắng lợi
của triết lý Tin Lành Max Weber (Gump phải đổ máu, mất mát và lao động cật lực
để giàu có), vừa có màu sắc hư vô (“cuộc đời như một hộp kẹo, bạn không thể biết
mình sẽ chọn được cái nào”). Truyện làm rõ hơn tinh thần không thúc thủ trước
hoàn cảnh của Gump và bè bạn của chàng ta, hết keo này đến keo khác khiến người
đọc phải mê say và nghĩ “ờ, cuộc đời này quả không đến nỗi tồi để sống.”
Cả phim và truyện đều giữ một hình ảnh Forrest Gump
khờ nhưng nhân hậu, luôn đối xử tốt với mọi người xung quanh mà không toan
tính. Bút pháp cường điệu hài hước của hai tác phẩm đã khiến chàng khờ Gump
không còn là thằng ngốc nạn nhân kiểu Dostoevski, mà là người còn lại sau rốt để
thanh thản kể câu chuyện đời mình, đầy nụ cười và niềm phấn khích bất tận.
HUYỀN GIANG
* Sách do NXB Trẻ ấn hành năm 2012, Ngọc Trà dịch.
Tiểu thuyết đã bán được hơn 1,7 triệu bản tiếng Anh trên khắp thế giới. Bộ phim
cùng tên đã giành 6 giải Oscar, trong đó có giải phim hay nhất năm 1995.
Nhận xét