Đi tìm tấm căn cước của không gian sống
Trả lời bạn Xuân Thủy - tạp chí Văn nghệ quân đội 8-2012.
Hà Nội:
Người béo phì không may kịp áo mới
- Nếu có thể gọi rõ tình yêu Hà Nội trong anh ra
thì nó là những gì?
NTQ: Tôi
cũng yêu mến Hà Nội như mọi người sống ở Hà Nội yêu mến nó. Thú thực như ngày
hôm nay khi tôi trả lời câu hỏi này của anh, tôi không biết đi đâu trong một
ngày chủ nhật bình thường, không có địa điểm nào gợi lên trong tôi sự ham muốn.
Nhưng ở đây có ngôi nhà tôi ở, nơi chốn đi về, những nơi ấy cùng sự quen thuộc
có phần nhàm chán là thứ ta sống cùng hàng ngày. Tình yêu trong cuộc sống cũng
nảy sinh từ những thứ bình thường thôi đấy chứ?
Tất nhiên tình cảm với Hà Nội của tôi có lẫn những cảm
xúc có phần hoài cổ, có phần tiếc nuối những không gian yên tĩnh, quang đãng và
thư thái đã thuộc về quá khứ. Tôi sẽ là người trên cung trăng nếu nói yêu Hà
Nội một cách khơi khơi với đủ thứ bề bộn đang diễn ra. Vì vậy, tôi không viết
với tâm thế ve vuốt, tôi muốn mang lại cho người đọc cái nhìn thẳng thắn và
thực tế về bối cảnh sống của họ. Người ta có câu “yêu cho roi cho vọt” – và nếu
còn yêu Hà Nội thì chắc chúng ta còn phải chịu nhiều đòn đau!
- Tác phẩm của nhiều nhà văn viết về Hà Nội cho
thấy một đô thị đang vỡ ra về mọi phương diện nhưng đa phần là tiểu
thuyết với những cách tiếp cận khác nhau, còn anh, với 4 tập tản văn
đã in anh muốn góp thêm tiếng nói gì về đô thị của chúng ta?
NTQ: Bây
giờ đọc tiểu thuyết hay truyện ngắn của các nhà văn, tôi hay để ý cách họ mô tả
không gian sống của các nhân vật, cái đô thị Hà Nội trong đó hiện ra thế nào?
Tôi muốn tái hiện được những không gian sinh động lột tả được một Hà Nội đang
bừng bừng sống. Nhà văn cũng như một vị chúa tể trong tác phẩm, vậy thì tôi
muốn mình vẽ ra được tấm căn cước của không gian sống ấy với những con người
của thời này.
- Và tấm căn cước ấy đã được anh vẽ đến đâu rồi?
NTQ: Tập
sách đầu tiên của tôi, Tự nhiên như người
Hà Nội, là những quan sát về hình thái đô thị như một loại “hồ sơ kiến
trúc”, cuốn thứ hai, Ăn phở rất khó thấy
ngon, là chân dung về con người sống trong đô thị ấy, tập trung vào giới
viên chức văn phòng với các thói tật và hành vi. Cuốn thứ ba, Hà Nội là Hà Nội, là cuộc tìm kiếm những
giá trị văn hóa mang những câu hỏi bao trùm hơn. Và cuốn mới nhất, Xe máy tiếu ngạo, là một cuộc khảo sát
văn chương về phương tiện như xe máy của dân thành phố, cũng như ghi lại đậm
nét thêm những hành vi và lối sống của người đô thị. Ghi lại những gì quan sát
và trải nghiệm về “đối tượng Hà Nội” cũng là sự đánh dấu các giai đoạn viết
lách của tôi nữa.
- Mỗi con
người Việt Nam đang phải đương đầu với cơn bão toàn cầu hóa nhưng mỗi con người
Hà Nội còn phải đương đầu với xu hướng… toàn quốc hóa nữa, anh nghĩ gì về xu
hướng này?
NTQ: Toàn
cầu hóa đã diễn ra từ lâu, Việt Nam đã gia nhập WTO được 6 năm rồi, vậy mà
chúng ta vẫn không chắc cuộc sống của mình có thay đổi về chất nhiều lắm không.
Tương tự thế, nếu nói về xu hướng mà như anh nói là “toàn quốc hóa” đối với HN
thì tôi cũng rất khó để nói một cách khách quan. Trong một mặt bằng văn hóa xã
hội càng ngày càng đòi hỏi nhiều sự thay đổi quyết liệt về chất lượng thì theo
quán tính, Hà Nội là nơi người ta kỳ vọng nhất, vì thế thất vọng càng dễ. Ở đây
nếu nói về mặt vật chất thì tôi không thích một Hà Nội quá tải, xộc xệch như
người mắc bệnh béo phì không kịp may áo mới.
Về mặt tinh thần, tôi chưa thấy sự biến chuyển về dịch
vụ hay nếp nghĩ. Hàng quán vẫn lối phục vụ nửa chợ cóc nửa mậu dịch “xin cho”,
thậm chí người ta chấp nhận “cháo quát phở chửi” hoặc ngồi ăn trong những nơi
mất vệ sinh kinh khủng dù giá thuê hàng chục triệu một tháng hay giá bán cửa
hàng đến cả triệu đô! Đơn cử một bát phở 40-50 nghìn đồng, một mức giá không hề
rẻ, nhưng họ không thiết đầu tư một cái khăn ướt hay đĩa để xương hay bã. Tất
thảy vẫn “miễn phí” giấy lau miệng và rác ăn uống cứ thế tống xuống gầm bàn.
Gần như 80% quán xá đều kém về khoản toa lét, thậm chí còn không có! Ngay nhiều
nhà hàng khá đắt tiền mà tôi đã có dịp vào, tình trạng này không hơn bao nhiêu,
trong khi mặt bằng giá cả Hà Nội thuộc loại đắt đỏ nhất cả nước. Những cái nhỏ
nhỏ như thế cứ mỗi ngày bào mòn sức chịu đựng của chúng ta. Đáng buồn nhất là
xu hướng “toàn quốc hóa” chưa đem lại sự thay đổi như mong muốn cho Hà Nội.
Cái đẹp xưa
đã hoàn thành nhiệm vụ
- Khi một Hà
Nội phình to thì cũng đồng nghĩa với việc “chất” Hà Nội cũng sẽ bị pha loãng ra,
và cái gọi là thanh lịch Tràng An sẽ ngày càng nhỏ bé và bị thôn tính không
thương tiếc?
NTQ: Câu hỏi quá đương nhiên này có lẽ cũng không cần tôi
trả lời, vì đã có nhiều nghiên cứu xác định những phẩm chất Hà Nội. Những năm
chiến tranh, người nghệ sĩ trong thơ Phan Vũ vẫn viết về một Hà Nội phần hồn
vẫn nhỏ bé, vẫn xô lệch ngói âm dương. Lưu Quang Vũ viết:
“Những năm
khó khăn
Hè phố đầy
hầm tường đầy khẩu hiệu
Quần áo và
mặt người màu cỏ héo
…Các cô gái
trở nên suồng sã
Những năm già
trước tuổi
Những năm
thương Hà Nội trăm lần hơn”.
Tôi nghĩ vấn đề “chất Hà Nội” phôi pha đã có từ lâu,
không đợi đến lúc mở rộng hay phình to ranh giới địa lý, thực trạng bây giờ chỉ
là hệ quả mà thôi. Tiếc là chúng ta đã tô vẽ quá kiên trì trong hàng thập niên
mà không xây dựng quy hoạch những rường cột xã hội cho tử tế. Hà Nội như một
người hệ miễn dịch bị hỏng, có lẽ cần một sự lột xác mới. Cái đẹp xưa cũ đành
coi như đã hoàn thành nhiệm vụ!
- Và khi một
tấm hộ khẩu hành chính và một tấm hộ khẩu văn hóa không phải là hai thứ song
hành, thậm chí khoảng cách giữa chúng cứ rộng thêm mãi ra, liệu đến một ngày
chúng ta sẽ… chẳng còn thứ gì để bảo tồn?
NTQ: Tôi
nghĩ là văn hóa HN cũng chẳng xa xôi gì với quy chuẩn văn minh của mọi đô thị
trên thế giới. Tôi đảm bảo là nếu có các hoạt động thực tế như không vứt rác
lung tung ra đường phố, đi lại tuân thủ luật giao thông, tăng cường chất lượng
dịch vụ, thủ tục hành chính tiện lợi… thì chúng ta không phải nhọc công bảo tồn
cái gì cả. Chúng ta có sống trong lâu đài mà hành xử lôm côm thì cũng chẳng giữ
được cái gì cả! Đáng buồn là chuyện này đã xảy ra chứ không mới.
- Nghĩa là chúng ta cần một con mắt lý tính sáng
suốt hơn trong “quy hoạch con người Hà Nội”, nhưng đây lại là thứ mà dường như
rất khó định dạng và cũng chẳng thuộc… trách nhiệm của cơ quan nào? Theo anh
chúng ta nên bắt đầu từ đâu?
NTQ: Tôi
nghĩ là bắt đầu từ những hoạt động thực tế như tôi đã nói, mà muốn thế thì luật
pháp phải nghiêm minh, thông tin phải minh bạch, mọi người phải được công bằng
trước pháp luật. Không có thiết chế công minh thì tuân thủ là vô nghĩa.
Người Hà Nội
nên bớt vị kỷ
- Con mắt kiến trúc có vị trí như thế nào trong
mỗi trang văn của anh?
NTQ: Tôi
muốn định dạng được tấm căn cước cho không gian sống đô thị Hà Nội trong những
trang viết của mình. Một trong những thứ ấy là cái nhìn về không gian kiến
trúc, quy hoạch, những góc phố cây xanh, những con ngõ bụi bặm, những mặt hồ
đến những cái chợ vỉa hè lem nhem. Khi viết về chúng, trong đầu tôi luôn hiện
lên một tấm bản đồ của mình, một hình dung rõ rệt về cảnh quan như một nhà đạo
diễn hình dung về bối cảnh phim của mình. Càng chặt chẽ, càng mạch lạc thì các
nhân vật càng có “đất diễn”. Chẳng hạn, viết về việc đi xe máy thì phải tả ra
cho được không khí đường phố Hà Nội, nó khác nhiều với đường phố Sài Gòn và
cũng không giống ở một thành phố nào khác trên thế giới. Và đường phố ấy là gì
nếu không phải là nhà cửa hai bên đường, những ngã tư, cây cối và đủ thứ trên
trời dưới lòng đường hay trên vỉa hè…
- Nếu nhìn
bằng “con mắt dân sinh” về đường phố Hà Nội thì sẽ chỉ thấy 2 điển hình ám ảnh là
tắc (quanh năm) và ngập (khi mưa), anh sẽ khuyên mỗi công dân đô thị nên mở
lòng theo hướng nào để thấy yêu hơn thành phố mình đang sống?
NTQ: Đâu
chỉ mỗi Hà Nội mới tắc và ngập đâu? TP.HCM chẳng hạn, cũng gặp vấn đề tương tự
nhưng cảm nhận của tôi là họ vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ hay tuân thủ luật
giao thông. Tôi nghĩ người HN nên bớt vị kỷ và hãy bao dung với người khác hơn.
Dường như lối sống hãnh tiến và coi thường người kém cỏi hơn mình đổ bộ vào
cộng đồng dân cư chúng ta. Chúng ta không thể yêu bằng cách vui với những mùa
hoa rời rạc nối tiếp nhau trên đường phố, với những bộ ảnh đèm đẹp vẫn post lên
mạng cho nhau xem, hay vài hiện tượng thời tiết gây hứng cho thi ca này nọ. Làm
sao để yêu những con người sống trong đó, chứ không phải hễ va chạm xe cộ là
sẵn sàng vác dao ra “xin tí tiết” hay nhẹ hơn, thóa mạ nhau như để rửa hờn.
- Nhân nói
chuyện tắc đường tôi lại muốn nhắc đến tập tản văn “Xe máy tiếu ngạo” của anh.
Anh có thể nói một chút về loại “công dân hai bánh” rất gắn bó với Hà Nội này?
NTQ: Nói
đến xe máy thì người ta hay nghĩ về mặt tiêu cực, có lẽ do ảnh hưởng truyền
thông. Nhưng quanh xe máy có nhiều chuyện vui chứ. Một ông thợ sửa xe máy thú
vị cũng làm cho cuộc sống của ta dễ chịu hơn. Một chuyến “phượt” trên xe máy có
khả năng gây cảm hứng cho sáng tạo. Một nhà báo Mỹ đã viết về chuyện du khách
đến Việt Nam bỗng dưng thấy thú vị hẳn vì có thể bỏ cả buổi chiều ngồi ngắm
người đi xe máy nườm nượp ngoài đường. Tất cả những điều đó, tôi đã viết trong
cuốn sách, như một phần tích cực trong chân dung một phương tiện đã làm nên lối
sống và cung cách ứng xử của người Việt.
- Vừa là tác giả phần nội dung, vừa tự vẽ bìa
cho sách, chắc hẳn anh rất ưng ý với sản phẩm do mình thực hiện?
NTQ: Bây
giờ nhiều lúc tôi vẫn ước giá mà mình làm những cuốn sách cũ khác đi. Tôi không
mấy khi hài lòng hoàn toàn về sản phẩm của mình khi nhìn lại. Có thể lần tới
khi tái bản hoặc cuốn sách mới, tôi sẽ nhờ cậy một số họa sĩ quen biết vẽ bìa
cho. May cho tôi là sách cũng được tái bản nhiều lần nên có cơ hội ấy!
- Và anh vẫn sẽ tiếp tục viết tản văn về Hà Nội
chứ?
NTQ:
Chắc chắn rồi. Tôi sẽ còn trở lại với đề tài này ở những quan sát khác.
- Cám ơn anh
đã chia sẻ!
Nguyễn Xuân Thủy thực hiện
Nhận xét