Forrest Gump bay vào vũ trụ

Tiểu thuyết Forrest Gump của Winston Groom in năm 1986 thoạt tiên không phải là cuốn sách ăn khách cho đến khi bộ phim chuyển thể ra đời năm 1994 với ngôi sao Tom Hanks. Theo một thống kê, trước khi có bộ phim này thì cuốn sách đã được bán 30.000 bản, và khi Forrest Gump qua mặt rất nhiều bộ phim xuất sắc cùng năm để giành giải Oscar phim hay nhất, đã có 1,7 triệu bản sách được bán trên khắp thế giới. Còn bộ phim đã xếp thứ tư trong các bộ phim có doanh thu lớn nhất mọi thời đại cho đến thời điểm đó. Năm 2011, Thư viện Quốc hội Mỹ đã chọn Forrest Gump vào danh sách bảo tồn của Cơ quan Lưu trữ Phim ảnh Quốc gia vì “có ý nghĩa về mặt văn hóa, lịch sử và mỹ học.”

Winston Groom là một cựu binh thời chiến tranh ở Việt Nam, sau khi trở về, ông làm phóng viên và chuyển sang viết tiểu thuyết năm 32 tuổi và đã gặt hái được nhiều thành công. Cuốn tiểu thuyết Conversations with the Enemy (1982) [Trò chuyện với kẻ thù] với chủ đề cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam đã lọt vào chung kết giải Pulitzer năm 1983. Năm 1985, Groom quay về thị trấn quê hương Mobile và bắt đầu viết Forrest Gump. Cuốn sách đã trở thành dấu mốc cho sự nghiệp sáng tác của ông.

Nhân vật Forrest Gump đã được Groom xây dựng như một người “tự kỷ bác học”, đã có những thay đổi khi được chuyển thể trên màn ảnh Hollywood. Sự khác biệt ở hình tượng Forrest Gump giữa truyện và phim dường như là nhà văn chủ ý xây dựng một nhân vật phản anh hùng, trong khi các nhà làm phim Hollywood thực hiện theo hướng ngược lại, người hùng kiểu mới có kết cục thành công có màu sắc Giấc mơ Mỹ. Truyện và phim đều đã gây nên những cuộc tranh luận về khía cạnh chính trị và tính biểu tượng của nhân vật Gump cũng như mối quan hệ với xã hội của chàng ngốc có chỉ số IQ (chỉ số thông minh) chỉ có 75 nhưng đã đi khắp nơi và gặp đủ loại người. Cuộc phiêu lưu của Forrest Gump suốt ba thập niên bao trùm lịch sử sau thế chiến II đã vẽ nên chân dung một nước Mỹ: Gump đã gặp 2 tổng thống Mỹ, lên tàu vũ trụ, đóng phim ở Hollywood, sang Trung Quốc và tham chiến ở Việt Nam mà không hiểu mình chiến đấu vì lẽ gì.

Cuốn sách với lối văn châm biếm ngầm qua góc nhìn ngây thơ của nhân vật chính đã góp phần đưa Forrest Gump đã trở thành một biểu tượng văn hóa mới của thập niên 1990. Gump là một chàng trai "ngốc" dễ thương, sẵn sàng cho người khác mà không mong đợi được đền đáp. Đó cũng là giá trị nhân văn nổi bật được chia sẻ nhất quán ở cả tác phẩm văn học và điện ảnh và khiến người đọc cũng như người xem mãi hâm mộ nhân vật này.

Sau đây là đoạn trích trong Forrest Gump, Ngọc Trà dịch. Sách phát hành tháng 7.2012, 343 trang, giá bìa 90k.





12

...

Họ cho tớ bay xuống Houston, Texas, một cái máy bay cũ to đùng chả có ai trong đó ngoài tớ và bác sĩ Duke, nhưng đấy là một chuyến đi dễ chịu ngoại trừ việc họ xích tay và chân tớ vào ghế.

“Này Forrest.” Bác sĩ Duke nói, “vấn đề là như thế này. Ngay bây giờ anh đang ở giữa một bồn cầu rắc rối vì ném cái mề đay đó vào Thư kí Thượng viện. Anh có thể sẽ phải đi tù mười năm về vụ đó. Nhưng nếu anh hợp tác với mấy người ở NASA, đích thân tôi sẽ coi sóc chuyện anh được thả, okay?”

Tớ gật đầu. Tớ biết tớ phải ra tù và tìm lại Jenny. Tớ nhớ cô ấy phát khiếp lên.
Tớ ở cái chỗ NASA đó ở Houston khoảng một tháng. Họ khám và kiểm tra tớ và hỏi tớ nhiều đến nỗi tớ tưởng tớ đang lên show Johnny Carson.

Không hề.

Một ngày nọ họ lôi tớ vào một căn phòng lớn và bảo cho tớ biết họ định làm gì.

“Gump,” họ nói, “chúng tôi muốn dùng anh trong một chuyến bay ra ngoài vũ trụ. Như bác sĩ Duke đã chỉ ra, não bộ của anh giống như một cái máy vi tính–có điều tốt hơn. Nếu chúng tôi có thể lập trình não anh với những dữ liệu đúng, anh sẽ trở nên cực kì hữu dụng đối với chương trình không gian Mỹ. Anh nói sao?”

Tớ nghĩ một phút, và rồi tớ nói tốt nhất tớ nên hỏi mẹ tớ trước, nhưng họ đưa ra một lập luận còn mạnh mẽ hơn–ví dụ như trải qua mười năm tới của cuộc đời trong xà lim.

Và thế là tớ nói đồng í, một điều gần như lần nào cũng đưa tớ vào rắc rối.

Ý tưởng mà họ nghĩ ra là đặt tớ vào một cái phi thuyền và bắn tớ vòng quanh trái đất khoảng một triệu dặm. Họ cũng đã bắn người lên mặt trăng rồi, nhưng họ chả tìm thấy cái gì đáng giá tí cóc ghẻ nào trên đó, thế nên điều họ lên kế hoạch tiếp theo là thăm Sao Hỏa. May cho tớ, Sao Hỏa không phải là thứ ở trong đầu họ ngay lúc ấy–thay vào đó, đây sẽ là một đợt huấn luyện trong đó họ cố tìm xem loại người nào sẽ thích hợp nhất cho chuyến đi Sao Hỏa.

Ngoài ra tớ, họ đã chọn một người đàn bà và một con khỉ để đi cùng.

Người đàn bà là một cô trông gắt gỏng gọi là Thiếu tá Janet Fritch, dự định sẽ trở thành nhà du hành vũ trụ nữ đầu tiên của Mỹ, chỉ có điều chả ai biết đến cô ta vì tất cả chuyện này nói chung rất chi là bí mật quân sự. Cô ta là một cô thấp thấp, tóc tai trông như được cắt bằng cách đặt một cái bát tô lên đầu, và chả có vẻ gì để ý đến tớ hay con khỉ hết.

Con khỉ thực ra không quá tệ. Nó là một con đười ươi cái to xác tên là Sue, bị bắt trong rừng già ở Sumatra hay đâu đó. Thực tình là họ có cả một đám khỉ ở dưới này, và đã bắn chúng lên vũ trụ suốt rồi, nhưng họ nói Sue là hợp nhất cho chuyến đi này vì rằng là nó là một con cái và sẽ thân thiện hơn một con khỉ đực, và nữa, đây đã là chuyến bay vũ trụ thứ ba của nó. Khi tớ biết việc này, tớ tự hổi tại làm sao họ lại đưa chúng tớ lên tuốt trên đó với thành viên phi hành đoàn có kinh nghiệm duy nhất là một con khỉ. Cũng đáng thắc mắc chứ bộ, phải không?

Túm lại là, chúng tớ phải trải qua đủ loại huấn luyện trước chuyến bay. Họ cho chúng tớ vào máy gia tốc từ và quay chúng tớ mòng mòng, vào những căn phòng nhỏ không trọng lực, đại để thế. Và suốt ngày họ nhồi sọ tớ với những thứ cứt đái họ muốn tớ ghi nhớ, như các phương trình để tính khoảng cách giữa bất cứ nơi nào chúng tớ có mặt, với bất cứ chỗ nào họ muốn chúng tớ đến, và làm thế nào để quay lại; đủ thứ rác rưởi như tọa độ đồng trục, các phép tính cosin, lượng giác cầu, đại số luận lí, đối loga, tích phân Fourier, thống kê chọn mẫu và toán ma trận. Họ nói tớ sẽ làm dự phòng cho cái máy vi tính dự phòng.

Tớ đã viết một đám thư cho Jenny Curran nhưng tất cả đều bị gửi trả lại ghi “Địa chỉ người nhận không rõ”. Tớ cũng viết thư cho mẹ tớ, và bà gửi lại cho tớ một lá thư dài ngoằng đại ý là “Sao con nỡ làm điều này với người mẹ già tội nghiệp của con khi bà ấy đang ở trong nhà tế bần và con là thứ duy nhất bà ấy còn lại trên đời?”

Tớ chả dám nói với bà rằng tớ đang phải đối mặt án tù nếu không làm chuyện này, thế là tớ chỉ hồi âm bảo là đừng lo, vì rằng là chúng tớ có một phi hành đoàn rất có kinh nghiệm.

Ờ, ngày trọng đại đã đến, và để tớ nói cái này: tớ không chỉ hơi hồi hộp đâu–tớ sợ vãi mật ra! Mặc dù vụ này là tuyệt mật, chuyện đã rò rỉ ra báo chí và giờ chúng tớ đã có mặt trên tv các thứ.

Sáng hôm đó, ai đó mang cho chúng tớ một tờ báo để chúng tớ xem chúng tớ nổi tiếng như thế nào. Sau đây là vài dòng tít:

“Gái, Khỉ và Khờ trong Nỗ lực Không gian Tiếp theo của Hoa Kì.”

“Hoa Kì Phóng Những Nhà Đưa Tin Kì Cục vào Các Hành tinh Xa lạ.”

“Gái, Ngốc và Khỉ Đột Sẽ Cất Cánh Hôm Nay.”

Thậm chí còn có một dòng tít trên tờ New Yawk Post nói, “Bay Lên Nào–Nhưng Ai Phụ Trách?”

Cái tít duy nhất nghe hơi hơi tử tế là tít trên tờ New Yawk Times, đề, “Chuyến Thăm Dò Vũ Trụ mới với Phi hành đoàn Đa dạng.”

Ờ, như thường lệ, mọi thứ rối tinh rối mù từ lúc chúng tớ thức dậy. Chúng tớ đi ăn sáng và ai đó nói, “Đáng lẽ họ đâu được ăn gì vào ngày bay.” Và rồi ai khác nói, “Có ăn mà,” và rồi ai nữa nói, “Không ăn mà,” và cứ thế một lúc cho tới khi chẳng ai đói nữa.

Họ mặc cho chúng tớ bộ đồ vũ trụ và đưa chúng tớ ra ngoài vào bệ phóng trong một chiếc xe buýt nhỏ có Sue già ngồi phía sau trong một cái lồng. Tàu vũ trụ cao đâu khoảng một trăm tầng và đang xì hơi bốc khói sủi bọt và trông như sắp ăn tươi chúng tớ! Một chiếc thang máy đưa chúng tớ đến khoang dành cho chúng tớ, và họ buộc dây chúng tớ và bốc Sue già vào chỗ của nó ở đằng sau. Rồi chúng tớ chờ.

Rồi chúng tớ chờ thêm chút nữa.

Rồi chúng tớ chờ thêm chút nữa.

Rồi chúng tớ chờ thêm chút nữa.

Suốt thời gian đó, con tàu vẫn sủi bọt phun phì phì gầm gừ và bốc khói. Ai đó nói một triệu người ngoài kia đang theo dõi chúng tớ trên tivi. Tớ đoán họ cũng đang đợi. Dẫu sao thì, khoảng giữa trưa, ai đó lên gõ cửa tàu vũ trụ và nói, họ đang tạm thời hoãn phi vụ này cho đến khi sửa được cái tàu.

Thế là chúng tớ lại được quay trở xuống trong thang máy, tớ, Sue và Thiếu tá Fritch. Cô ta là người duy nhất rên rỉ than vãn, vì Sue với tớ thì rất là nhẹ nhõm.

Tuy nhiên sự nhẹ nhõm của chúng tớ không kéo dài được lâu. Khoảng một giờ sau ai đó chạy vào phòng nơi chúng tớ chuẩn bị ngồi xuống ăn trưa và nói, “Mặc lại đồ du hành vào ngay! Họ đang sắp phóng các người lên vũ trụ!”

Mọi người lại hò hét và la ré và chạy quanh. Tớ đoán có lẽ một đám người xem truyền hình đã gọi đến than phiền hay sao đó, và thế là họ quyết định đốt đít chúng tớ, kệ xác. Dù gì, giờ cũng chẳng quan trọng nữa.

Tóm lại là, chúng tớ lại được đưa trở lên xe buýt và đưa đến tàu vũ trụ và chúng tớ đang nửa đường lên thang máy thì ai đó đột nhiên nói, “Chúa, chúng ta quên xừ con khỉ đột rồi!” và hắn bắt đầu hò hét xuống những gã trên mặt đất bảo về đón Sue già.

Chúng tớ lại bị buộc và ai đó đang đếm ngược từ một trăm khi họ đưa Sue qua cửa. Chúng tớ dựa ngửa hết trên ghế và tiếng đếm xuống còn “mười,” thì tớ nghe một vài tiếng động gầm gừ kì lạ từ phía sau nơi Sue ngồi. Tớ hơi quay lại, và lại thánh mớ bái, đâu phải Sue ngồi đó đâu, mà là một con khỉ đực to đùng, răng nhe nhởn và đang túm mấy cái dây an toàn của nó như thể nó sắp sổng bất cứ lúc nào.

Tớ bảo với Thiếu tá Fritch và cô ta quay lại và nói, “Lạy Chúa tôi!” và túm bộ đàm nói với gã nào đang ngồi trong tháp điều khiển mặt đất. “Nghe này,” cô ta nói, “các người đã nhầm và đưa một con khỉ đực vào đây với chúng tôi, thế nên tốt nhất chúng ta hoãn ngay vụ này lại đến khi giải quyết ổn thỏa đi.” Nhưng đột nhiên con tàu bắt đầu rung chuyển lắc lư và ai trên đài kiểm soát nói trên radio, “Giờ đấy là vấn đề của các người rồi, bà chị ạ, chúng em còn có lịch trình phải theo.”

Và thế là chúng tớ đi.


13

Ấn tượng đầu tiên của tớ là bị một cái gì đó đè bẹp, chắc giống bố tớ lúc mấy trái chuối đổ lên người ông. Không cử động được, không hét được, không nói gì được, không làm gì được–chúng tớ thật sự chỉ có mặt ở đây để bay thôi. Bên ngoài, nhìn qua cửa sổ, tất cả những gì tớ thấy là trời xanh. Chiếc tàu vũ trụ đang bay ra ngoài.

Một lúc sau, chúng tớ có vẻ chậm lại một tí, và mọi thứ cũng giãn ra. Thiếu tá Fritch nói chúng tớ có thể tháo dây an toàn rồi, và đi lo chuyện của mình, chuyện gì thì tùy. Cô ta nói chúng tớ giờ đang di chuyển với tốc độ mười lăm nghìn dặm một giờ. Tớ nhìn lại và quả thật, trái đất chỉ còn là một quả bóng nhỏ đằng sau chúng tớ, đúng như trong mấy bức hình chụp từ không gian. Tớ nhìn quanh, và con khỉ già to xác ngồi đó, trông rất là nhăn nhó, cáu bẳn, lườm lườm Thiếu tá Fritch và tớ. Cô ta nói có thể nó muốn ăn trưa hay gì đó, và bảo tớ đi ra phía sau cho nó quả chuối trước khi nó nổi cáu lên và làm điều gì tồi tệ.

Họ đã đóng một túi đồ nhỏ cho con khỉ và trong đó có chuối và ít ngũ cốc và hạt dâu khô và lá và các thứ khỉ khỉ như thế. Tớ mở túi ra và bắt đầu lục lọi bên trong tìm cái gì đó có thể khiến con khỉ vui vẻ, và trong lúc đó, Thiếu tá Fritch liên lạc bộ đàm với Trạm Kiểm Soát Mặt đất Houston.

“Nào nghe này,” cô ta nói, “chúng ta phải làm gì đó về con khỉ này. Nó không phải là Sue–nó là một con khỉ đực, và trông nó không lấy gì làm vui vẻ khi có mặt ở đây. Nó thậm chí có thể trở nên bạo lực.”

Mất một lúc thông điệp mới đến nơi và câu trả lời mới đến với chúng tớ, nhưng một gã dưới đó nói, “Ôi cứt! Một con khỉ cũng như mọi con khỉ khác thôi.”

“Cái khỉ ý!” Thiếu tá Fritch nói. “Nếu các ông có mặt trong cái lồng nhỏ xíu này với con khỉ to xác đó các ông sẽ hát bài khác ngay.”

Và một hai phút sau một giọng tiếng lạch xạch vọng trên radio, nói, “Giờ thì nghe này, cô được lệnh không được nói với ai về việc này, nếu không chúng ta sẽ bị đem ra làm trò cười. Với cô hay bất cứ ai khác, con khỉ đó là Sue–mặc kệ giữa hai chân nó có gì.”

Thiếu tá Fritch nhìn tớ và lắc đầu. “Vâng, vâng, thưa sếp,” cô ta nói, “nhưng tôi sẽ trói con khỉ đột chết tiệt đó suốt thời gian tôi ở cùng với nó–các ông hiểu chưa?”

Và từ đài kiểm soát mặt đất vọng lại một từ:

“Hiểu.”

Thiệt tình, khi đã quen, ở ngoài không gian cũng khá là vui. Chúng tớ không có trọng lực, thế là chúng tớ có thể trôi khắp phi thuyền, và cảnh thì rất là hùng vĩ–mặt trăng mặt trời, trái đất và các vì sao. Tớ tự hỏi Jenny Curran đang ở đâu dưới đó, và cô ấy đang làm gì.

Chúng tớ cứ bay vòng quanh vòng quanh trái đất. Cứ khoảng mỗi giờ thì lại qua một ngày và việc đó như chiếu một tia sáng mới lên mọi thứ. Ý tớ là, ở đây tớ đang làm việc này, và khi tớ quay về–hay tớ nên nói là nếu chúng tớ có quay về–rồi sao? Đi mở trại nuôi tôm ư? Đi tìm lại Jenny ư? Chơi trong ban Những Quả Trứng Nứt ư? Làm gì đó về việc mẹ tớ ở trong trại tế bần ư? Mọi thứ đều hết sức kì lạ.

Thiếu tá Fritch tranh thủ chợp mắt bất cứ lúc nào có thể, nhưng cứ không ngủ là cô ta cào nhào. Càu nhàu về con khỉ, cào nhào về những gã chết dịch dưới mặt đất, càu nhàu về việc cô ta chả có chỗ nào để mà trang điểm, cào nhào về việc tớ ăn khi không phải giờ ăn tối hay ăn trưa. Bố khỉ, tất cả những gì chúng tớ có mà ăn là mấy thanh Granola chứ gì. Tớ chả muốn phàn nàn quá nhiều, nhưng có vẻ như họ nên chọn một phụ nữ trông xinh xắn hơn hay ít nhất là không càu nhàu suốt ngày như thế.

Và thêm nữa, để tớ nói cái gì: con khỉ cũng chả là một con tàu mơ ước gì cho cam.

Đầu tiên tớ cho nó ăn một quả chuối-được chưa? Nó tóm lấy quả chuối và bắt đầu bóc vỏ, nhưng rồi nó đặt quả chuối xuống. Quả chuối bắt đầu trôi lơ lửng quanh cabin tàu và tớ lại phải đi tìm. Tớ đưa nó lại cho con khỉ và nó bắt đầu đập dập quả chuối và vứt vụn chuối khắp mọi nơi, và tớ lại phải đi dọn cái đống đó. Lúc nào cũng muốn được để ý đến. Mỗi lần tớ để nó lại một mình là nó bắt đầu làm nhặng hết cả lên và vập hàm vào nhau lóc cóc như nghiến răng. Một lúc là làm người ta phát điên lên.

Cuối cùng tớ lấy cây ắc-mô-ni-ca của tớ ra và bắt đầu chơi chút gì đó– “Home on the Range”, tớ nghĩ là bài đấy. Và con khỉ bắt đầu dịu xuống một chút. Thế là tớ chơi vài bài nữa–những bài như “The Yellow Rose of Texas” và “I Dream of Jeannie with the Light Brown Hair. ” Con khỉ nằm đó nhìn tớ, hiền lành như một đứa con nít. Tớ quên mất có một cái máy quay tv trong tàu và ở dưới mặt đất họ xem được hết các thứ này. Sáng hôm sau thức dậy ai đó giơ một tờ báo trước máy quay dưới Houston để chúng tớ xem. Dòng tít đề, “Thằng Ngu Chơi Nhạc Không Gian để Dỗ Khỉ.” Đấy tớ phải chịu đựng những thứ cứt đái như thế đấy.

Dẫu sao thì, mọi thứ vẫn đang tiếp diễn khá tốt, nhưng tớ nhận thấy Sue già đang nhìn Thiếu tá Fritch một cách hơi kì cục. Mỗi lần cô ta lại gần, Sue dường như ngóc lên và với ra như thể nó muốn túm lấy cô ta hay gì đó, và cô ta bắt đầu chửi bới nó–“Cút ra xa con gớm chết kia. Đừng có xớ rớ cái tay mày lại chỗ tao!” Nhưng Sue già đang âm mưu gì đó. Tớ biết.

Chả bao lâu tớ biết đấy là gì. Tớ vừa ra đằng sau một tấm vách ngăn nhỏ để đi tiểu vào một cái lọ cho riêng tư thì đột nhiên tớ nghe tiếng lộn xộn. Tớ thò đầu khỏi tấm vách và Sue đã xoay sở chộp được Thiếu tá Fritch và đang thò tay vào trong bộ đồ vũ trụ của cô ta. Cô ta thì đang la hét gào thét ầm ĩ và đang đập vào đầu Sue bằng cái mic bộ đàm.

Rồi tớ ngộ ra vấn đề. Trong khi chúng tớ ở trên vũ trụ đã gần hai ngày, Sue già vẫn bị cột vào ghế và chưa hề được tè ị gì hết! Và tớ nhớ rõ chuyện đó thì như thế nào. Chắc nó sắp vỡ bóng đến nơi rồi ấy chứ! Dẫu sao thì, tớ đi qua và gỡ nó ra khỏi Thiếu tá Fritch và cô ta thì vẫn gào vẫn thét, gọi nó là một “con quái bẩn thỉu,” và những thứ cứt đái như thế.

Thoát được rồi, Thiếu tá Fritch bèn đi ra đằng trước phòng lái cúi mặt xuống và bắt đầu khóc rấm rứt. Tớ cởi dây cho Sue và đưa nó ra đằng sau tấm vách với tớ. Tớ tìm thấy một cái chai rỗng cho nó tè vào, nhưng sau khi nó xong việc, nó cầm cái chai và vứt nó vào một bảng đèn màu và cái chai vỡ tan thành từng mảnh và cả đám nước tiểu bắt đầu trôi khắp nơi trên tàu. Tớ bảo, khỉ gió cống rãnh, và bắt đầu đưa Sue về chỗ ngồi thì tớ thấy một quả cầu nước tiểu đang tiến thẳng đến chỗ Thiếu tá Fritch. Trông có vẻ như nó sắp đập vào sau gáy cô ta, thế là tớ buông Sue ra và cố vớt chỗ nước tiểu đó bằng một cái lưới họ đưa cho chúng tớ để bắt những thứ trôi dạt xung quanh. Nhưng đúng lúc tớ sắp vớt được quả cầu nước tiểu thì Thiếu tá Fritch ngồi thẳng dậy và quay mặt lại và nó đập ngay vào mặt cô ta.

Cô ta lại bắt đầu gào thét chửi bới và trong lúc đó, Sue đã thoát và bắt đầu giật hết dây nhợ từ bảng điều khiển ra. Thiếu tá Fritch hét, “Ngăn nó! Ngăn nó lại!” nhưng chưa kịp làm gì thì tia lửa và các thứ đã bay tứ tung trong tàu và Sue thì đang nhảy từ trần xuống sàn xé tan mọi thứ. Một giọng nói truyền qua radio muốn biết “Chuyện quái gì đang xảy ra trên đấy thế?” nhưng đến lúc đó thì đã quá muộn rồi.

Con tàu đang quay mòng mòng và tớ, Sue và Thiếu tá Fritch bị quăng quật xung quanh như mấy cái nút bần. Chả bám được vào cái gì, chả tắt được cái gì, chả đứng lên hay ngồi xuống được. Giọng từ kiểm soát mặt đất lại vọng trên radio và nói, “Chúng tôi đang nhận thấy một vấn đề nhỏ về thăng bằng với con tàu. Forrest, anh có thể tự tay nhét chương trình D-sáu vào máy tính cánh phải không?”

Cứt! Thằng cha nói đùa à! Tớ thì đang quay như con vụ và tớ có một con khỉ điên sổng chuồng ở trong này để đá đít đây này! Thiếu tá Fritch thì đang hét to đến nỗi tớ chả nghe hay thậm chí nghĩ được cái gì, nhưng đại ý những gì cô ta đang hét là chúng tớ sắp rơi và cháy trụi. Tớ cố liếc một cái ra ngoài cửa sổ, và thiệc sự là trông mọi thứ có vẻ không hay ho gì. Trái đất đang lao về phía chúng tớ khá là nhanh.

Làm thế nào đó tớ đã xoay sở mò được đến máy vi tính cánh phải, và túm lấy bảng điều khiển bằng một tay và tớ đưa D-sáu vào máy. Đấy là một chương trình được thiết kế để hạ cánh con tàu xuống Ấn Độ Dương trong trường hợp chúng tớ gặp rắc rối, mà rõ ràng bây giờ là rắc rối rồi.

Thiếu tá Fritch và Sue già đang cầm cự, nhưng Thiếu tá Fritch gào với ra, “Mày đang làm cái gì ở đằng đấy đấy?” Khi tớ bảo cô ta, cô ta nói, “Quên đi, đồ cục phân ngu dốt – chúng ta đã bay qua Ấn Độ Dương mẹ nó rồi. Đợi đến lúc chúng ta đi vòng lại xem mày có thể thả chúng ta xuống Nam Thái Bình Dương không.”

Tin không thì tùy, chả mất mấy thời gian để đi một vòng thế giới khi mình đang ở trong tàu vũ trụ đâu, và Thiếu tá Fritch đã tóm được cái mic radio và đang gào thét với những người ở mặt đất rằng chúng tớ đang hướng đến hoặc đâm xuống biển hoặc đâm xuống đất ở Nam Thái Bình Dương và bảo họ đến cứu chúng tớ càng sớm càng tốt. Tớ đang bấm nút như điên và cái quả đất to sụ kia đang tiến lại gần. Chúng tớ bay ngang qua một thứ gì đó mà Thiếu tá Fritch bảo trông như Nam Mỹ và rồi chỉ còn có nước, với Nam Cực bên trái và Úc Châu ở đằng trước.

Rồi mọi thứ nóng giẫy lên, và những âm thanh nho nhỏ buồn cười phát ra từ bên ngoài tàu và nó bắt đầu rung lắc xì hơi và trái đất thì ngay trước mặt rồi. Thiếu tá Fritch gào lên với tớ, “Kéo cần dù!” nhưng tớ đã bị chết dí trong ghế. Còn cô ta thì bị ép chặt vào trần cabin, và thế là xem như chúng tớ sắp hạ màn rồi, vì chúng tớ đang di chuyển với tốc độ khoảng mười ngàn dặm một giờ, và tiến thẳng đến một quả cầu đất xinh to giữa đại dương. Cứ cái đà này, thậm chí sẽ chẳng còn sót lấy một vệt mỡ!

Nhưng rồi đột nhiên cái gì đó kêu đánh “póp” và con tàu chậm lại. Tớ nhìn qua,và trời ạ Sue già tự nó đã kéo cái cần dù và cứu mạng cả đám. Tớ tự nhắc mình ngay lúc đó là phải cho nó một quả chuối khi sự vụ chó đẻ này xong xuôi.

Dẫu sao thì, con tàu đang lắc qua lắc lại dưới cái dù, và có vẻ như chúng tớ sắp đập xuống cái quả đầu đất xanh kia – mà cái này cũng chả hay ho gì, vì lẽ ra chúng tớ chỉ được đập xuống nước thôi và rồi có tàu sẽ đến đón chúng tớ. Nhưng từ hồi đặt chân vào cái máy ngu si này có cái gì diễn ra ổn thỏa đâu, nên bây giờ đâu có cớ gì để mà hy vọng chứ?

Thiếu tá Fritch đang điện đàm với kiểm soát mặt đất, “Chúng tôi sắp hạ cánh xuống một nơi nào đó ngoài đại dương về phía bắc nước Úc, nhưng tôi không chắc đấy là đâu.”

Vài giây sau một giọng nói quay lại bảo, “Nếu cô không chắc cô ở đâu, sao cô không nhìn ra ngoài cửa sổ đi, đồ gái già ngốc xít?”

Thế là Thiếu tá Fritch đặt bộ đàm xuống và đi nhìn ra cửa sổ và cô ta nói, “Chúa ơi–trông như Borneo ấy nhỉ,” nhưng khi cô ta cố nói điều này với kiểm soát mặt đất, radio đã chết tịt đi rồi.

Giờ chúng tớ đã tiến sát mặt đất lắm rồi, và con tàu vẫn lắc lư dưới cái dù. Chẳng có gì ngoài rừng già và núi non bên dưới trừ một cái hồ nhỏ xíu xìu xiu trông hơi nâu nâu. Chúng tớ hơi hơi nhìn thấy cái gì đó đang diễn ra dưới hồ. Ba đứa tớ-tớ, Sue và Thiếu tá Fritch-đều dí mũi vào cửa sổ nhìn xuống, và đột nhiên Thiếu tá Fritch kêu lên, “Chúa Lòng Lành! Đây có phải Borneo đâu-đây là New Guinea chó đẻ, và cả đám cứt trên mặt đất kia chắc là một trong mấy bộ lạc Cargo Cults gì đó rồi!”

Sue với tớ chăm chú dòm, và ở đó trên mặt đất cạnh cái hồ, dòm lại chúng tớ, là khoảng một ngàn thổ dân, tất cả giơ tay trên trời hướng về phía chúng tớ. Họ mặc những cái váy cỏ nho nhỏ, tóc lột hết khỏi da đầu, và một số còn đang khuân giáo với cả khiên.

“Khỉ,” tớ nói, “cô bảo đó là cái gì?”

“Cargo Cult,” Thiếu tá Fritch nói. “Trong Thế chiến II chúng ta vẫn hay thả mấy gói kẹo với các thứ như thế xuống cho đám thỏ rừng này để giữ họ về phe ta, và họ chưa bao giờ quên điều đó. Đoán chắc là Chúa hay ai đó làm vịêc đó, và từ đó trở đi, họ vẫn đợi chúng ta trở lại. Còn xây hẳn đường băng thô sơ các thứ nọ kia-nhìn dưới đó kìa? Có một chỗ hạ cánh đánh dấu bằng mấy cái vòng tròn đen to to kia kìa?”

"Mấy cái đó tui trông giống nồi nấu thức ăn hơn,” tớ nói.

“Ờ nhỉ, có vẻ thế,” Thiếu tá Fritch nói vẻ tò mò.

“Đây chẳng phải chỗ bọn ăn thịt người sao?” tớ hỏi.

“Tao đoán là chúng ta sẽ sớm biết thôi,” cô ta nói.

Con tàu đang nhẹ nhàng lắc lư hướng về phía hồ, và ngay trước lúc chúng tớ chạm đất, họ bắt đầu gõ trống và há mỏ lên xuống. Chúng tớ chả nghe thấy gì vì phi thuyền kín quá, nhưng trí tưởng tượng của chúng tớ cũng đã đủ rồi.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm