Trở lại trường tuổi 35 (P.2)

Damian Whitworth (Sunday Times, Anh)

Phần 1

THỨ TƯ

Tôi đang ngồi trong phòng học trống thì Ronnie bước vào và nói: “Chú Damian, đây là Charlie. Bạn ấy là một trong số các bạn thân của cháu.”

Cô bé này ư? Cậu ta 13 tuổi và có một người bạn thân là nữ. Mà không là phải con trai. Chuyện gì xảy ra thế nhỉ? Khi ở vào tuổi ấy tôi đã ngượng chín đỏ người, nói lắp bắp không ra câu nào huống hồ là nhìn vào một cô gái, nói chuyện riêng hoặc là bạn của cô bé ấy. Đây thực sự là sự trưởng thành và có ý thức đáng ngạc nhiên.

Trong môn Giáo dục công dân, xã hội và sức khỏe, chúng tôi thảo luận về việc đánh đòn. Chỉ có hai thành viên trong lớp nói chưa từng bị ăn đòn. Sáu bạn nói họ gần đây bị bố mẹ đánh nhưng không tin việc đó có hiệu quả: “Như thế chỉ làm cho tớ thật sự khó chịu với bố mẹ thôi.” Hầu hết đều phản đối biện pháp kỷ luật này.

Vì lý do nào đó, niềm hưng phấn gây dựng được trong cả buổi sáng là nhờ việc tôi mang được bộ đồ thể dục theo. Các cô gái thất vọng khi tôi chọn môn nhảy ba bước với đám con trai chứ không phải là bóng lưới (vốn dành cho con gái). Tôi thay đồ trong cái toilet hỏng và nhập hội với các cậu trai ở bên hố cát. Thầy Rand, người đã từng học ở đây nhiều năm trước, cảnh báo tôi: “Đừng làm mạnh quá. Có thể sẽ rất đau đầu gối đấy.”

Anh ấy nói đúng. Cú dậm, chạy và nhảy đầu tiên làm toàn thân tôi xóc hết cả lên. Tôi giới hạn bản thân chỉ làm một so với hai cú mà những đứa trẻ khác thực hiện. Khi chúng tôi bắt đầu nhảy khỏi ván, hóa ra tôi còn thất bại trong việc tiếp đích, tôi rơi phịch xuống hố cát và cảm thấy đùi mình rung nảy lên. Tôi tập tễnh bước ra.

Trong môn Lịch sử, chúng tôi tìm hiểu về cuộc sống riêng tư của con người thế kỷ 18 và 19. Không có một vị vua, nhà chính trị hay một thời điểm đặc biệt nào được đưa ra. Sách giáo khoa đầy những mẩu tài liệu, mô tả cuộc sống của những đứa trẻ được người hầu nuôi nấng, chúng chỉ gặp bố mẹ đôi lần trong tám năm trời.

Tôi có một buổi học tiếng Pháp kinh khủng nhưng cũng xoay xở được 14 trên 20 điểm trong bài kiểm tra nghe. “Bien,” thầy Porter nói. Phù.

Trong phòng ăn, một cô bé cùng khối lớp chúng tôi đang khóc. “Chẳng ai trong lớp tin mình cả,” cô nức nở. Đám con trai và con gái vây quanh, giơ tay ôm lấy và an ủi. Cảnh tượng khá cảm động, nhưng ngôn ngữ và cảm xúc mà chúng dùng khiến chúng trông già hơn vài tuổi và tôi cảm thấy như mình đang trong một cảnh phim Big Brother vậy.

Khi tôi ngồi đó, không biết nên tham gia thế nào, thì một cậu bé lanh lợi tên là Richard hỏi: “Ai trả tiền học cho chú vậy?” Tôi giải thích hiệu trưởng sẽ quyết định trong tuần này. “Vậy chú có thể trở lại tuần tới chứ?” Tôi nghĩ chắc là không. Cậu ta ngẫm nghĩ một lát. Rồi hỏi: “Chú có biết cháu quyết định ăn gì bữa trưa bằng cách nào không?” Tôi thú thực là không biết. “Cháu mơ về nó vào đêm hôm trước,” cậu nói, nhấc khay lên và để mặc tôi ngồi hiểu cho được cái thông tin quan trọng ấy.

Trong quá trình hoạt động ngoại khóa, tôi tham gia một lớp gồm những học sinh được học bổng của năm. Có một số học bổng trong từng năm, các em được nhận những phần khác nhau theo mức phí. Dưới sự giám sát của thầy Morrison, giáo viên môn Cổ điển, các em đang thử theo đuổi ý tưởng về một cuộc thi các doanh nhân trẻ.

“Ta có thể lập một doanh nghiệp mà toàn làm việc xấu không?” một cậu bé hỏi.

“Tôi nghĩ như thế có thể là vô đạo đức, một vấn đề đấy - nhưng nó cần được đưa vào luật.”

Các đề xuất bao gồm bán những đống rác và gọi đó là nghệ thuật hiện đại và một dịch vụ làm bài tập về nhà. Sự hào hứng của bọn trẻ đối với ý tưởng thứ hai bắt đầu lụi tàn khi chúng nhận ra là chúng thực sự phải làm bài tập và hầu hết các khách hàng không đủ tuổi để có thẻ tín dụng. Cuộc thảo luận chuyển sang hướng “điều gì làm nên một giáo viên tốt?” “Nghiêm khắc với mức độ phù hợp – đâu đó ở khoảng giữa thôi.” “Không giao quá nhiều bài tập về nhà.” “Đưa chúng mình đi chơi nhiều hơn.” “Nhiều trò chơi hơn.” “Có các hoạt động.” “Bỏ ngay việc trừng phạt bằng bài tập làm thêm.”

Tôi bắt đầu biết được các học sinh trong lớp và nhận thấy mọi mẫu học trò từ hồi tôi đi học vẫn y như thế. Những trò ít nói, những trò nói to, những đứa thích thể hiện, những đứa không đáng tin, những đứa trò yêu của giáo viên đang bắt đầu nhận ra sự dễ bị tổn thương của bản thân đối với sự kết hợp của thói ghen tỵ và nhỏ mọn.

Một đứa má phính nói: “Damian, chú đánh rơi cái gì này.” Tôi nhìn xuống. Chẳng có gì cả. “Một-không,” nó nói vẻ đắc thắng và nhận được tràng cười vui vẻ từ đám bạn. Tôi đang bắt đầu được chấp nhận như một đồng bọn Năm 8 chăng?

Tôi sợ rằng mình đang bắt đầu xử sự giống một đứa như thế. Giáo viên Toán ở đây giỏi hơn nhiều so với bất cứ ai tôi từng học nhưng tôi vẫn cảm thấy đầu óc mình cứ lơ đễnh trong giờ học. Đầy yếu đuối, tôi xác định tọa độ sai toét trên đồ thị của mình và nhập hội vào một cuộc nói chuyện về bóng đá ở phía cuối lớp học. Khi tôi hồn nhiên bảo vệ sự cổ vũ của mình đối với đội Manchester United thì tôi nhìn lên và bắt gặp cô Charlesworth đang nhìn mình. Cô chẳng nói gì nhưng tôi im miệng lại ngay lập tức, trong bụng hối hận vì đã ở vào tâm chấn của nhân tố gây mất trật tự trong lớp.

Khi về đến nhà tôi thấy một cơn đau khủng khiếp ở lưng mà tôi chắc có liên quan đến vụ nhảy ba bước. Tôi ngã vật ra sofa.

THỨ NĂM

Tôi thức dậy, đau ê ẩm. Có một trận đấu chiều nay, nhưng liệu tôi có phù hợp để chơi bóng đá không? May mắn thay, dù vụ nhảy ba bước vẫn làm tôi đau nhức, nhưng tôi nghĩ mình có thể xoay xở được. Rồi tôi nhìn ra cửa sổ. Trời đang mưa.

Một câu hỏi khác đang làm bận tâm những người bạn trẻ của tôi: “chú có đi tiêm chống lao với bọn cháu không?” Tôi giải thích là mình đã từng tiêm rồi. Bọn nhỏ muốn biết tất tật về vụ này. Lời khuyên của tôi dường như không mấy ấn tượng. Khi chúng đi vào và ra để tiêm, suốt cả ngày chúng cứ thêm mắm muối cho bi kịch thêm phần giá trị.

Phòng thí nghiệm có cái mùi tù túng của những thí nghiệm đốt cháy trong ống nghiệm bị hỏng như cái thời tôi trước đây. Hôm nay chúng tôi được xem phổi sẽ làm việc thế nào và quan sát thầy Wilson lôi ra một cặp phổi cừu.

“Ôooooooôi!” Cả lớp vờ như ghê tởm, nhưng không thể giấu nổi vẻ háo hức. Có hai đứa không chịu nhìn nhưng hầu hết đều vươn cổ lên để nhìn cho rõ nhất. Đầu ra là một cái bơm xe đạp, cả bọn có thể dùng để nạp khí vào phổi. “Khoooông!”

Thầy Wilson chỉ ra hiện tượng tăng chất nhầy trong khí quản. “Không thể nào!” “Tởm quá!” Khi kết thúc, thầy Wilson nhận xét buổi học đã thành công. “Chỉ có hai em phải xuống phòng y tế,” thầy nói vẻ hân hoan. “Một đồng nghiệp của tôi còn nôn ra hồi mấy năm trước cơ.”

Tôi bối rối trước mức độ cảm xúc của đám học trò trước bài học. Đúng thật, chúng vẫn ở trong cái tuổi mà chúng vẫn còn chưa bị sự ô trọc tác động đến mấy, cảnh tượng chúng thi nhau trả lời câu hỏi trong lớp thật đáng ghi nhận – và vui nữa. Chúng giơ tay khẩn thiết lên trời, thở ra nôn nóng những hơi thở gấp và rên rỉ như thể trong tình trạng thể chất bị thiếu dưỡng khí và dùng tay kia chúc cùi chỏ lên hướng lên trần để thu hút sự chú ý của giáo viên.

Ở tốp đầu, chúng biết chúng sáng láng và sự tự biết này được củng cố thêm từ giáo viên, nhưng với một sự cảnh báo. “Các em đều thật sự thông minh nhưng các em cần sống thông minh nữa,” cô Charlesworth nói, như thể thiếu nỗ lực là nguyên nhân gây nên suy nhược thần kinh. “Đi nào, các em đều phải làm được tám trên tám. Các em cần có khả năng làm bài này thật nhanh.” Lúc nào bọn trẻ cũng nhanh hơn tôi hai nhịp.

Chất lượng dạy học được đánh giá từ đáp ứng đủ cơ bản đến xuất sắc. Nhưng một trường học sẽ không là một trường học mà thiếu một vài nhân vật hơi đặc biệt. Một thầy giáo cứ tra tấn người khác bởi sự tự quan trọng của mình và không thể ngừng được việc nói về sự thăng tiến gần đây lên chức trợ lý trưởng quản trị (hay đại loại thế). “Anh có muốn nói gì với tôi không? Tôi là trợ lý trưởng quản trị đây,” anh ta nói (hay có thể coi là thế).

Để cho lịch sự, tôi đồng ý đi tới chỗ anh ta. Khi tôi đến văn phòng anh ta theo giờ hẹn, anh ta nói mình “thật sự rất bận. Tôi không thể thu xếp được.” Tôi cố gắng và tìm cách có cuộc nói chuyện khoảng mười phút thì anh ta bảo: “Tôi xin lỗi. Tôi thực sự phải quay lại công việc của mình ngay.”

Suốt bữa trưa cuộc trò chuyện nói về những lệnh phạt. Tôi nghĩ có khi mình bị phạt thật, cả về kết quả thất bại trong bài kiểm tra động từ bất quy tắc tiếng Pháp lẫn sai lầm khác mà các học sinh khác hi vọng sẽ gặp phải. Hiển nhiên là hệ quả phổ biến nhất: tôi sẽ bị giữ lại để học thêm vào giờ nghỉ hay giờ ăn trưa nhưng bọn trẻ nói bằng cái giọng nghiêm trọng kiểu như “lệnh phạt của hiệu trưởng” sẽ kéo dài ba giờ vào một ngày thứ Bảy. “Chú phải làm điều gì đó cực, cực kỳ tệ.” Khi tôi nói mình sẽ cố hết sức để tránh điều đó, bọn chúng nhìn hơi có chút chưng hửng. Không đứa nào trong nhóm từng phải chịu cái định mệnh này. Chúng kể liến thoắng về một sự cố liên quan đến một vụ đánh nhau bằng gậy sắt nhưng dường như khá nhiều nhầm lẫn về tình tiết.

Sau một buổi sáng ngóng đợi, các nhân viên thể thao quyết định sẽ không hủy trận đấu vì mưa. Thật không may, vị trợ lý trưởng quản trị đã tới, thọc ngoáy vào kế hoạch tham gia của tôi. Anh ta bày tỏ mối quan ngại rằng tôi có thể gây thương tích cho một học trò khác thì sao. Tôi đề xuất là sẽ tránh gây ra bất cứ cú ngáng chân hay truy cản nào nhưng anh ta không chịu nhượng bộ. “Tôi không muốn là một kẻ thích giết người, chỉ là để bảo vệ anh mà thôi,” anh ta nói vậy.

Rút cục một thỏa thuận cũng đạt được và tôi được cử làm thủ môn. Thật lý tưởng, vì có nghĩa là tôi có thể đưa ra sự động viên và chỉ đạo vài thủ thuật cho bọn trẻ.

Sau hai phút từ khi khai cuộc, quả bóng vọt ra từ đám đông cầu thủ và phóng thẳng hướng về phía tôi. Tôi lao ra để bắt nó một cách điệu nghệ trên mặt sân nhưng bằng cách nào đó chỉ hẩy được nó về hướng đằng trước và ai đó dẫn bóng qua tôi và đá ra phía sau cầu môn.

Mọi kế hoạch dạy dỗ bọn trẻ dăm điều cơ bản đã tan thành mây khói. Cú đá của tôi gần như không ra khỏi được vòng cấm địa. “Đặt chân chú xuống dưới bóng đi!” đồng đội của tôi gào lên. Bất cứ khi nào bóng lại gần tôi, chúng lại hét lên thất thanh: “Nhặt lên đi! Nhặt lên đi!” Tự nhiên tôi đánh mất sự tự chủ đầy hứng khởi trước đó. May làm sao đội tôi lại chơi quá tốt nên tôi chẳng phải làm gì nhiều và chúng tôi chiến thắng dễ dàng.

Sau đó, khi bọn trẻ tập sút bóng vào gôn, một cú chống tay quá mạnh khiến bàn tay tôi trật ra sau. Tôi đau điếng nhưng cố không gây ầm ĩ. Tuy nhiên, khi về đến nhà, cổ tay tôi sưng tấy và đau kinh khủng. Tôi phải đeo một cái băng hỗ trợ suốt ba ngày sau.

THỨ SÁU

Chigwell là một quỹ Cơ đốc giáo. Dù có những đức tin khác nhau trong các học sinh, tất cả đều đến nhà thờ ít nhất một buổi sáng trong tuần. Cha xứ, mục sư Chris Collingwood tìm cách đem đến một sự trải nghiệm tín ngưỡng rộng rãi nhưng “tôi không tin mình có thể làm chút gì để gieo rắc đức tin Cơ đốc được.”

Sự quan tâm đến thần học quả đáng kinh ngạc. Thực hành tín ngưỡng (RE) là môn rất phổ biến ở mức A. Cha Collingwood cứ hai năm lại có một chuyến đi tới một nhà nguyện Ashram Cơ đốc ở Ấn Độ theo giao ước để tiến hành cuộc đối thoại liên đức tin.

Sáng nay ở nhà thờ, ông chủ trì một cuộc thảo luận về cái chết. Cử tọa của ông đã có vài lần trải nghiệm về chuyện tử vong của con người. “Con chuột hamster của bọn tớ bị mèo ăn.” “Mẹ tớ từng bỏ thuốc độc cho cá.” “Một con mèo của dì tớ bị một người điên bắn chết.” Ông tiếp nhận những thảm kịch thơ ấu này một cách trân trọng trước khi dẫn dắt cuộc thảo luận về hướng làm sao chúng ta đương đầu với cái chết của con người.

Dù mới 13 tuổi, những học sinh này đã quan tâm đến chuyện tương lai. Trong số các bậc phụ huynh, có những người là kế toán, rồi một nha sĩ, một nhà sản xuất phim, chủ một công ty marketing, một số nhà quản lý của Thành phố và một sếp cảnh sát. Và bọn trẻ rất tham vọng. Chúng muốn trở thành diễn viên, luật sư, kiến trúc sư, phi công. Nhưng đường hướng của chúng chẳng là gì khi so với vài em trong số các học sinh bậc Sáu (tạm dịch, tương đương hai năm cuối của bậc trung học). Trường có khoảng 50 học sinh nội trú, dẫu vậy việc nội trú không đem lại tiền bạc. Hiệu trưởng tin rằng việc này phải tiếp tục thực hiện vì đó là “một phần quan trọng trong cuộc sống nhà trường. Nó sẽ giúp mọi người nhìn ra bên ngoài.”

Hầu hết học sinh nội trú bậc Sáu là du học và các em có hai người mỗi năm tới từ Ucraina nhờ học bổng của trường. Một trong số này, Inna Ishchenko, 16 tuổi, bảo tôi rằng em học “trong suốt thời gian rảnh. Bọn cháu có khoảng hai tiếng ôn tập mỗi tối. Như thế không đủ.” Dù vậy, cô bé đã đạt điểm B trong 4 môn cấp A – lịch sử, chính trị, kịch nghệ và kinh tế. Một kết quả đặc biệt từ một học sinh mà tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai.

Trong môn tiếng Đức, khi nhận thấy mình đã giở nhầm trang và cố gắng tìm cách trả lời câu hỏi không yêu cầu, tôi kết luận đi học là công việc mệt nhọc biết bao. Việc thay đổi đều đặn các môn, rồi di chuyển giữa các lớp học làm chân bạnẩm sì, đã khiến tôi kiệt sức. Bọn trẻ bảo tôi là bài tập về nhà trong tuần sẽ nhẹ nhàng thôi. Dù vậy, tôi cũng vội vã làm lấy bài của mình vào giờ nghỉ và vào đầu giờ học vì tôi không thể nào xử lý được vào buổi tối. Riên môn Toán, tôi xoay xở với sự giúp đỡ của Ronnie và những đứa khác. Thật kinh ngạc là bạn có thể khôi phục nhanh đến thế những kỹ năng tồn tại từ thời đi học của mình.

Khi cô Charlesworth cho tôi một điểm ‘A’, tôi không tiết lộ rằng không phải tôi đã làm tất cả. Tôi đến xấu hổ trong môn Cổ điển khi tôi sản xuất ra những bài ghi chép nguệch ngoạc từ The Odyssey và nhận thấy mọi đứa trẻ đều nộp những trang giấy chữ nghĩa đánh máy ngay ngắn, được hoàn thành với cả những bức ảnh scan thêm.

Richard, cậu bé đã hỏi tôi về học phí, giới thiệu với tôi một bản báo cáo dài về Chigwell. Cậu ta mô tả ngôi trường “như là nhà” và ca ngợi khía cạnh học thuật và xã hội của nó. “Tuy nhiên, có đôi khóa học không thành công và đó là cuộc sống nơi trường học. Chúng bao gồm những bữa ăn trưa nhạt nhẽo, hồ bơi lạnh cóng đầy lá mục và sâu bọ, rồi hàng tấn bài tập về nhà.” Cậu ta đánh giá trường loại A-/B+. Điều này gây nên sự phẫn nộ của vài bạn học, chúng quả quyết “phải được điểm A cộng”.

Chúng tôi xếp hàng trong mưa đợi Nữ bá tước xứ Wessex. Các giáo viên mặc lễ phục, cầm ô che nhưng bọn trẻ vẫn bị ướt. Bá tước tự lái xe đến, hơi muộn một chút. Bà nhảy xuống vẻ nhiệt thành để nói gì đó với vài đứa trẻ, rồi đi vào trong trung tâm kịch nghệ, đám trẻ con chạy loạn xạ, la hét, nhìn qua những ô cửa về phía bà ấy.

Tuy nhiên không phải đứa nào cũng thấy ấn tượng. Khi bọn con trai được thụ tinh trong ống nghiệm này cực nhọc ra về nghỉ cuối tuần, một đứa nhận xét: “Tớ không thể tin là một thành viên Hoàng gia lại chỉ lái một con Rover. Tớ cứ tưởng ít nhất phải là một con Jaguar XJ chứ.”

Tôi ráng sức lê về nhà. Trong cuộc đời làm việc của mình, tôi đã có một số kinh nghiệm mệt nhoài như theo đuổi những vị chủ tịch nghiện việc trong chiến dịch tranh cử, đưa tin về bầu cử ở Anh, theo dõi những câu chuyện ở phần còn lại của thế giới. Nhưng một tuần ở một trường học thật sự mệt nhoài như bất cứ vụ nào ở trên. Chúng ta có thể nhìn về những ngày đi học của mình như những khoảng thời gian hạnh phúc nhất đời. Nhưng thực tế việc là một học trò hóa ra là công việc rất, rất khó nhọc. Vui, nhưng mệt. Nếu bạn đang vật lộn với bọn trẻ của bạn tối nay để bắt chúng ra khỏi sofa mà ngồi vào bàn làm bài, bạn sẽ nhận được sự thông cảm của tôi. Nhưng tôi chắc chắn ở vào phe bọn nhỏ.

THỨ BẢY

Vào buổi sáng, trường đông nghịt bọn trẻ tham dự một buổi biểu diễn nhạc và các sân bóng đá đều kín chỗ. Tôi xem trận đấu giữa đội của Ronnie với đội láng giềng Brentwood, hai đội hòa 1-1.

Vài phụ huynh đứng ở đường biên ca cẩm về việc bọn trẻ về nhà ướt sũng sau khi đợi Nữ bá tước Wessex, nhưng chủ yếu họ tuôn ra về nhà trường. Nằm ngả người trên ngọn đồi này, nhìn về phía những ngọn tháp của thành phố ở đằng xa trong khi con cái của họ đang đá bóng trên một trong những sân bóng trường học tốt nhất nước, thật dễ hiểu vì sao họ cảm thấy hài lòng với những lợi điểm của họ như vậy.

Sau trận đấu, họ ăn bánh xăng-đuých và uống cà phê trong khi bọn nhỏ ăn xúc xích và khoai tây chiên. Một ông bố hỏi, “Vậy anh sẽ gửi con anh ở đây chứ?” Tôi trả lời rằng trong một buổi sáng như thế này thì chẳng thấy thứ gì để bảo không muốn. Anh ta nói, “Không có gì, nhưng học phí lại là chuyện khác.”

(Box) ĐỨNG TRONG TỐP ĐẦU

Chigwell là một trường học liên kết giáo dục tuyển sinh với khoảng 700 học trò từ 7 đến 18 tuổi, phân thành trường tiểu học và trung học, trong đó có 180 em ở bậc Sáu.

Học trò được tuyển sinh qua một bài thi viết cơ bản và phỏng vấn, cuộc cạnh tranh thật khốc liệt: năm ứng viên cho mỗi suất. Hầu hết đều là học sinh bán trú, học phí từ 2290 đến 3523 bảng một năm, tùy theo lứa tuổi. Có khoảng 40 học sinh nội trú, hầu hết là học sinh bậc Sáu từ nước ngoài.


Có 66 giáo viên và 10 trợ giảng.

Trên xếp hạng của tờ Sunday Times, trường xếp thứ 215 trong 500 trường độc lập hàng đầu. Nó đạt mức 71,2% điểm A/B ở cấp A và 53% điểm A cộng /A ở chứng chỉ đại cương về giáo dục trung học (GCSE).

Một bản báo cáo của Hội đồng Trường học Độc lập năm nay cho biết các kết quả học thuật đạt được của nhà trường là “đáng ghi nhận, và đặc biệt là ở bậc Sáu. Chigwell đóng góp rất tốt cho sự phát triển cá nhân của học sinh, không chỉ thông qua sự chăm sóc trí dục.” Các giáo viên là những người “làm việc chăm chỉ, tận tâm và sâu sát và kỹ năng giảng dạy tốt”. Các học sinh “có trách nhiệm với thái độ và ứng xử gương mẫu và những đóng góp trong việc học tập rất tốt, ngay cả khi việc tự học và sử dụng công nghệ thông tin liên lạc được khuyến khích.

N.T.Q dịch

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm